Mái ấm
(Baonghean) - 4 giờ chiều. Nhiều nhà ở bản Cầu 8 (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) chưa đỏ lửa nấu bữa tối, mà bà La Thị Loan (55 tuổi) đã chuẩn bị xong mâm cơm tươm tất và đang bón cho chồng ăn. Gần 11 năm nay kể từ khi ông Vi Thái Nghĩa (66 tuổi) bị tai nạn xe máy nằm một chỗ, cứ tầm giờ này bà Loan lại chăm chút cho chồng từng thìa cơm, thìa cháo...
Bà Loan chăm chồng. |
Căn phòng nhỏ nơi ông Nghĩa bị liệt nằm một chỗ được vệ sinh sạch sẽ, “thường trực” bên giường là một chiếc ghế mây để mỗi bữa ăn bà Loan ngồi đút cơm cho chồng. Trên bức tường treo trang trọng bức ảnh chụp ông khi còn là bộ đội Hải quân và khung tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất trao tặng ông năm 1989. Vừa bón cơm cho chồng, bà Loan vừa giải thích: "Muộn hơn nữa bố Nghĩa như bị quá bữa nỏ muốn ăn, nên bữa tối của ông ấy lúc mô cũng phải tầm dừ. Mà cũng phải động viên nhiều ông ấy mới ăn thêm được chút. Vì rứa mà khi tui chưa xin nghỉ hưu sớm, anh em trong bệnh viện thường xuyên tạo điều kiện để tui có thời gian về chăm lo cho ông mỗi bữa ăn...".
Cơm nước cho chồng xong, bà Loan bắt đầu câu chuyện bằng việc đưa cho tôi xem bọc ni lông gói ghém cẩn thận những bức thư. Bà bảo: "Đây là thư bố Nghĩa gửi về cho tui khi ông ấy đang là bộ đội Vùng 5 Hải Quân" (sau ông Nghĩa ra quân chuyển về công tác tại huyện Kỳ Sơn, trải nhiều vị trí cán bộ phòng ban huyện cho đến lúc phải nghỉ bệnh). Đoạn bà Loan ngân ngấn lệ: "Càng nghĩ tui càng thấy thương ông ấy. Đang yên đang lành tự nhiên phải nằm một chỗ. Khi ông ấy còn khỏe mạnh, lúc đi cơ sở thì nỏ nói mần chi, chứ làm việc ở cơ quan thì cứ hết giờ làm là ông ấy về nhà ngay, tất bật thái chuối, băm rau, chăm sóc đàn lợn, rồi chăm cây cối trong vườn, lo cơm nước, tắm giặt cho các con khi vợ đi làm chưa về.
Ông hiểu được công việc của tôi là một bác sỹ khoa sản nên ông luôn chủ động chia sẻ động viên vợ". Ngày ấy rất nhiều bữa bà Loan về đến nhà trời đã rất khuya, 3 đứa con đã ngủ say rồi, ông vẫn ngồi lặng lẽ bên mâm cơm đợi vợ về cùng ăn. Cứ nghe tiếng cổng tre kẽo kẹt mở là ông lại vội vàng ra dắt xe cho bà, cười nói vui vẻ động viên. Có hôm đang ăn dở bữa, có điện thoại gọi bà lại phải đến ngay bệnh viện. Ông lại thức tiếp đợi, xong ca sinh ông cuốc bộ đi ra bệnh viện huyện đón bà dưới cơn mưa đêm tầm tã... Tình cảm yêu thương, quan tâm sẻ chia ấy của ông bà đã giúp gia đình nhỏ vượt qua bao khó khăn cuộc sống với lần lượt 3 đứa con ra đời...
Bà Loan xúc động kể lại cho chúng tôi về cái đêm định mệnh khiến từ đó chồng bà phải đối diện với bệnh tật ác nghiệt, phải nằm liệt một chỗ cho đến bây giờ. Ấy là ngày vào đầu năm 2003, ông Nghĩa vào làm việc ở xã Chiêu Lưu. Kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo xã vào buổi trưa, nhưng ông chưa trở ra huyện mà tiếp tục đi vào Khe Tang của xã Chiêu Lưu bởi ông biết bản này có một số người nghiện ma túy, ông muốn trực tiếp vào chia sẻ, gần gũi để vận động họ quyết tâm cai nghiện. Chập tối mới ra về, ông Nghĩa rất vui vì các gia đình có người nghiện đã đồng thuận cam kết với ông đưa con em đi cai nghiện; những người nghiện thì hứa với ông sẽ quyết tâm cai cho bằng được. Vừa lên xe máy, trời đã đổ mưa, đường rừng đèo dốc quanh co trơn trượt, ông bắt đầu thấy lạnh. Lập cập xuyên đêm, ông ngã xe đến lần thứ ba, thì biết là mình bị chấn thương nặng, phải kêu cứu người ta đưa về.
Bà Loan nghe tiếng người lạ gọi cửa, linh tính chuyện chẳng lành, chiếc cốc nước cầm trên tay bỗng dưng rơi vỡ. Bà như khuỵu xuống khi thấy quần áo, tóc tai, mặt mũi chồng bê bết bùn đất. Khi biết ông bị gãy 3 đốt cột sống và sẽ phải nằm một chỗ suốt đời, nước mắt bà tuôn rơi nhiều đêm dài. Không phải bà lo sợ sắp tới mình phải đối đầu với khó khăn, vất vả mà vì quá thương chồng. "Phải vượt lên cái họa lớn này để động viên tinh thần chồng, lo cho con cái" - Bà tự nhủ thế, và vừa đi làm ở bệnh viện vừa tăng gia sản xuất, vừa chăm sóc chu đáo cho chồng, cho các con. Cứ thế, bà gần như vắt kiệt sức mình nhưng lạ là không cảm giác mệt mỏi. Mỗi lần ông Nghĩa ăn thêm được chút cơm, uống thêm cốc sữa bà Loan vui mừng lắm. Bà xa dần cái cảm giác hụt hẫng, chông chênh của những năm đầu tiên chồng gặp nạn, tập quen với niềm vui nho nhỏ là hàng ngày thấy chồng ăn ngon, ngủ ngon.
Còn ông Nghĩa, thấy vợ vất vả việc công, việc nhà, thương bà quá nên nhiều lần khuyên bà bỏ bớt việc nuôi lợn, làm vườn... Rồi bà đã quyết định xin nghỉ hưu sớm trước 3 năm để có nhiều thời gian ở bên ông hơn, chăm sóc cho ông được chu đáo hơn. Vườn nhà được bà trồng đủ các loại rau, cây ăn quả. Bà Loan bảo "Phải trồng rau để có rau cho bố Nghĩa ăn quanh năm, không có rau ăn sợ ông ấy ăn khó tiêu". Mỗi bữa ăn chuẩn bị cho chồng, bà Loan cũng rất kỳ công, thức ăn mỗi thứ một ít: Một chút cá rang mặn ngọt, một chút thịt viên chiên giòn, một chút canh, chút rau luộc và một bát muối ớt pha lẫn hạt dổi...
...Tôi được bà Loan cho xem cuốn sổ tay luôn để trên đầu giường của ông Nghĩa, đó là những trang nhật ký ông viết từ khi ông bị bệnh. Trong đó có những đoạn: "Vi Thái Bình của bố hôm nay chính thức nhận công tác tại khoa ngoại - Bệnh viện Kỳ Sơn; Vi Thái Thuận nhận công tác tại Huyện đoàn Kỳ Sơn... Hôm nay mẹ đến chơi, mẹ nấu canh chua rất ngon... Ngày cu Bi (cháu nội) chào đời, mẹ tròn con vuông mình mừng rơi nước mắt”.... Ông Nghĩa thì âu yếm nhìn vợ, nói: "Từ chiếc gối, cái chăn ngày mô mẹ Loan cũng bắt giặt, thay mới. Cũng từ khi có hai cô con dâu, mẹ Loan đỡ được một phần việc nhà, nương vườn. Các con dâu đều làm cán bộ nhưng hết giờ làm việc xúm lại đỡ đần cho mẹ".
Bây giờ, những lúc ông muốn dậy ra ngoài hóng mát, ngắm vườn cây, bà lại đẩy chồng trên chiếc xe lăn dạo quanh sân. Những lúc như thế ông thường cùng bà ôn lại chuyện xưa, về ngày để ý nhau, yêu nhau rồi nên vợ nên chồng. Cả ông và bà đều sinh ra và lớn lên ở xã Tà Cạ, nhưng hai nhà cách nhau tận mấy con dốc, con khe, ông lại hơn bà đến 7 tuổi, nên cùng xã mà vốn không biết nhau. Một buổi chiều bên một làng chài của xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ông Nghĩa khi ấy đang là bộ đội hải quân về Diễn Trung với nhiệm vụ tham mưu chiến thuật, huấn luyện tân binh, còn bà Loan là sinh viên năm cuối đi thực tập. Họ nhận ra nhau qua giọng nói. "Em có phải người vùng miền trên không?". - "Em ở Tà Cạ - Kỳ Sơn". -"Anh cũng người Tà Cạ chính gốc đây...". Họ mừng rỡ nhận đồng hương rồi ông Nghĩa kịp viết vội trang thư nhờ bà Loan chuyển về cho bố mẹ và các anh chị em của ông ở quê nhà, lá thư kèm mấy con ốc biển. "Ít ngày nữa anh trở vào Tiểu đoàn để kịp giao quân cho các đảo, em nhớ viết thư cho anh nhé!" - ông hồi hộp dặn bà như thế. Sau lần gặp đó những cánh thư từ biển đảo gửi về miền sơn cước giúp họ thể hiện tình cảm của nhau.
Ngày nhận tin bà Loan được vào làm tại Khoa sản Bệnh viện huyện Kỳ Sơn, ông Nghĩa mừng vui khôn xiết rồi vội vàng hồi âm thư ngay thư cho bà. "Vậy là em yêu đã đạt được ước mơ mình ấp ủ..." và từ đó mỗi trang thư của ông đều có câu "Nhớ đợi anh về"... Ngày họ nên duyên vợ chồng, đôi vợ chồng trẻ thầm nguyện suốt đời chăm lo nhau, yêu thương và sẻ chia nhau đến tận cùng của cuộc sống. Từ khi gặp nạn rồi nằm một chỗ, nhiều đêm ông Nghĩa mơ thấy mình được khỏe mạnh như xưa, quá hạnh phúc, hét to một mình: "Vợ ơi anh đứng dậy được rồi". Choàng tỉnh, biết mình đang mơ nước mắt ông ướt đầm gối.
Nhưng rồi, ông Nghĩa đã dần bình tâm, cảm ơn cuộc đời đã cho ông một mái ấm gia đình vợ chồng, con cháu nay đã 8 thành viên cùng chung sống, luôn tạo tiếng cười, tạo niềm hạnh phúc cuộc sống bên ông.
Thu Hương