Trại cá giống Đô Lương: Cần công khai, minh bạch về việc làm tiền lương

08/04/2014 17:26

(Baonghean) - Đầu tháng 4/2014, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Thủ quỹ kiêm phục vụ Trại cá giống Đô Lương (thuộc Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An) gửi đơn đến Báo Nghệ An khiếu nại lãnh đạo trại vi phạm Luật lao động, có nhiều biểu hiện trù dập đối với bà. Qua xác minh, công tác quản lý ở trại cá giống Đô Lương chưa tốt dẫn đến những mâu thuẫn trong quan hệ lao động…

(Baonghean) - Đầu tháng 4/2014, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Thủ quỹ kiêm phục vụ Trại cá giống Đô Lương (thuộc Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An) gửi đơn đến Báo Nghệ An khiếu nại lãnh đạo trại vi phạm Luật lao động, có nhiều biểu hiện trù dập đối với bà. Qua xác minh, công tác quản lý ở trại cá giống Đô Lương chưa tốt dẫn đến những mâu thuẫn trong quan hệ lao động…

Trong đơn, bà Nguyễn Thị Mai Anh viết: "Tháng 10/2008 bà được tiếp nhận làm việc tại Trại cá giống Đô Lương với chức danh thủ quỹ kiêm phục vụ nấu ăn; tháng 9/2009, bà được xét vào biên chế. Qua 5 năm công tác, bà hoàn thành nhiệm vụ được giao, được xét nâng lương theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh (trái) trình bày sự việc với phóng viên
Bà Nguyễn Thị Mai Anh (trái) trình bày sự việc với phóng viên

Từ tháng 1/2014, bà Mai Anh được hưởng mức lương 1,99 (2.288.000 đồng/tháng). Tuy nhiên đến cuối tháng 1, bà chỉ nhận được 1.144.000 đồng. Hỏi thì trại trưởng Cao Xuân Cương trả lời “Quyết định này là do họp cán bộ mở rộng duyệt kế hoạch năm 2014 đề xuất và được Giám đốc Công ty phê duyệt”. Ông Cương cho bà xem chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 của Ban Giám đốc Công ty giao cho Trại cá giống Đô Lương trong đó có tiền lương của tổ hành chính gồm trại trưởng, kế toán, thủ quỹ. Xem quyết định, bà thấy có sự phân biệt đối xử bởi trại trưởng và kế toán được giữ nguyên 100% lương, thủ quỹ thì bị cắt 50% lương. Tìm gặp những cán bộ tham gia cuộc họp mở rộng gồm các ông Bùi Thế Trung – Chủ tịch công đoàn, Thái Đình Tâm – Tổ trưởng tổ hương giống 1; Trần Văn Hiền – Tổ trưởng tổ hương giống 2, bà Mai Anh được biết, CBCNV trại đề xuất lãnh đạo công ty xem xét hạ lương của cả 3 người ở tổ hành chính chứ không chỉ riêng bà.

Lao động tại Trại cá giống Đô Lương.
Lao động tại Trại cá giống Đô Lương.

Viết đơn kiến nghị lên công ty, bà Nguyễn Thị Mận - Giám đốc công ty đã về họp tổ hành chính và quyết định thu hồi ao ương cá hương giống mà bà Mai Anh đang nhận khoán; đồng thời giao nhiệm vụ cho bà vừa làm thủ quỹ, phục vụ vừa tham gia sản xuất để được hưởng nguyên lương. Theo bà Mai Anh, sau cuộc họp, lãnh đạo trại đã có nhiều biểu hiện trù dập, phân công quá nhiều công việc khiến bà phải làm việc quá thời gian quy định của nhà nước. Đó là làm nhiệm vụ của thủ quỹ gồm thu tiền, chi lương cho công nhân; nấu ăn ngày 3 bữa cho 3 người; dọn dẹp phục vụ văn phòng; chăm sóc một ao ương cá hương giống; tham gia kéo lưới cho tổ cá sinh sản; ngày 25/3/2014, trại trưởng còn đưa về 6 con lợn và giao bà nuôi..."

Bà Mai Anh bức xúc: "Bây giờ ai cũng có quyền sai tôi làm này việc nọ. Từ trại trưởng cho đến công nhân tổ cá sinh sản, khi cần việc gì là họ gọi tôi. Tôi thấy cách giải quyết của cấp trên đối với tôi không công bằng, vi phạm Luật lao động. Tại sao chỉ tính định mức lao động đối với tôi, trong khi không tính định định mức với trại trưởng, kế toán? Tại sao không công khai thông tin kế hoạch tiền lương để người lao động được tham gia ý kiến? Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn chưa được nhận đủ lương tháng 1, hỏi thì trại trưởng bảo đến cuối năm mới được nhận...". Bà Mai Anh cũng cho biết, vì công ty không giải quyết thấu đáo, vậy nên bà đồng thời gửi đơn khiếu nại đến Báo Nghệ An và một số cơ quan khác như LĐLĐ tỉnh, Sở NN&PTNT, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh...

Trại cá giống Đô Lương có 25 cán bộ công nhân trực tiếp sản xuất. Qua tìm hiểu, người lao động nơi đây không đồng tình với cách chi trả lương của công ty cho bộ phận hành chính, vì vậy họ đã đề xuất hạ mức lương của trại trưởng, kế toán và thủ quỹ. Theo ông Hoàng Văn Du, công nhân tổ cá hương giống 1 thì lương của bộ phận gián tiếp trích từ tiền khoán của công nhân. Vậy nhưng trong khi công nhân nhận khoán làm việc hết sức vất vả, tiền lương rất thấp (chỉ khoảng 1,5 triệu đồng) thì bộ phận gián tiếp lại nhàn hạ mà được hưởng lương cao. "Chúng tôi đề xuất hạ lương cả 3 người chứ không riêng gì cô Mai Anh" - ông Du nói. Theo Tổ trưởng tổ hương giống 2 Trần Văn Hiền thì người lao động đề xuất điều chỉnh lương của bộ phận hành chính để qua đó giảm bớt mức khoán, tạo sự công bằng trong CBCNV công ty. Về việc của bà Mai Anh, ông Hiền nói rằng ông không đồng tình với cách làm hiện tại của lãnh đạo trại. Ông Hiền lý giải: "Phải bố trí công việc và thời gian cụ thể, hợp lý chứ không thể tùy tiện lúc sai người ta làm việc này, lúc sai việc nọ...". Một nữ công nhân (đề nghị dấu tên) thì có ý kiến rằng bà không quan tâm nhiều đến tiền lương của bộ phận hành chính ra sao mà chỉ quan tâm những người này làm việc như thế nào, có tương xứng với trách nhiệm và đồng lương họ được hưởng hay không?

Trao đổi với Chủ tịch công đoàn trại cá giống Đô Lương, ông Bùi Văn Trung thì hàng năm trại cá đều xây dựng kế hoạch để công ty phê duyệt. Năm 2014, CBCNLĐ đề xuất giảm lương bộ phận gián tiếp, tuy nhiên sau đó Giám đốc công ty quyết định giữ nguyên lương của Trại trưởng, kế toán, chỉ điều chỉnh lương của thủ quỹ. Khi được hỏi: Bà Mai Anh có được tham gia ý kiến khi bị cắt giảm lương hay không? Ông Trung trả lời: "Giám đốc công ty quyết định như vậy thì trại trưởng phải nói cho bà Mai Anh biết, đấy là trách nhiệm của trại trưởng...". Ông Trung cũng cho rằng bởi đặc thù của trại cá giống nên rất khó có thể giao một công việc gì cụ thể cho bà Mai Anh. Ông Trung nói: "Ở trại cá, kỹ sư cũng đi cắt cỏ, nhặt phân cho cá ăn, vậy nên cô Mai Anh được giao việc này, việc nọ cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên cũng phải thấy do công tác quản lý chưa tốt nên dẫn đến việc người lao động bức xúc...". Chiều 3/4, chúng tôi có mặt ở khu vực trại cá giống Đô Lương nhưng lãnh đạo trại vắng mặt. Liên lạc qua điện thoại, trại trưởng Cao Xuân Cương cáo bận.

Theo Giám đốc Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An, bà Nguyễn Thị Mận thì Công ty không chỉ đạo cắt 50% lương của bà Nguyễn Thị Mai Anh mà phân khai bà Mai Anh hưởng 50% lương gián tiếp, 50% lương sản xuất. Bà Mận nói: "Tại cuộc họp duyệt kế hoạch sản xuất năm 2014 của trại cá giống Đô Lương, trước đề xuất xem xét lương tổ hành chính, tôi đã nói rõ là đối với các đơn vị cấp 1 (Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An có 3 trại cá giống cấp 1), trại trưởng, kế toán được hưởng nguyên lương theo hệ số. Riêng chức danh thủ quỹ do công việc ít nên sẽ rút dần để một thời gian nữa xóa đi chức danh này. Vì vậy cô Mai Anh hưởng 50% lương gián tiếp, 50% lương còn lại do trại bố trí sản xuất để cô ấy hưởng". Cũng theo bà Mận, sau khi nhận được đơn kiến nghị bà đã giải quyết và giao trại trưởng bố trí công việc để bà Mai Anh được nhận đủ lương. Tuy nhiên, do phương pháp thực hiện của lãnh đạo trại không tốt đã dẫn đến việc bà Mai Anh nghĩ bị đối xử không công bằng và làm đơn khiếu nại. Bà Mận phân tích: "Trại đưa lợn về nuôi là để tạo việc làm cho bà Mai Anh. Tuy nhiên, đang lúc người ta bức xúc mà lại đưa đàn lợn về giao nuôi thì người ta sẽ hiểu sai...". Đồng thời cho biết, đã cử Công đoàn công ty về nắm bắt tình hình để giải quyết dứt điểm.

Tại biên bản họp duyệt kế hoạch năm 2014 của Trại cá giống Đô Lương tổ chức ngày 25/12/2013 có nêu: "Lương kho quỹ phân bổ lương 50%, còn lại đơn vị bố trí việc khác". Ở biên bản họp CBCNVC Trại cá giống Đô Lương tổ chức ngày 24/1/2014 nêu: "Về kho quỹ, tạp vụ: Làm ao C9 và hưởng 50% lương cơ bản". Kết hợp những thông tin đã nắm bắt với nội dung hai biên bản nêu trên có thể khẳng định lãnh đạo trại cá Đô Lương đã không thực hiện công khai dân chủ về vấn đề tiền lương; không thực hiện đúng chỉ đạo của Công ty khi cắt đi một phần lương tháng 1/2014 của bà Mai Anh. Bên cạnh đó, phương pháp bố trí công việc không khoa học... Người lao động cần sự minh bạch, kịp thời về vấn đề tiền lương, việc làm. Bởi không được biết, không được tham gia ý kiến một cách dân chủ nên dẫn đến sự mâu thuẫn, đơn thư khiếu nại. Đây là vấn đề Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An cần quan tâm giải quyết.

Bài, ảnh: Hà Giang