Nước sạch, nhu cầu bức thiết

29/04/2014 20:12

(Baonghean) - Thị xã Hoàng Mai có 10 phường, xã nhưng hiện nay chỉ duy nhất phường Quỳnh Xuân có nhà máy nước. Trong khi nguồn nước trên địa bàn đa phần nhiễm phèn, nhiễm mặn, nguồn nước mưa thì ô nhiễm vì khói bụi, không thể sử dụng, người dân phải mua nước ngọt giá cao để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhu cầu nước sạch của người dân đang trở nên bức thiết.

Xe bán nước cho hộ anh Nguyễn Bá Long khối 4, phường Quỳnh Thiện.
Xe bán nước cho hộ anh Nguyễn Bá Long khối 4, phường Quỳnh Thiện.

Có mặt tại nhà anh Nguyễn Bá Long (khối 4, phường Quỳnh Thiện), lúc anh đang mua nước tại xe thùng. Anh Long cho biết: “Gọi mua nước cách đây 2 hôm nhưng đến hôm nay mới có. Vậy mà cũng không đủ theo yêu cầu bởi gia đình gọi 2 xe nhưng nghe đâu phải “phân phối” cho nhiều nhà khác nữa nên hôm nay chỉ có 1 xe”. Anh Giang, người bán nước phân trần: Mới đầu mùa hè nhưng nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn thị xã đã tăng cao, trong khi nguồn nước giếng bơm có hạn. Vì vậy, mỗi ngày cũng chỉ chạy được 7- 8 chuyến là cùng.

Cũng chính bởi nguồn nước khan hiếm, nên ở khu B của Nhà máy xi măng Hoàng Mai, dù diện tích khu nhà ở khá chật hẹp nhưng các hộ vẫn phải dành một phần diện tích để đặt bể dự trữ nước bằng những khoang giếng ghép chồng lên nhau cao tận mái nhà. Bà Nguyễn Thị Luân, một người dân sống tại đây cho biết: Nguồn nước ngầm nhiễm mặn, nước mưa thì cũng không thể dùng vì bụi, nên để có nước dùng cho sinh hoạt, chúng tôi phải bỏ tiền ra mua. Một xe 5m3 giá trung bình 130.000 đồng, một tháng gia đình tôi 5 người phải dùng đến 3 xe. Như vậy tính ra cũng mất gần 400.000 đồng. Nếu so sánh với tiền dùng nước máy phải cao gấp 3 lần.

Bà Hoàng Thị Hiển, kế toán của Trường Mầm non phường Quỳnh Thiện, cho biết: Trường có bể nước nhưng chỉ dùng mỗi khi các cháu đi vệ sinh, còn nước sinh hoạt của nhà bếp, kể cả nước rửa tay của các cháu đều phải mua. Hiện tại trường có 18 lớp bán trú, với trên 500 học sinh, vì vậy ngoài hỗ trợ của phụ huynh, 20.000 đồng/năm/cháu thì nhà trường phải chi thêm để mua nước hàng tháng.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho biết: Trên địa bàn xã một nửa khu dân cư do nguồn nước bị nhiễm phèn, một nửa địa hình cao có đào giếng cũng không có nước, trong khi nguồn nước mưa bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ nhà máy xi măng, chính vì vậy nhiều năm qua toàn bộ người dân trong vùng đều phải đi mua nước ngọt từ các nơi khác về để dùng.

Tại phường Quỳnh Dị, Mai Hùng... nguồn nước ngầm bị nước mặn xâm nhập, hầu hết dân trong vùng đã phải đi mua nước ngọt từ nơi khác để dùng, hàng ngày có hàng chục chuyến xe chở nước ngọt vào làng bán cho người dân với giá 25.000 - 30.000 đồng/m3. Chỉ tính riêng phường Quỳnh Dị và làng nghề thủy sản Phú Lợi, mỗi tháng phải bỏ ra từ 300 - 400 triệu đồng để mua nước ngọt.

Vấn đề thiếu nước sạch trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ngoài nguyên nhân nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn,... thì sau đợt lũ năm 2013, tất cả các giếng, bể nước mưa của người dân ở các xã, phường đều ngập, dù đã được xử lý song thực tế vẫn khó đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, người dân vẫn ái ngại mỗi khi dùng. Hiện trên địa bàn thị xã mới chỉ có nhà máy nước sạch tại phường Quỳnh Xuân được khởi công xây dựng từ năm 2005, sau 3 lần nâng cấp, công suất của nhà máy cũng chỉ mới đạt 1.500m3/ngày. Theo ông Vũ Văn Từ, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân: “Mặc dù có nhà máy nước nhưng vẫn chưa cung cấp đủ nhu cầu của người dân trong phường. Bởi theo thiết kế, nhà máy chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 650 hộ nhưng đến nay đã có hơn 2.000 hộ dân”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nguồn nước ngọt theo các xe thùng bán cho các hộ dân tại các phường, xã trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai được lấy từ giếng khoan ở các vùng chưa bị nhiễm phèn, nhiễm mặn tại một số phường xã như Mai Hùng, Quỳnh Lộc... Anh Nguyễn Huy Luận, trú tại xã Quỳnh Lộc (người chuyên bán nước máy trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai) cho biết: Không phải gia đình nào trong xã cũng có nước ngọt. Chính vì vậy, mặc dù cũng ở xã Quỳnh Lộc nhưng có đến gần 200 hộ phải mua nước.

Các hộ dân tại khu B, Nhà máy xi măng Hoàng Mai (phường Quỳnh Thiện) đều phải dùng nước mua từ các vùng khác để giặt giũ, nấu ăn...
Các hộ dân tại khu B, Nhà máy xi măng Hoàng Mai (phường Quỳnh Thiện) đều phải dùng nước mua từ các vùng khác để giặt giũ, nấu ăn...

Ông Hồ Phi Triều, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã, cho biết: Khó khăn lớn nhất lúc này là nguồn nước sạch cho người dân sử dụng. Hiện nay thị xã đã hoàn thiện đề án xây dựng nhà máy nước sạch tại phường Mai Hùng. Theo tính toán, nhu cầu dùng nước giai đoạn 2014 - 2015 là 58.000m3/ngày đêm, trong đó nhu cầu cho khu dân cư là 21.000m3, khu công nghiệp là 37.000m3. Đến năm 2020 theo tính toán dân số thị xã sẽ khoảng 163 - 170.000 người, lúc đó nhu cầu dùng nước sẽ là 75.000m3, trong đó nhu cầu khu dân cư là 34.000m3, khu công nghiệp 41.000m3. Vì vậy, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 cho nhà máy công suất 21.000m3/ngày đêm, dự kiến khoảng 160 tỷ đồng; giai đoạn 2 cho nhà máy công suất 34.000m3/ngày đêm, dự kiến 258 tỷ đồng (nếu tính cả khu công nghiệp là 560 tỷ đồng).

Để sớm triển khai đề án, ông Đoàn Hồng Vũ, Bí thư thị ủy cho biết, thị xã sẽ tích cực huy động các nguồn đầu tư bằng cách tạo cơ chế, chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn chia tách, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, các nguồn vốn ODA như một số dự án cấp nước trên địa bàn tỉnh đã thực hiện. Huy động nhân dân đóng góp và vận dụng các nguồn vốn hợp pháp khác. Mặt khác, trong điều kiện nguồn vốn hạn chế sẽ phân kỳ các giai đoạn đầu tư để giảm nguồn vốn đầu tư ban đầu...

Như vậy, có thể thấy nhu cầu dùng nước sạch của người dân Thị xã Hoàng Mai đang là vấn đề bức thiết. Vì vậy, việc thị xã xây dựng đề án đảm bảo nước sạch giai đoạn 2014 - 2015 có tính đến 2020 nhằm đánh giá thực trạng sử dụng nước và đưa ra giải pháp cấp nước trước mắt và lâu dài là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, để đề án sớm được triển khai thực hiện, để người dân không còn phải mòn mỏi chờ đợi nước sạch như hiện nay rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ đầu tư kinh phí.

Quảng An