Những cựu trò xuất sắc người Nghệ ở Trường Quốc học Huế

09/09/2013 21:16

(Baonghean) - Quốc học Huế là ngôi trường vĩ đại. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ học trò nổi tiếng trong lịch sử mà không có bất cứ ngôi trường nào ở nước ta sánh được. Trong đó nhiều thế hệ học trò xứ Nghệ xuất sắc góp phần làm rạng danh cho ngôi trường có bề dày truyền thống này.

(Baonghean) - Quốc học Huế là ngôi trường vĩ đại. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ học trò nổi tiếng trong lịch sử mà không có bất cứ ngôi trường nào ở nước ta sánh được. Trong đó nhiều thế hệ học trò xứ Nghệ xuất sắc góp phần làm rạng danh cho ngôi trường có bề dày truyền thống này.

Người cựu học sinh Nghệ An học Quốc học Huế xuất sắc nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi học, Người có tên là Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành. Niên khóa 1908- 1909, Người học Quốc học Huế. Do tham gia cuộc biểu tình chống sưu thuế cùng đồng bào Thừa Thiên Huế, Nguyễn Sinh Côn bị mật thám Pháp theo dõi.

Ngày 7/8/1908, ông Chouquet, hiệu trưởng thứ 3 của Trường Quốc học Huế đã phúc đáp thư yêu cầu số 526 ngày 4/3/1908 của Silvain Lévecque, Khâm sứ Trung Kỳ về lai lịch Nguyễn Sinh Côn: “Tôi hân hạnh báo cho ngài rõ, tiếp nhận vào Trường Quốc học học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn, gốc người Nghệ An” (bản dịch). Nghĩa là năm 1908, Nguyễn Sinh Côn không bị đuổi khỏi Trường Quốc học do biểu tình chống thuế. Quá trình bỏ học và đi tìm đường cứu nước và trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, sau đó thì mọi người đều biết, đây là người học trò Quốc học Huế vĩ đại nhất. Tượng thời trẻ của Người được dựng hơn chục năm nay ngay sân chính của Trường Quốc Học hiện nay.



Học sinh trường Quốc học Huế xưa.

Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đặng Thai Mai, người Thanh Chương. Ông là giáo sư Trường Quốc học Huế năm 1928-1930. Ông bị Pháp bắt năm 1930 và bị xử 3 năm vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long (1932). Năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... lập ra Trường tư thục Thăng Long. Năm 1944, ông cho ra đời tác phẩm Văn học khái luận - cuốn sách lý luận văn học theo quan điểm tiến bộ đầu tiên.

Năm 1946, ông là đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học. Đặng Thai Mai có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Đặng Thai Mai là nhà lý luận phê bình sắc sảo. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về Văn học Nghệ thuật

Người cựu trò Quốc học Huế nổi tiếng nữa là ông Tạ Quang Bửu, quê Nam Đàn. Năm 1925 - 1926, Tạ Quang Bửu thi đỗ Nhì bằng Thành chung (đỗ đầu là Hoàng Xuân Hãn). Ông du học Pháp, đỗ bằng cử nhân Toán ở Paris. Ông là một trong những người sáng lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (ngôi trường đào tạo sĩ quan cho Việt Minh công khai). Từ năm 1965- 1976 là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được Giải thưởng Hồ chí Minh (đợt I) về khoa học kỹ thuật. Từ năm 1986, sau khi giáo sư Tạ Quang Bửu mất, Trường Quốc học Huế đã thành lập Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Đặng Văn Việt sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, ông Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh.

Đặng Văn Việt từng là học sinh trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ tú tài toàn phần năm 1942, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông trở về Huế, tham gia các khóa huấn luyện của Trường Thanh niên tiền tuyến của Phan Anh, tham gia tổ Việt Minh bí mật trong lớp học. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ông cùng người bạn học Cao Pha được treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, đánh dấu việc Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền thành công tại Huế. Ông là cựu trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam mà người Pháp gọi là “Con hùm xám đường 4”.

Có thể kể thêm những cựu giáo chức, học sinh, Quốc học Huế người Nghệ An nổi tiếng như Bạch Văn Quế, quê Hưng Nguyên, học Quốc học năm 1936 (sau này là Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nghệ An); Ông Cao Xuân Huy (Diễn Châu) là cháu nội của Thượng thư Cao Xuân Dục, tốt nghiệp Quốc học Huế năm 1922; Cao Mạnh Thông (Cao Xá, Diễn Châu), học Quốc học Huế năm 1941-1945; Đặng Văn Hướng (1887- 1954), học sinh Quốc học Huế đỗ “Thành chung” Tây học, hàm Thượng Thư.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “ Kính gửi Công Đại nhân Đặng Văn Hướng” mời ông làm Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ đầu tiên của Nước VNDCCH. Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn, sinh năm 1926. Năm 1946 ông là giáo viên Trường Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An, một chi nhánh của Trường Khải Định Huế sơ tán. Sau này làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tài Cẩn, sinh năm 1926, học Quốc học Huế 1945; Nguyễn Tất Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm) sinh năm 1888, học trường Quốc học Huế cùng với em trai là Nguyễn Tất Thành 1909, tham gia nhiều hoạt động chống Pháp ở Huế. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, sinh năm 1912 ở Nam Đàn, đỗ thủ khoa trường Quốc Học được Nhà nước công nhận giáo sư ngành Toán đầu tiên, được phong Nhà giáo nhân dân...

Về văn học nghệ thuật, có họa sĩ Lê Văn Miến, quê Nghi Long, Nghi Lộc. Ông là họa sỹ hiện đại đầu tiên của nước ta, nhà giáo dục lớn của đất nước những năm đầu thế kỷ XX, người thầy giáo kính yêu của Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc học Huế. Giáo sư, tiến sĩ Ngữ văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Đức Nam, nguyên giáo viên Trường Huỳnh Thúc Kháng. Nhà thơ Phan Xuân Hạt, sinh năm 1931, quê Hoa Thành, Yên Thành… Có thể kể thêm rất nhiều tên tuổi nổi tiếng khác. Cho đến bây Trường Quốc học Huế vẫn có giáo viên, học sinh người Nghệ An dạy và học.

Một điều thú vị là từ trước đến nay, Quốc học Huế luôn nằm cạnh Trường nữ sinh Đồng Khánh, nên thầy trò hay gọi đùa là “Trường Anh” (Quốc học - Khải Định) – “Trường Em” (Đồng Khánh). Hai ngôi trường đó luôn duyên nợ với nhau. Hàng trăm cặp đôi Trường Anh kết duyên với Trường Em. Đó là những kỷ niệm rất đặc trưng Huế mà chỉ có Quốc Học Huế mới có, trong đó có các cặp vợ chồng nổi tiếng người xứ Nghệ như: Nguyễn Thúc Hào – Lê Thị Vân Dung, Hà Huy Tập- Nguyễn Thị Giáo; Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Thị Minh Thái (vợ đầu, đã hy sinh, người Vinh)… Lịch sử hai ngôi trường nổi tiếng ở Huế gắn liền với lịch sử hàng trăm gia đình vợ chồng, con, cháu là một điều hiếm thấy.

Từ những điều tóm lược trên cho thấy người Nghệ đã góp phần làm nên danh giá cho ngôi trường Quốc học Huế nổi tiếng.


Minh Khôi