Những mảnh ghép lịch sử

19/07/2014 16:27

(Baonghean) - Nhà thơ nổi tiếng của đất nước Nga Epghenhi Eptusenko đã có bài thơ "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời". Trong đó, có những câu như "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ. Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?". Cuộc sống của mỗi cá nhân bé nhỏ trong cõi đời rộng lớn này, theo đó, đều là một mảnh ghép của lịch sử để góp phần kiến tạo, xây đắp nên vóc dáng kỳ vĩ của nhân loại. Bài viết "Ai cũng là người hùng" của tác giả Hải Triều đăng trên trang 4 - 5 , số Cuối tuần ngày 13/7 đã đề cập đến vấn đề này một cách rất đáng suy nghĩ.

Câu chuyện của tác giả bắt đầu từ việc rất đỗi bình thường, như là "Hình như đứa trẻ nào cũng thế, cũng từng ước mơ ngây ngô rằng có một ngày sẽ gánh cả trái đất trên vai, trở thành người hùng của nhân loại". Ước mơ bé mọn đấy, thoạt tiên, là chính của những tâm hồn còn trong trẻo nhất, chưa vướng chút bụi thị phi nào của cuộc đời. Đó là "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Bởi "tính bản thiện" cho nên những mơ ước của lứa tuổi thần tiên này đều mong mình sẽ trở thành "người hùng của nhân loại", có nghĩa rằng sẽ mong gánh vác phần việc nhọc nhằn, còn lại dành cho thế gian những điều tốt đẹp. Mơ ước đó, xét đến cùng, là mơ ước của bản thể chữ "Thiện” trong tâm tưởng mỗi con người. Ai cũng muốn hướng về điều đó. Mà cũng đúng thôi, bởi khi cất tiếng chào đời, mở mắt nhìn cuộc sống lớn rộng bằng nét trong veo, tất cả đều mang màu sắc của hạnh phúc. Từ khi đó, bạn cũng đã đồng thời gánh thêm một trách nhiệm rất đỗi lớn lao trong hành trình dằng dặc của mình: Làm người. Làm người đồng nghĩa với việc phải có bổn phận với cuộc sống của chính mình. Trong đó, bạn phải biết tự rèn luyện bản thân, biết yêu kính bố mẹ, biết yêu kính thầy cô, biết làm mẹ làm cha và mẫu mực trở thành con người đúng nghĩa. Và như vậy, bạn đang tự ghép nên chính những mảnh ghép của số phận mình cùng lịch sử, nơi mà bạn đang tồn tại. Triết lý sâu sắc của khái niệm này, chính là chuyện mà nhà thơ Epghenhi Eptusenko đã viết "Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ. Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?".

Trở lại với bài viết của tác giả Hải Triều, câu chuyện một người sắp về với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn để làm việc, rằng "Gần đây mình có nói chuyện với một người bạn, nghe tin mình về nước hẳn, lại còn về quê chứ không làm việc ở các thành phố lớn, đã bĩu môi bảo mình là không có chí tiến thủ. Mình cũng chỉ gật gù, khiêm nhường trả lời rằng dù ở đâu, làm gì, miễn là được làm điều mình thích lại có ích cho xã hội là tốt rồi". Tôi lại nhớ về bài hát nổi tiếng của Ý mang tên "Trở về Suriento". Bài hát này ban đầu được thần đồng âm nhạc 13 tuổi Robertino nước Ý trình diễn và đã gây nên một hiệu ứng liên cảm đẹp đẽ lan truyền khắp thế giới vì những giá trị vĩnh hằng mà nó đem lại. Chất giọng của ca sỹ 13 tuổi đã làm thổn thức nhiều triệu trái tim, hồi gọi tất cả quay về với bản thể, với mái nhà xưa. Đó là quê hương yêu dấu. Nhạc sỹ Ernesto De Curtis đã để lại cho nhân loại một tác phẩm bất hủ, rằng bạn hãy quay về với nguyên sơ, với bản thiện. Lời bài hát có những câu: "Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la. Lòng ta như rộn vang ngàn câu ca. Ôi đất nước xinh tươi những mộng đời . Xao xuyến trong tâm hồn bao người... Nếu ta từ biệt đất này đi xa. Khác chi từ biệt với người yêu ta... Xin hãy về, người ơi...". Sự trở về, đó là một mệnh đề mang nhiều cảm xúc ấm áp nhất. Quê hương, 2 từ đó mà như gói cả một bầu trời, cả một mặt đất, cả những dung dị và bình yên. Vì đơn giản, đó là nơi ta lớn lên, nơi ta bi bô và chập chững, nơi được là chính mình, và được yêu thương cùng chia sẻ.

Viết đến đây, tôi lại đồng cảm cùng tác giả với những câu "Mình rất có lòng tin vào quyết định của bản thân, bởi đóng góp cho xã hội ở những góc khuất, những nơi thiếu thốn nhất của nó cũng là một trách nhiệm cao cả vậy". Câu nói trên chính là sự chiêm nghiệm về con người. Mỗi cá nhân con người đều có những năng lực tiềm ẩn. Làm thế nào để phát hiện, khơi dậy và phát huy những năng lực ấy? Đó là một trong những mục đích cao cả của sự hướng về, cũng tức là hướng đến bản thiện của mỗi người lúc mới sinh ra. Trách nhiệm cao cả mà tác giả nhắc tới, không chỉ là cứ phải ở đâu, làm gì, mà miễn làm được điều mình tâm niệm và có ích cho xã hội đã là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ mà sự thiện lương hướng đến.

Trong bài viết của mình, tác giả Hải Triều nêu quan điểm "Còn mình cho rằng đó là lối sống thực tế và thực chất, làm những gì cần làm, sống theo cách nên sống, đặt ra mục tiêu và lý tưởng của bản thân chứ đừng theo đuổi những điều quá xa vời. Có thể mình không là người hùng giải phóng dân tộc mà là một anh thanh niên xung phong vô danh trong lịch sử, vậy thì có hề gì?". Tôi lại muốn dõi theo ý kiến của tác giả dưới góc nhìn của nhà thơ Eptusenko "Dù cuốn sách đã in, dù chiếc cầu đã dựng. Những máy móc đã làm, những bức vẽ đã treo. Đồ vật có thể còn, vẫn còn gì hơn thế. Mỗi người có gì sẽ vĩnh viễn mang theo". Sự "vĩnh viễn mang theo" đấy chính là nhờ suy nghĩ "Có thể mình không là người hùng giải phóng dân tộc mà là một anh thanh niên xung phong vô danh trong lịch sử" mà tác giả đã viết.

Người xây dựng