45 ngày sôi sục của Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Thăng đã làm nóng dư luận suốt trong hơn một tháng qua bằng những quyết định và tuyên bố của mình.
Nhiều dự án cũng như các vấn đề của ngành giao thông đã được vị Bộ trưởng này giải quyết một cách nhanh chóng, quyết đoán.
Cho dừng ngay dịch vụ buồng ngủ 5 sao tại sân bay
Dịch vụ SleepPod (dịch vụ hộp ngủ/buồng ngủ, còn gọi là khách sạn mini 5 sao) tại sân bay Nội Bài được đưa vào khai thác hôm 22/7, tại tầng ba của nhà ga T1, sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là dịch vụ nhằm cung cấp dịch vụ buồng ngủ cho hành khách khi đến sân bay. Theo đó, hành khách có thể nghỉ ngơi trong lúc đợi chuyến bay hoặc sử dụng dịch vụ SleepPod trong trường hợp chuyến bay bị chậm giờ. Giá thuê buồng ngủ là từ 210.000 đồng/ba giờ, còn nếu thuê cả ngày thì giá phòng đơn là hơn 1,5 triệu đồng và phòng đôi là hơn 1,8 triệu đồng.
Ngay sau khi nắm rõ thông tin, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho dừng ngay hoạt động của dịch vụ buồng ngủ 5 sao này. Vị Bộ trưởng này khẳng định, dịch vụ buồng ngủ không phù hợp với tình hình hiện tại và phản cảm, nhiều hành khách sẽ cho rằng ngành hàng không cố tình chậm chuyến, hủy chuyến để thu tiền từ dịch vụ này.
"Ông còn nương tay là tôi thay ông trước"
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói như vậy đối với nhà đầu tư Dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, Quốc lộ 1A (đoạn thuộc Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vào chiều 25/7.
Được biết, công trình này khởi công được 5 tháng nhưng tiến độ quá chậm. Theo đơn vị thi công và phía lãnh đạo huyện Phú Lộc, nguyên nhân chậm là do nhà đầu tư chậm đưa tiền nên không có tiền trả cho dân. Vì thế công tác đền bù, giải phóng mặt bằng qcũng ì ạch theo.
Trước sự việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chất vấn chủ đầu tư là ông Phạm Công Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT: “Các anh có tiền hay không. Nếu có thì phải chuyển ngay cho địa phương và đơn vị thi công. Nếu ngày 31/7 mà không chuyển tiền thì giải tán ngay đi. Có 17 tỷ đồng mà nhắc nhở rồi vẫn không thực hiện. Các anh bỏ tiền ra làm cho xong rồi thì thu lại chứ có gì đâu”.
Thậm chí, Bộ trưởng Thăng còn nói với ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng Ban quản lý đầu tư các dự án công – tư: "Ông còn nương tay cho nhà thầu này là tôi thay ông trước"
Cuộc gọi 2 phút, tiết kiệm được 20 tỷ đồng
Hôm 23/7, tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Thăng nghe nhà thầu thi công cầu vượt Đồng Nai báo cáo dù đã “cầu cứu” cơ quan đường sắt giải tỏa hạ tầng giúp dự án vượt tiến độ, nhằm tiết kiệm 20 tỷ đồng nhưng không có kết quả.
Vị Bộ trưởng này lập tức gọi điện cho ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, yêu cầu ông Thành phải lập tức giải quyết vấn đề mặt bằng.
Sau cuộc điện thoại kéo dài 2 phút của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Thành đã báo cáo về việc đã chỉ đạo gấp tại khu vực thi công cầu vượt Đồng Nai để mặt bằng bị vướng được giải tỏa ngay trong chiều cùng ngày.
Bộ trưởng Thăng cho biết, trong khi một số dự án giao thông bị chậm tiến độ hay bị gián đoạn vì thiếu vốn, thì việc một dự án có cam kết hoàn thành vượt tiến độ sẽ giúp tiết kiệm được 20 tỷ đồng là tin vui và rất đáng khen ngợi.
"Lên máy bay cõng hành khách xuống"
Sáng 17/7 tại sân bay Cát Bi, hành khách đi chuyến bay VJ 8851 Hải Phòng - TPHCM 9h25 của hãng Vietjet Air đáp xuống đúng giờ. Hai xe thang được đưa ra gắn vào hai cửa máy bay. Máy bay của Vietnam Airlines đáp xuống sau khoảng 5 phút. Thế là phải rút bớt một chiếc xe thang từ cửa sau của Vietjet Air đưa qua cho máy bay Vietnam Airlines. Mỗi chiếc máy bay chỉ có một xe thang nên khách lên xuống rất chậm. Cả hai máy bay quay đầu sẽ chậm hơn ít nhất 10 phút.
Biết được sự việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói với Cục phó Cục Hàng không Đinh Việt Thắng: “Tuần sau, sân bay Cát Bi không có xe thang thì các ông phải lên máy bay cõng từng hành khách xuống”.
Trảm tại trận nhà đầu tư yếu kém
Ngày 5/7, trong lúc kiểm tra tiến độ, chất lượng dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), Bộ trưởng Thăng đã quyết định chấm dứt hợp đồng đối với nhà đầu tư gói BOT đoạn qua tỉnh Đắk Lắk.
Đồng thời, vị bộ trưởng này yêu cầu sớm tìm kiếm nhà đầu tư mới phù hợp với quy định để thay thế các nhà đầu tư trên, đảm bảo thi công quốc lộ 14 đúng tiến độ.
Được biết, dự án BOT qua tỉnh Đắk Lắk (Km 1738+148 – Km 1763+610) do Liên danh Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai và Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A (tỉnh Gia Lai) làm chủ đầu tư. Dự án này khởi công từ tháng 9/2013, dự kiến hoàn thành tháng 10/2014 nhưng đến thời điểm kiểm tra mới đạt 8% giá trị hợp đồng, bằng 30,5% tiến độ được bộ phê duyệt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra tình hình thi công quốc lộ 14 qua Tây Nguyên. (Ảnh: Người Lao Động) |
Đi hơn 300km trong ngày nghỉ để bắt xe hổ vồ
Hôm 15/6, dù là ngày nghỉ nhưng Bộ trưởng Thăng dẫn đầu đoàn kiểm tra đã đi từ Hà Nội vào Hà Tĩnh để kiểm tra hàng loạt xe Howo (còn gọi là xe hổ vồ, do Trung Quốc sản xuất), được xem là nguyên do khiến đường bị hằn lún.
Tại hiện trường dự án Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Kỳ Anh, đoàn đã kiểm tra ba chiếc xe sơn xanh hiệu Howo của công ty Đại Hiệp. Một chiếc thùng xe có chiều cao nguyên bản 60cm nhưng hai chiếc còn lại cao tầm 2m. Ông Thăng lập tức triệu tập ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An đến hiện trường, yêu cầu làm rõ ai cho đăng kiểm? Theo đó, khi đưa vào đăng kiểm, thùng xe nguyên bản chỉ cao 60cm nhưng sau đó về nhà mang thùng khác.
Theo Soha.vn