Khát vọng vươn khơi
(Baonghean) - Khát vọng được một lần ra đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa luôn thôi thúc, giục giã những ngư dân. Ngoài nguồn lợi kinh tế, tàu và ngư dân còn là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền quốc gia trên Biển Đông và là những chứng nhân sinh động, hùng hồn nhất trong cuộc gìn giữ và bảo vệ vẹn toàn chủ quyền lãnh hải của đất nước...
(Baonghean) - Khát vọng được một lần ra đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa luôn thôi thúc, giục giã những ngư dân. Ngoài nguồn lợi kinh tế, tàu và ngư dân còn là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền quốc gia trên Biển Đông và là những chứng nhân sinh động, hùng hồn nhất trong cuộc gìn giữ và bảo vệ vẹn toàn chủ quyền lãnh hải của đất nước...
Giấc mơ Hoàng Sa
Mặc dù được đánh giá là tỉnh có đội tàu mạnh với hàng trăm phương tiện có công suất trên 300CV có thể đi biển dài ngày và đến với những ngư trường xa, nhưng chưa một tàu thuyền nào của ngư dân Nghệ An hiện diện trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Các phương tiện đánh cá của ngư dân Nghệ An chủ yếu tập trung khai thác tại vùng biển Vịnh Bắc bộ. Xa hơn nữa là vùng biển thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Đây là những ngư trường truyền thống và mỗi chuyến đi kéo dài nhất cũng chỉ khoảng 10 ngày. Vì thế, với ngư dân Nghệ An, mơ ước giăng buồm, thả lưới lướt trên những con sóng trên vùng biển Hoàng Sa vẫn luôn cháy bỏng.
Nhưng hôm nay, niềm mơ ước, giấc mơ ấy sắp trở thành hiện thực khi tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ cho ngư dân khai thác vùng biển xa bờ. Khi biết chủ trương vận động nhân dân đánh bắt xa bờ tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, DK1, chủ tàu Phan Văn Hải, xóm Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) không chần chừ đi tiên phong ra ngư trường mới. Hải tâm sự: “Tôi chưa một lần đến và đánh cá trên vùng biển đó nhưng đã được nghe các chủ tàu ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng kể nhiều. Đó là ngư trường rộng lớn, dồi dào tôm cá và đặc biệt là có nhiều loại cá có giá trị cao. Các chủ tàu ở các tỉnh bạn thường xuyên khai thác ở đó và hầu như chuyến đi biển nào cũng đánh được rất nhiều cá. Hơn nữa, đi đánh cá ở vùng biển xa còn được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tương trợ của các tàu bạn nên tôi yên tâm và quyết làm người tiên phong”.
Hải hiện có 1 tàu công suất 640CV và có cổ phần một tàu có công suất 240CV. Vốn sinh ra ở làng biển, sau khi học hết cấp 3, Hải quyết tâm bám biển. Từ nhỏ, cùng bố ra khơi, anh ước ao một ngày nào đó mình thực sự làm chủ một con thuyền, dong ra biển lớn với ăm ắp cá tôm, chính mình sẽ làm giàu từ biển. Năm 2007, Hải vay mượn bạn bè, anh em cộng với chút vốn liếng để dành bao lâu nay đóng mới một con tàu công suất 105CV. Những chuyến đánh bắt cá ở vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, anh có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi với ngư dân nơi đây thì được biết rằng, vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa rất nhiều cá mực. Tò mò, háo hức lắm nhưng anh nghĩ, với công suất của tàu hiện tại thì không thể ra đến ngư trường rộng lớn đó. Nếu muốn ra đó, bắt buộc phải có tàu công suất lớn hơn để có thể đi được dài ngày, dự trữ được nhiều dầu, đá lạnh và thực phẩm. Nói là làm, tháng 4 năm 2013, con tàu công suất 640CV với số vốn trên 5 tỷ đồng được hạ thủy, chạy thử chuyến đầu tiên mở đầu cho khát vọng vươn ra ngư trường Hoàng Sa của anh. “Từ tháng 3 đến tháng 5, ngư trường này biển lặng nên rất nhiều cá. Do ở đây có độ sâu trên 600m nên nghề vây của tôi rất thích hợp. Hơn nữa, ở Đà Nẵng có những chiếc tàu hậu cần, họ sẽ tiến hành thu mua sản phẩm rồi bán lại dầu, đá lạnh và thực phẩm cho mình ngay trên biển nên tàu tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn. Không phải quay vô bờ, tàu có thể tiếp tục khai thác hết một tuần trăng (khoảng 20 ngày) rồi mới cập bến để bán cá”, Hải cho biết.
Ngư dân Quỳnh Long - Quỳnh Lưu đánh bắt xa bờ. Ảnh: Đình Sâm |
Vốn là bạn thân của Hải, những tâm sự về Hoàng Sa khiến anh Nguyễn Văn Minh, xóm Lam Sơn, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) háo hức. Theo biển từ năm 16 tuổi, tình yêu biển cả đối với anh Minh như ngấm vào máu thịt. Hơn 24 năm vào sinh ra tử, vật lộn với từng con sóng khắp các vùng biển từ Quảng Bình ra đến Quảng Ninh, anh bảo rằng, nhiều đêm nằm trên giường nhưng anh vẫn cứ nghĩ mình đang lênh đênh trên biển. Cuộc sống gia đình vốn khó khăn, vợ bị tai nạn phải nằm một chỗ, đứa con gái thứ hai học đến lớp 9 phải ở nhà thay bố chăm sóc mẹ. Thằng con trai đầu của anh học đến lớp 9 cũng nằng nặc xin nghỉ để được đi biển phụ với bố. Vài năm trở lại đây, ngư trường chật chội hơn, cá đánh được đưa về thường bị thương lái ép giá nên lợi nhuận chẳng được là bao. Trong khi chi phí thuốc thang cho vợ, sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều trông chờ vào những chuyến đi biển của anh. Trong lúc chưa có hướng đi mới, được anh Hải động viên, anh mạnh dạn đăng ký ra đánh cá vùng ngư trường Hoàng Sa. “Phải thay đổi thôi chú ạ. Cứ luẩn quẩn đánh bắt trong cái vịnh này thì mãi không khá lên được. Tàu của tôi có công suất 450CV, cộng với sự giúp sức của các tàu trong đội thì sợ gì đánh không thắng lớn hả chú”, anh Minh tâm sự.
Không có được may mắn như anh Hải là được tiếp cận với các tàu cá Quảng Bình nhiều nhưng anh Bùi Quang Luyến, xóm Thanh Tiến, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cũng rất háo hức được đến với ngư trường Hoàng Sa. Anh Luyến theo biển bằng những ngày làm phụ thuyền. Trong hoài tưởng của anh, Trường Sa, Hoàng Sa là một nơi linh thiêng mà không phải ai muốn đến cũng được. Đã nhiều lần anh đánh cá trên vùng biển Quảng Bình, được ngư dân nơi đây kể lại những chuyến ra Hoàng Sa với những hình ảnh đẹp đẽ, mẻ lưới nào cũng đầy ăm ắp cá làm cho anh thấy rạo rực, háo hức muốn được một lần đến với Hoàng Sa. Anh Luyến tâm sự: “Lâu nay, tàu tôi đánh bắt cá từ vùng biển Quảng Ngãi đến Quảng Ninh, tuy sản lượng khai thác có cao nhưng giá trị sản phẩm thì đang đi xuống. Do đối tượng đánh bắt được chủ yếu là cá xô, cá tạp, trong khi đó những đối tượng như cá ngừ, cá bạc má thì ngày càng ít đi. Sau cơn bão số 14 (Haiyan) vừa qua, không biết cá chạy đi đâu hết, chuyến nào ra khơi may mắn được vài tấn, vừa đủ tiền dầu với tiền nhân công. Vì thế, tôi quyết định đăng ký xin đi khai thác tại ngư trường Hoàng Sa. Không chỉ vì nguồn lợi về kinh tế, đi Hoàng Sa cũng là một cách thể hiện tình yêu của mình với Tổ quốc”.
Cần được tiếp sức
Để có thể khai thác xa bờ, nhất là đối với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa cách bờ biển Nghệ An trên 300 hải lý, ngư dân phải có những đội tàu có công suất lớn, ngư lưới cụ phù hợp. Nghệ An là một trong những tỉnh có đội tàu công suất trên 350CV lớn nhất cả nước. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi vì ngư dân sẽ không còn cảnh nơm nớp lo sợ khi phải đi dài ngày trên biển, gặp những sự cố rủi ro bất thường. Trong những năm qua, bằng nội lực và sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đóng mới, cải hoán nhiều tàu để có thể vươn khơi. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, khó tiếp cận với vốn vay ưu đãi nên số lượng tàu đóng mới trên địa bàn còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết: Năm 2013, trên địa bàn xã có 20 chiếc tàu được đóng mới, nâng tổng số tàu thuyền của xã lên 383 chiếc (trên 90CV). Tuy nhiên, nhà nước chỉ hỗ trợ rất hạn chế, trung bình khoảng 50 triệu đồng/phương tiện. So với kinh phí đóng tàu loại 400CV hết khoảng trên 5 tỷ đồng thì không thấm vào đâu.
Tha thiết của ngư dân là đối với những tàu khai thác xa bờ thì Nhà nước cần có chế độ hỗ trợ cao hơn, đây là động lực để ngư dân tiếp tục vươn khơi, làm chủ vùng biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Trên địa bàn xã Tiến Thủy có 4 tàu thuyền đăng ký khai thác ở vùng biển Hoàng Sa. Hiện nay, xã đã lập danh sách và gửi Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi ngư dân khai thác vùng đánh cá mới thì yêu cầu bắt buộc là phải có thiết bị ICOM định vị kết nối vệ tinh. Thiết bị này vừa giúp ngư dân xác định hướng đi, tọa độ của tàu đang khai thác, vừa giúp cơ quan chức năng nắm được vị trí của tàu, để khi có sự cố bất thường có thể ứng cứu, giúp đỡ kịp thời. Nhưng hiện cả xã mới chỉ có 10 tàu được lắp đặt thiết bị này. Anh Phan Văn Hải là người đầu tiên được cơ quan chức năng tặng 1 chiếc ICOM trong lần đăng ký đi Hoàng Sa. “Trong buổi hội thảo về đánh bắt xa bờ do Sở NN&PTNT tổ chức, khi được hỏi ai đăng ký đi khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, tôi là người đầu tiên giơ tay. Vì thế, cơ quan chức năng quyết định hỗ trợ miễn phí máy ICOM cho tôi. Tôi hứa, sau khi được cho phép, tôi sẽ là người đầu tiên của tỉnh đưa tàu ra Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng điều mà chúng tôi băn khoăn là những chính sách cụ thể của Nhà nước hỗ trợ dầu cho những tàu đi Hoàng Sa, đóng mới cụ thể như thế nào? Bên cạnh đó, ngư dân chúng tôi rất cần được cơ quan chức năng tập huấn, phổ biến những quy tắc, quy định khi hoạt động trên ngư trường mới. Bởi ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế thì nhiệm vụ thiêng liêng là góp phần giữ vững vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, Hải tâm sự.
Hầu như địa phương nào cũng có tàu đăng ký đi Hoàng Sa, Trường Sa. Như xã Quỳnh Phương có hơn 20 phương tiện, Quỳnh Lập hơn 40 phương tiện, Quỳnh Nghĩa 17 phương tiện, Tiến Thủy 4 phương tiện, Quỳnh Long hơn 10 phương tiện... Tuy nhiên, để khai thác đạt hiệu quả cao ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì ngư dân phải thay đổi rất nhiều. Anh Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Đây là 2 ngư trường mới và được đánh giá là có tiềm năng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng. Ngư dân có điều kiện để khai thác tốt hơn và đảm bảo năng suất, sản lượng cao. Tuy nhiên, để vươn khơi xa thì ngư dân trên địa bàn tỉnh phải thay đổi về phương tiện, ngư lưới cụ, kỹ thuật khai thác cũng như hoạt động dịch vụ, hậu cần làm sao cho phù hợp nhất. Và nguyện vọng của ngư dân là rất đáng khen ngợi, cần được tiếp tục vận động, khuyến khích trong thời gian tới. Hiện nay, ngư dân xã Quỳnh Long đã bắt đầu đóng mới được 4 phương tiện để tham gia vào đội tàu khai thác xa bờ. Và các xã sẽ tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm và nắm bắt những quy định, quy tắc mới khi tham gia đánh cá trên vùng biển này. Đây là hướng mở để ngư dân có điều kiện tiếp tục bám biển, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân vươn khơi đến những ngư trường xa để khai thác, đánh bắt hải sản. Hiện nay các cơ quan chức năng Nghệ An đang tổ chức cho ngư dân đăng ký và sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ngư dân được hưởng các chính sách hỗ trợ khi vươn khơi đến những ngư trường xa khai thác thủy sản. Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong những năm gần đây, số lượng phương tiện được đầu tư đóng mới có công suất lớn và ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy sản ngày càng nhiều, đóng góp không nhỏ cho lĩnh vực khai thác thủy hải sản nói chung và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, do ngư trường truyền thống đang ngày càng cạn kiệt nên tỉnh đang vận động, khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi đến những vùng biển xa hơn, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những ngư trường có tiềm năng hải sản phong phú, đa dạng nên giá trị khai thác sẽ được nâng cao. Ngoài vấn đề phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng biển thì nó còn đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vững chắc vùng biển của nước ta. Hiện nay, tỉnh đang tổ chức cho nhân dân đăng ký để giúp ngư dân được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Theo quyết định này, ngư dân được hỗ trợ tiền dầu cho mỗi chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ mua máy định vị toàn cầu (GPS) thông tin liên lạc trên sóng HF. Tính đến tháng 7/2013, cả nước đã hỗ trợ ngư dân hơn 760 tỷ đồng, trong đó 673 tỷ đồng tiền nhiên liệu, 10 tỷ đồng tiền bảo hiểm; hỗ trợ 2.203 máy thông tin liên lạc VX-1700 trị giá hơn 67,7 tỷ đồng; đã có 15.298 thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn… Mới đây nhất là vào ngày 26/6/2013, Chính phủ đã có Quyết định 38/2013/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 48/2010/QĐ-TTg nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi xa. |
Phạm Bằng