Quản lý tổng hợp đới bờ: Những bài học kinh nghiệm
(Baonghean) - Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) được coi là giải pháp hữu hiệu mà nhiều quốc gia ven biển trên thế giới đã áp dụng nhằm giải quyết những thách thức tại đới bờ, liên quan đến suy thoái môi trường, bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững. Từ những kinh nghiệm quý của các nước, Việt Nam đang tiếp thu có chọn lọc để triển khai và đạt được những kết quả, rút ra những kinh nghiệm bước đầu.
(Baonghean) - Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) được coi là giải pháp hữu hiệu mà nhiều quốc gia ven biển trên thế giới đã áp dụng nhằm giải quyết những thách thức tại đới bờ, liên quan đến suy thoái môi trường, bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững. Từ những kinh nghiệm quý của các nước, Việt Nam đang tiếp thu có chọn lọc để triển khai và đạt được những kết quả, rút ra những kinh nghiệm bước đầu.
Áp dụng QLTHĐB góp phần xóa đói, giảm nghèo. |
Hơn 100 quốc gia áp dụng QLTHĐB
Việc đưa QLTHĐB vào áp dụng ở trên thế giới bắt đầu từ sự kiện thành lập Hội đồng Bảo tồn và Phát triển Vịnh San Francisco (Mỹ) năm 1965. Năm 1972, chính Mỹ cũng là nước đầu tiên ban hành Kế hoạch Quản lý vùng đới bờ - một cột mốc pháp lý quan trọng giúp khuyến khích các địa phương ven biển lập và thực hiện các kế hoạch quản lý vùng đới bờ. Kể từ đó, Mỹ nỗ lực áp dụng QLTHĐB và đến năm 1983, thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID), mô hình quản lý vùng đới bờ của Mỹ đã được ứng dụng ở nhiều nước đang phát triển tại châu Mỹ La tinh và Đông Á (3 nước Ecuado, Sri Lanka và Thái Lan đã được Mỹ hỗ trợ thực hiện thí điểm). Đến thời điểm này, việc áp dụng QLTHĐB ngày càng tăng nhanh trên khắp thế giới với khoảng 100 quốc gia triển khai thực hiện.
Theo đó, có rất nhiều chương trình lớn về QLTHĐB được xây dựng và thực hiện trên thực tiễn ở các quốc gia, lãnh thổ, như chương trình khung QLTHĐB của Cộng đồng châu Âu; chương trình quản lý tài nguyên biển châu Mỹ La tinh và vùng Caribê; chương trình QLTH biển Hắc Hải; chương trình đới bờ của Mỹ; chương trình khung quản lý đới bờ Vương Quốc Anh; chương trình QLTHĐB của các nước Cộng hòa Tanzania, Maldives, Liên bang Đức...; chương trình QLTHĐB vùng Victoria (Úc), Cape Town (Nam Phi)...; chương trình các biển Đông Á (PEMSEA). Gắn với đó, nhiều tổ chức quốc tế như UNEP, IMO, UNDP, ADB, WB, FAO,… lần lượt ra đời nhằm triển khai các dự án, chương trình QLTHĐB mang quy mô khu vực, toàn cầu. Nhiều quốc gia ven biển đã coi QLTHĐB như là “giải pháp” cho những thách thức tại đới bờ, liên quan đến suy thoái môi trường, tài nguyên và phát triển bền vững. Ở nhiều nơi, việc áp dụng QLTHĐB đã đạt được những thành công lớn, giúp cho GDP tăng trưởng mạnh, môi trường được cải thiện và xã hội thêm phồn thịnh.
Kinh nghiệm ở Việt Nam
QLTHĐB mới chỉ được giới thiệu ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam tham gia Chương trình Khu vực về ngăn ngừa và quản lý ô nhiễm môi trường các biển Đông Á (GEF/UNDP/IMO/MPP-EAS). Theo thời gian, trên cơ sở học tập kinh nghiệm một số quốc gia, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã từng bước tiến hành nhiều hoạt động nhằm đưa mô hình QLTHĐB áp dụng vào thực tiễn quản lý thông qua một số dự án. Trong số đó phải kể đến dự án VVA do Vương quốc Hà Lan hỗ trợ thực hiện trong 3 năm (1994 - 1996) thực sự mang lại nhiều tác động rất tích cực với nhiều kinh nghiệm quý cho một số dự án triển khai sau đó như dự án điểm trình diễn quốc gia về QLTHĐB ở Đà Nẵng; dự án QLTHĐB Quảng Nam; dự án quản lý tổng hợp Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Dự án VVA được thực hiện tại Việt Nam, hiệu quả mang lại của nó đó là đã tiến hành một số hoạt động hướng tới việc đề xuất xây dựng và triển khai một số dự án ứng phó với mực nước biển dâng mà trọng tâm là dự án Việt Nam – Hà Lan về Quản lý tổng hợp dải ven biển (VNICZM). Dự án VNICZM được thực hiện trong 6 năm (9/2000 - 8/2006) hướng tới mục tiêu xây dựng một chương trình QLTHĐB dài hạn ở Việt Nam nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc quy hoạch và phát triển vùng bờ một cách bền vững. Dự án này do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Hà Nội tài trợ và được Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và thực hiện thông qua Cục Bảo vệ môi trường và 3 tỉnh Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện được các công việc mang tính chất khởi động, như thiết lập cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động tổ chức thể chế cho triển khai QLTHĐB (tổ chức quản lý ở cấp Trung ương); thống kê các dự án liên quan đến vùng ven bờ ở Việt Nam; xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động cho QLTHĐB ở Việt Nam; cải thiện công tác quản lý và khả năng truy cập số liệu; đào tạo, tăng cường năng lực cho Chương trình QLTHĐB của Việt Nam (đào tạo về nguyên lý, công cụ và ứng dụng của QLTHĐB); tổ chức các nghiên cứu trọng điểm và các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học và triển khai nghiên cứu thí điểm về QLTHĐB ở 3 tỉnh Nam Định, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các hoạt động triển khai trên đều nhằm hỗ trợ hình thành chương trình QLTHĐB dài hạn ở Việt Nam.
Có thể nói bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ Chính phủ Hà Lan và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa mô hình QLTHĐB vào thực tiễn, sau 6 năm triển khai, dự án VNICZM thông qua thí điểm tại 3 tỉnh đã vận hành và đạt được một số kết quả tích cực. Đó là đã thiết lập được các văn phòng dự án tại 3 tỉnh thí điểm với đầy đủ trang, thiết bị cần thiết, thiết lập mối quan hệ hợp tác tích cực với các bên liên quan trong QLTHĐB. Dự án cũng đã tham gia đào tạo được đội ngũ cán bộ, chuyên gia các cấp, đặc biệt tại các tỉnh có năng lực tổ chức, triển khai QLTHĐB. Xây dựng và thiết lập được cơ chế điều phối phù hợp, hiệu quả cho QLTHĐB, huy động được sự tham gia vào cuộc của các cấp chính quyền; đặc biệt là nhận thức về QLTHĐB đối với cộng đồng và các nhà quản lý được nâng cao ở tất cả các cấp.
Đồng thời đã hình thành được một cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ QLTHĐB tại các tỉnh thí điểm; xác định và tổ chức nghiên cứu 6 vấn đề trọng điểm liên quan đến đới bờ ở cấp Trung ương và địa phương, như nghiên cứu về thể chế hóa QLTHĐB ở Việt Nam; nghiên cứu nhu cầu và ứng phó sự cố tràn dầu ở Tp. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu; đánh giá động lực học ven bờ ở Nam Định; nghiên cứu về quy hoạch phát triển vùng đất bãi bồi ở Nghĩa Hưng, Nam Định; đánh giá về tiềm năng sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định, đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp; nghiên cứu đánh giá về nhu cầu áp dụng mô hình thủy động lực và chất lượng nước khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế... Quan trọng hơn là thông qua triển khai dự án VNICZM đã góp phần tích cực vào hình thành nền tảng chính sách, tham gia đề xuất để Chương trình 158 của Chính phủ về QLTHĐB cho 14 tỉnh ven biển miền Trung, từ Thanh Hoá đến Bình Thuận ra đời theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9/10/2007 về việc “Phê duyệt chương trình Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và định hướng đến 2020”. Được biết, hiện 14 tỉnh thuộc Chương trình 158 đang tập trung triển khai nhiều hoạt động như đánh giá hiện trạng QLTHĐB ở từng địa phương, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế điều phối đa ngành; nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý tổng hợp đới bờ; xây dựng cơ sở khoa học phục vụ quản lý tổng hợp đới bờ...
Rõ ràng, các dự án QLTHĐB đã, đang được triển khai thời gian qua ở các tỉnh đang từng bước cho chúng ta những kinh nghiệm trong phương thức QLTHĐB không chỉ đối với quản lý tài nguyên – môi trường mà là phương thức quản lý cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện phát triển bền vững. QLTHĐB không thay thế được cho hệ thống quản lý hiện nay mà là công cụ hỗ trợ cho quản lý, làm cho phát triển vùng bờ thêm "giá trị gia tăng". QLTHĐB ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần được tổ chức triển khai trong khuôn khổ một dự án hay chương trình, tuân thủ theo chu trình các bước của QLTHĐB với thời hạn 5 – 6 năm/chu trình và theo quy mô cấp tỉnh hay nhỏ hơn là phù hợp gắn với sự tham gia vào cuộc của chính quyền các cấp và người dân.
Minh Chi