Mãi nhớ lời Người

19/05/2014 20:08

(Baonghean) - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào và người dân quê hương. Người luôn mong Nghệ An phát triển giàu mạnh, sánh vai cùng các tỉnh, thành khác. Trong những lần về thăm quê ngắn ngủi, Người đã đi thăm nhiều địa phương và đến đâu Người cũng trăn trở và có những lời căn dặn ân tình… Dẫu nhiều năm đã qua đi nhưng quê hương vẫn luôn khắc ghi và làm theo lời Người.

Thuyết minh về gia đình, cuộc đời Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên.
Thuyết minh về gia đình, cuộc đời Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên.

Dẫu hội làng Hào Kiệt, Phú Văn đã qua từ lâu, nhưng về Vĩnh Thành, huyện Yên Thành hôm nay vẫn thấy đâu đó không khí hội hè, vui tươi hiện lên trên những nét mặt người dân. Trên cánh đồng xóm Bắc Tháp, mọi người đang tíu tít tay liềm thu hoạch lúa đông xuân. Chúng tôi gặp ông Phan Công Mẫn (76 tuổi), nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vĩnh Thành, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã đang tư lự trước cánh đồng. Với ông Mẫn, mỗi độ tháng 5 về bao giờ cũng là thời khắc giàu xúc cảm. Mùa ấm no về, Lễ kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu cận kề… Ông và mọi người dân nơi đây vẫn nhớ như nguyên những lời dạy trong lần Bác về thăm Vĩnh Thành vào sáng 10/12/1961. Những năm đó, Vĩnh Thành là điểm sáng làm giao thông, thủy lợi, trồng cây của Hợp tác xã kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa. Ngày đón Bác Hồ, ông Mẫn đang là Phó Bí thư Đoàn xã, được cử đi học ở Vinh đã chạy ù về để được nhìn, lắng nghe lời dặn dò của Người. Ông Mẫn kể: Bác dặn chính quyền địa phương phải chăm lo đến đời sống của đồng bào, cuộc sống phải được cải thiện, ai cũng có cơm no, áo mặc. Vĩnh Thành phải cải tiến cách lao động sản xuất để giữ vững 3 phong trào xây dựng hợp tác hoá nông thôn, làm thuỷ lợi, trồng cây gây rừng…

Lời Bác ân cần dặn dò luôn được ông Mẫn nói riêng và người dân xã Vĩnh Thành khắc ghi và làm theo. Với ông Mẫn: “Học theo Bác bản thân tôi không quản ngại khó khăn, đi đầu trong mọi phong trào, mọi việc, công việc nào được giao cũng cố gắng hoàn thành, làm đến nơi đến chốn”…Với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành: Học theo Bác, những đất trống, đồi trọc vốn phủ đầy cây dại, sim mua đã nhanh chóng trở thành đồi thông, bạch đàn, tràm và cây lấy gỗ. Phong trào trồng cây được nhà nhà, người người hưởng ứng. Thực hiện thâm canh, kênh mương ruộng đồng được xây dựng kiên cố, giống mới, năng suất cao được đưa vào. Làm giao thông nông thôn, đường bê tông chạy vào mỗi nhà, mỗi xóm. Cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn, nhà cửa kiên cố, cháu con được học hành đầy đủ và ngày càng tấn tới. – Ông Mẫn khoe: Năm ni xã Vĩnh Thành được mùa to, năng suất lúa đạt 74 tạ/ha…

Lý giải nguyên nhân biến chuyển từ một vùng bán sơn địa, sâu trũng, hàng năm bị lũ lụt, thiên tai đe dọa trở thành vựa lúa của huyện Yên Thành, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Nhớ lời dạy của Người, nhiều năm qua, xã đã xây dựng hệ thống thủy lợi tốt, không ngừng nâng cấp trạm bơm phục vụ cho tưới tiêu, xây dựng hệ thống kênh mương cứng hoá dài hơn 40 km, củng cố hồ, đập bị sạt lở, hư hỏng… Để xây dựng quê hương ngày phát triển, Vĩnh Thành bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xã xác định nông thôn mới bắt đầu từ ruộng đồng, việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng giao thông nội đồng đã hoàn thiện từ cuối năm 2013. Đến nay, Vĩnh Thành đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Hùng cho hay: Vĩnh Thành xác định hướng đi là phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển thương mại, dịch vụ. Để phát triển thương mại dịch vụ, hiện xã đã và đang tiến hành mở rộng các tuyến đường theo tiêu chuẩn, tiêu chí, phấn đấu trong năm 2014 này mỗi xóm mở rộng một tuyến. Việc mở đường tin chắc sẽ không gặp khó, bởi xây dựng nông thôn mới chính là việc làm của dân, vì dân và mỗi người dân Vĩnh Thành vẫn luôn nhớ lời Bác dạy.

Cũng như những người dân xã Vĩnh Thành, người dân xã Đông Hiếu hôm nay (là những công nhân, con em công nhân Nông trường Đông Hiếu từng được Bác Hồ về thăm vào ngày 10/12/1961) luôn khắc ghi lời Bác dạy “giữ được mối đoàn kết thì sẽ thành công” làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Anh Trần Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu khẳng định: Để tăng cường mối đoàn kết, Đông Hiếu tạo dựng nên phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao rộng khắp. Thông qua các hoạt động này để tạo thêm tinh thần vui tươi, phấn khởi, hướng tới sự ổn định và phát triển của xã nhà. Không khí thể thao sôi nổi, văn nghệ hào hứng đã trở thành cuộc sống thường nhật với mỗi người dân Đông Hiếu. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Đông Hiếu phát triển không những tạo sân chơi giao lưu bổ ích giữa các tầng lớp nhân dân, củng cố tăng cường tình đoàn kết giữa người dân trong xã mà còn góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho người dân quê hương. Và ngược lại, mỗi người dân, mỗi địa phương cũng luôn cố gắng, phấn đấu để xây dựng phát triển, xứng đáng với tình cảm, mong mỏi của Người. Ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ: “Vinh dự, tự hào được Bác Hồ viết thư biểu dương khen ngợi và căn dặn “đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tǎng gia sản xuất”, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong luôn xem tình cảm mỏi mong của Người là động lực phấn đấu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Với nhiều hành động, việc làm cụ thể, trong 2 năm (2012 - 2013), huyện đã nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng mức sống của nhân dân. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2011 là 50,53% đã giảm xuống 41,18% vào cuối năm 2013; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 7,6%; bình quân lương thực đầu người đạt 343 kg/năm. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống còn 34,18% vào cuối năm 2015, bình quân thu nhập đầu người đạt từ 13-15 triệu đồng/năm”.

Quyết tâm xây dựng Nam Ðàn trở thành "huyện kiểu mẫu", như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn, những người dân quê Bác trong những năm gần đây đã nhập cuộc với quyết tâm xây dựng xã Kim Liên thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, là mô hình cho cả huyện, tỉnh và cả nước học tập. Từ quyết tâm đó, Kim Liên phát triển với tốc độ mạnh mẽ. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt trên 233 tỷ đồng, toàn xã chỉ còn 4% hộ nghèo. Tháng 5/2014 này, 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cơ bản sẽ được Kim Liên hoàn thành. Và dự kiến đến 30/6 này, xã sẽ trình UBND tỉnh kiểm tra, trình Chính phủ phê duyệt, trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện được công nhận xã nông thôn mới.

Về Nam Đàn tháng 5 này, chúng tôi thực sự cảm động về đảng viên Nguyễn Công Hải (xóm 1, xã Xuân Hòa), mặc dù không đảm nhận một trọng trách gì trong xóm, trong xã nhưng lại được mọi người nể trọng bởi mỗi việc làm, hành động của anh đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trong xóm. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2013 xóm huy động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa xóm, ngoài mức đóng theo chỉ tiêu, anh đã tự nguyện ủng hộ thêm 1 tấn xi măng trị giá 1,5 triệu đồng để cùng bà con đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, vợ làm ruộng, anh hàng ngày làm thợ nề vất vả, các con đang còn tuổi ăn tuổi học nhưng khi nhặt được chiếc ví, ngoài các giấy tờ quan trọng có 1 chỉ vàng và 5 triệu đồng anh đã tìm đến chủ nhân chiếc ví, anh Nguyễn Văn Dương, ở xã Vân Diên để trả lại.

Trong vô vàn những bông hoa tuổi thơ trên quê hương Bác – Nam Đàn, nổi lên tấm gương vượt khó học giỏi của em Nguyễn Thị Phấn, học sinh Trường THCS xã Vân Diên. Mới 15 tuổi nhưng cô học trò nhỏ bé ấy đã phải làm trụ cột của một gia đình gồm 4 người. Cha em bị tai nạn chấn thương cột sống phải nằm một chỗ từ nhiều năm nay, mẹ mắc bệnh trầm cảm, tâm thần hoang tưởng, anh trai bị dị tật bẩm sinh không có khả năng lao động. Gánh nặng gia đình vượt quá sức đối với một cô bé tuổi vị thành niên, tuy nhiên vượt lên tất cả hoàn cảnh, Nguyễn Thị Phấn luôn là học sinh giỏi của trường suốt 9 năm từ tiểu học đến THCS và là học sinh giỏi huyện môn Văn.

Đối với cán bộ, nhân viên Khu Di tích Kim Liên luôn xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là một phần máu thịt gắn liền với nhiệm vụ chính trị của đơn vị và trách nhiệm nghề nghiệp của mỗi người. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên đã vận động cán bộ, đảng viên, CNVC đóng góp giúp đỡ một số gia đình chính sách, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hồng Long và Nam Lĩnh với số tiền trị giá hơn 27 triệu đồng; trao tặng 35 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, học sinh nghèo vượt khó học giỏi và phụ nữ nghèo ở xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Thái; nhận chăm sóc thường xuyên gia đình ông Phạm Văn Mão ở xóm 6, xã Hồng Long - là thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp nay đã 82 tuổi, già yếu, gia đình đặc biệt khó khăn...

Những miền quê nơi Bác từng đến thăm, những người Bác từng gặp, từng dặn dò trong hai lần Người về thăm quê, vẫn đang từng ngày nỗ lực để thực hiện lời Bác dạy, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc như mong muốn của Người lúc sinh thời.

Thanh Sơn - Mai Hoa