Khó kiểm soát nhiễm khuẩn ở các bệnh viện

23/04/2014 10:49

(Baonghean) - Bệnh nhân quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh đang là tình trạng phổ biến ở các bệnh viện công lập ở tỉnh Nghệ An hiện nay. Đáng lo ngại tình trạng này chính là nguyên nhân gây ra nguy cơ lây chéo các bệnh truyền nhiễm cho các bệnh nhân. Việc hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cho cộng đồng đang là một thách thức lớn đối với các bệnh viện.

Nguy cơ lây nhiễm chéo

Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, một trong những khoa thường xuyên tập trung đông bệnh nhân; trung bình có từ hàng chục loại bệnh, trong đó có một số bệnh có mức độ lây lan nhanh như: sởi, tay chân miệng, thủy đậu, viêm màng não… Với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, cả khoa chỉ có 1 nhà vệ sinh, mỗi giường bệnh 2 - 3 cháu nằm chung, hành lang chưa đầy 2m phải kê thêm giường, không gian luôn ở trong tình trạng ngột ngạt. Bệnh nhân mắc các bệnh khác nhau lại nằm chung với nhau nên nguy cơ lây chéo là điều không thể tránh khỏi.

Hành lang Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An trở thành phòng bệnh, nên nguy cơ lây bệnh chéo khó tránh khỏi.
Hành lang Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An trở thành phòng bệnh, nên nguy cơ lây bệnh chéo khó tránh khỏi.

TIN LIÊN QUAN

Cháu Ngô Bá Lâm (8 tháng tuổi), quê ở Diễn Hoa, Diễn Châu, nhập viện Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Sản Nhi vì nhiễm khuẩn đường ruột. Sau hơn một tuần điều trị, cháu được xuất viện, về nhà đến ngày thứ hai, cháu Lâm có biểu hiện sốt cao, người nhà đưa cháu đến bệnh viện, được bác sỹ chẩn đoán là viêm phổi nặng, mắc sởi, hiện cháu được điều trị tại khoa truyền nhiễm, nhưng vẫn phải nằm chung, ghép giường với bệnh nhân khác. Chị Cao Thị Thương, mẹ cháu Lâm cho biết: “Phòng bệnh chỉ chừng 15m2, tường lở, vôi vữa rơi xuống sàn, lại không có quạt; có 4 giường nhưng có hôm có đến 8 bệnh nhân nằm, chưa kể người nhà trông nom. Trời nắng nóng không khí ngột ngạt, khó thở, người lớn còn không chịu nổi, huống gì trẻ con.”

Tương tự là trường hợp của cháu Nguyễn Thị Ngọc Anh quê ở Giang Sơn Đông - Đô Lương, vào Khoa Hô hấp điều trị khỏi bệnh hô hấp song phải quay lại vì sau đó mắc sởi và viêm phổi nặng. Người nhà cháu cho biết, sau khi ra viện được 3 ngày, cháu có hiện tượng sốt cao, ho, nổi mẩn đỏ, thở mạnh; phải quay lại nhập viện và được điều trị tại khoa truyền nhiễm. Có bệnh nhân mắc tiêu chảy do Rotavirus, sau khi chữa khỏi tiêu chảy được vài hôm thì phải nhập viện trở lại do mắc sởi.

Nguy cơ lây chéo bệnh trong bệnh viện được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là hạn chế về cơ sở vật chất. Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi sau 20 năm sử dụng, cơ sở vật chất xuống cấp, trong khi số lượng bệnh nhân không ngừng tăng. Theo thiết kế, khoa có 7 phòng bệnh, mỗi phòng có 3 giường thì nay mỗi phòng đã kê lên tới 4 - 5 giường. Theo quy định, khoa truyền nhiễm của các bệnh viện phải được bố trí tách hẳn các khoa phòng khác và trong khoa, các bệnh khác nhau cũng phải được cách ly. Chỉ tiêu giường bệnh của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản – Nhi là 35 giường thế nhưng hiện nay lưu lượng bệnh nhân luôn ở mức 60 - 70 bệnh nhân, lúc cao điểm lên tới 120 bệnh nhân. Thời điểm này, bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, phải được cách ly cấm đưa ra hành lang. Thế nhưng, những bệnh nhân sởi ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An không có điều kiện để cách ly sang các phòng riêng, thậm chí phải nằm ngoài hành lang nên việc kiểm soát truyền nhiễm càng khó khăn.

Bác sỹ CKII Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi cho biết: Thực tế khoa rất quá tải, cơ sở vật chất hạn chế nên để thực hiện đúng quy định kiểm soát nhiễm khuẩn là không thể. Mặc dù, công tác vệ sinh, khử khuẩn vẫn được duy trì thường xuyên nhưng nguy cơ lây chéo bệnh rất khó tránh. Bởi các bệnh truyền nhiễm do vi rút và vi khuẩn thường lây lan qua môi trường. Biện pháp duy nhất để giảm tải bệnh nhân là cho bệnh nhân ra viện khi bệnh ở giai đoạn thoái lui, điều trị ngoại trú". Các bác sỹ cũng khuyến cáo: Khi đưa con đi khám, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ nguồn bệnh khác trong viện, thì người đi khám và bệnh nhân nhi nên đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm khuẩn ở bệnh viện tuyến Trung ương là 7-12%. Nhiễm khuẩn gây nên những hậu quả nặng nề không chỉ cho người bệnh, gia đình người bệnh, cho cơ sở y tế mà cho toàn xã hội. Vì vậy, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện luôn là nhiệm vụ ưu tiên và là chỉ số thiết yếu về chất lượng khám chữa bệnh.

Khó tìm giải pháp

Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 bệnh viện công lập, trong đó 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện tuyến huyện nhưng chỉ có 7 bệnh viện: Bệnh viện Sản Nhi, Tâm thần, Đa khoa Tây Bắc, Đa khoa Tây Nam, Đa khoa Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Lao và Bệnh phổi đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, còn lại các đơn vị khác mới thành lập được tổ nhiễm khuẩn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong số ít đơn vị y tế trong tỉnh có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Khoa thành lập một tổ chuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhân viên y tế thực hiện các quy định kiểm soát dịch bệnh trong bệnh viện như: đeo khẩu trang, bảo hộ, phân loại đồ vải bẩn ra túi riêng… Khoa có 32 nhân viên đảm nhận công tác giám sát, xử lý vải, giặt là, xử lý chất thải… Trung bình mỗi ngày có hơn 1 tấn đồ vải được xử lý hấp, sấy tại khoa. Mặc dù công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện thường xuyên, khoa đề xuất các biện pháp phòng ngừa; bệnh nhân khi nhập viện sẽ được phân loại bệnh. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống xử lý đầu vào, đầu ra (cửa mang đồ xử lý vào và ra) của bệnh viện vẫn còn chung nhau, chưa đúng quy định. Ngoài ra, cái khó nhất hiện nay vẫn là bệnh nhân đông, quá tải.

Thực tế là, tại Khoa Bệnh nhiệt đới, nơi tập trung nhiều loại bệnh nhất của bệnh viện với đa dạng các bệnh như: tả, lỵ, tiêu chảy, bệnh gan, viêm màng não…. Trung bình có 65 bệnh nhân (cao điểm có tới 110 bệnh nhân) thế nhưng chỉ có 45 giường bệnh. Theo Thạc sỹ - BS Quế Anh Trâm - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh, ngoài việc thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn (dưới sự hỗ trợ và giám sát của nhân viên khoa kiểm soát nhiễm khuẩn), khoa còn rất nỗ lực để phân loại và cách ly các bệnh nhân có cùng mặt bệnh. Có những trường hợp phải xếp 2 - 3 bệnh nhân một giường để nhường chỗ cách ly bệnh nhân khác (mắc bệnh dễ lây). Thế nhưng, các loại bệnh này thường lây lan qua môi trường, tiếp xúc không khí nên không tránh khỏi những trường hợp nhiễm bệnh chéo. Đơn cử, bệnh nhân Nguyễn Thị Kiêm (Thanh Thủy – Thanh Chương) nhập viện tại khoa được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, sau thời gian điều trị thì mắc thêm các triệu chứng của sởi. Theo các bác sỹ, với những bệnh nhân bị nghi nhiễm chéo bệnh này thì việc điều trị khó khăn hơn, đáp ứng điều trị cũng kém hơn nên phải nằm viện kéo dài.

Theo quy định tại Thông tư 18/2009, về hướng dẫn tổ chức, thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế quy định rõ hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, tại các bệnh viện công lập ở tỉnh ta để đảm bảo theo hướng dẫn Thông tư 18 là rất ít. Theo bà Lê Thị Hồng Sơn, Phó Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: "Sở Y tế tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo cán bộ, giảng viên nguồn về kiểm soát nhiễm khuẩn. Hệ thống khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thành lập và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đã dần phát triển.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mặc dù các bệnh viện thành lập Hội đồng, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, chủ yếu là các bệnh viện đã chủ động đầu tư mua sắm trang bị, kiểm tra giám sát về kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tuy nhiên cơ sở hạ tầng chưa chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi bệnh viện công lập còn quá tải đến 200%". Vấn đề quá tải bệnh viện không chỉ diễn ra ở những bệnh viện tuyến tỉnh mà một số bệnh viện tuyến huyện cũng đang phải đối mặt với tình trạng này như: Bệnh viện đa khoa Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Anh Sơn…Điều này làm gia tăng nguy cơ lây chéo bệnh trong môi trường bệnh viện.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Bởi vì một chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tốt sẽ đưa ra những chuẩn mực về chất lượng chăm sóc vào trong những thực hành lâm sàng, giúp nhà lâm sàng hạn chế bớt những rủi ro do chăm sóc dẫn tới lây nhiễm. Các bệnh viện phải xây dựng quy trình liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn. Công tác này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các thành viên trong bệnh viện. Điều quan trọng, muốn thực hiện tốt nhiễm khuẩn ở bệnh viện cần hạn chế tình trạng quá tải, điều chỉnh chỉ tiêu giường bệnh, đáp ứng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Người bệnh vào viện phải được chăm sóc toàn diện, khi đó vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn mới được thực hiện tốt.

Đinh Nguyệt - Thanh Lê