Ý kiến chính quyền địa phương, doanh nghiệp về thu hút đầu tư

14/02/2014 14:40

(Baonghean) - Xung quanh sự kiện Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Giáp Ngọ 2014, phóng viên đã ghi lại những ý kiến của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư huyện ủy Nam Đàn:

Cần sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2012 - 2020

Đồng chí Thái Thanh Quý
Đồng chí Thái Thanh Quý
Để thu hút các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện Nam Đàn những năm qua, ngoài phần ngân sách tỉnh hỗ trợ, chúng tôi cũng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích theo quy định của Luật Đầu tư, như Chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp, Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, đổi mới công nghệ, xây dựng quy hoạch các điểm TTCN tại các xã, hỗ trợ phát triển làng nghề, thành lập cơ sở TTCN, thuê nghệ nhân. Đến nay, Nam Đàn đã kêu gọi được 20 dự án với tổng mức đầu tư 3.277,33 tỷ đồng

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty Dệt may HANOSIMEX thuộc Tổng Công ty Dệt may Hà Nội tiếp tục vào đầu tư mở rộng dự án tại KCN Nam Giang. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư dự án công nghiệp - TTCN trong cụm Công nghiệp Nam Thái, cụm Công nghiệp Cầu Đòn xã Vân Diên; Khu nhà ở và dịch vụ thương mại tại xã Vân Diên... Đồng thời, tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của các nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai các dự án hoặc cố tình kéo dài dự án để giữ đất.

Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho huyện đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài cơ chế hỗ trợ tại Quyết định số 83 ngày 4/9/2009 của UBND tỉnh, về chính sách khuyến khích hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp, trích một phần ngân sách từ khoản nộp thuế các các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn không thuộc huyện quản lý. Đồng thời, UBND tỉnh cần sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2012 – 2020 để các huyện chủ động trong việc thu hút các dự án đầu tư, ví dụ như dự án Xây dựng khu nhà ở dịch vụ, thương mại tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, thuộc danh mục chuyển đổi đất hai lúa đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành:

Yên Thành thực hiện 5 cam kết đối với nhà đầu tư

Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi
Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi

Với dân số hơn 28 vạn người, cần cù, có trình độ dân trí cao. Lao động trong độ tuổi 15,10 vạn người, bình quân mỗi năm có 5.000 người bổ sung vào lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo 45%. Năm 2007, Yên Thành đã đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng Trường Trung cấp kỹ thuật nghề Yên Thành nhằm đào tạo tay nghề cho lao động, đáp ứng được lao động cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Yên Thành.

Là vùng đất có nhiều di tich lịch sử văn hóa (198 di tích trong đó 20 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh). Yên Thành đã hình thành một số vùng cây ăn quả như cam và cây nguyên liệu dứa, mía. Tài nguyên khoáng sản khá phong phú: có đá xây dựng, mỏ đất sét, ngoài ra còn có khoáng sản quý hiếm như vàng, sắt, barits… Có kênh chính (sông Đào) bắt nguồn từ sông Lam cấp nước cho 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu; ngoài ra có 232 hồ, đập lớn nhỏ là nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, môi trường sinh thái là cơ sở xây dựng các điểm du lịch sinh thái rừng. Tính đến thời điểm này Yên Thành đã có 5 doanh nghiệp trong nước và 3 doanh doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia đầu tư.

Yên Thành cam kết 5 nội dung với nhà đầu tư: Giao mặt bằng sạch và nhanh nhất cho nhà đầu tư; phối hợp với nhà đầu tư để làm các thủ tục hành chính từ tỉnh đến Trung ương; cam kết tuyển dụng đủ lao động và đào tạo nghề cơ bản theo yêu cầu của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự và tạo mối quan hệ giữa Nhà nước các đoàn thể chính trị và nhà đầu tư với công nhân để tạo môi trường đầu tư lành mạnh; đảm bảo kết cấu hạ tầng điện, nước đến tận tường rào nhà máy.

Ngài Mori Mutsuya - Trưởng Đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam:

UBND tỉnh cần giao cho một cơ quan cụ thể để khâu nối công việc với nhà đầu tư

Ngài Mori Mutsuya
Ngài Mori Mutsuya
Nghệ An là một trong những tỉnh được hưởng tài trợ ODA của Nhật Bản từ nhiều năm nay. Nhật Bản hiện có 2 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD, ngoài ra còn có dự án mà JICA tài trợ như “Thúc đẩy quản lý tưới có sự tham gia của người dân”, Dự án “quản lý sản xuất trồng rau an toàn”, “Khôi phục nâng cấp hệ thống Thủy nông Bắc Nghệ An đảm bảo tưới cho trên 27.000 ha”. Kế hoạch từ 2015 mà JICA dành cho Nghệ An là nâng cấp hệ thống Thủy nông Bắc, hỗ trợ sản xuất rau an toàn, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ HTX.

Mục tiêu của tổ chức JICA là làm việc với các địa phương, tiếp cận hiệu quả để người dân có thể hưởng lợi nhiều nhất. Sau khi dự án kết thúc, địa phương cần nhân rộng mô hình để JICA tiếp tục triển khai ra các tỉnh khác. Nghệ An đã triển khai các chương trình: cánh đồng mẫu lớn, các chương trình liên kết 4 nhà, nông thôn mới… những hỗ trợ của JICA nếu kết hợp được với các chương trình trên sẽ rất tốt nhưng chỉ có Nghệ An mới biết lồng ghép thế nào là hiệu quả nhất. UBND tỉnh cần có vai trò là “nhạc trưởng”, chúng tôi chỉ như “nhạc công” trong dàn nhạc mà thôi. UBND tỉnh cần giao cho một cơ quan cụ thể, cá nhân cụ thể để “cầm trịch”, khâu nối công việc với JICA để có kết quả cao nhất.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen:

Môi trường đầu tư có nhiều cải thiện

Ông Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã có nhiều hoạt động giới thiệu về tiềm năng kinh tế của tỉnh, tiềm năng đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh với những ưu đãi về giá thuê đất, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, cảng biển)… Điều này thực sự rất cần thiết và hữu ích đối với các doanh nghiệp trong quá trình tiến hành các bước nghiên cứu tiền khả thi cho việc xúc tiến đầu tư tại Nghệ An.

Chúng tôi nhận thấy, Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phong phú, đa dạng và có nhiều loại khoáng sản, có vị trí chiến lược và được Bộ Chính trị xác định là một trong những trọng điểm định hướng phát triển kinh tế ở vùng Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, Nghệ An có cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, bao gồm đường bộ, đường sắt quốc gia, cảng biển, sân bay và hệ thống hạ tầng điện, nước, dịch vụ bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. Với dân số hơn 3 triệu người, có truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo, Nghệ An có thể cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cho đầu tư, phát triển và là thị trường lớn cho mọi hàng hoá, dịch vụ.

Với chủ trương đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có kế hoạch đầu tư 1 nhà máy sản xuất tôn và ống thép tại khu vực phía Bắc với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1- đầu tư xây lắp 12 dây chuyền ống thép có công suất thiết kế 100.000 tấn/năm; Giai đoạn 2- lắp đặt 1 dây chuyền mạ NOF, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm và 1 dây chuyền mạ màu có công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Tùy tình hình thị trường sau khi đã thực hiện đầu tư, Tập đoàn Hoa Sen cũng dự kiến mở rộng dự án, tăng tổng vốn đầu tư để đầu tư thêm 1 dây chuyền cán nguội công suất thiết kế 200.000 tấn/năm cùng các dây chuyền và thiết bị liên quan.

Với định hướng đó, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng như địa điểm đầu tư nhằm khai thác tối đa các ưu đãi đầu tư để tạo hiệu quả cao nhất cho việc đầu tư dự án. Qua làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các ngành chức năng, chúng tôi hy vọng có thể ký kết đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nếu điều đó thành hiện thực sẽ là một giai đoạn phát triển mới của Tập đoàn, đồng thời có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn Nghệ An.

Nhóm P.V