Mở rộng vòng tay
(Baonghean) - Người nhiễm HIV/AIDS, sau cai nghiện ma túy, mại dâm, người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng… là những đối tượng yếu thế, cần sự cảm thông, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội. Để đường về của họ bớt gập ghềnh thì “có việc làm” là điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cơ hội việc làm cho họ đang rất hạn chế… Cần lắm sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
(Baonghean) - Người nhiễm HIV/AIDS, sau cai nghiện ma túy, mại dâm, người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng… là những đối tượng yếu thế, cần sự cảm thông, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội. Để đường về của họ bớt gập ghềnh thì “có việc làm” là điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cơ hội việc làm cho họ đang rất hạn chế… Cần lắm sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Mong muốn của những người nhiễm HIV/AIDS, sau cai nghiện ma túy, mại dâm, người chấp hành xong án phạt tù bao giờ cũng mong có việc làm ổn định, sống và làm việc trong một môi trường tập thể. Tuy nhiên, để khát vọng này trở thành hiện thực lại là điều không dễ bởi sự kỳ thị và cả nỗi mặc cảm… Anh Ng. Tr. Đ, 30 tuổi ở Hà Huy Tập, Thành phố Vinh, đã từng là một người nghiện và chịu án phạt tù. Trở về hòa nhập với cộng đồng, anh Đ cố gắng phục thiện bằng việc vay mượn tiền của anh em, bạn bè để đi học lái xe. Học xong, nghe thấy công ty, doanh nghiệp, hãng taxi nào tuyển người lái, anh hăm hở đưa hồ sơ đi nộp ngay. Nhưng nhìn vào hồ sơ của anh, các nhà tuyển dụng đều lắc đầu từ chối. Không biết bao nhiêu lần, anh cầm hồ sơ đi lại cầm hồ sơ về, tỳ vết lỗi lầm trong quá khứ đã trở thành nỗi ám ảnh cả tương lai của anh. Anh buồn bã tâm sự: “Mình muốn làm việc ở môi trường có tổ chức, có kỷ luật nhưng khó quá”.
Cơ sở rửa xe Hướng Thiện ở phường Cửa Nam, TP. Vinh. |
Để có việc làm, nhiều người đã phải che đậy, chôn vùi đi quá khứ lỗi lầm cũng như tình trạng bệnh tật của mình. Anh Tr. V. Th, 35 tuổi, phường Vinh Tân, một người có H là một ví dụ. Anh Th hẹn chúng tôi gặp gỡ ở một quán cà phê, chứ không dám mời đến cơ sở nơi mình làm việc. Anh Th kể: Để xin vào xưởng cửa lùa này, anh đã phải giấu diếm mình bị bệnh. Nếu biết anh có H thì chắc chắn chủ cơ sở đuổi việc. Bị bệnh nên sức khỏe anh không tốt, người khác làm được 10 thì anh chỉ có thể làm được 5 nên thu nhập chỉ được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhiều khi mệt quá cũng phải cắn răng làm việc không lẽ lại xin nghỉ. Bởi nghỉ rồi thì lấy gì nuôi sống bản thân…Trong thâm tâm anh Thắng mong muốn có một cơ sở nhận những người bị bệnh như anh vào làm việc, để chia sẻ, để động viên nhau cùng tiến bộ.
Phải nói rằng, những cơ sở như anh Th mong đợi là rất ít. Năm 2010, cả nước có trên 470 nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng 350 đơn vị tiếp nhận những người có H, người cai nghiện, mại dâm, chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, chủ yếu trong ngành nghề cơ khí, may dân dụng, may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, uốn tóc, làm vàng mã và đan thảm xuất khẩu…Ở Thành phố Vinh hiện nay, những cơ sở đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Thương những người có quá khứ lỗi lầm, sợ họ không có việc làm lại quay về con đường phạm tội nên năm 2010, anh Nguyễn Thế Sơn (phường Cửa Nam) mở cơ sở rửa xe Hướng Thiện đầu tư toàn bộ máy móc thiết bị ban đầu rồi giao hẳn cho 5-6 con người hướng thiện ở đây tự quản lý, mà không thu lấy bất cứ một chi phí nào. Không phụ lòng tin của anh, tất cả mọi người trong cơ sở đều chí thú, tận tình với công việc, ai đến đây rửa, bảo dưỡng xe đều an tâm. Em Ph. H. Â, huyện Nghĩa Đàn, nhân viên tại cơ sở cho hay: “Ra tù, không có việc làm, may mà em được anh Sơn thương gọi về đây, có thu nhập ổn định. Nếu không có việc làm thì chắc chắn em lại bị bạn bè xấu rủ rê…”.
Anh H .V. N, huyện Hưng Nguyên, trở về từ Trại giam số 6, Bộ Công an chia sẻ: “Sau cai, hết án thì ai cũng mừng, nhưng xen đó là nỗi lo trở về với cộng đồng thì biết làm gì? Ở trong trại, công việc chúng tôi làm là cuốc đất, trồng cây; được truyền nghề làm mộc, làm mi mắt giả, khâu bóng... song những nghề này ở ngoài xã hội lại không nhiều nhu cầu, không phổ biến”. Rất may anh N và 3 người bạn khác sau khi chấp hành xong án phạt tù đã được Công ty xây dựng Không Gian Mới (địa chỉ Trường Thi, Thành phố Vinh) nhận vào làm công nhân. Theo lời anh Nguyễn Quang Hoa, Giám đốc Công ty nhận xét về họ thì: “Qua thời gian hai năm làm ở đây, tôi đánh giá cao thái độ lao động của họ. Ngoài ba người làm thợ xây, thì có một người được giao làm bảo vệ vật tư tại công trình vào ban đêm, nhưng đến nay chưa xảy ra thất thoát gì”.
Tuy nhiên, những người may mắn như H. Â, anh N và bạn bè của anh không nhiều…. Giữa khó khăn tìm việc làm, những người yếu thế đã tự tìm đến với nhau, tập hợp lại tìm kế mưu sinh và không ngừng mơ ước tương lai tốt đẹp. Hợp tác xã Sông Lam Xanh là một mô hình kinh tế được hình thành và phát triển bởi Nhóm tự lực Sông Lam Xanh, chuyên buôn bán lẻ các mặt hàng nhu yếu phẩm trong sinh hoạt thường ngày; qua kinh doanh để có nguồn thu nhằm trang trải cho các hoạt động của nhóm trên địa bàn. Anh Phan Văn Kiên, ở phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh – Nhóm trưởng Nhóm Sông Lam Xanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Lợi nhuận hợp tác xã đem lại mới chỉ đủ cho nhóm hoạt động chứ mục tiêu tạo việc làm cho các thành viên thì còn xa vời. Chúng tôi mong muốn được một tổ chức, đơn vị nào đó cho vay hoặc hỗ trợ kinh phí để hợp tác xã mở rộng mô hình song đi vận động ở đâu cũng chỉ nhận được lời hứa giúp đỡ... Hiện tại, Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn…
Ở Nghệ An có 10 nhóm tự lực tập trung ở Thành phố Vinh, Thị xã Thái Hòa, huyện Quỳ Hợp, Nam Đàn, Nghi Lộc... Nhưng duy chỉ Sông Lam Xanh là mô hình kinh tế. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An được biết: Vấn đề tạo việc làm cho người sau cai, người ra tù… quả thật rất nan giải. Cách đây 3 năm, ở tỉnh ta còn có dự án của tổ chức Chemonic phối hợp với quỹ TYM cho người nhiễm và gia đình vay vốn làm ăn nhưng bây giờ thì đã cắt rồi. Trung tâm không có nguồn nên “lực bất tòng tâm”. Hiện nay với việc người nhiễm, người nghiện được điều trị bằng ARV và Methadone thì sức khỏe của họ đã được đảm bảo tốt, tinh thần và khả năng làm việc đều được nâng lên đáng kể. Mong các cơ quan ban ngành, tổ chức quan tâm và lưu ý tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế này giúp họ tái hòa nhập cộng đồng”.
Việc làm cho những người nhiễm HIV/AIDS, sau cai nghiện ma túy, mại dâm, người chấp hành xong án phạt tù đang là bài toán chưa có lời giải đối với các ban, ngành chức năng ở địa phương. Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để tạo việc làm cho nhóm đối tượng này, thời gian qua tỉnh ta đã cố gắng truyền nghề cho họ qua các trung tâm lao động xã hội, trung tâm dạy nghề. Song kết quả là số người tìm được việc làm là rất ít. Việc làm cho nhóm yếu thế này trên lý thuyết là có nhưng thực tế ở tỉnh còn rất nhiều người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề, đại học thất nghiệp, nhóm yếu thế này không thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó còn nhiều “rào cản” như: phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu rõ về HIV/AIDS, thiếu niềm tin vào người lầm lỡ nên xa lánh, kỳ thị với họ; doanh nghiệp thì sợ ảnh hưởng đến không khí sản xuất, tiến độ, hiệu quả công việc; đa số những người yếu thế này đều không có nghề, mang tâm lý tự ti nên thường thấy chán nản, buồn bã, khả năng sáng tạo kém, làm việc không hiệu quả, không tiếp tục làm việc; hiện Nhà nước chưa có những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tiếp nhận nhóm người này vào làm việc nên không mặn mà với các lao động thuộc các đối tượng nói trên; có chính sách vay vốn cho nhóm đối tượng này nhưng thực tế để tiếp cận được nguồn vốn này là vô cùng khó khăn.
Điều này khiến những người thuộc nhóm yếu thế khó khăn hơn về việc làm, đối mặt với rất nhiều thách thức để ổn định, cải thiện cuộc sống. Lối thoát nào cho nhóm yếu thế nói trên? Anh T.V. N, một người có H, ở xóm 7, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên khẳng định: “Chỉ có niềm tin, cố gắng, nỗ lực, quyết tâm vượt qua chính mình của người nhiễm, người nghiện, mại dâm cộng thêm sự giúp đỡ của cộng đồng mới giúp họ có được việc làm, thu nhập ổn định, xây dựng được cuộc sống hạnh phúc”. Bởi bản thân N đã nhận được sự động viên của mọi người tham gia nhóm đồng đẳng ở Hưng Nguyên. Từ niềm vui hoạt động, N đã tự tin phát huy khả năng ca hát, âm nhạc của mình để thành lập nhóm nhạc phục vụ đám cưới, rồi lập gia đình. Tháng nhiều thì 9 - 10 đám, tháng ít cũng 3 - 4 đám, mỗi đám thu về 3 - 4 triệu đồng đã giúp N nhanh chóng trả hết nợ và mua thêm được nhiều máy móc và cả ô tô để chở loa, âm ly. Đến bây giờ, tổng vốn của gia đình N cũng được 3 - 4 trăm triệu đồng. Thu nhập từ nghề tạm ổn đã giúp cuộc sống gia đình ngày một tốt lên.
Thượng tá Ngô Sỹ Sơn - Phó Trưởng Công an Thành phố Vinh khẳng định: Tạo việc làm cho những người yếu thế đồng nghĩa với việc tạo sự ổn định cho xã hội. Việc này cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là từ chính quyền địa phương. Đơn cử như trường hợp anh Tô Thanh Sơn, ở khối 4, phường Quang Trung, Thành phố Vinh, thi hành án phạt tù về được khối xóm, phường cho mượn phần vỉa hè thuộc quỹ đất chung ngay trước hội quán khối để rửa xe mà không thu quỹ phí nào. Nhờ 10 năm nay, anh Sơn có việc làm, giải tỏa áp lực về kinh tế, sống lương thiện, tự tin hoà nhập cuộc sống …
Bài, ảnh: Thanh Sơn