Nước cờ thấp của truyền thông

12/01/2014 20:18

(Baonghean) - Câu chuyện tình ái giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande và nữ diễn viên Julie Gayet được tiết lộ trên tờ Closer đã trở thành trung tâm chú ý của truyền thông châu Âu và lan sang cả Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là giới truyền thông Pháp lại khá "lạnh nhạt", nếu không muốn nói là tỏ rõ bất đồng quan điểm với tờ Closer. Người Pháp, dường như đã quen với những chuyện tình ái phức tạp của các nhân vật chính trị, một lần nữa thể hiện cái mà họ cho là "tôn trọng tự do cá nhân" đối với những người nổi tiếng.

BBC, CNN, Financial Times, Times, Daily Telegraph,... những thời báo có tên tuổi của Anh - Mỹ đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chuyện tình cảm của Tổng thống Pháp, dù là theo những cách khác nhau. Nếu như BBC đặt câu chuyện lên top đầu tin tức quốc tế trong suốt một buổi sáng thì Financial Times đăng bức ảnh của nữ diễn viên Gayet trên trang nhất và bình luận rằng vị tổng thống cần được "ăn bánh sừng bò của mình một cách yên ổn". Kém thiện chí hơn là tờ Daily Telegraph với nhận định Hollande đang đối đầu với một "khủng hoảng mới", và rằng với mức độ tín nhiệm "thấp kỉ lục" mà ông đang nắm giữ thì một vụ bê bối tình ái sẽ là thứ cuối cùng mà ông cần đến vào lúc này.

Truyền thông Đức lại giữ vị trí khá trung lập khi bình luận về tin tức này, đồng thời nhắc cho người đọc nhớ rằng các vấn đề về tình ái không phải là chưa có tiền lệ trong chính giới Pháp. Dù vậy, một chút châm biếm hài hước vẫn được thể hiện qua trò chơi chữ "affare", gần với từ "affaire" nghĩa là vụ việc trong tiếng Pháp nhưng đồng thời cũng có nghĩa là "quan hệ ái tình" trong tiếng Đức. Người Đức cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc các nhân vật chính trị Pháp đồng loạt lên tiếng cáo buộc báo chí vi phạm quyền riêng tư cá nhân mà không mảy may nghĩ đến việc sử dụng vụ bê bối này vào mục đích chính trị. Các thời báo Tây Ban Nha và Ý như El Pais, El Mundo, La Vanguardia hay La Stampa thì tập trung khai thác thông tin về nhân vật nữ của vụ việc với những nhận xét như "một người phụ nữ tài năng và kín đáo". Hoặc một cái nhìn khái quát "nước Pháp với truyền thống đào hoa pha trộn vào lịch sử, điện ảnh và văn học, luôn bao dung với những chuyện tình ái ngoài luồng của các vị tổng thống".

Bài viết về vụ việc trên Times và Financial Times ngày 11/1.
Bài viết về vụ việc trên Times và Financial Times ngày 11/1.
Trang nhất của Closer ngày 10 tháng 1
Trang nhất của Closer ngày 10 tháng 1

Truyền thông và dư luận Pháp nói gì? Không dễ dàng tìm ra một sự chú ý đặc biệt nào cho vụ việc, ngoại trừ việc tất cả, hay hầu như tất cả, đều đang chĩa mũi dùi vào tờ Closer. Điều khiến công luận ngạc nhiên không phải là việc vị tổng thống có quan hệ yêu đương vụng trộm với một nữ diễn viên trong một căn hộ không xa Điện Elysees nơi ông vẫn đang chung sống với nữ nhà báo Valerie Trierweiler. Nicolas Sarkozy cũng từng qua lại với nữ ca sĩ Carla Bruni một thời gian trước khi ly hôn và cưới bà. Jacques Chirac cũng từng được mệnh danh là người đàn ông đa tình có nhiều bóng hồng vây quanh.

Francois Mitterand từng giữ bí mật về người tình và con gái riêng một thời gian dài trước khi tiết lộ sự thật trên tờ Paris-Match. Nhưng một cú "đâm lén" như tờ Closer vừa làm với Hollande thì chưa hề có tiền lệ, và với người Pháp thì một sự can thiệp nghiêm trọng vào đời tư cá nhân như vậy là không thể tưởng tượng nổi. Đây không phải là lần đầu tiên Closer bị chỉ trích vì hành vi "thọc mũi" vào đời tư của người nổi tiếng khi mà tháng 9 năm 2012, tạp chí này cho đăng loạt ảnh ngực trần của một nữ nhân vật thuộc Hoàng gia Anh trong kỳ nghỉ tại Pháp.

Ngay lập tức, Hoàng gia Anh đã tiến hành kiện Tạp chí Closer, cụ thể là chủ bút Laurence Pieau, Giám đốc xuất bản Ernesto Mauri cùng 2 nhiếp ảnh gia. Hiện, bài báo đã được tờ Closer gỡ bỏ theo yêu cầu của luật sư của Julie Gayet, nhưng phía Tổng thống Hollande cho biết sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc, không phải với danh nghĩa của người đứng đầu nước Pháp mà của một công dân có quyền được bảo vệ bí mật đời tư.

Trái với những chỉ trích nặng nề dành cho Closer từ các lãnh đạo cánh trái hay đảng đối lập Bruno Leroux, Marine Le Pen như "báo sọt rác", "đáng ghê tởm", Bruno Le Maire lại tuyên bố trên tờ Figaro "cung cấp thông tin là vai trò của báo chí". Và rằng, theo như lời biện minh của tờ Closer thì thông tin này đã lan truyền được một thời gian trong giới các nhân vật có mối quan hệ gần gũi với 2 nhân vật chính của câu chuyện.

Chính một đồng nghiệp của Julie Gayet đã nói đùa về mối quan hệ vụng trộm với ngài tổng thống trên một chương trình truyền hình hồi tháng 9 vừa qua và đó mới là phát súng mở đầu cho "kế hoạch" của giới truyền thông. Dẫu sao đi chăng nữa, khi mà người Pháp đã quá quen với đời tư tình ái phức tạp của các nhân vật chính trị thì việc Hollande thay người tình (ông và bà Valerie Trierweiler vẫn chưa kết hôn) dường như không phải là mối quan tâm hàng đầu của công chúng. Có lẽ Closer đã tính nhầm không chỉ một mà hai nước cờ: công chúng thờ ơ, nhân vật chính theo đuổi kiện tụng. Hẳn sẽ là một bài học cho giới truyền thông Pháp: đừng đánh đồng nhân vật chính trị với các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc và rằng Pháp không phải là thiên đường tự do như Mỹ!

Nấm Linh Chi