Gải phóng mặt bằng quốc lộ 1A: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

26/02/2014 09:05

(Baonghean) - Trong dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ, riêng tuyến từ Thanh Hóa đến Cần Thơ được triển khai thực hiện từ tháng 6/2010. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, đến nay đã có một số tỉnh GPMB được trên 50% bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Ở Nghệ An, ngay sau khi khởi công, cùng với nhà đầu tư, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực triển khai các biện pháp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị chủ đầu tư.

(Baonghean) - Trong dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ, riêng tuyến từ Thanh Hóa đến Cần Thơ được triển khai thực hiện từ tháng 6/2010. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, đến nay đã có một số tỉnh GPMB được trên 50% bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Ở Nghệ An, ngay sau khi khởi công, cùng với nhà đầu tư, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực triển khai các biện pháp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị chủ đầu tư.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu nhạy cảm và gặp nhiều khó khăn, nên cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án đối với quốc gia, với nền KTXH của tỉnh và lợi ích của chính người dân, công tác tổ chức đo đạc địa chính, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây cối và áp giá đền bù cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nghiêm túc, đúng qui định. Cụ thể là, ngay sau khi nhận được chủ trương của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh và từ giữa năm 2013 có Thị xã Hoàng Mai (được tách ra từ huyện Quỳnh Lưu) - nơi có Quốc lộ 1A đi qua đã tổ chức các cuộc họp để đề ra giải pháp đẩy nhanh công tác GPMB, giao trách nhiệm cụ thể, phân công rõ ràng và xác định thời gian hoàn thành. Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến xã đã tăng cường đối thoại dưới nhiều hình thức, giải quyết các kiến nghị vướng mắc, để bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ như đã cam kết. Cùng với đó UBND và Hội đồng GPMB các địa phương đã thành lập tổ công tác GPMB từ cấp huyện đến cơ sở. Cấp ủy chính quyền tiến hành hội nghị ban chấp hành mở rộng, hội nghị quân dân chính xem công tác GPMB là nhiệm vụ chính trị số một, tổ chức nhiều cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc bàn giao mặt bằng tại các điểm nóng xảy ra trên địa bàn.

Hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu đối thoại với người dân  xã Diễn An ngày 20/2/2014. Ảnh:  Thanh Nga
Hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu đối thoại với người dân xã Diễn An ngày 20/2/2014. Ảnh: Thanh Nga

Với việc đã bàn giao được 85% mặt bằng cho đơn vị thi công, Quỳnh Lưu được xem là huyện đi đầu trong công tác GPMB. Để có được kết quả đó ngay từ khi có chủ trương, cấp ủy đã chỉ đạo cho Hội đồng Bồi thường GPMB nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ trong đó chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách về GPMB để nhân dân hiểu đúng và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, Nhà nước.

Thị trấn Cầu Giát - là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác bàn giao, giải phóng mặt bằng của huyện Quỳnh Lưu. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã ban hành Nghị quyết 10 về đẩy nhanh tiến độ bàn giao GPMB trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn để chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể, các tổ chức hội phổ biến, tuyên truyền các thành viên, hội viên chấp hành đúng chủ trương mà Nghị quyết nói trên đề ra. Bên cạnh đó nhân dân Thị trấn cũng ý thức rõ, nâng cấp QL1A trước hết có lợi cho chính người dân, chính địa phương mình. Khi con đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhân dân dọc tuyến sẽ không còn chịu cảnh ô nhiễm môi trường bởi khói bụi và tình trạng tai nạn, ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Đồng thời người dân thị trấn chủ yếu làm nghề kinh doanh dịch vụ nên có con đường to đẹp sẽ thuận lợi hơn trong việc giao thương buôn bán. Ông Nguyễn Văn Tân - Bí thư Đảng ủy Thị trấn Cầu Giát cho biết: “QL 1A đoạn qua Cầu Giát dài 2,1km có 152 hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi an toàn giao thông. Thế nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn bộ những hộ bị ảnh hưởng đã bàn giao xong mặt bằng. Tiêu biểu có 16 hộ đã tự nguyện tháo dỡ khi chưa nhận tiền đền bù. Để có được thành quả đó, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Thị trấn đã nêu cao tinh thần thực hiện Chỉ thị 03; đồng thời với sự tự hào, tự tôn của những người con trên mảnh đất anh hùng, đã có những tấm gương đi đầu trong việc thực hiện đúng chủ trương của Đảng bộ huyện. Những tấm gương đó đã làm lan tỏa tinh thần vì cái chung, vì lợi ích quốc gia trong bà con nhân dân thị trấn”. Trong đó có hộ bà Bùi Thị Nhâm K5 - Thị trấn Cầu Giát - Chủ tiệm vàng bạc đá quý Quý – Ngọc, có 4m chiều dài bị ảnh hưởng, tuy chưa nhận được tiền đền bù nhưng gia đình bà đã tự nguyện tháo dỡ ki-ốt và các tài sản kiên cố trên phần đất hành lang an toàn giao thông. Trao đổi với chúng tôi, bà Nhâm cho biết: “Khi khối trưởng thông báo đến tất cả các hộ dân có đất bị ảnh hưởng, vợ chồng tôi đã bàn bạc và quyết định tháo dỡ sớm công trình trên phần đất này để kịp thời bàn giao mặt bằng cho chính quyền xã. Tôi nghĩ, người dân phải ý thức việc nâng cấp con đường huyết mạch này là vì lợi ích quốc gia và cũng chính là lợi ích của mình”.

Để công tác tuyên truyền đến được với người dân, cán bộ Hội đồng bồi thường GPMB huyện Quỳnh Lưu xác định, trước hết phải công khai, minh bạch trong thẩm tra, giải trình các hồ sơ trích đo kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện - Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB cho biết: “Huyện đã xem công tác giải phóng mặt bằng tuyến QL 1A là nhiệm vụ chính trị cấp bách, khó khăn và quan trọng vì vậy cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hộ còn chưa ký vào hồ sơ ở Quỳnh Văn và Quỳnh Giang, khẩn trương giải quyết các đơn thư khiếu nại để giải tỏa nhanh các khu vực có điểm nóng, đảm bảo đúng tiến độ trong công tác GPMB ”.

Tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Nghi Lộc

Cũng như Quỳnh Lưu, tại huyện Nghi Lộc, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt. Toàn huyện có 13,96km Quốc lộ 1A đi qua, đã bàn giao mặt bằng được 10,1km, hoàn thành đạt 72% khối lượng. Để có được kết quả này, cán bộ thuộc Hội đồng Bồi thường GPMB đã phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” với mong muốn nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Là địa bàn có nhiều hạng mục hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó có 5,7km mở mới với 96 hộ phải di dời TĐC trên 9 khu TĐC, nên công tác tuyên truyền và đền bù GPMB khó khăn hơn các địa bàn khác. Nhận thức được điều đó, cán bộ Hội đồng bồi thường GPMB đã thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách về GPMB để phổ biến tuyên truyền cho nhân dân. Anh Nguyễn Bá Điệp – Phó phòng Tài nguyên - Môi trường - Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghi Lộc cho biết: “Để người dân hiểu rõ về việc kiểm kê, áp giá chi trả bồi thường GPMB, chúng tôi đã phô tô các điều khoản về Luật Đất đai, các điều khoản trong QĐ04, QĐ10 liên quan đến các chính sách bồi thường GPMB, giải thích cặn kẽ vì sao lô thửa của chủ hộ này được đền bù với giá tiền như thế và đã áp dụng các mức giá có lợi thế nào cho chủ hộ”. Nhờ vậy, nhiều người dân đã hiểu rõ chủ trương và đồng tình, ủng hộ chính quyền trong giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A. Ông Nguyễn Quang Hùng - xóm Bắc Sơn 1 - xã Nghi Quang – là một trong những hộ đã tự tháo dỡ nhà ở trên phạm vi ảnh hưởng cho biết: “Ban đầu tôi cũng chưa thuận với mức hỗ trợ đền bù về tài sản trên đất của tôi, nhưng khi được cán bộ giải thích về mức giá theo các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước, tôi hiểu cán bộ địa phương đã làm hết mức vì dân rồi. Tôi quyết định chấp hành để sớm có con đường mới rộng rãi, giảm thiểu được tình trạng TNGT đang hàng ngày diễn ra trên tuyến QL1A”.

Hộ ông Nguyễn Quang Hùng xóm Bắc Xuân 1, xã Nghi Quang tự nguyện tháo dỡ tài sản trong phạm vi hành lang ATGT.
Hộ ông Nguyễn Quang Hùng xóm Bắc Xuân 1, xã Nghi Quang tự nguyện tháo dỡ tài sản trong phạm vi hành lang ATGT.

Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghi Lộc cũng đã tích cực phối hợp với các chức sắc, chức việc tôn giáo trong vận động, tuyên truyền, đối thoại với các hộ dân còn chưa đồng thuận với các chủ trương, chính sách. Đơn cử đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Bình và 10 hộ dân thuộc xóm 4 Nghi Yên chưa chấp nhận tái định cư vì còn có những thắc mắc trong đơn giá hỗ trợ đền bù, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghi Lộc, Tiểu ban bồi thường GPMB xã Nghi Yên đã phối hợp Linh mục Hoàng Đức Nhân - Quản xứ Giáo xứ La Nham tổ chức đối thoại trực tiếp với bà con. Tại các điểm nóng, cán bộ Hội đồng bồi thường GPMB từ cấp huyện đến cấp cơ sở cũng đã đến trực tiếp từng hộ để nắm tình hình vướng mắc để có phương án tháo gỡ. Điển hình như hộ ông Phùng Bá Tuế và Phùng Bá Thiệp hiện đang tranh chấp về đất đai, cán bộ hội đồng bồi thường GPMB đã xem xét, rà soát lại hồ sơ và trực tiếp tư vấn để ông Tuế sớm được TĐC.

TIN LIÊN QUAN

Trong công tác thẩm tra phê duyệt các hồ sơ chính sách liên quan đến các điểm nóng, cán bộ chuyên trách thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính đã xử lý kịp thời vướng mắc của các Hội đồng bồi thường GPMB cấp huyện, thành, thị để kiểm tra các thủ tục về GPMB khi có yêu cầu. Điển hình như ở Diễn An (Diễn Châu), mặc dù đã thực hiện tới 60 buổi đối thoại lớn nhỏ nhưng theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 20/2/2014 tại trụ sở UBND xã Diễn An, lãnh đạo huyện Diễn Châu đã phối hợp với các ban, ngành liên quan cấp tỉnh tiếp tục đối thoại với những hộ chưa đồng thuận. Tại buổi đối thoại này, cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường đã trực tiếp trả lời những chất vấn của người dân về các điều khoản trong Luật đất đai 2003 và các điều khoản nằm trong Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 ban hành quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên điạ bàn tỉnh Nghệ An. Trong quá trình diễn ra đối thoại, đã có những người dân quá khích, có những lời nói hành xử không đúng mực, nhưng với thái độ nhẹ nhàng, cương quyết, cán bộ chuyên trách vẫn đối thoại thẳng thắn trên tinh thần cầu thị cao. Ông Nguyễn Ngọc Võ – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: “Cán bộ chuyên trách phục vụ công tác GPMB phải là người làm đúng chính sách và làm hết chính sách, đồng thời phải làm đúng chủ trương nếu chi trả đền bù sai dù không tư lợi nhưng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Thế nên ngoài việc phải nâng cao trình độ năng lực trong công tác chuyên môn thì cán bộ làm công tác địa chính (lĩnh vực nhạy cảm) còn cần phải có kỹ năng dân vận khéo khi tuyên truyền phổ biến chính sách bồi thường GPMB để dân hiểu và đồng thuận.

Có thể nói, với việc tích cực tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về tầm quan trọng và lợi ích của công trình mang ý nghĩa quốc gia, cùng với các giải pháp đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giải phóng mặt bằng đã được hầu hết người dân sống ven Quốc lộ 1A trên địa bàn các huyện, thị đồng tình, ủng hộ. Bởi vậy, nhiều hộ trong diện giải tỏa mặc dù chưa nhận được tiền đền bù nhưng cũng đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các đơn vị để nhanh chóng triển khai thi công. Tuy nhiên so với 2 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, tiến độ giải phóng mặt bằng của Nghệ An chậm hơn. Cụ thể, tuyến QL1A đoạn qua Thanh Hóa dài 62,7km hiện đã GPMB được 53,04km đạt 85%. Đoạn qua Hà Tĩnh dài 76,44km đã GPMB 69,35km đạt 90,7%, trong khi đó đến thời điểm này Nghệ An mới đạt 79,0%. Nguyên nhân là vì một số địa bàn có QL1A đi qua thuộc tỉnh ta có đông dân cư, tỷ lệ tái định cư nhiều nên công tác di dời bồi thường hỗ trợ GPMB khó khăn và phức tạp hơn.

Đến thời điểm này Nghệ An là một trong 12 tỉnh đã đủ điều kiện ứng vốn NSNN để thực hiện công tác GPMB với kinh phí giải ngân/ bố trí vốn là 367,82/559,81 tỷ đồng (đạt 65,70%). Hiện đã bàn giao mặt bằng được 58,9/73,8km. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo nhân dân, nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

(Còn nữa)

Nhóm PV