"Đi" măng nứa

13/01/2014 16:42

(Baonghean) - Bây giờ đã vãn dần mùa măng rừng. Nhiều người đã chuyển tìm việc khác. Nhưng người bản chịu khó thì chẳng quản những ngày rét mướt thấu thịt da, vẫn kết nhóm vào rừng sâu hái măng nứa.

Người bản rủ nhau đi hái măng cũng như người miền xuôi “đi” củi, “đi” cỏ vậy. Sau những đợt rét đậm kéo dài, không đi rừng được, ngứa ngáy chân tay. Hôm nay trời đỡ nắng, ông Lộc Văn Hạnh rảo khắp bản Xát (xã Châu Khê – Con Cuông) tìm người đi hái măng nứa. Mấy tháng trước, ông không phải nhọc nhằn như thế này, vì mấy đứa cháu đang ở nhà, tối sai con bé Hợi đi gọi là chúng nó tụ tập về nhà ông, bàn bạc cho một chuyến “đi” măng.

Ngày nắng, các bờ đá ven suối được bà con chọn làm “sân” phơi măng. Ảnh: Hồ Phương
Ngày nắng, các bờ đá ven suối được bà con chọn làm “sân” phơi măng. Ảnh: Hồ Phương

Đi hái măng nứa thường mất 10 ngày hoặc 1 tuần. Thường người bản kết thành từng nhóm dăm bảy nhà, mỗi nhà gồm bố mẹ và đứa con lớn... Trước hết là phải thống nhất đi rừng nào, sau đó phân công chuẩn bị thật chu đáo: xoong chảo, gạo, mắm, thuốc đau bụng, thuốc cảm sốt, dụng cụ lấy măng... rồi ai về nhà nấy, chuẩn bị đồ xôi ăn sáng và làm bữa cho ngày đi rừng đầu tiên.

Khi gà chưa cất tiếng gáy báo hiệu buổi sáng, mẹ con bé Hợi đã lụi cụi dậy nhóm lửa rồi lúi húi cho xôi vào ép khẩu để cha con nó theo nhóm “đi” măng nứa. Vừa tảng sáng, tán cây lớn đầu bản vừa rũ sương, mọi người đã tập trung dưới chân sàn. Ông Lộc Văn Hạnh giục tất cả quấn bao chân, đeo bao tay vào vừa chống rét, vừa để tránh con vắt cắn. Nhóm đi lần này không có bọn thanh niên, chỉ mấy cặp vợ chồng trung tuổi và duy nhất có con bé Lộc Thị Hợi ở tuổi 16, được cha phân công đeo cái gùi nhỏ ngoắc cái nồi nhôm lớn dùng để luộc măng; còn lại ai cũng gánh nặng những thực phẩm và dụng cụ đã được cho vào những chiếc bì lớn...

Vãn mùa rồi, rừng nứa còn măng nay lùi xa vào sâu trong đại ngàn, người đi hái măng nứa thường phải đi bộ mất một ngày mới tới nơi. Khu rừng nhóm ông Lộc nhắm tới là Pù Càn, ở vùng đệm Pù Mát. Đi phải rảo thật nhanh, kịp tới nơi khi trời chưa tối hẳn, là phải chặt nứa, cọ dựng xong lán để nghỉ đêm. Nơi dựng lán chọn khúc suối thuận nước để khi hái măng rồi thì đem luộc, phơi sơ chế. Khi mọi người đang dựng lán, nấu cơm, trưởng nhóm phải tranh thủ khảo sát xem hướng rừng nào nhiều măng, càng vào sâu thì măng càng tốt và ngon hơn.

Lấy măng nứa chọn cây cao từ thân người trở xuống. Cây măng khi càng thấp thì thớ măng càng dày, ngon hơn. Măng nứa chặt xong, người lấy dùng dao bóc vỏ tại chỗ và bỏ vào gùi. Cứ đầy gùi lại chuyển về lán để có người cho vào nồi luộc. Luộc xong, cây măng được bẻ ra, đem ép cho hết nước rồi bỏ vào bì chờ người đến mua. Khi vào đã báo trước với người ở nhà đường đi, nơi đến rồi vừa đi vừa làm dấu; thương lái thu mua măng theo dặn dò đó mà lần theo. Măng lấy được kha khá rồi thương lái mới vào thu mua. Đôi khi, do phát hiện phía trong sâu nữa nhiều măng tốt, cả nhóm dời vào, thì sau vài ngày sẽ cử người gùi măng ra nơi thương lái nghỉ lại để bán. Đi xa qua nữa, gặp nắng, đem ép phơi khô luôn, hết đợt lấy măng lại gùi, gánh về...

Măng nứa chế biến hợp với nhiều thực phẩm nên dễ bán. Nghề hái măng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, có khi khấm khá lên. Ở Châu Khê, ngoài bản Xát thì bản Diềm, bản Bủng... cũng nhộn nghề hái măng. “Đi” măng dịp cuối năm này coi như đợt vớt vát kiếm thêm tiền để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Cũng may là đài báo trời cho đợt nắng, có thể đi vào sâu để vừa hái măng vừa ép phơi khô, hết đợt cho vào bì về bán được thêm giá, “coi như con Hợi có thêm cái áo mới mặc Tết” – ông Lộc Văn Hạnh vui vẻ bảo vậy.

Anh Vũ