Vinh trong những ngày tiêu thổ kháng chiến

19/12/2013 17:26

(Baonghean) - Ngay sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị quân sự lần thứ Nhất có chủ trương “tiêu thổ triệt để ở Hà Nội và Vinh để nêu cao tinh thần quyết chiến của nhân dân ta”. Hưởng ứng chủ trương đó, với tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, một lòng cho cách mạng, người dân thành phố Vinh đã không ngại hi sinh nhà cửa, tài sản, ruộng vườn…

Cho đến trước thời kỳ thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” Vinh là một đô thị lớn của vùng Trung kỳ với ba trung tâm lớn là Trường Thi – Bến Thủy – Thị xã Vinh. Có thể thấy rõ điều đó qua những bức ảnh xưa hiện nay vẫn còn lưu giữ được, đó là Vinh của những kiến trúc văn hóa cổ với chùa Diệc và cổng tam quan uy nghi, là đền Võ miếu, là Thành cổ Vinh, là văn miếu thờ đức Khổng Tử và các học trò. Vinh cũng từng là một đô thị công nghiệp và thương mại lớn với Nhà máy xe lửa Trường Thi, chợ Vinh, ga Vinh, cầu cửa Tiền tấp nập bán mua. Vinh còn là đô thị với rất nhiều công trình hiện đại mang dáng dấp của kiến trúc Pháp như tòa án, dinh công sứ và những ngôi biệt thự cổ.

Hồi ký của bà Thanh An, một trong những người đã sống ở Vinh thời kỳ ấy, còn ghi lại rất rõ: Vinh có nhiều con phố lớn. Phố chính (đường Quang Trung ngày nay) còn gọi là phố Marechal Foch có nhà ga lớn, chạy dọc theo phố này có nhà số 132 là nhà cụ Hàn Binh, song thân của các liệt sỹ cách mạng Minh Khai, Quang Thái. Cạnh đấy có hiệu R.O chuyên bán thuốc phiện, cửa hàng bán đồ thêu, hiệu ảnh Vượng. Đối diện là sở cảnh sát, rồi Khách sạn Hotel dela gare.

Một trong những ngôi biệt thự đẹp nhất thành phố là biệt thự của chị Kỳ Nam, thường gọi là bà Hoàng Lào, vợ ông Xuphanuvong nằm đối diện với trường quốc học. Giáp lưng trường là Trường Tiểu học Nam Cao Xuân Dục. Qua đường là nhà băng đồ sộ chiếm cả một dãy phố. Khu phố chợ Vinh là khu phố buôn bán sầm uất với các hiệu vải người Ấn, hiệu vải lụa Tây đen, hiệu bách hóa, bánh kẹo người Tàu, lớn nhất có hiệu Nhị Thiện đường. Hiệu ảnh Trần Đình Quán, nhà in Vương Đình Châu, hiệu nước mắm bà Phán Hấp nằm phía bên dãy số lẻ đường Marechal Foch, đây còn là trụ sở làm việc của chính quyền Pháp mà dân vẫn hay gọi là sở “Travoux pulic”…

Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng bà Tôn Nữ Thị Cúc (phường Trường Thi) vẫn chưa quên được những ngày còn nhỏ được sống ở Vinh. Lần dở cho tôi xem lại những bức ảnh của gia đình mình trước kia, những bức ảnh chỉ nhỏ như một con tem nhưng cho thấy sự vương giả của một gia đình trung lưu ngày đó. Đó là hình ảnh của bà, một cô nữ sinh của Trường Trung học Thuận An mặc áo dài trắng, tóc kẹp lệch một bên. Là hình ảnh của mẹ bà, một phụ nữ đài các, đeo kiềng vàng, chân đi dày nhung đen, là ảnh của chị bà, em bà ngày còn nhỏ xúng xính trong bộ đồ tây phục, đầu đội mũ bê rê, mặc váy đầm… Ký ức ngày xưa còn là những ngày được ngồi sau xe của bố, một thầy giáo dạy ở Trường Cao Xuân Dục chở đi khắp thị xã để xem phố phường, thích nhất là mỗi lần được ra rạp Majestic để xem chiếu bóng. Bà vẫn còn nhớ sau cách mạng Tháng 8, dù rất khó khăn nhưng lòng dân phấn chấn lắm: “Thời đó, ra đường người ta không chào nhau thông thường mà gặp nhau là lại giơ bàn tay nắm chặt lên như biểu tượng của tầng lớp công nông binh”.

Cuộc sống bình yên chưa được bao lâu thì đến cuối năm 1946 thực dân Pháp quay trở lại với âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”, và Hà Nội, Vinh là một trong hai trọng điểm của chúng. Nếu để mất Vinh vào tay thực dân Pháp, chúng ta sẽ mất một địa bàn chiến lược quan trọng, vì từ Vinh quân Pháp có thể dùng làm bàn đạp mở rộng chiến tranh ra cả tỉnh và cả vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh. Nhưng, trước sức mạnh của thực dân Pháp, khả năng giữ được Vinh là rất khó khăn, phải hi sinh Vinh, không để Vinh rơi vào tay Pháp một cách nguyên vẹn…Với ý chí này nên ngay sau khi lệnh “tiêu thổ triệt để Hà Nội và Vinh” được đưa ra, nhân dân Vinh một lòng hưởng ứng.

Dân quân khu phố 1 chiến đấu bảo vệ TP. Vinh.
Dân quân khu phố 1 chiến đấu bảo vệ TP. Vinh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thị xã Vinh với nhiều công trình kiên cố được xây dựng từ sau năm 1989 (khi vua Thành Thái ra Đạo dụ thành lập thị xã Vinh) như Nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy điện, xí nghiệp sửa chữa ô tô, các cửa hiệu đã bị san phẳng… Nhắc lại ngày đó, bà Tôn Nữ Thị Cúc trầm ngâm: “Gia đình tôi thời bấy giờ được xem là gia đình có của ăn của để, trong đó nổi bật nhất là chuỗi khách sạn Vinh delagare và một cơ ngơi hàng nghìn mét vuông gồm biệt thự và dãy nhà gỗ năm gian ở khu vực nhà A3, Quang Trung hiện nay… Tài sản một đời tích góp đó, chỉ trong một ngày rưỡi đã bị xóa sạch. Cả nhà tôi hơn mười người kéo nhau lên vùng Hưng Thắng (Hưng Nguyên) thực hiện lệnh di tản”.

Gia đình chủ xưởng ô tô Minh Tâm sau cách mạng Tháng 8, vừa xây xong ngôi nhà ba tầng khang trang, chưa kịp khánh thành thì lệnh tiêu thổ kháng chiến đưa ra, cả khu phố nhà giàu nổi tiếng đã bị xóa sạch cùng với các cửa hiệu buôn bán lớn như Ký Hai, Hàn Phượng, Bảo Nguyên, Vĩnh Hưng Tường… Kết hợp với tiêu thổ, công tác bố phòng, chuẩn bị lực lượng kháng chiến cũng được đẩy mạnh. Để ngăn cản sự đột kích và lợi thế cơ động bằng xe cơ giới của thực dân Pháp, quân dân thị xã chủ trương phá hoại các tuyến đường giao thông, mục đích không cho xe cơ giới hoạt động. Ngoài ra, hàng nghìn mét đường sắt, hàng chục phương tiện ô tô, đầu máy xe lửa cũng bị dỡ bỏ, ném xuống sông để ngăn cản tàu thuyền của địch hoạt động. Trong thị xã một loạt hầm hào giao thông cũng được đào ngang xẻ dọc, các chiến lũy được dựng lên, chỉ một đoạn ngắn từ Thị xã Vinh đến Bến Thủy đã được đắp thành 31 ụ lớn…

Qua 5 tháng thực hiện tiêu thổ kháng chiến, công nhân Vinh – Bến Thủy đã đóng góp được 45.7000 ngày công, phá dỡ được 1.335 ngôi nhà, trong đó có 31 nhà cao tầng, 300 toa xe lửa và 12 đầu máy. Có 9 cán bộ và người dân bị thương, 2 chiến sỹ vệ quốc quân hi sinh. Theo chỉ đạo những trụ sở, nhà máy cơ quan chính chuyển lên vùng Đô Lương, Thanh Chương, Nghĩa Đàn; người dân hoặc là tản cư về các vùng nông thôn hoặc là những vùng có anh em mình để sinh sống. Điều đặc biệt là, nhờ có sự du nhập của người dân thành thị nên đã tác động rất nhiều đến nhận thức, tư duy và lối sống của bà con vùng nông thôn. Họ biết sống văn minh hơn, ăn ở hợp vệ sinh hơn, biết đến các sinh hoạt tập thể.

Đặc biệt, nhờ mỗi thôn làng đều có ít nhất một vài gia đình từ thành phố xuống nên các lớp học bình dân, xóa mù chữ được phát triển rộng khắp. Thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, Nghệ An đã xóa được nạn mù chữ… Cũng từ những nhân tố này đã xây dựng lên mô hình “Trại lúa vàng” – mô hình sản xuất tập thể đầu tiên của thanh niên Nghệ An ở Triều Dương (Anh Sơn), mô hình “Quán quân nhân” do Hội Phụ nữ cứu quốc thị xã thành lập dọc theo tuyến đường 1 qua Quỳnh Lưu để giúp đỡ bộ đội, cán bộ trên đường hành quân hay công tác…

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế, bước đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nhân dân thị xã Vinh lại trở về xây dựng lại quê hương. Dưới sự chỉ đạo của Ban phục hồi thị xã, nhân dân nhanh chóng sắp xếp, ổn định cuộc sống, nhiều xí nghiệp mới đã được mọc lên, nhiều cửa hàng cũng đã được mở…

Đồng chí Đỗ Mười đặt viên gạch xây dựng lại TP. Vinh ngày 1/5/1974. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Đỗ Mười đặt viên gạch xây dựng lại TP. Vinh ngày 1/5/1974. Ảnh: Tư liệu

Đi trên Thành phố Vinh thênh thang hôm nay, hoài tưởng về những ngày xưa lại càng thấy tự hào hơn, yêu hơn thành phố mình. Thành phố mà lớp lớp thế hệ những người đi trước đã không ngại hi sinh tài sản, xương máu và cả tính mạng để bảo vệ, vun đắp và xây dựng…

Mỹ Hà