Chính phủ Nhật Bản hoãn thông qua quyền phòng vệ tập thể

20/06/2014 10:15

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch đảng Công minh Mới (NKP) Natsuo Yamaguchi ngày 19/6 khẳng định Nội các sẽ không thông qua việc thực thi quyền phòng vệ tập thể cho đến khi kết thúc phiên họp tại Quốc hội vào cuối tuần này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch đảng Công minh Mới (NKP) Natsuo Yamaguchi ngày 19/6 khẳng định Nội các sẽ không thông qua việc thực thi quyền phòng vệ tập thể cho đến khi kết thúc phiên họp tại Quốc hội vào cuối tuần này.

Trong cuộc gặp tại Văn phòng thủ tướng, lãnh đạo của hai đảng cầm quyền đã nhất trí rằng đảng Dân chủ Tự do (LDP) và NKP, đối tác trong liên minh, sẽ tiếp tục bàn về việc thực thi quyền phòng vệ tập thể cho phép Lực lượng phòng vệ (SDF) bảo vệ các đồng minh của Nhật Bản trước một cuộc tấn công vũ trang sau kỳ họp Quốc hội.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch NKP Yamaguchi khẳng định với báo giới rằng liên minh cầm quyền hiện đang thảo luận về vấn đề an ninh và “sẽ tiếp tục công việc này ngay cả khi kết thúc họp Quốc hội.”

Ông Yamaguchi cho rằng cần có nhiều thời gian để NKP đạt được sự đồng thuận và cho biết đã trao đổi với Thủ tướng các ý kiến khác nhau trong đảng.

Trong những ngày gần đây, NKP đã cho thấy những dấu hiệu sẽ có quan điểm mềm mỏng hơn và bật đèn xanh cho việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể một cách hạn chế do áp lực ngày càng tăng của ông Abe lên LDP nhằm giành được sự ủng hộ của đối tác trong liên minh.

Bắt đầu cuộc đối thoại vào tháng Năm vừa qua theo đề nghị của Thủ tướng Abe, LDP và NKP đang thảo luận về các kịch bản giả định mà chính phủ đưa ra.

Vấn đề liệu Nhật Bản có cần bảo vệ đồng minh trước cuộc tấn công vũ trang, ngay cả khi bản thân nước này không bị đe doạ, hay không đang gây ra chia rẽ vì các chính quyền tiền nhiệm lâu nay vẫn hiểu rằng Hiến pháp cấm thực thi quyền phòng vệ tập thể trong khi Hiến chương Liên hợp quốc lại cho phép.

Mấu chốt là ở chỗ Điều 9 của đạo luật tối cao này cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và chỉ cho phép mức độ phòng vệ tối thiểu.

Trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Abe hy vọng sẽ thay đổi cách hiểu và bãi bỏ lệnh cấm kéo dài lâu nay của Nhật Bản đúng thời điểm tiến hành sửa đổi đường lối hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật từ nay đến cuối năm trong đó xác định vai trò và trách nhiệm của SDF và quân đội Mỹ./.

Theo TTXVN