Đi lễ chùa- nét đẹp văn hóa đầu năm

31/01/2014 11:28

Trần Hải 

(Baonghean.vn) - Từ tinh mơ sáng mùng Một Tết Giáp Ngọ, gia đình anh Trần Thế Anh ở khối Yên Phúc (phường Hưng Phúc-Thành phố Vinh) đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ để đi lễ chùa Ân Hậu. Trên chiếc xe máy, lỉnh kỉnh hương, đèn, hoa quả … sẵn sàng khởi hành. “Đầu năm đi lễ chùa là để cầu mong những điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc đến với gia đình. Từ nhỏ, ông bà và cha mẹ tôi vẫn thường có thói quen dẫn con cháu đi lễ chùa những ngày đầu năm. Có gia đình riêng, thói quen này vẫn được giữ như thế vì cả nhà tôi cũng thích đi chùa cầu phúc”, anh Thế Anh nói trước khi xuất hành.

Những chú ngựa phun
Những chú ngựa phun "lộc" đầu năm Giáp Ngọ ở Công viên Trung tâm (TP Vinh)

Ông Đặng Hùng Quốc, chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh hàng gỗ mỹ nghệ ở đường Trần Phú (TP Vinh), chia sẻ: “Thật ra năm nào vợ tôi cũng lên kế hoạch đi lễ chùa đầu năm. Năm nay vợ chồng tôi và các con sẽ dành trọn ngày mùng Một để viếng các chùa trong thành phố". Chị Mây, vợ anh Quốc cho hay: “Tôi muốn lễ chùa đầu năm để xin lộc, cầu mong bình an và hạnh phúc lại đến với gia đình trong năm mới. Hơn thế, đây cũng là một nét văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người Việt, tôi muốn các con tôi hiểu điều này, dạy các con sống chan hòa, có tâm và có ích với xã hội”.

Những nén tâm hương dâng lên Phật tổ tại tổ đình Cần Linh
Những nén tâm hương dâng lên Phật tổ tại tổ đình Cần Linh


Thật ra tại TP Vinh, ngay những giờ phút giao thừa khởi đầu năm mới Giáp Ngọ rất nhiều người đã khởi hành đi lễ viếng chùa. Tuy nhiên, để cảm nhận được không khí lễ chùa thực sự thì phải đến độ ra giêng. Chuyện xưa còn kể, xứ Nghệ là đất địa linh. Lời đi qua thời gian còn đó: “ Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Những miền đất in sâu cùng tâm thức người xứ Nghệ, trong tâm tưởng kẻ đi xa để mãi nhớ về.

Hoa Xuân chào năm mới ở Công viên Trung tâm
Hoa Xuân chào năm mới ở Công viên Trung tâm

Chỉ riêng ở thành phố Vinh, đã có nhiều chùa chiền linh thiêng, là nơi tìm về miền tâm thức của người cầu ước chuyện an lành. Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư Nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, trên một vùng đất trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên Tường, huyện Hưng Nguyên (nay thuộc phường Cửa Nam- TP Vinh). Chùa thờ Phật Thích Ca (vị tổ của đạo Phật) và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng đều có chung cảm nhận về sự linh thiêng và uy nghi của ngôi chùa nghìn năm tuổi, nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện huyền bí đã đi vào lòng người. Theo sử sách còn lưu, vua Tự Đức được coi là người đã có ý tưởng đổi tên chùa như ngày nay. Với mong muốn đưa ngôi chùa linh thiêng này gần gũi hơn với người dân địa phương trong nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vua Tự Đức đã trao tặng nhà chùa bức trướng “Cần Linh”. Từ đó, Linh Vân tự được đổi tên thành chùa Cần Linh.

; Người người đến với cõi tâm linh ngày Tết Giáp Ngọ
; Người người đến với cõi tâm linh ngày Tết Giáp Ngọ

Đất thành Vinh còn có chùa Tập Phúc. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1926, do các nhà hảo tâm của Nghệ An và cả nước phát tâm xây dựng. Chùa thờ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Đức Thánh Trần và Đức Thánh Quan. Trong kí ức của người dân, chùa Tập Phúc là ngôi chùa lớn nhất của Nghệ An thời ấy và thuộc hàng chùa lớn của miền Trung. Chùa Tập Phúc là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Nghệ An. Sau năm 1954, Nhà máy in Nghệ An dời vào chùa hoạt động một thời gian.

Chan hòa sắc Xuân
Chan hòa sắc Xuân

Xuôi về hướng biển, chùa Phổ Nghiêm còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa lạc ở làng Trung Kiên (Nghi Thiết-Nghi Lộc). Ngược lên trên là chùa Chung Linh có từ lâu đời (khoảng 500 năm) tọa lạc trên núi Chùa (xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, Thanh Chương). Rồi nguy nga còn đó là chùa Đại Tuệ, Ngôi chùa cổ này nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh (huyện Nam Đàn)...ra đất Diễn Châu, ta lại gặp chùa Cổ Am (Diễn Minh, Diễn Châu) nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai.

Tấp nập người đi lễ chùa đầu năm ở Tổ đình Cần Linh
Tấp nập người đi lễ chùa đầu năm ở Tổ đình Cần Linh

Với quan niệm đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, chị Ngô Thị Yên (Hưng Chính-Hưng Nguyên) đã chọn tổ đình Cần Linh là nơi dâng hương đầu ngày mùng Một. Chị Yên chia sẻ: "Ngày đầu năm, hàng trăm người phải chen vai nhau để vào nhưng khuôn mặt ai cũng vui khi bước chân đến cõi Phật. Năm nào tôi cũng chỉ cầu mong một điều, mong cho mọi người xung quanh mình bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc". Có lẽ ai đi lễ chùa cũng không chỉ cầu an cho riêng mình, đó là nét văn hoá, nhân văn đáng được trân trọng.

Khấn nguyện cầu năm mới an lành ở đền Ông (Hồng Sơn)
Khấn nguyện cầu năm mới an lành ở đền Ông (Hồng Sơn)

Hàng ngàn người đến chùa, mỗi người một tâm niệm khác nhau nhưng chung quy vẫn là tấm lòng thiện nguyện của con người chốn trần gian hướng về cửa Phật. Đã đến cửa chùa không ai không mua tờ lịch, vài ba quyển kinh Phật hoặc dăm câu thư pháp được chắt lọc từ đạo lý nhà Phật mang về treo trong nhà để mà suy ngẫm. Nhiều người còn nán lại một chút để thưởng thức bữa cơm chay đạm bạc mà tự nhủ phải biết hãm mình trước những đam mê phàm tục.

Chúc mùa Xuân Giáp Ngọ thành công
Chúc mùa Xuân Giáp Ngọ thành công

Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh, còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.

Trần Hải