Bệnh sởi và cách chăm sóc

19/02/2014 14:48

(Baonghean) - Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virút gây ra và dễ bùng phát thành dịch, rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhũ nhi vì sức đề kháng của trẻ còn yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tháng 2 là thời điểm bệnh này bùng phát nhiều nhất. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, nên khả năng lây lan nhanh. Bệnh sởi có thể phòng tránh được bằng cách đưa trẻ đi tiêm phòng.

Nhận biết nguyên nhân và triệu chứng.

TIN LIÊN QUAN

Tác nhân gây bệnh sởi là vi rút thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Khi bị nhiễm sởi, sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 7 ngày – 2 tuần, bệnh nhân thường có những triệu chứng thường gặp sau đây:

- Lúc mới khởi bệnh trẻ thường bị sốt cao, khi dấu hiệu sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát ban đặc trưng của sởi.

- Ban sởi rất đặc trưng: lúc đầu ban nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Trẻ bị mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt, đôi khi trẻ bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đường tiêu hóa.

Những biến chứng thường gặp

- Biến chứng thường gặp nhất là viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 trẻ bị nhiễm sởi.

- Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.

- Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1000 người mắc bệnh sởi.

- Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.

- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.

- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sẩy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

Chăm sóc trẻ nhiễm sởi đúng cách

Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ không bị bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ không bị bệnh.

- Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.

- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.

- Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

- Trong trường hợp đã có tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Tuy nhiên, đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và ít phổ biến.

- Ngoài ra, một phương pháp phòng ngừa vô cùng hiệu quả và an toàn là sử dụng vắc xin để tiêm phòng cho trẻ.

Từ Thành (tổng hợp)