Bài 3: Tất cả vì lợi ích quốc gia
(Baonghean) - Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ trong phạm vi hành lang ATGT là vi phạm pháp luật. Trong cái sai của một số cán bộ chính quyền lúc đó, cũng có cái sai của người dân, nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, và hơn hết là tất cả chúng ta đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, người dân phải hợp tác với chính quyền để nhìn nhận đúng bản chất của sự việc để giải quyết vấn đề nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A.
(Baonghean) - Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ trong phạm vi hành lang ATGT là vi phạm pháp luật. Trong cái sai của một số cán bộ chính quyền lúc đó, cũng có cái sai của người dân, nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, và hơn hết là tất cả chúng ta đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, người dân phải hợp tác với chính quyền để nhìn nhận đúng bản chất của sự việc để giải quyết vấn đề nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A.
Ngay từ những năm đầu mở cửa kinh tế thị trường, để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, việc mở rộng, đảm bảo an toàn trên Quốc lộ 1A đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Để tránh gây thiệt hại, lãng phí cho Nhà nước và nhân dân khi mở rộng đường, các quyết định, điều lệ hướng dẫn về đường bộ đã được ban hành. Quyết định số 06-CT ngày 3/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện Nghị định 203-HĐBT ngày 21/12/1982 về Điều lệ bảo vệ đường bộ đối với các quốc lộ đã ghi rõ: “1. Theo Điều lệ đường bộ ban hành kèm theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, phạm vi đường bộ và hành lang bảo vệ đường bộ là lưu không, thuộc tuyến đường để bảo vệ, bảo đảm an toàn giao thông và dự phòng khi mở rộng.
Đất đai thuộc hành lang bảo vệ đường chỉ được sử dụng trồng lương thực, hoa màu và trồng cây xanh theo chỉ dẫn của Bộ Giao thông Vận tải; 2. Trên các quốc lộ, đặc biệt đối với Quốc lộ I, kể từ ngày ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, tất cả các công trình đã làm trong lưu thông do các cấp chính quyền, phường, xã, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng là vi phạm luật lệ. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký Quyết định này, các cơ quan và tư nhân vi phạm phải di chuyển các công trình nói trên ra khỏi hàng lang của lưu không (từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào ra mỗi bên 20 mét). Nhà nước miễn phạt và không đền bù.”
Năm 1993, khi thực hiện Dự án Nâng cấp, Mở rộng Quốc lộ 1A, do Ban Quản lý PMU1 của Bộ GTVT làm chủ đầu tư, trên toàn tuyến, đơn vị này đã định mốc hành lang ATGT từ chân đường ra mỗi bên 7m, tương đương từ tim đường ra mỗi bên 13,5 m. Tại Công văn số 1268/PMU1-QLDA2 của Ban quản lý Dự án 1 - Bộ Giao thông Vận tải ngày 28/7/2010 gửi Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An đã xác nhận “Sau khi xem xét và kiểm tra các hồ sơ tài liệu lưu trữ tại Ban QLDA1 về công tác GPMB QL1A của Dự án WB1 từ Km 212+000 - km 463+000 (Cầu Giẽ - TP. Vinh) trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ban QLDA1 quản lý, thực hiện vào những năm 1993-1998, Ban QLDA1 xin có ý kiến như sau: 1. Diện tích đã xây dựng công trình giao thông thuộc Dự án WB1: đã làm thủ tục thu hồi đất vĩnh viễn đến chân công trình; 2. Diện tích từ chân công trình đến cọc GPMB của dự án WB1: các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị tính từ mép ngoài rãnh dọc đường ra mỗi bên là 3m, các đoạn tuyến đi qua khu vực nông thôn tính từ chân ta luy nền đường đắp và đỉnh ta luy nền đường đào ra mỗi bên là 7m, các đoạn có đường sắt liền kề đi qua chỉ cắm cọc GPMB về một phía. Trong phạm vi này dự án đã đền bù toàn bộ công trình, vật kiến trúc trên đất và cây cối hoa màu”.
Các hộ dân ở Diễn Châu đã GPMB hành lang ATGT, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công. |
Tại phòng Công Thương và phòng Tài nguyên Môi trường huyện Diễn Châu hiện còn lưu giữ các hồ sơ liên quan đến việc giải phóng, đền bù năm 1994 của Dự án PMU1 cho các hộ dân có tài sản nằm trong hành lang 13,5m. Tại bản cam kết đền bù có chữ ký xác nhận của đại diện PMU1, UBND huyện, phòng Tài chính, Ban GPMB huyện, UBND xã và đại diện gia đình được đền bù. Trong bản cam kết này cũng ghi các nguyện vọng của gia đình lúc đó: “1. Lấy tiền, tự đi nơi khác, không nhận đất; 2. Tự xây dựng trên phần đất còn lại; 3. Tự xây dựng ở nơi được cấp đất mới...” đồng thời cam kết “Ông (bà) cam kết sau khi nhận tiền đền bù sẽ tự dỡ bỏ và tự di chuyển, đồng thời cam kết không xây dựng trở lại bất cứ công trình, nhà cửa, lều lán trên toàn thể mặt bằng đã được bàn giao”.
Khi thực hiện Dự án PMU1 giải phóng mặt bằng trong phạm vi 13,5m, cũng có những địa phương, những hộ không thực hiện đền bù vì không có tài sản, nhà cửa, hoa màu phải di dời, tháo dỡ. Ông Chu Xuân Thắng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, nhớ lại: “Tại thời điểm thực hiện dự án PMU1, đoạn qua huyện Quỳnh Lưu không phải đền bù, vì đoạn thì không có tài sản, cây cối hoa màu, đoạn thì các tài sản trên hành lang 13,5m không có giá trị nên người dân không đòi hỏi, có một vài hộ thắc mắc thì chính quyền địa phương vận động, thuyết phục được”.
Như vậy, quy định về chỉ giới hành lang ATGT quốc lộ 1A cũng như việc giải tỏa hành lang ATGT đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây và đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
Thế nhưng, như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, do hạn chế về năng lực, nhận thức của cán bộ và người dân về mốc lộ giới lúc đó còn hời hợt nên tại nhiều địa phương, sau khi thực hiện Dự án PMU1, một số cán bộ chính quyền vẫn làm thủ tục cấp bìa đỏ cho người dân có cả diện tích nằm trong phạm vi hành lang ATGT 13,5m.
Ông Trần Văn Duyên - nguyên Chủ tịch xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), cho biết: “Lúc đó cũng có cán bộ huyện và Sở địa chính về hướng dẫn, cũng có nói đến chuyện hành lang ATGT, nhưng với quan niệm đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nên họ bảo cứ cấp cho dân sử dụng, khi nào Nhà nước cần thì thu hồi”.
Nhìn nhận lại vấn đề này, ông Chu Xuân Thắng thừa nhận đó là “việc làm ấu trĩ”, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ từ cơ sở lẫn các ban, ngành liên quan thời điểm đó. Tuy nhiên, lúc đó cán bộ chính quyền địa phương cũng vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển kinh tế của địa phương, người dân cũng có lợi trong việc được sử dụng, tận dụng phần đất lưu không này để trồng trọt hoặc mở ốt kinh doanh. Vậy mà bây giờ, một số hộ dân lại vin vào việc cán bộ thời đó đã lỡ sơ suất cấp giấy chứng nhận QSDĐ, để đòi hỏi đền bù, thậm chí là ngăn cản việc thực hiện thi công dự án của Quốc gia, quả là cạn nghĩ và thiếu công bằng!?
Dù vì lẽ gì, vì lợi ích của dân hay là sự phát triển của địa phương... thì việc cấp đất cho các hộ dân sát mép chân đường như trên, là vi phạm quy hoạch cũng là vi phạm pháp luật, quy định tại Điều 7, Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ban hành Điều lệ Bảo vệ đường bộ (quy định mốc lộ giới thời điểm này là 20m tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào).
Những việc làm “do hoàn cảnh lịch sử” này tại thời điểm đó cũng được chính những hộ dân được cấp bìa đỏ lúc đó “đồng tình”, “không có phản ứng gì”; trong khi trực tiếp, hoặc gián tiếp cũng đều biết diện tích ghi trong bìa đỏ của mình nằm trong phạm vi hành lang ATGT. Trên toàn tuyến Quốc lộ 1A hầu như không có ai xây dựng nhà cửa kiên cố trên phạm vi 13,5m! Sau này, một số hộ dân có mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khi cấp lại giấy chứng nhận, chính quyền cũng đã trừ diện tích thuộc chỉ giới hành lang ATGT. Do đó, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh cái sai của một số cán bộ chính quyền lúc đó, cũng có sự “dung túng” của những hộ dân nhận bìa đất sai trong một thời gian dài hàng chục năm trời mà không có ý kiến gì. Đến thời điểm này, Nhà nước tiến hành thu hồi để sử dụng vào mục đích như đã quy hoạch “mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A” thì mới đưa ra các lý lẽ, bằng chứng này nọ để đòi hỏi quyền lợi.
Về vấn đề này, luật sư Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: Những khúc mắc kéo dài mà chủ yếu là cách hiểu thiếu nhất quán của các bên về quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án nâng cấp QL1A mà không đặt lợi ích quốc gia, địa phương lên trên hết cần phải chấm dứt. Những quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường về đất được thể hiện rất rõ ràng trong Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan. Cần xác định là trong quá trình phát triển đất nước, qua nhiều thăng trầm, việc ban hành các văn bản pháp lý về quản lý và sử dụng đất không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng nhiều địa phương đã thống nhất, chung lòng và dẹp bỏ những lợi ích cá nhân. Trong bối cảnh Luật Đất đai sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/7/2014 và đảm bảo tiến độ của công trình trọng điểm quốc gia, người sử dụng đất cần nhận thức một cách rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mình. Việc ngăn cản người thi hành công vụ (lực lượng giải phóng mặt bằng, thi công QL1A) là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm. Cán bộ, chính quyền tăng cường vận động, đối thoại, tuyên truyền, phổ biến đi đôi với đảm bảo tính nghiêm minh, có hiệu lực cao của các quyết định về việc thực hiện Dự án GPMB QL 1A. |
Thực tế, việc sử dụng đất đai trải qua nhiều thời kỳ, các văn bản điều chỉnh về đất đai cũng có nhiều thay đổi, để phù hợp với thực tiễn, ngoài văn bản hướng dẫn năm 1980; nhà nước ta đã ban hành các Luật đất đai 1987, 1993, 2004. Chính quyền các cấp cũng ban hành các nghị định, thông tư, quyết định để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cho phù hợp với sự phát triển của địa phương và đất nước qua các thời kỳ. Trên tinh thần đó, ngày 19/1/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 04/2010/QĐ-UBND “Ban hành quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Nghệ An”, điều 2, quyết định này nêu rõ “các quy định trước đây của UBND tỉnh Nghệ An trái với Quy định tại quyết định này đều bãi bỏ”. Tại khoản 3, Điều 5 của Quyết định này quy định “Những trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất” có ghi: “Đối với phần diện tích đất đã được Nhà nước giải tỏa trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách qua các thời kỳ nay các chủ sử dụng đất không còn sử dụng hoặc đang sử dụng nhưng do tái lấn chiếm (kể cả trường hợp chưa có quyết định thu hồi đất)”.
Tại huyện Diễn Châu, căn cứ vào những văn bản, tài liệu lưu trữ trong việc đền bù Dự án PMU1 vào năm 1994 và đối chiếu với hiện trạng sử dụng đất cuả các hộ dân dọc tuyến, UBND huyện Diễn Châu và các ban, ngành liên quan đã vận động tuyên truyền để người dân có diện tích đất bìa đỏ nằm trong phạm vi chỉ giới hành lang ATGT 13,5m bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, một số hộ dân vẫn chưa đồng tình với phương án giải quyết của chính quyền, viện dẫn rằng “chưa được đền bù”, “đất đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ và đã sinh sống ổn định, không có tranh chấp với ai”, để đòi hỏi phải được đền bù đất ở trong phạm vi 13,5m. Mà quên đi rằng, chính mình đã cố tình hay vô ý “im lặng” trong suốt thời gian từ khi được cấp đất vi phạm hành lang ATGT để “sinh sống ổn định” và làm ăn trên mảnh đất đó cho đến nay!?
Từ những con đường mòn huyền thoại được mở bằng máu, đến những con đường hiện đại hôm nay là cả một câu chuyện dài được kể bằng lý tưởng, bằng lòng yêu nước và cả trí tuệ của dân tộc ta. Đã qua rồi cái thời “Ta đi giữa ban ngày/ Trên đường cái, ung dung ta bước/ Đường ta rộng thênh thang tám thước”. Con đường quốc lộ-niềm tự hào mà nhà thơ Tố Hữu mô tả trong bài “Ta đi tới” của một thời kỳ lịch sử đã đi vào quá khứ. Ngày nay, trên con đường hiện đại hóa-công nghiệp hóa, đường “ta đi tới” không chỉ rộng “thênh thang tám thước” nữa mà là con đường lớn, đang được thiết kế thi công với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, vươn dài tới khắp mọi miền Tổ quốc. Nó không chỉ là niềm tự hào mà còn là niềm hy vọng lớn về sức vươn Phù Đổng, sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy sự giao thương, mang lại những đổi thay lớn cho những địa phương có con đường đi qua và nền kinh tế cả nước ta.
Hơn lúc nào hết, những người dân ở cạnh Quốc lộ 1A cần ý thức được trọng trách của mình, gác lại những lợi ích cá nhân để góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công con đường lớn – mở ra vận hội mới của quê hương, đất nước.
Quỳnh Lưu họp đánh giá công tác GPMB Quốc lộ 1A Sáng 3/4, UBND huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp đánh giá công tác giải phóng mặt bằng dự án mở rộng nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A và triển khai những giải pháp trong thời gian tới. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, đến ngày 30/3 huyện Quỳnh Lưu phải hoàn thành bàn giao 100% diện tích mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, do trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn vướng mắc về vấn đề đất đai, khiếu kiện, còn một số hộ dân chưa đồng thuận ký vào hồ sơ giải tỏa mặt bằng nên đến nay Quỳnh Lưu mới chỉ bàn giao được 11,38 km/tổng chiều dài 12,25km, đạt tỷ lệ 93%, trong đó xã Quỳnh Văn và Quỳnh Giang là 2 địa phương có nhiều vấn đề tồn đọng và khó khăn nhất. Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã thông tin đến lãnh đạo các phòng, ban ngành và lãnh đạo 6 xã, thị trấn có dự án đi qua kết luận tại cuộc họp sáng ngày 2/4 của đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của các hộ dân xã Quỳnh Văn. Đồng thời tập trung thảo luận, bàn bạc giải pháp giải quyết khó khăn cho từng địa phương trong thời gian tới, giao trách nhiệm cho từng ngành, các tổ chức chính trị xã hội để quyết tâm hoàn thành bàn giao mặt bằng xong trước ngày 15/4/2014. Như Thủy (Đài Quỳnh Lưu) |
Nhóm P.V