Những gương sáng thời bình

26/07/2014 09:44

(Baonghean) - Bước ra từ chiến tranh, những người lính anh dũng năm xưa lại “xông pha” trên mặt trận thời bình vốn không kém chông gai. Họ đã xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và lan tỏa trong xã hội những với những việc làm thiết thực, xứng danh “bộ đội cụ Hồ”.

Sinh năm 1947, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Lê Viết Trung (Nghi Trường, Nghi Lộc) theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Từ đường 9 Nam Lào cho đến 81 ngày đêm rực lửa ở Thành cổ Quảng Trị đều ghi dấu đôi chân ông. Với những chiến công anh dũng, ông vinh dự được kết nạp Đảng tại chiến trường. Năm 1973, ông bị thương và phải chuyển ra Bắc điều trị. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh cũng là một CCB, nhập ngũ năm 1970 và làm công tác quân y ở Quân khu 4, chăm sóc cho các thương binh từ miền Nam chuyển ra. Năm 1975, miền Nam giải phóng, non sông thu về một mối, cả hai ông bà xuất ngũ về quê và nên duyên vợ chồng. Tiếng súng đã lùi xa nhưng trở về với cuộc sống đời thường, trước bao khó khăn, vất vả, người thương binh hạng 3/4 và vợ bước vào một “cuộc chiến” chống lại đói nghèo ngay trên mảnh đất quê hương. Nhấp ngụm nước chè xanh, nhìn ra khoảng vườn xanh tươi màu lá, bà Minh nhớ lại: “Gia đình đông người, kinh tế chỉ trong vào mấy sào ruộng và 8 sào đất cát bạc màu nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Có những bữa cả nhà phải ăn khoai xéo”. Năm 1987, vợ chồng ông chuyển đất đỏ về cải tạo 8 sào đất cát và vay người thân, bạn bè được 500 ngàn đồng đầu tư trồng các loại cây ăn quả như: chanh, ổi, na và chuồng trại nuôi lợn thịt.

CCB Lê Viết Trung chăm sóc cây cảnh.Ảnh: thành duy
CCB Lê Viết Trung chăm sóc cây cảnh. Ảnh: thành duy

Đất không phụ lòng người, nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp dần dần nâng lên, mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình. “Vào đầu những năm 90 của thể kỷ trước, hàng năm gia đình xuất chuồng hàng tấn lợn thịt và các sản phẩm nông nghiệp. Vợ chồng tui cũng trực tiếp đi tìm thị trường cả ở Vinh, Thị trấn Quán Hành, Cửa Lò”. Chưa dừng lại ở đó, năm 2005, bên cạnh việc trồng các giống cây ăn quả, gia đình chuyển sang trồng các loại cây cảnh như: sanh, mưng, sấu và tổ chức buôn bán nhỏ. Giờ đây, trừ chi phí đầu tư, tổng thu nhập mỗi năm lên khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng CCB Lê Viết Trung còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều gia đình ở địa phương. Nhiều gia đình, nhất là các CCB trong chi hội học tập mô hình cải tạo đất cát sang trồng cây ăn quả cho thu nhập ổn định. CCB Nguyễn Anh Xuân, một hội viên làm vườn của Chi hội CCB xóm 10, xã Nghi Trường chia sẻ: “Gia đình đồng chí Trung là mô hình khởi đầu làm kinh tế vườn nên có nhiều kinh nghiệm về giống và kỹ thuật chăm sóc. Vì vậy, mỗi khi có giống mới, chất lượng, năng suất cao, đồng chí đều phổ biến và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho anh em hội viên CCB”. Điều đáng trân trọng ở gia đình CCB Lê Viết Trung đó là cả hai vợ chồng đều tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ông là Bí thư Chi bộ xóm 10 từ năm 2006 đến nay, bà cũng là Chi hội trưởng Hội CCB xóm 10. Vì thế, một ngày của vợ chồng CCB già luôn bận rộn với việc nhà, việc làng, việc nước. Với vai trò của một bí thư chi bộ, ông cùng các đồng chí của mình vận động, triển khai cho nhân dân xóm 10 tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 5 hộ trên tổng số 83 hộ. Đặc biệt, với uy tín của mình, CCB Lê Viết Trung đã làm tốt công tác dân vận khi triển khai làm đường giao thông, xây dựng NTM tại xóm.

Hội viên Chi  hội CCB bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) thăm mô hình trồng mía mới của gia đình hội viên CCB Vi Văn Viết. Ảnh: Ngọc Lan
Hội viên Chi hội CCB bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) thăm mô hình trồng mía mới của gia đình hội viên CCB Vi Văn Viết. Ảnh: Ngọc Lan

Ngay trong việc thực hiện đường giao thông NTM, gia đình CCB Lê Viết Trung không chỉ đóng góp theo quy định chung của xóm mà còn ủng hộ thêm 5 triệu đồng và hiến đất vườn để làm đường. Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng đường giao thông ở xóm 10 lúc đầu còn khó, nhưng sự gương mẫu của gia đình đồng chí bí thư chi bộ và các đảng viên đã tạo được sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Đi dọc những con đường bê tông rộng rãi, khang trang, CCB Lê Viết Trung chia sẻ: “Sau khi bàn bạc kỹ trong chi ủy, chi bộ và triển khai cho các đoàn thể và nhân dân được biết, tất cả đều thống nhất ủng hộ đóng góp mỗi khẩu đóng góp 500 ngàn đồng để làm đường. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất về việc chọn thực hiện tuyến nào trước, tuyến nào sau. Do đó, mình phải cùng các đồng chí trong chi bộ đi vận động, thuyết phục cho nhân dân hiểu và thống nhất với kế hoạch chung. Khi đã thông suốt, bà con hết sức đồng tình. Do đó, giai đoạn 1, xóm đã hoàn thành 620m đường bê tông. Trong thời gian tới, xóm tiếp tục triển khai làm 700m còn lại để khép kín hoàn toàn các tuyến đường nội xóm theo đúng tiêu chuẩn đường NTM”.

Trong không gian làng quê yên bình với những tuyến đường làng bê tông rộng rãi, khang trang, gặp CCB Trần Đức Đại (Hưng Tiến, Hưng Nguyên). Sinh năm 1960, CCB Trần Đức Đại nhập ngũ năm 1978 và tham gia đội quy tập mộ liệt sỹ tại Lào từ năm 1983 cho đến khi xuất ngũ năm 1988. Trở về địa phương với tỷ lệ mất sức 61% nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ, bản lĩnh của đảng viên, đồng chí luôn nhiệt tình và gương mẫu trong cả việc nhà lẫn việc nước. Trên diện tích đất đai không nhiều, đồng chí đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm lợn thịt, ao cá, vịt… để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, khi được tín nhiệm giao điều hành Quỹ tín dụng của xã Hưng Tiến từ năm 1998 đến nay, anh Đại đã cùng hội đồng quản trị và nhân viên xây dựng quỹ ngày càng phát triển, tăng trưởng tín dụng hàng năm luôn ở mức khá cao. Cho đến nay, hoạt động của quỹ không chỉ dừng lại trên địa bàn xã Hưng Tiến mà còn mở rộng điểm giao dịch tại các xã: Hưng Thắng và Hưng Xuân. Nguồn vốn của quỹ đã tiếp sức cho nhiều gia đình thoát nghèo. Đặc biệt, quỹ trở thành địa chỉ tin cậy cho người lao động vay vốn để đi xuất khẩu, bằng chứng là dư nợ về vốn vay xuất khẩu lao động của quỹ lên tới 3,5 tỷ đồng. Nhận xét về CCB Trần Đức Đại, ông Trần Đức Danh – Chủ tịch Hội CCB xã Hưng Tiến cho biết: “CCB Trần Đức Đại là hội viên gương mẫu trong nhiều phong trào. Không chỉ điều hành tốt quỹ tín dụng xã mà còn là cá nhân tích cực trong nhiều hoạt động của xóm, xã, nhất là trong quá trình làm đường xây dựng NTM và công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo. Do đó, đồng chí liên tiếp nhận được bằng khen của Đảng ủy xã về thực hiện Chỉ thị 03 trong các đợt sơ kết”.

Rời xa quê hương lúc mới 18 tuổi, ông Nguyễn Trọng Phúc ở xóm 1 xã Phúc Thành, huyện Yên Thành tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam rồi sang chiến trường Campuchia. Trở về sau chiến tranh với mức thương tật 1/4, người thương binh ấy vẫn tràn đầy nhiệt huyết và bắt đầu một cuộc chiến mới, cuộc chiến chống lại đói nghèo. Với ý chí kiên cường của một người lính, ông Phúc luôn trăn trở tìm cách làm giàu. Ông đi khắp mọi nơi để tham quan, tiếp thu,học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn, từ đó mang về áp dụng cho gia đình.Ông vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi; đấu thầu 2,6 km2 mặt nước ở đập Quản Hài để nuôi cá lồng. Tuy nhiên, cũng có những lúc làm ăn “trái mánh”, cá không tiêu thụ được, rồi lại gặp phải bão, lụt hàng trăm triệu đồng mất trắng. Khi kể lại những khó khăn của mình, ông không khỏi xót xa: “Bỏ hàng tháng trời với biết bao công sức chăm sóc, nhưng chỉ một đợt bão đã cuốn mất đi cả chục lồng cá, thiệt hại tới cả trăm triệu đồng”.

Nhưng rồi, với tinh thần kiên cường, mạnh mẽ của một người lính, ông lại tiếp tục đứng lên khắc phục khó khăn. Giờ đây, ông nuôi thành công 4 lồng cá tại đập Quản Hài giá trị khoảng 60 - 70 triệu đồng. Bởi vậy, khi nhắc đến ông, người ta thường gọi tên là “Phúc Quản Hài”. Sau khi thu được lợi nhuận, ông tiếp tục mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua máy móc về để nâng cao sản xuất. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 250 triệu đồng, sau khi đã trừ đi các chi phí khác.

Ngoài tập trung làm kinh tế, ông cũng rất quan tâm đến các hoạt động của xã. Hiện ông đang là xóm trưởng kiêm Phó Bí thư Chi bộ. Nhờ sự nhiệt tình và trách nhiệm của mình, ông đã giúp cho đời sống của bà con nơi đây được cải thiện đáng kể. Ông luôn là người đi đầu trong việc triển khai các chương trình, dự án đưa giống cây, con mới vào sản xuất; đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào vì người nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế… Không chỉ vậy, bà con trong xã Phúc Thành còn biết đến ông là một người giàu lòng nhân ái, luôn giúp đỡ cho những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.

Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, những người cựu binh đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế của địa phương với những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa. Đặc biệt, trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hội viên CCB trên toàn tỉnh đã gương mẫu, trở thành những tấm gương sáng trong việc “làm theo”. Các CCB đã tích cực hưởng ứng, “chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”. Nhiều CCB tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất, công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình thủy lợi, trường học…Từ năm 2012 đến 2013, cả tỉnh có 40.948 hội viên CCB hiến hơn 715 ngàn m2 đất, đóng góp hơn 122 ngàn ngày công, ủng hộ tài sản trên đất tổng trị giá 23,4 tỷ đồng xây dựng NTM. Trên lĩnh vực kinh tế, cán bộ, hội viên CCB đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tìm tòi sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên CCB toàn tỉnh tính đến hết năm 2013 chỉ còn 5,41%, nhiều nơi có tỷ lệ hộ CCB khá, giàu cao như Hội CCB huyện Nam Đàn (84%), Yên Thành (78%), đặc biệt đến cuối năm 2013, hội CCB TP Vinh, TX. Cửa Lò và Thái Hòa cơ bản không có hộ CCB nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Phong Phú – Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Bên cạnh những hoạt động thường xuyên, trong thời gian tiếp theo, Hội CCB tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03 trong các cấp hội và hội viên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, trách nhiệm của hội viên. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giúp hội viên giảm nghèo, làm giàu nhằm nâng cao mức sống cho các gia đình CCB, từ đó có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương nhiều hơn”.

Thành Duy - kiều anh