Vì bình yên xóm bản

25/02/2014 22:44

(Baonghean) - Toàn tỉnh hiện có 431 đơn vị công an xã, với trên 6.000 công an viên. Cùng với nhiều lực lượng khác, những người chiến sĩ không đeo cấp hàm này đã và đang ngày đêm ra sức bảo vệ sự bình yên của xóm làng, thôn bản và ở đâu cần là các anh có mặt.

Ông Cầm Bá Hạnh, Phó trưởng công an xã Châu Thuận tâm sự rằng “Công việc của công an xã thì nhiều lắm! Phải làm ngày làm đêm, bất cứ lúc nào dân cần là chúng tôi có mặt”. Châu Thuận có 10 bản, mỗi bản có 1 công an viên; ở cấp xã thì có 3 người, gồm 2 phó và 1 trưởng. Thực hiện nhiệm vụ an ninh trật tự ở xóm bản, ngoài việc bố trí trực ban ngày, công an xã còn chia thành 3 kíp trực vào ban đêm để tuần tra canh gác. Mỗi tháng như vậy, công an xã Châu Thuận phải xử lý từ 15 - 20 vụ việc nhỏ như ăn cắp vặt, xích mích do rượu chè xảy ra trong xã, trong bản. Rất may, tình hình ở đây tương đối ổn định, tuy dân trí còn thấp song ở xã ít đối tượng nghiện ngập ma túy, manh động, mại dâm và buôn bán phụ nữ. Nói như vậy không có nghĩa nhiệm vụ công an xã nhẹ đi bởi chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, cũng như thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân.

Công an xã Châu Thuận dọn vệ sinh ở di tích Thẳm Chạng (Quỳ Châu).
Công an xã Châu Thuận dọn vệ sinh ở di tích Thẳm Chạng (Quỳ Châu).

Anh Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, từng có thâm niên 10 năm (từ 2003 - 2013) làm công an viên, phó, trưởng công an xã trước khi chuyển sang nhận nhiệm vụ mới. Anh Hoàng cho biết: Châu Tiến vốn là một điểm nóng về ma túy, tội phạm hình sự của huyện Quỳ Châu nên các công an viên ở đây rất vất vả. Trong thời gian công tác, bản thân anh đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, tham gia xử lý, vây bắt các đối tượng buôn bán ma túy, phá hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng. Trong đó có nhiều đối tượng tàng trữ cả vũ khí nóng. Năm 2010, anh đã phải đi xét nghiệm HIV ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, uống thuốc phơi nhiễm 1 tháng trời. Chẳng là, trong xã có đối tượng nghiện ngập, nhiễm HIV là Phan Văn Hằng (ở bản Minh Tiến) khi đói thuốc lên cơn, y đã cầm dao ra đường tấn công người đi đường để cướp tiền. Nhận tin báo, anh Hoàng đã cùng đồng đội bao vây khống chế, bắt giao cho công an huyện. Trong quá trình vật lộn, anh Hoàng và một số công an viên bị dao của đối tượng gây thương tích...

Và không phải công an viên nào cũng may mắn như anh Trần Văn Hoàng. Bởi trong cuộc chiến phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, nhiều đồng chí công an viên đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ như đồng chí Vi Xuân Tình - Phó trưởng công an xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn; đồng chí Trần Quang Sinh - Phó trưởng công an xã Tân Thành, huyện Yên Thành; đồng chí Nguyễn Trọng Điền, công an xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương... Và gần đây, đã có khá nhiều công an xã bị thương tích do các phần tử xấu gây ra như: Ngày 6/2/2014, công an viên Lê Thanh Hải, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn bị đối tượng Hoàng Tiến Dũng (SN 1984, trú tại tổ 59, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đánh trọng thương phải nhập viện điều trị khi anh Hải đến can ngăn không cho Dũng đến quậy phá tại một gia đình trong xã. Trước đó, anh Nguyễn Hữu Bình, công an viên xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương đã bị can Nguyễn Doãn Bắc (SN 1990, trú tại xóm 6, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương) đâm xuyên phổi khi anh và các đồng đội ngăn cản hai nhóm thanh niên trong xã đánh nhau vào đêm 30 Tết vừa rồi; Cùng vì ngăn cản đánh nhau mà anh Phạm Văn Ngoãn, công an viên xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương bị tên Nguyễn Văn Việt chém gần đứt rời cổ tay.

Ông Nguyễn Văn Lộc, công an viên xã Minh Sơn, huyện Đô Lương tâm tình: Làm công an viên ở xã đối mặt với những hiểm nguy là chuyện bình thường. Bởi họ thường xuyên xử lý các điểm nóng ở cơ sở từ đấu tranh với tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, phá hoại tài sản, tranh chấp đất đai, ruộng vườn. Trong khi đó, ở nông thôn miền núi, một bộ phận người dân lại chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, mất tinh thần cảnh giác dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn quyết tâm, cố gắng để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành giao, sao cho “thấu tình đạt lý” theo đúng tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”....

Đại tá Thái Doãn Hiệu, trưởng công an huyện Quỳ Châu cho biết: Lực lượng công an xã đã tham gia trực tiếp giải quyết từ 70 đến 80% số vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở. Đối với những vụ việc phức tạp nghiêm trọng thì công an xã thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với công an cấp huyện trong việc điều tra xử lý vụ việc. Các cán bộ chiến sỹ công an xã dù đời sống còn nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp nhưng vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Cầm Bá Hạnh, phó công an xã Châu Thuận chia sẻ: Ông làm phó công an xã được 14 năm nay, mỗi tháng ông được phụ cấp là 1,1 triệu đồng và không có gì thêm. Còn công an viên thì mỗi người có phụ cấp là 800 nghìn đồng/tháng. Và mức phụ cấp đó mới chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại đi lại phục vụ công tác. Còn để trang trải cuộc sống gia đình, con cái học hành thì phải chờ vào ruộng vườn. Theo anh Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến thì: Rất khó để kiếm người bổ sung lực lượng công an xã bởi đa số thanh niên trẻ khỏe, có trình độ thì “chê” mức thu nhập và đi làm ăn xa; phần còn lại thì tuổi cao hoặc năng lực, trình độ hạn chế, không đủ điều kiện tiêu chuẩn. Ở xã hiện chỉ có trưởng công an xã được hưởng chức danh, chế độ công chức cấp xã, còn phó, trưởng trở xuống thì không được hưởng lương và các chế độ tài chính như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khó khăn là công cụ hỗ trợ còn rất hạn chế, chưa đủ sức trấn áp các loại tội phạm.

Công an xã hiện nay nhiệm vụ cũng không kém phần nặng nề so với công an chính quy. Bất kể lúc nào, nơi đâu khi có tin báo của bà con về vụ việc xảy ra trên địa bàn là ngay sau đó công an xã đều có mặt. Xin được tôn vinh những con người vì nước quên thân, dũng cảm bước vào những trận chiến mới để đem lại niềm vui, tiếng cười và sự bình yên cho mỗi bản làng. Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp, cuộc sống của họ ngày càng bớt phần khó khăn hơn...

Bài, ảnh: Thành Chung