Hành trình Tết ấm cho người nghèo
(Baonghean) - Khi bắt đầu đặt bút viết bài này bất chợt tôi nhớ đến câu nói của Đi-đơ-rô - một nhà tư tưởng Pháp, rằng: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho người khác”. Quả thực trong chuyến hành trình cuối năm đến với đồng bào nghèo miền tây xứ Nghệ chúng tôi thực sự thấy ấm áp hơn bởi có những nỗi nhọc nhằn được chia đôi và niềm vui được nhân lên bội phần. Đó là hành trình Tết ấm cho người nghèo do Báo Nghệ An và Công ty Thủy điện Bản Vẽ phối phợp thực hiện.
Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu vào một sáng trung tuần tháng 1 năm 2014, khi những đợt gió mùa đông bắc không ngừng thổi mang theo cái hanh heo, giá rét của ngày cuối năm âm lịch. Khi chúng tôi đến trụ sở UBND xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), nhiều người dân đã có mặt từ trước. Có những người chỉ khoác một manh áo mỏng co ro trong gió lạnh. Cũng có những gương mặt hốc hác lặng yên đứng nép sau khóm cây như vừa ái ngại vừa đợi gọi đến tên mình. Run run cầm trên tay túi quà chúc tết của Báo Nghệ An và Công ty Thủy điện Bản Vẽ, cụ bà Lô Thị Pổn, người bản Noọng, xã Kim Tiến (Tương Dương) chuyển về vùng tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), không dấu được niềm xúc động: “81 tuổi rồi, vui mừng phấn khởi lắm. Già rồi không biết nói chi. Cảm ơn nhà báo và thủy điện năm nào cũng nhớ cho quà…”.
Lãnh đạo Báo Nghệ An chia sẻ khó khăn với 2 chị em Huyền - Ly. |
Xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương có 1375 hộ, 5786 nhân khẩu và 100% đồng bào dân tộc Thái di chuyển đến nơi ở mới thuộc Dự án tái định cư của Công trình Thủy điện Bản Vẽ. Đã gần 7 năm chuyển về nơi định cư mới, song cuộc sống của người dân vẫn còn vô vàn khó khăn. Nói như cụ bà Lương Thị Dung thì trước đây ở quê cũ cũng nghèo đói nhưng hằng ngày vẫn tìm thấy cái măng, cái quả trên rừng núi. “Về đây muốn không đói bụng thì làm chi cũng phải có kỹ thuật do cán bộ hướng dẫn. Khó lắm!”. Thay đổi môi trường sống là thay đổi cả thói quen, tập quán sinh hoạt, sản xuất và phương thức lao động của cả một cộng đồng. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể thông cảm, chia sẻ với những thiếu thốn khó khăn của người dân.
Trong buổi gặp gỡ, trao quà tết cho các gia đình đặc biệt khó khăn của xã Ngọc Lâm, ông Nguyễn Quốc Toản – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã nói rằng, vì dòng điện của Tổ quốc nên bà con đã chấp nhận di chuyển đến vùng tái định cư, Công ty Thủy điện Bản Vẽ không bao giờ quên sự hy sinh đó. Đến với người nghèo, san sẻ khó khăn với đồng bào vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của những người đang quản lý, vận hành công trình thủy điện lớn nhất trên quê hương xứ Nghệ. Trên tinh thần đó, năm nay Báo Nghệ An giữ vai trò là nhịp cầu nối để nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ bà con nghèo đón tết. Tại xã Ngọc Lâm, đoàn đã trực tiếp trao 70 suất quà cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó động viên bà con vui đón tết cổ truyền của dân tộc.
Trong tiết trời lạnh cuối năm, buổi gặp gỡ với người dân nghèo Ngọc Lâm dường như trở nên ấm áp hơn bởi những lời tâm sự của ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã: “Vẫn còn một số bà con tư tưởng chưa thông suốt, một số người vẫn còn muốn trở lại vùng lòng hồ bản Vẽ. Nhưng bà con thử nghĩ mà coi, chúng ta đã sống hằng trăm năm trên vùng rừng núi mà vẫn chưa thoát khỏi cái đói nghèo, tụt hậu. Nên bà con cũng đừng vội nóng cái bụng khi ta mới đến Ngọc Lâm được sáu, bảy năm. Huống hồ người già giờ đây đã có trạm y tế chăm sóc sức khỏe. Con nít được học hành đến nơi đến chốn. Đường giao thông thuận lợi đến từng nhà. Càng được Đảng, Nhà nước và các ngành động viên hỗ trợ ta càng cảm ơn và cố gắng nhiều. Sẽ không nghèo mãi được...”. Quả vậy, tết này đã có hai hộ dân từ bỏ vùng lòng hồ bản Vẽ để trở về nơi tái định cư ở xã Ngọc Lâm.
Cũng như xã Ngọc Lâm, 100% hộ dân ở xã Thanh Sơn là đồng bào dân tộc Thái thuộc 2 xã Kim Đa và Hữu Dương (Tương Dương) di chuyển đến nơi ở mới theo dự án tái định cư của Công trình Thủy điện Bản Vẽ. Sau gần 7 năm chuyển về vùng đất mới cư trú, 1148 hộ dân dù phải thay đổi tập quán sinh hoạt, cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng điều đáng ghi nhận nhất theo ông Vi Thành Viên – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn là không có hộ dân nào bỏ về nơi định cư cũ. Vậy nên 80 suất quà mà Công ty Thủy điện Bản Vẽ trao cho các hộ nghèo của xã có ý nghĩa là nguồn động viên, khích lệ để bà con thêm động lực vươn lên xóa đói giảm nghèo trên vùng đất mới.
Theo Quốc lộ 7A, chúng tôi ngược lên vùng lòng hồ bản Vẽ để đến với những hộ nghèo ở các xã Yên Na, Xiêng My, huyện Tương Dương. Nhà văn hóa bản Cò Phào, xã Yên Na nằm trên đồi dốc. Chị Lương Thị Mai Hương – Trưởng bản đón chúng tôi với nụ cười thân thiện, trên tay cầm bản danh sách 20 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà tết trong dịp này. “Nói thật với các anh chị, bản có hơn 60 hộ thì đã có đến 29 hộ nghèo, phải cân nhắc mãi mới lựa chọn được.” – Nói rồi, nữ Trưởng bản nhanh nhẹn đọc từng người theo danh sách đến nhận quà. Dù đã ôm trên tay bao gạo và túi quà tết vừa nhận, nhưng cụ ông Lương Văn Hoa vẫn nán lại, mắt không rời tờ báo Nghệ An số Tết Giáp Ngọ. Khi được tặng thêm những ấn phẩm mới nhất của Báo Nghệ An vẫn còn thơm mùi mực in, ông móm mém cười: “Hơn 80 rồi. Vẫn đọc được. Báo tốt.” Qua tìm hiểu được biết, gia đình cụ ông Lương Văn Hoa thuộc diện khó khăn nhất bản Cò Phào, vợ cụ bị tai biến nằm liệt một chỗ gần 3 năm nay, con trai thì đau ốm nên gia đình chỉ lần hồi rau cháo.
Trong hành trình thực hiện chương trình tết ấm cho người nghèo trên thượng nguồn sông Cả, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đời lam lũ, thiếu thốn. Năm cũ dần qua và năm mới đang đến rất gần, nhưng để có thêm một lưng cơm cho trẻ nhỏ trong những ngày đại hàn cuối năm với những gia đình nghèo cũng là cả vấn đề. Chính vì vậy, dăm kg gạo, túi bánh, gói bột ngọt, dầu ăn, mứt tết tặng mỗi hộ gia đình khó khăn trước ngày giáp Tết có thể chưa nhiều song đã phần nào đem đến niềm vui cho bà con khi mùa Xuân đã cận kề. Ông Lô Xuân Tình - Chủ tịch UBND xã Xiêng My (Tương Dương) rất hồ hởi và thật bụng khi nói rằng, thời gian qua Báo Nghệ An đã giúp xã Xiêng My được rất nhiều. Không thể nói hết những tình cảm, lòng biết ơn của bà con nhân dân xã dành cho Báo. “Chỉ cách đây chưa đầy 20 ngày, Báo đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở Hà Nội tặng 300 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng (tổng số tiền 150 triệu đồng) cho hộ nghèo trong xã, nay Báo Nghệ An lại lên trực tiếp trao 10 suất quà nữa cho dân bản. Không nói hết cái vui nhưng cũng biết rằng phải tìm cách để bà con không đói, cái nhà phải kín gió che được nắng buổi sớm, mưa buổi chiều”.
Niềm vui của chúng tôi không chỉ đến từ việc 200 suất quà đã được trao đến tận tay những người cần nó. Hơn thế, tại bản Phảy, xã Xiêng My, chúng tôi còn được chứng kiến đại diện lãnh đạo Báo Nghệ An bàn giao hai con bò giống cho hộ nghèo sau khi tách đàn. Theo QĐ của UBND tỉnh, Báo Nghệ An được UBND tỉnh phân công hỗ trợ xã Xiêng My. Cùng với nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thiết thực về cả vật chất và tinh thần, cuối năm 2011, Báo Nghệ An hỗ trợ xã 4 con bò giống cho hộ nghèo. Trong số 4 hộ dân được nhận bò, anh Lô Văn Pá ở bản Phảy được xem là người mát tay hơn cả. Nhờ chăn nuôi tốt, bò giống do anh Pá chăm sóc đã sinh bê được 9 tháng. Đến nay bò mẹ tiếp tục được chuyển cho gia đình anh Vi Văn Sơn cũng là hộ nghèo ở bản Phảy nuôi. Điều đáng mừng là bò mẹ giống nói trên sẽ tiếp tục sinh bê lần thứ 2 trong tháng Tư sắp tới.
Khi chuẩn bị dắt bò mẹ ra khỏi chuồng để bàn giao cho người nuôi mới, anh Lô Văn Pá rưng rưng, tay không thôi xoa vuốt trên lưng con bò giống sắp tới ngày sinh: “Hay là cho Pá để lại nuôi”. Trong không gian hẹp bên sườn đồi, chúng tôi nhìn thấy ánh mắt của Pá tiếc nhớ khi con bò mẹ hàng ngày vợ chồng anh chăm bẵm, sưởi ấm, nay được dẫn rời chuồng, bỏ lại gộc cây lớn đang cháy dở trong buổi chiều rét mướt. Tự dưng mọi người không còn ồn ào. Duy chỉ có Vi Văn Sơn, người tiếp theo nhận nuôi bò giống là mừng ra mặt, anh đến vỗ nhẹ vào vai Lô Văn Pá và động viên người hàng xóm: “Yên tâm. Nhà báo Nghệ An cũng đã giúp tui tiền làm chuồng, củi đã đốt ấm lên rồi. Không phải lo mô, tui sẽ chăm bò tốt để nó tiếp tục sinh sản”.
Cũng trong dịp này, tại bản Chà Hìa, xã Xiêng My, hộ ông Lô Văn Áng sẽ nhận nuôi bò mẹ sau khi tách lại bê con cho gia đình ông Lô Văn Páy. Với mô hình tặng bò cho hộ nghèo của Báo Nghệ An, từ 4 con bò giống đầu tiên đến nay đã tăng lên 6 con và sẽ tiếp tục tăng 2 con trong năm 2014 này. “Phải biết người nghèo cần gì và hỗ trợ gì. Chúng ta giúp bà con cái “cần câu” nhưng cũng phải hướng dẫn bà con cách đưa “con cá” lên bờ.” – lãnh đạo của Báo Nghệ An đã nói như vậy khi chúng tôi trở về xuôi sau một ngày đầy đặn với niềm hạnh phúc nhỏ trên vùng rừng núi miền Tây.
Ngày thứ 2 của cuộc hành trình chúng tôi xuôi về Thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn). Tại khối 1B, ngôi nhà của 2 chị em gái Đặng Thị Huyền và Đặng Thị Khánh Ly nằm khiêm nhường, lặng lẽ sau những tán cây đang vào mùa rụng lá. Mới 12 tuổi, nhưng trong suy nghĩ thơ dại của người em gái lên 5, Huyền vừa sắm vai bố, vừa là mẹ trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ chập chờn chắp vá của em. Năm 2010, anh Đặng Văn Kiều - bố của Huyền và Ly lâm bệnh rồi mất, tiếp đến năm 2013, chị Trần Thị Hoa - mẹ của 2 em cũng qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Hai đứa trẻ non dại đến bữa cơm cũng chưa biết cầm thẳng đũa đã phải trải qua những đêm, những ngày co ro, trống trải. Từ khi mẹ mất, hai chị em Huyền và Ly sống nương nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của dì dượng và bà con lối xóm. Ngặt nỗi nhà dì dượng ở cách xa và cũng như những người thân nội ngoại khác của hai chị em họ đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đôi mắt to với hàng mi dày của Đặng Thị Huyền ẩn chứa biết bao nỗi sắt se không thể định hình về vô vàn những gian truân đang đợi em ở phía trước. Nhưng điều mà Huyền biết rõ ràng nhất là sẽ không bao giờ hai chị em còn được ôm ấp trong vòng tay của mẹ, được nghe mẹ nghẹn ngào gọi tên từng đứa trước giờ lâm chung.
Hoàn cảnh thương tâm, những mất mát của hai chị em Đặng Thị Huyền và Đặng Thị Khánh Ly đã được Báo Nghệ An thông tin đến bạn đọc trong một số bài báo trước đây. Và lần này, trước thềm năm mới, để chia sẻ với những thiệt thòi, thiếu thốn của các em, Báo Nghệ An đã tặng 2 suất quà trị giá 2 triệu đồng giúp các em yên tâm đón Tết. Sự đồng cảm của những người làm công tác tuyên truyền đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Thông qua Báo Nghệ An, một doanh nghiệp ở Hà Nội đã chuyển đến hỗ trợ 2 chị em số tiền 2 triệu đồng để các em có một cái Tết đỡ cô quạnh. Cũng trong dịp này, UB MTTQ Thị trấn Anh Sơn đã trích 5 triệu đồng; Hội Khuyến học Thị trấn Anh Sơn hỗ trợ 600 nghìn đồng, Hội Cựu giáo chức hỗ trợ 300 nghìn đồng. Đây thực sự là những tấm lòng thơm thảo có ý nghĩa chia sẻ, động viên những mảnh đời khốn khó, giúp các em có thêm nghị lực, từng bước vượt qua nỗi đau số phận vì một ngày mai tươi sáng.
Trong hành trình đến với người nghèo vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã trải qua nhiều thang bậc cảm xúc khác nhau. Vẫn còn đó những day dứt khó nói thành lời. Người nghèo cần lắm những sự sẻ chia như vậy.
Bài, ảnh: Đào tuấn