Tìm giải pháp để bảo hiểm xã hội "thoát hiểm"

21/06/2014 17:19

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, người lao động cả nước. Việc mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như nguy cơ "vỡ quỹ" trong tương lai gần đang gây ra không ít lo ngại với những nhà hoạch định chính sách. Theo ý kiến nhiều đại biểu, kéo dài tuổi lao động là đẩy khó khăn cho những người sử dụng lao động, tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp khi phải cân đối quỹ lương nhiều hơn.

“Bất lực” trong thu hồi nợ

Báo cáo từ BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 3-2014, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tự nguyện là hơn 11.000 tỷ đồng. Quỹ Hưu trí tử tuất ngày càng có xu hướng mất cân đối, tỷ trọng số chi/thu năm 2007 chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là 71,2%. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2021, số thu bằng số chi và từ năm 2022 trở đi phải trích thêm từ số dư của tồn tích quỹ để chi; đến năm 2034 thì số thu BHXH trong năm và số dư tồn tích quỹ không bảo đảm khả năng chi trả.

 Luật BHXH sửa đổi được kỳ vọng sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. (Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thi công chân đế giàn khoan). Ảnh: TTXVN
Luật BHXH sửa đổi được kỳ vọng sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. (Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thi công chân đế giàn khoan). Ảnh: TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, con số hơn 11.000 tỷ đồng là tương đối xác thực và những dự báo của ILO cũng sát với những dự báo của các chuyên gia BHXH Việt Nam. Thực trạng thu BHXH ở nước ta hiện nay diễn biến khá phức tạp. Theo Luật BHXH hiện hành, cả nước có hơn 300.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chỉ có 150.000 DN đóng BHXH; 16 triệu người có giao kết hợp đồng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc thì cơ quan BHXH mới quản lý được khoảng 11 triệu người, vậy còn hơn 5 triệu người chưa được tham gia đóng BHXH, tương đương số tiền đóng hằng tháng thì một năm, Quỹ BHXH mất 5000-6000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc chủ sử dụng lao động đang cố tình thực hiện đóng BHXH ở mức lương thấp nhất của người lao động tính theo vùng. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, trung bình người lao động được DN trả lương khoảng 3,8 triệu đồng/tháng nhưng DN chỉ đóng BHXH ở mức 2,8 triệu đồng. Như vậy một năm, BHXH mất khoảng 24.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhiều DN cố tình chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra DN nên bản thân BHXH cũng không biết DN có khó khăn, không đủ khả năng đóng BHXH hay không? “Cây gậy” của BHXH là Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ nhưng chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Đến thời điểm hiện nay, 2.400 DN đã bị khởi kiện nhưng trong nhiều năm, số nợ thu về chỉ được gần 29%.

Đẩy khó cho chủ sử dụng lao động

Khoản 2, Điều 53 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có đưa ra lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nam lên 62 tuổi, lao động nữ lên 60 tuổi nhằm tránh mất cân bằng thu-chi Quỹ BHXH. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, có nhiều cách để hạn chế tình trạng trên và nếu nâng độ tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm đáng kể quyền lợi của người lao động. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đa số các nước đều điều chỉnh từng bước; không điều chỉnh khi đang ở thời kỳ dân số vàng và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ cao. Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) đã khẳng định tuổi nghỉ hưu của người lao động nam là 60, nữ 55, trong khi đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lại đề xuất tăng tuổi đời nghỉ hưu là không phù hợp. Tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề của người lao động và nên thực hiện đúng Điều 187, Bộ luật Lao động.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ý kiến của các đại biểu cũng có sự phân chia sâu sắc trong việc ủng hộ và không ủng hộ việc nâng tuổi nghỉ hưu.

Những đại biểu ủng hộ chủ trương nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động cho rằng, điều đó là cần thiết trong bối cảnh tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được nâng cao, hiện nay trung bình là 73 tuổi, trong khi những người lao động ở độ tuổi 60 tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.

Những người không ủng hộ chủ trương nâng tuổi nghỉ hưu thì cho rằng giải thích như trên là chưa hợp lý. Sức khỏe của lao động nam từ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên không còn đủ nhanh nhẹn để cho năng suất lao động cao, sức sáng tạo không còn dồi dào, trong khi tiền lương cho nhóm đối tượng này lại thuộc nhóm cao nhất. Như thế, kéo dài tuổi lao động là đẩy khó khăn cho những người sử dụng lao động, trong đó có cả việc tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và các DN khi phải cân đối quỹ lương nhiều hơn. Trong bối cảnh cần có sự cạnh tranh gay gắt để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thì đây sẽ trở thành một cản trở trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia. Lao động nam gần đến ngưỡng 60 tuổi, nữ gần đến ngưỡng 55 tuổi tích lũy kinh nghiệm không thua kém những người đã đến tuổi về hưu, trong khi nhóm lao động trẻ được đào tạo bài bản hơn lại năng động, sáng tạo và nhiệt huyết mới là nhóm lao động được phần đông chủ sử dụng lao động muốn tuyển dụng. Hơn nữa, số lao động trẻ có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng cao, việc tăng tuổi lao động sẽ làm giảm cơ hội có việc làm đối với nhóm đối tượng này và làm “dồi dào” thêm nguồn lao động được đào tạo bài bản nhưng không tìm kiếm được việc làm.

Luật BHXH sửa đổi được kỳ vọng sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. (Trong ảnh: Công nhân của Tổng công ty Dệt may Gia Định may hàng xuất khẩu.) Ảnh:TTXVN
Luật BHXH sửa đổi được kỳ vọng sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. (Trong ảnh: Công nhân của Tổng công ty Dệt may Gia Định may hàng xuất khẩu.) Ảnh:TTXVN

Mặt khác, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 73, trong khi độ tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ khoảng 57. Như vậy, người lao động cũng chỉ được hưởng lương hưu trong trung bình 16 năm, thấp hơn rất nhiều so với vài chục năm đóng bảo hiểm của họ.

Tăng cường quản lý sẽ cho hiệu quả cao hơn

Tuy vậy, khả năng mất cân đối thu-chi bảo hiểm là có thể xảy ra nếu tình hình không được cải thiện. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể ngăn chặn được khả năng này hoặc sẽ giảm được “gánh nặng” cho người lao động và chủ sử dụng lao động hơn nhiều so với đề xuất trong dự thảo Luật, nếu ngành BHXH quản lý chặt chẽ hơn và có cơ chế đủ mạnh để thiết lập sự nghiêm túc, công bằng trong việc thu, nộp bảo hiểm.

Đề xuất những chính sách trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho rằng: Luật BHXH (sửa đổi) cần tập trung vào nhóm giải pháp trao thêm quyền thanh tra cho cơ quan BHXH và tăng các chế tài xử phạt với những DN vi phạm. Mở rộng đối tượng tham gia thì cũng phải tăng chế tài, buộc chủ sử dụng lao động phải tham gia để tăng mức đóng; thiết kế mức đóng-hưởng phù hợp. Các quy định về đóng-hưởng sẽ hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần với khoảng 500-600 người/năm.

Kinh nghiệm từ các nước như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc… trong việc quản lý trốn, nợ đóng BHXH và xử lý vi phạm cho thấy: BHXH được giao nhiệm vụ thu-chi quản lý hoạt động đầu tư và quyền thanh tra tất cả các DN; có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi xử phạt, tổ chức BHXH có quyền yêu cầu tòa án cưỡng chế, khởi tố dân sự hoặc hình sự. Yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động kiểm toán, tịch thu các tài sản của DN, yêu cầu DN tuyên bố phá sản, thu hồi giấy phép kinh doanh… Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng cần xem xét có thể đưa hành vi trốn đóng, hành vi đã thu tiền BHXH của người lao động nhưng chiếm dụng vào tội danh hình sự để tăng chế tài xử phạt, nếu không thì trốn đóng, nợ đóng BHXH sẽ tiếp tục gia tăng

Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng, BHXH cũng là các đơn vị sự nghiệp, lao động không nặng nhọc hơn, không độc hại hơn so với các đơn vị sự nghiệp của các ngành khác. Do vậy, việc áp hệ số lương bằng 1,8 lần so với mức lương bình thường cho lao động trong ngành này là không hợp lý, không công bằng và trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng cân đối thu-chi của ngành BHXH. Nếu áp dụng mức lương như ở các ngành sự nghiệp công khác, quỹ tiền lương của BHXH sẽ giảm được gần một nửa, chưa kể tới các khoản phúc lợi khác.

Người lao động cả nước đang mong chờ một đạo luật mới về BHXH với những quy định chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi của mình và siết chặt quản lý, thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp. Ngoài ra, sự nỗ lực bảo đảm an toàn cho Quỹ BHXH trước hết phải đến từ chính ngành BHXH, trước khi yêu cầu sự “chung tay” của người lao động và chủ sử dụng lao động. "Đẩy” cái khó cho người khác trong khi chưa có sự giải trình hợp tình, hợp lý sẽ rất khó thuyết phục.

Theo QĐND