Ấm tình Cắm Muộn

09/09/2013 21:09

Tôi cứ day dứt mãi về những giọt nước mắt ấy. Giọt nước mắt dồn nén của thầy hiệu trưởng ở nơi rừng núi thâm sâu, trước những gào thét của gió núi, mưa ngàn. Tiếng nấc nghẹn ngào trong ngày đầu tiên của năm học mới không phải vì những tủi cực thầy đã trải qua mà là hạnh phúc bởi những nhọc nhằn được sẻ chia.

(Baonghean) - Tôi cứ day dứt mãi về những giọt nước mắt ấy. Giọt nước mắt dồn nén của thầy hiệu trưởng ở nơi rừng núi thâm sâu, trước những gào thét của gió núi, mưa ngàn. Tiếng nấc nghẹn ngào trong ngày đầu tiên của năm học mới không phải vì những tủi cực thầy đã trải qua mà là hạnh phúc bởi những nhọc nhằn được sẻ chia.

Buổi sáng ngày 5/9, ngày tựu trường thiêng liêng của học sinh, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Báo Nghệ An và Sở GD- ĐT ngược nguồn lên vùng cao Quế Phong. Trên đường từ Thị trấn Kim Sơn vào xã Cắm Muộn, trời mưa xối xả, rừng núi như giăng màn.

Bắt đầu từ ngã 3 Châu Thôn (một hướng ngược lên xã Quang Phong, một hướng rẽ vào Cắm Muộn, hướng còn lại xuôi về trung tâm) chiếc xe 7 chỗ chốc chốc lại nhảy chồm lên và liên tục trầy, trượt 2 lốp sau trên con lộ cong như lưng trâu và trơn như láng mỡ. Đã thế xe lại trườn trên sườn núi. Có đoạn đường đi là một vũng sâu bùn quánh như bột quết. Trên xe, ai cũng lo lắng. Riêng bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT không thôi áy náy: “Tình hình này không biết có kịp vào Cắm Muộn để đến bản Huồi Máy không?”.

Chuyến đi tặng quà giáo viên, học sinh khu vực đặc biệt khó khăn sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa nếu không được tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở, môi trường học tập của thầy và trò nơi đây. Đất trời như cũng thấu hiểu được lòng người, sau cơn mưa ào ạt, bỗng dưng trời tạnh ráo. 11 giờ trưa, xe dừng bên cầu Cắm Muộn, mọi người được các thầy giáo và một số cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng bản chở tăng bo bằng xe máy vào bản Cắm Nọc, nơi Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đứng chân.

Khi đến nơi hội quân thì đã thấy xe ô tô của Báo Nghệ An chở đoàn cán bộ Báo đi cùng đã chờ sẵn. Chẳng hiểu đi đường nào mà nhanh thế. Quà tặng cũng đã được chuyển xuống từ xe tải đưa vào trường. Ông Đậu Văn Thành - Phó Chánh Văn phòng Báo Nghệ An nhìn mọi người đến sau, chia sẻ: “Khiếp cái đường”. Nhưng ông Lô Văn Vinh – Phó Chủ tịch xã Cắm Muộn cười: “Đã ăn thua chi”.

Sau những cái bắt tay thật nồng ấm, mọi người hội tụ trong gian phòng nhỏ của ngôi trường được đầu tư xây dựng vào năm 2010. Chính tại đây, thầy giáo Nguyễn Thế Cầm – vị hiệu trưởng của ngôi trường có 240 học sinh và 24 giáo viên đã không dấu được nước mắt. Trong tiếng nấc nghẹn ngào vì xúc động, thầy giáo Nguyễn Thế Cầm nói rằng, đây là lần đầu tiên trường được đón một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh lên thăm, được Báo Nghệ An tặng quà đúng vào ngày khai giảng năm học mới. Đó chính là sự thấu hiểu, chia sẻ với các em học sinh và thầy cô giáo về những toan lo, khó nhọc trong công tác giáo dục ở khu vực miền núi đặc biệt khó khăn này.

Với đặc thù: 100% học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, có 2 điểm trường lẻ cách xa trung tâm là Đỏn Phạt và Huồi Máy. Trước mỗi mùa khai giảng, các thầy cô giáo lại tìm đến từng lưng rẫy, vào mỗi gia đình để động viên phụ huynh cho con em đến lớp. Nhưng trên vùng đất từng được coi là “thánh địa” của vàng sa khoáng, nay không có lấy một mảnh vườn, vạt lúa nguyên vẹn. Rồi cả những cơn lũ đi qua khiến cho cái đói ăn, thiếu mặc nóng rát trên tấm lưng trần của trẻ nhỏ. Những ngón chân mỏng manh không đủ mạnh để bấm lên con đường trơn ướt hun hút gió nên chuyện học hành càng khó khăn hơn. Chia sẻ với những vất vả của giáo viên và học sinh thuộc khu vực miền núi khó khăn ở huyện Quế Phong, trong năm học mới này, Báo Nghệ An phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức đi thăm và tặng quà cho một số trường học trên địa bàn. Đó chính là lý do của cuộc hành trình ngay trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Sau khi “hội quân” nhanh và lắng nghe những câu chuyện về dạy và học ở Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, mọi người tiếp tục được chở bằng xe máy để đến bản Na Quỳa. Đợt “tăng bo” này mới thực sự là “khiếp”.



Đường vào Huồi Máy. Ảnh Nam Thu

Những con dốc dựng đứng, sâu hun hút như thử thách lòng kiên gan. Đường đi gồ ghề, lồi lõm, lại bị nước mưa băm dọc thành từng thớ sâu lún cả lốp xe. Những chiếc xe máy với động cơ không thôi gào lên, nghe ghê người. Mỗi khi lên dốc, cả người và xe như chực lật ngửa về phía sau. Khi xuống dốc, lốp không bám nên xe cứ trượt ngang trên đường hẹp với một bên là vách núi lởm chởm đá tai mèo, bên kia là vực hun hút. Mọi người chỉ thể thở phào nhẹ nhõm khi đến bản Na Quỳa. Nhưng chặng đường trước mắt sẽ phải đi bộ gần 3 giờ đồng hồ nữa. Lúc này đã 12 giờ 30, nếu đi chậm, sẽ không ra kịp trước khi trời tối.

Qua bao lần lội khe, vượt dốc rồi chúng tôi cũng tới được bản Huồi Máy. Trên con dốc vào bản, thỉnh thoảng mọi người lại gặp một vài nhóm em nhỏ đi hái ổi rừng, đi lấy măng. Tất cả tóc đều rối bù, lem luốc, gầy guộc. Mỗi khi trông thấy người lạ, các em đứng nem nép một bên khoanh tay trước ngực, cúi đầu: “Con chào cô, con chào thầy”. Với những người chưa một lần đến Huồi Máy, đó là điều bất ngờ.

Điểm trường lẻ ở bản Huồi Máy hiện ra với 2 túp lều tranh tuyềnh toàng. Có hơn 10 em nhỏ đã kịp đến trước. Năm học 2013 – 2014, bản có tổng số 20 học sinh của 5 khối lớp. Tất cả đều thuộc dân tộc Khơ mú. Cũng xin nói thêm: bản Huồi Máy có 40 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu, tỷ lệ đói nghèo, đặc biệt khó khăn chiếm 100%. Bản không có đường sá, không y tế, không điện… Cuộc sống của dân bản chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Mặc dù vậy, nhờ tấm lòng tâm huyết, nhiệt tình vận động của các thầy giáo, các em học sinh đến tuổi đều được đến trường. Đặc biệt, tại đây có 3 giáo viên của Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đã tham gia cắm bản nhiều năm.

Đó là các thầy: Lô Văn Lan, Lô Văn Thanh và Lô Văn Việt. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các thầy hết sức tạm bợ, khó khăn. Có vào đến Huồi Máy mới hiểu nỗi gian nan, vất vả của học sinh và giáo viên nơi đây.

Bà Trương Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đi cùng đoàn vào thăm Huồi Máy nói rằng, ở đây những lúc bố mẹ các em đi rãy dài ngày, các thầy vừa là mẹ, vừa là cha của học sinh. Đau bụng, nhức đầu cũng các thầy, khâu vá quần áo cũng nhờ các thầy làm giúp. Sau khi phóng viên Báo Nghệ An có chuyến tìm hiểu, thâm nhập thực tế và thực hiện bài viết về những gian nan sự học ở Huồi Máy, (bài: Huồi Máy – Cõng nặng lo âu năm học mới, ra thứ tư, ngày 4/9/2013), Ban Biên tập Báo Nghệ An đã quyết định tặng điểm trường Huồi Máy và các em học sinh một số suất quà để động viên giáo viên và học sinh trong năm học mới. Gồm: 1 máy phát điện phục vụ học tập, 2 bảng viết giáo viên; 20 bộ quần áo, giày dép cho học sinh, 20 thùng mỳ tôm và quần áo thể thao cho 2 đội bóng học sinh.

Riêng đối với 3 thầy giáo, Báo Nghệ An hỗ trợ: 3 bộ giường, chiếu, chăn, màn; 3 bộ quần áo ấm, áo sơ mi, 1 bình gas và bếp gas. Khi đón nhận sự quan tâm này, thầy giáo Lô Văn Lan không dấu được xúc động, nói: “Chúng tôi không biết nói sao. Được lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh và đoàn lên thăm là quý lắm rồi. Không biết có ngày được nhận những món quà nhiều ý nghĩa này. Chỉ biết nói lời cảm ơn đối với Sở GD&ĐT, với Báo Nghệ An.”

Chúng tôi đã có gần 1 ngày nhiều trải nghiệm tại Cắm Muộn và Huồi Máy. Trước khi rời Huồi Máy, bà Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - Nguyễn Thị Kim Chi đã nói với mọi người rằng: “Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Quả vậy, công tác giáo dục ở khu vực miền núi không phải là công việc nhẹ nhàng. Ở khu vực miền núi, những ai đã theo đuổi, lựa chọn nghề nghiệp cũng đồng thời đồng hành với những nhọc nhằn, vất vả. Điều này còn được chúng tôi nhìn thấy tại Trường Tiểu học Tiền Phong 2 cũng thuộc huyện Quế Phong.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền Phong 2 cho biết, trường hiện có tổng số 218 em học sinh và phần lớn đều thuộc các hộ nghèo. Trong đó có 24 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là những em hoặc mồ côi cha mẹ, hoặc cha mẹ đang chịu các án phạt tù do vi phạm pháp luật. Những đứa trẻ, đứa lên 10, đứa lên 3 vá víu nuôi nhau. Không có gia đình, các em không nhận được nhiều sự quan tâm. Trường học và các thầy giáo, cô giáo trở thành chỗ dựa để các em được học, được sẻ chia. Năm học mới này, Trường Tiểu học Tiền Phong 2 đón nhận một học sinh đặc biệt.

Đó là em Lô Văn Khải 10 tuổi, ở bản Bon, xã Tiền Phong. Khải sẽ vào học lớp 1 để đánh vần và tập viết các chữ a, b, c. Mồ côi cả bố và mẹ, không người thân thích, nhặt ve chai kiếm sống qua ngày, Lô Văn Khải đã theo về với các thầy giáo cô giáo Trường Tiểu học Tiền Phong 2 trong một đợt xóa mù. Ở trường, Khải sẽ không chỉ tìm thấy bạn bè mà còn được nhà trường nuôi ăn học. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp học sinh mồ côi cha mẹ được Trường Tiểu học Tiền Phong 2 nhận nuôi.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga đã liệt kê một danh sách các em học sinh đã và đang được nhà trường chăm sóc cả việc ăn, việc học và mua sắm quần áo, giày dép. Đó là 2 cặp 3 chị em ruột Đinh Thị Phượng, Đinh Thị Thủy, Đinh Minh Đạt; là Lê Thị Thuận, Lê Văn Hải, Lê Văn Đông. Các trường hợp khác như: Lô Văn Thảo, Lô Văn Thiện, Lô Văn Hòa... Các em đều được nhà trường nuôi từ khi lớp 1 cho đến hết lớp 5, nhiều trường hợp đã tốt nghiệp tiểu học và lên học THCS. Kinh phí để nuôi các học sinh không nơi nương tựa chủ yếu huy động từ sự đóng góp của các thầy cô giáo trong trường và theo như phương pháp của cô Hiệu trưởng là: “Vận dụng, tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ, nếu được”.



Bà Nguyễn Thị Kim Chi – PGĐ Sở GD&ĐT Nghệ An và đại diện Báo Nghệ An thăm học sinh Trường Tiểu học Cắm Muộn 2.



Báo Nghệ An tặng quà tại Trường Tiểu học Tiền Phong 2 - Quế Phong

Để giảm bớt gánh nặng cho nhà trường, năm học mới này Báo Nghệ An cũng đã tặng cho trường và các em học sinh 5 bộ giường, chiếu, chăn, màn, 24 bộ quần áo, giày dép, đồng phục học sinh, 30 thùng mỳ tôm, quần áo thể thao dành cho 3 đội bóng thiếu nhi. Cô giáo Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền Phong 2 nói rằng, đây là những món quà rất thiết thực với các em học sinh đang chịu hoàn cảnh khó khăn. “Thêm một gói mì tôm là các em có thêm một bữa sáng không phải nhịn đói”.

Trong một buổi chiều đầy gió trên núi rừng miền Tây xứ Nghệ, trên đường quốc bộ từ bản Huồi Máy trở lại trung tâm xã Cắm Muộn để trở về xuôi, bà Nguyễn Thị Kim Chi đã bất giác đứng lại lặng nhìn núi đồi thăm thẳm. Dường như vị Phó Giám đốc Sở GD&ĐT muốn ghi lại những hình ảnh của một ngày đầy khó nhọc khi đến với học sinh các bản làng. Vẫn sẽ có những cô giáo, thầy giáo lặng lẽ gieo nước mắt vào lòng khi nghĩ về gia đình và những đứa con không có mẹ cha bên cạnh trong mỗi giấc đêm. Tự dưng tôi nhớ đến câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…” của bài hát “Một rừng cây – một đời người”.


Đào Tuấn