Xanh niềm vui cây lùng Châu Thắng
(Baonghean) - Trưởng bản Lô Văn Dũng, bản Xẹt 1, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) trầm ngâm nhìn về phía rừng lùng ngút ngàn, nói: "Ngày xưa, “đi lùng” nắm cơm mang theo độn khoai nhiều hơn cơm, lại còn chịu đựng sên, vắt... Rừng xưa bây giờ xanh rừng mới, dân bớt khổ!…".
Đã mấy lần về với Châu Thắng. Lần này trong dịp nắng dữ, các thôn bản vừa vãn mùa gặt, nhà nào cũng bộn thóc lúa, rơm rạ. Đến bản Xẹt 1, thật may Trưởng bản Dũng có nhà. Làm cái bắt tay thật chặt, mừng cho ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như ngày nào. Chuyện thóc lúa, chăn nuôi vẫn vậy, ông khoe nhiều về rừng lùng xanh tốt, đang cho thu hoạch suốt 4 mùa. Ông bảo, không kể ra thì phóng viên cũng biết được Châu Thắng bây giờ vững vàng hơn, khấm khá hơn nhờ vào cây lùng rồi. Nhưng để có cái vui lớn ngày hôm nay, thì đã trải qua nhiều chuyện kém vui đấy! Từ khi người dân được giao đất, giao rừng theo Quyết định 163 của Thủ tướng Chính phủ, ai nấy trong cái vui có cái lo là trâu, bò thả rông phá, rồi người xấu đến khai thác trộm thì biết kêu ai? Nhưng quyết tâm làm! Bà con họp lại tại nhà trưởng bản, đồng lòng nhận rừng khoanh nuôi và bảo vệ, nhất là không thả rông trâu, bò. Thấm thoắt đã hơn chục năm kể từ ngày ấy, rừng xanh tốt lên đem lại nhiều cái lợi...
Người dân bản Xẹt 1, xã Châu Thắng chẻ lùng trước khi nhập cho thương lái. |
"Vui chuyện nay không thể quên được chuyện ngày xưa mô phóng viên ạ!” - ông Dũng nói và kể: Trước những năm 1995, cuộc sống của dân bản phải dựa vào những chuyến đi tìm lùng đem về bán lấy tiền đong gạo. Bà con phải vào các rừng xa thuộc các xã Diên Lãm, Châu Phong, ngược ra vùng sâu Châu Nga để chặt lùng đem về bán. Mỗi lần “đi lùng” mất hai đến ba ngày, có khi cả tuần mới về. Không kể hết cảnh khổ khi bị sên, vắt cắn, nhiều lúc đang chặt lùng, không kịp gỡ sên, vắt bám đầy cổ, đầy chân, lại còn gai góc cào xước, rồi rắn, rết...
Một ngày chặt được vài ba bó lùng phải đi bộ cả chục cây số. Không dễ tìm nơi có lùng để chặt, mà nơi có cũng toàn là cây nhỏ, bán không ai mua, lại phải đi tìm những cây lùng già. Chặt được lùng, vác nặng bầm tím hai vai ra đường cái trục đường 48 bán (thời đó đã có người thu mua bên đường). Một chuyến đi lùng nhà nhiều nhất được trên trăm ngàn đồng, ít nhất được dăm chục ngàn, như vậy là cũng may rồi, bởi khi đó nhà nhà đều kéo nhau “đi lùng” chặt vãn cả rừng. Có nhà ông Hạnh ở bản Bài, chuyến nào “đi lùng” cũng kéo cả vợ con, đứa trẻ còn bú mẹ cũng đi theo vì ở nhà không có ai nữa. Sau một lần cháu ông Chiến ở bản Cằng suýt bị rắn cắn chết, những nhà có con nhỏ đi cùng không ai còn dám để con ngồi một mình mà phải cho vào gùi sau lưng bố mẹ...
Ngày đó ăn uống cũng kham khổ lắm. Gọi là ngày hai bữa cơm nhưng khoai nhiều hơn cơm, chủ yếu cơm nhường cho con, bố mẹ ăn củ mài, rau rừng. Mỗi nhà chỉ đưa một chiếc nồi nấu cơm, săn được con chim, con sóc không dám ăn mà để bán mua gạo. Trẻ con được ăn thức ăn mang theo trước đó như món mọc được làm bằng thịt nhái, có khi thiu vẫn phải cho con ăn. Khổ như vậy, nhưng được cái bà con đoàn kết, thương yêu nhau lắm, một nắm rau rừng cũng nhường cho nhau. - "Thời đó nhà không làm lúa à?". "Có chứ, làm nhiều mà mùa không cho hạt chắc, những đồng lúa đến ngày thu hoạch hạt lép nhiều, người dân chưa biết khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phụ thuộc vào thiên nhiên. Lùng vẫn là cứu cánh" – Trưởng bản Dũng nói - "Người dân các xã khác cũng đến xã mình tìm lùng, rồi lùng cũng cạn kiệt hết, nên bà con dân bản mới phải đi xa"…
Trong bữa cơm tối, có món cá sông nấu chua, bát gạo nương thơm dẻo, Trưởng bản Dũng vui mừng nói: "Bây giờ người dân qua rồi cuộc sống kham khổ xưa. Giờ nhà nào cũng có rừng lùng của mình, cho thu nhập đều đều, bình quân một năm nhà nào ít cũng có trên dưới 80 triệu đồng, nhiều cũng hàng trăm triệu đồng. Chưa kể đến một năm dân bản làm 2 vụ lúa, một vụ màu theo kỹ thuật mới, lúa gạo đủ ăn quanh năm”. Nói đoạn, Trưởng bản Dũng gợi ý phóng viên sáng mai đi rừng, lên đó xem người dân trong xã khai thác lùng đông vui lắm! Háo hức ngủ lại ở bản. Sáng tinh mơ, Trưởng bản Dũng đã chuẩn bị một nồi nước râu ngô cho vào gùi, ông bảo: "Chặt lùng một lúc là khát khô cái họng. Nhưng bây giờ “đi lùng” cũng chỉ nửa ngày là về, khoảng độ ba, bốn giờ đồng hồ là có một xe bò lốp chở đầy lùng.
Không như xưa phải đi tìm từng vạt rừng, bụi hóp để chặt”. Khu rừng của gia đình Trưởng bản Dũng cách nhà độ gần 2 cây số. Những khóm lùng già chưa khai thác kịp thì măng non đã thi nhau chồi lên. Trưởng bản Dũng khoe: "Rừng lùng cho khai thác quanh năm, thật trước đây khó tin nổi từ khi được giao đất, giao rừng cho dân lại có hiệu quả cao đến như vậy". Lô bên cạnh, ông Lương Văn Thanh đang chặt lùng, hồ hởi nói vọng sang: "Từ sớm đến dừ chuyển về hai xe rồi trưởng bản ạ, mấy ngày lo việc thu hoạch mùa màng không thu hoạch lùng được, các thương lái đang về thu gom ở trung tâm xã đó".
Hút theo không khí khai thác lùng của bà con, chúng tôi sang bản Xẹt 2. Tại nhà chị Lương Thị Quê, bà con dân bản đang ngồi bó lùng cho kịp nhập chuyến xe chiều. Bà con bảo mùa hè thường “đi lùng” ban đêm cho mát, đi vào những hôm có trăng, khuya mới về nhà. Còn ban ngày, khi không đi lùng, thì ở nhà cưa lùng ra đem buộc thành từng bó. Cứ thong dong thế, mỗi khi thấy mỏi lưng, nắng nỏ có thể nghỉ. Nhất là có nguồn rừng lùng dồi dào, không còn sợ cái nghèo đói nữa. Nhà nhà khấm khá, thêm niềm vui nữa là lo được cho tụi nhỏ không còn phải ôm cái bụng đói đến trường nữa .
Khi nắng đã chếch đỉnh đầu, trên những cánh rừng lùng, các góc bản ở Châu Thắng, bà con vẫn rộn rịp khai thác, cưa bó lùng. Trưởng bản Dũng vừa tiễn chúng tôi ra đầu bản xong, là tất tả quay ngay vào rừng, dáng đi nhanh nhẹn, tất bật như lao về rừng của ông, cho thấy ông đang vui lắm.
Thu Hương