Na Ngoi mùa xuân ấm

24/01/2014 19:41

(Baonghean) - 1. “Đất Kỳ Sơn cũng thật biết kén người”, không cứ muốn đến là được. Tôi đã phải nín thở khi gặp quãng đường dốc đứng gấp khúc quanh co, nhiều chỗ xe bò qua ngoái đầu lại chỉ thấy hun hút cờ lau. Chênh vênh. Thăm thẳm. Và bù lại tôi cũng có được món quà đầu tiên quý giá, mới lạ vô cùng bởi trước mặt là ngút ngàn núi hiện ra.

Mất đến 4h đồng hồ vượt khoảng 70 km từ Thị trấn Mường Xén mới đến được xã Na Ngoi, nơi có ngọn núi hùng vĩ Pu xai lai leng. Sương trắng xóa phủ kín mọi ngả, quấn quýt chân người, tựa như nàng tiên choàng áo bông bay lượn. Sương chỉ loãng tan ra khi mặt trời tỏa xuống. Màu xanh bàng bạc, thăm thẳm của rừng hòa lẫn với màu mênh mang nước biếc ở các dòng suối đang hối hả hòa vào dòng Nậm Mộ.

Mùa gặt.
Mùa gặt.

Na Ngoi là xã có diện tích ruộng nước bậc thang lớn nhất huyện Kỳ Sơn với 450 ha. Từ khi có hệ thống dẫn nước tự chảy đã giúp bà con thuận lợi trong việc tưới tiêu, lúa cấy 2 vụ/năm đã giúp bà con nơi đây không phải chạy gạo mùa giáp hạt. Ăn không hết, gạo Mông còn theo các chị, các mẹ xuống núi, ra chợ Mường Xén cạnh tranh với gạo miền xuôi. Gạo Mông đã có thương hiệu nhờ thơm, dẻo, dinh dưỡng cao nên rất được giá (20 ngàn đồng/kg). Trên đường về bản, gùi đã đầy sách vở cho con, quần áo đẹp cho cả nhà chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Nếu được đầu tư hơn về giống và khoa học kỹ thuật thì tương lai Na Ngoi sẽ trở thành vựa lúa trên mảnh đất biên giới Kỳ Sơn. Điều đó sẽ trở thành hiện thực bởi người Mông nổi tiếng cần mẫn, chịu khó. Từ khi có Làng thanh niên lập nghiêp của Tổng đội TNXP 10 hướng dẫn, giúp đỡ, cuộc sống bà con Na Ngoi đang thay da, đổi thịt hàng ngày. Ước mơ thoát nghèo đã thúc đẩy bà con mở rộng diện tích trồng ngô, bí, khoai sọ, dong riềng, gừng; phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đen theo kỹ thuật… đang dần trở thành những mặt hàng mang lại hiệu quả. Bản Ka Trên, Ka Dưới… sầm uất buôn bán. Những ngày nắng ráo, xe hàng còn vào tận bản. Những ngôi nhà mái gỗ samu đã kiên cố, chảo gang đã không còn xê dịch. Đàn bò được chăn nuôi trong chuồng, rau sạch, thực phẩm sạch đang dần trở thành hàng hóa. Vừa rồi, Na Ngoi là 1 trong 12 xã của Kỳ Sơn được nhận bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Sau khi nhận bò, các gia đình đã ký cam kết làm chuồng trại, chăn dắt cẩn thận, nuôi bò theo phương pháp mới. Huyện cử cán bộ khuyến nông xuống tận bản, tận xã để mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, chăm sóc bò đúng kỹ thuật… Mùa xuân no ấm đang về trên bản làng Na Ngoi.

Đi chợ sắm đồ tết
Đi chợ sắm đồ tết

2. Con đường dẫn vào bản Tổng Khư rực vàng hoa cải reo vui trong nắng xuân, đào đá người Mông hồng thắm cả một vùng trời. Mọi thứ như phối màu cho nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp nơi miền Tây đất Nghệ.

Những tia nắng vàng vẫn say sưa trải dài sưởi ấm những con đường hoa đào rồi theo chân du khách vào tận bậc thềm của gia đình Trưởng bản Tồng Khư - Lầu Giống Nỏ. Mùi thịt nướng gác bếp thơm nức mũi. Bếp lửa người Mông mùa đông không bao giờ hết đượm, nên dù có xa lạ thế nào cũng sẽ thấy ấm nồng khi được quây quần bên gian bếp, chỉ ăn củ khoai sọ lùi trong than thôi mà thấy say sưa cái tình đất, tình người gắn kết dân tộc của đồng bào mình.

Trên gác bếp của nhà anh Nỏ treo lủng lẳng những xâu thịt vừa được hong than mấy ngày qua. “Nhà mình cũng như bao nhà khác, cứ Tết là phải có thịt giàng bếp và rượu nếp cẩm. Thanh niên thì đi hội ném còn, thổi kèn, hẹn hò, bọn mình già rồi thì ngồi bên bếp lửa, lùi thỏi thịt giàng trong than, xé ra uống rượu mà chúc Tết nhau”. Thịt xông khói bếp là món ăn truyền thống của đồng bào vùng cao nơi đây. Những con thú săn bắn được hay giết thịt các con vật nuôi đều được bà con cất một phần lên gác bếp để phòng khi trời mưa gió hay dịp lễ tết. Ngoài thịt lợn là món ăn được giàng phổ biến thì thịt bò, thịt chuột cũng được bà con chuẩn bị nhiều cho dịp Tết và để dành ra năm ăn dần khi lên nương.

Có một món ăn mà mỗi dịp lễ, Tết luôn được đồng bào chế biến là món thắng cố. Nó được nấu từ hầu hết các loại rau, quả hái trên rừng cùng với thịt ngựa hoặc thịt chuột đã gác bếp từ lâu. Trưởng bản Tồng Khư còn trẻ, con gái đầu đang học cấp 2 trường huyện, anh yêu mảnh đất này như máu thịt của mình nên trước đây có nhiều người rủ di cư sang Lào làm ăn, anh kiên quyết từ chối. “Nếu làm giàu thì phải trên mảnh đất ông cha mình. Có tri thức thì sẽ thoát nghèo thôi”. Anh nói rồi lấy que củi cời cho than hồng lên để lùi một thỏi thịt vào nướng đãi khách, ánh mắt say sưa như nghệ sĩ. “Bản mình có 33 hộ nhưng không có nhà nào quá nghèo, tiền thì ít nhưng gạo ăn không thiếu. Hầu hết nhà ai cũng có xe máy, đi lại không khổ như trước. Ngày trước cứ 12-13 tuổi là lấy vợ lấy chồng, bây giờ phải đủ tuổi theo quy định mới kết hôn. Hầu hết, mỗi gia đình chỉ sinh 2 con thôi. Nhà nhiều nhất có 4 con. Tương lai, bản mình đang gắng để danh danh hiệu Bản Văn hóa”.

Rời nhà anh Lầu Giống Nỏ khi men rượu cần đang nóng ran, say sưa hít hà hương thơm núi rừng lại thấy rực đỏ một triền hoa trạng nguyên bên sườn đồi, bài hát “Người Mèo ơn Đảng” vang ra từ ngôi nhà sàn đầu bản. Ngoái đầu hết một vòng, thật ngạc nhiên và vui mừng khi thấy ở hiên nhà của bà con đều có đầu chảo thu phát truyền hình. Trên con đường quay ra Thị trấn Mường Xén bớt lạnh hơn nhờ nghe tiếng tí tách từ bếp lửa bập bùng cho bữa tối của đồng bào dọc hai bên đường. Và ấm áp hơn nữa vì ân tình của người dân nơi đây dành cho những vị khách từ xa mới đến. Giản dị, chân thành, tôi mang theo gừng, khoai sọ, mía ra về cùng lời hẹn ra xuân lên núi Pu xai lai leng xem hội chọi bò.

Bài, ảnh: Tuệ Vũ