Mạch đất, tình người trên dòng Nậm Nơn
(Baonghean) - Ngày cuối năm, theo chân đoàn công tác thực hiện chuyến tuần tra biên giới trên dòng Nậm Nơn. Khi sương sớm còn giăng kín trên cánh rừng xanh bạt ngàn, tiếng gà rừng đâu đó gọi chuyển ngày, cũng là lúc chúng tôi lên thuyền ngược sông… Chuyến tuần tra 3 ngày cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống cũng như mạch đất, tình người nơi núi rừng biên cương…
(Baonghean) - Ngày cuối năm, theo chân đoàn công tác thực hiện chuyến tuần tra biên giới trên dòng Nậm Nơn. Khi sương sớm còn giăng kín trên cánh rừng xanh bạt ngàn, tiếng gà rừng đâu đó gọi chuyển ngày, cũng là lúc chúng tôi lên thuyền ngược sông… Chuyến tuần tra 3 ngày cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống cũng như mạch đất, tình người nơi núi rừng biên cương…
Đoàn công tác bao gồm Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy Quân sự huyện và các ban ngành cấp xã do Thiếu tá Trần Quốc Nam - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Lý làm trưởng đoàn, ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý làm phó đoàn. Buổi chiều trước ngày lên đường, chúng tôi được quán triệt một số quy định, trong đó lưu ý chuyến đi sẽ hết sức vất vả, mọi người cần chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, tinh thần và sức chịu đựng. Sáng hôm sau, đoàn công tác gồm 15 thành viên lên 2 chiếc thuyền máy ngược dòng Nậm Nơn thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.
Vượt thác Nậm Nơn. |
Từ bến đò bản Xiềng Tắm, 2 chiếc thuyền nổ máy rồi lướt nhanh trên mặt nước hiền hòa. Thuyền qua bản Yên Hòa (còn gọi Xằng Tờ), nơi có ngọn tháp cổ nhuốm màu rêu phong, là dấu tích của một nền văn hóa từng phát triển khá rực rỡ. Có người cho rằng, ngọn tháp này có từ thời nhà Trần, nó được vương triều này dựng lên để xác định ranh giới, cương vực của quốc gia Đại Việt. Hay nói cách khác, tháp có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, cột mốc tâm linh, góp phần khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Qua bản Yên Hòa, vượt đoạn sông dài và hai con thác, thuyền đến địa phận bản Xằng Trên (còn gọi Xằng Nứa). Bản Xằng Trên nép mình bên dòng Nậm Nơn với những ngôi nhà sàn cổ kính, những mảnh vườn sum suê cây trái và bến sông nhộn nhịp thuyền bè. Trong tiếng Thái, “xằng” hay “xiềng” (“xiêng”) có ý nghĩa chỉ trung tâm hành chính, văn hóa - xã hội và kinh tế của một vùng đất. Ở Mỹ Lý có tới 3 bản nằm liền nhau đều mang ý nghĩa này là Xiềng Tắm, Xằng Tờ và Xằng Nứa. Điều này chứng tỏ Mỹ Lý từng là nơi trung tâm, là chốn đô hội của cả một vùng rộng lớn nơi biên cương xứ Nghệ. Từ nơi đây ta nhận thấy truyền thuyết về ngôi tháp cổ ở bản Xằng Tờ là “cột mốc văn hóa, tâm linh” ít nhiều có cơ sở.
Ghé thăm bản Xằng Trên, bà con cùng ra bến thuyền đón khách. Ai cũng cố gắng mời đoàn sang thăm nhà, mời mỗi người nắm xôi nếp mới, ly rượu tình nghĩa để ấm lòng lúc lên đường. Chia tay bà con Xằng Trên trong sự lưu luyến, chúng tôi lên thuyền, nổ máy tiếp tục cuộc hành trình. Thuyền qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Xằng Trên, các chiến sỹ ra tận bến sông vẫy chào đoàn và hẹn ngày về ghé thăm. Từ đây, dòng nước Nậm Nơn đã bắt đầu chảy xiết, những thác ghềnh lớn nhỏ thi nhau dội nước vào bờ đá, như thử thách tài nghệ của người lái thuyền. Đầu tiên là Cành Cạp (tiếng Thái nghĩa là thác đá nhọn như những chiếc răng nằm khít nhau) với vô số những hòn đá nhọn được bày binh bố trận giữa lòng sông. Để đảm bảo an toàn và giảm trọng lượng khi thuyền vượt thác, mọi người phải lên bờ rồi men theo vách đá lởm chởm để đi qua, chỉ hai người ở lại trên thuyền điều khiển. Người ngồi sau cầm cần lái, người ngồi trước mũi cầm bai chèo và giữ vai trò “hoa tiêu”. Tiếng động cơ gầm rú vì hoạt động hết công suất hòa cùng tiếng ầm ào của thác. Chiếc thuyền luồn lách qua từng kẽ đá rồi leo ngược lên dòng thác cuộn chảy, tìm chỗ nước lặng ghé vào bờ cho các thành viên lên thuyền tiếp tục ngược dòng…
Cứ thế, suốt hành trình, con thuyền phải vượt qua hàng chục con thác, trong đó có gần chục thác lớn phải men lên bờ đá để đi bộ “vượt” thác. Ngoài Cành Cạp có thể kể đến Cành Lẹt với nhiều phiến đá xếp chồng lên nhau; Cành Xạt với 3 lạch nước cùng vô số đá ngầm phía dưới; Cành Ngôn với một hòn đá lớn, chung quanh là 3 hòn đá nhỏ hơn cùng ra sức chặn dòng; Cành Hón (thác Nhím) với hòn đá nằm ngang dòng trông như con nhím đang xù lông tự vệ. Rồi Cành Mai, Cành Mỡ cũng không kém phần nguy hiểm. Nhưng đặc biệt phải kể đến Cành Sạc (thác Chày) và Cành Sộc (thác Cối). Người dân bản địa thật khéo tưởng tượng khi đặt hai ngọn thác gần nhau thành cặp đôi chày - cối. Cành Sạc tuy ngắn nhưng dốc đứng nên nước đổ từ trên cao xuống thành một cột trắng xóa, dưới chân thác nước réo sùng sục. Còn độ dài của Cành Sộc có thể nói không có bất cứ con thác nào trên dòng Nậm Nơn sánh kịp. Thác kéo dài chừng 2km, giữa lòng sông có đến cả trăm xoáy nước do độ dốc của dòng chảy và hàng nghìn phiến đá nằm ngổn ngang tạo ra.
Vừa đi, vừa leo, vừa bò trên những phiến đá trên bờ, ai nấy mồ hôi đầm đìa, dù đang vào giữa những ngày giá rét. Mỗi lúc vượt ghềnh thác, né đá, chúng tôi thấy được vẻ lo âu trên từng khuôn mặt của những người lái thuyền. Bởi lẽ, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một cái chèo lệch nhịp hoặc một cái bẻ lái quá tay rất có thể thuyền sẽ va vào đá vỡ toang, mạng sống lúc ấy hoàn toàn phó mặc cho thần sông, thần đá. Nhưng họ là những con người cất tiếng khóc chào đời bên dòng Nậm Nơn, dòng sông đã nuôi họ khôn lớn nên mỗi luồng lạch, vách đá và xoáy nước họ thuộc như lòng bàn tay. Nhìn những người lái thuyền vượt thác Nậm Nơn, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh và tài nghệ của người lái đò ở Đà giang được nhà văn Nguyễn Tuân khắc họa từ những năm 60 của thế kỷ trước. Rồi chợt nghĩ, năm xưa Nguyễn Tuân đi thực tế ở Tây Bắc và viết nên tùy bút “Người lái đò sông Đà” nổi tiếng, nếu ông đi ở đầu nguồn Nậm Nơn chắc hẳn sẽ có thêm một thiên tùy bút để đời nữa.
Thuyền chúng tôi vượt qua khe Huồi Mai, là đường ranh giới phân chia lãnh thổ của hai nước Việt - Lào. Từ đây, dòng chảy Nậm Nơn cũng thuộc về hai quốc gia, phía hữu ngạn là của Việt Nam, còn phía tả ngạn là của nước bạn Lào. Bên hữu ngạn có ba bản Thái là Piềng Típ, Cha Nga (xã Mỹ Lý) và Keng Đu (xã Keng Đu). Còn bên tả ngạn có các bản Xốp Dương, Cành Cò, Xốp Cắng, Xốp Xán và Piêng Xang thuộc huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào). Hai bên uống chung một dòng sông, đi cùng những con thác nên sự gắn bó hết sức thân tình. Việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa diễn ra khá thuận lợi, nam nữ đôi bên cũng dễ nên duyên vợ chồng. Mỗi lần thấy thuyền của đoàn chúng tôi đi qua, người dân các bản của Lào đều ra bến sông đứng vẫy như chào đón những người anh em lâu ngày gặp lại.
Giữa trưa, đoàn công tác ghé thăm bản Cha Nga. Sau bữa cơm trưa, Ban quản lý bản báo cáo sơ bộ tình hình kinh tế- xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn. Điều đáng mừng là đời sống của bà con được ổn định, an ninh trật tự được giữ vững, không có hiện tượng di dịch cư tự do và tái trồng cây thuốc phiện. Mối quan hệ với các bản bên kia đường biên được giữ gìn tốt đẹp, việc đi lại thăm thân và trao đổi hàng hóa diễn ra thuận lợi. Tại đây, đoàn được tiếp đón thân tình và nồng ấm. Bên chóe rượu cần, mọi người tay trong tay ca hát và nhịp nhàng trong điệu lăm vông. Đêm yên tĩnh, chúng tôi lắng nghe được nhịp thở của đất trời, tiếng vỗ về của dòng sông, tiếng ru của ngọn gió và tiếng hát của cây rừng.
Thiếu nữ Mỹ Lý bên khung cửi. |
Sáng hôm ấy, đoàn hội ý và chia thành hai nhóm. Một nhóm tuần tra theo đường bộ kiểm tra tình hình an ninh trật tự và tái trồng cây thuốc phiện. Một nhóm tiếp tục ngược dòng Nậm Nơn lên địa bàn tiếp giáp với xã Keng Đu và hẹn 3 giờ chiều hội quân ở Cha Nga. Chúng tôi được phân công theo nhóm tuần tra đường sông. Lên thuyền, vượt Cành Sạc, Cành Sộc và Cành Mỡ, gần trưa thuyền chúng tôi cập bến Keng Đu. Tại đây, các chiến sỹ biên phòng Trạm Kiểm soát Keng Đu (thuộc Đồn Biên phòng Keng Đu) đã chờ đón từ lúc nào. Phía trước trạm, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trước gió. Bên kia dòng sông là lãnh thổ nước bạn với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn. Trưa hôm đó, chúng tôi được ăn bữa cơm thật ngon với món cá lăng câu từ dưới sông về nấu chua, rau cải xào và đậu luộc. Đây là những đặc sản của bản làng và sông suối nơi đầu nguồn Nậm Nơn.
Nghỉ ngơi và trao đổi tình hình xong, đoàn công tác của xã Mỹ Lý lên thuyền xuôi về Cha Nga để kịp giờ hội quân. Nhóm tuần tra đường bộ đã chờ sẵn ở bến sông, rất đông dân bản ra tiễn chân đoàn. Hai chiếc thuyền nổ máy, những bàn tay vẫy chào những bàn tay. Các cô gái bản thi nhau té nước vào khách cho ướt lạnh, để mỗi khi gặp lại cảm giác này khách sẽ nhớ đến đất và người Cha Nga. Những giọt nước thấm qua áo giữa thời tiết giá rét nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp trước tình cảm của những con người sinh sống nơi đầu nguồn Nậm Nơn.
Thuyền lại vun vút lao xuống thác, bỏ lại phía sau cơ man nào “trận địa đá” và xoáy nước réo sôi. Gần tối, đoàn ghé vào Trạm Kiểm soát biên phòng Xằng Trên (thuộc Đồn Biên phòng Mỹ Lý) để ăn tối và giao lưu với cán bộ, chiến sỹ. Bên bếp lửa nồng đượm, chúng tôi được lắng nghe tâm tình và nỗi niềm của những người lính canh giữ biên cương. Bà con bản Xằng Trên tìm đến giao lưu, lời ca tiếng hát, tiếng khèn, tiếng pí lại vang ngân rộn ràng. Giai điệu cuộc sống, giai điệu tâm hồn hòa cùng giai điệu của con nước Nậm Nơn và núi rừng biên giới. Tất cả cùng hòa âm thành bản hợp xướng ca ngợi cuộc sống bình yên trên từng bản làng, ngọn núi, con khe…
Công Kiên