Mường Chiềng Ngam vào hội

21/02/2014 11:23

(Baonghean) - Khi mùa xuân đã trải nắng vàng ấm áp lên những đám ruộng vừa xong vụ cấy, làm tươi hơn những sắc đào núi, lan rừng thì cũng là lúc mảnh đất Quỳ Châu tưng bừng vào hội Hang Bua... Như một lời ước hẹn với non ngàn, Lễ hội Hang Bua năm nay lại được tổ chức trọng thể, đông đảo đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc xứ Nghệ nô nức tụ hội dưới chân ngọn núi Phà Én, bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến (thuộc Mường Chiềng Ngam xưa) dâng hương nhớ ơn người khai bản lập mường, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao sôi nổi của ngày hội.

Nhảy sạp tại Lễ hội Hang Bua.
Nhảy sạp tại Lễ hội Hang Bua.

TIN LIÊN QUAN

Buổi sáng, tiết trời hãy còn mù sương và buốt lạnh nhưng rậm rịch trên những con đường đất, đường núi, đường nhựa uốn lượn, từ các xã xa như Châu Bình, Châu Hội, Diên Lãm, Châu Hoàn đến các xã gần là Châu Bính, Châu Thắng, người dân đã nô nức kéo về ngọn núi thiêng Phà Én. Quan niệm của người dân Quỳ Châu, ngoài những ngày Tết thì ngày lễ Hang Bua chính là ngày vui nhất trong năm; ngày này nam thanh nữ tú về tập trung nên cũng đã trở thành ngày hẹn hò, bén duyên đôi lứa.

Vậy nên mọi người đều cố gắng thu xếp việc nhà, đồng áng để đi lễ, vui chơi. Những cô gái Thái diêm dúa trong bộ váy áo truyền thống, khoác khăn dài, tay cầm ô, quả đào bằng bạc bên hông leng keng nhún nhảy; các bà lão thì trang phục sẫm màu hơn, đầu đội thêm chiếc khăn, miệng từ tốn nhai trầu, khoan thai bước, mắt lấp lánh, tủm tỉm cười, vui hội hôm nay nhớ ngày chưa cũ; những anh thanh niên thì mang theo chiếc khèn, chiếc pí và cả quả còn xinh xắn cầu duyên; các ông lão tâm đắc với những ché rượu cần, bài hát nhuôn, điệu xuối... Đồng bào Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói chung rất coi trọng giá trị truyền thống cũng như các tập tục lễ nghi, vậy nên hầu hết mọi người không vội vào khu vực lễ hội trước Hang Bua mà tìm đến Đền thờ Thành hoàng Mường Chiềng Ngam cách đó không xa, dâng hương tiên tổ.

Dòng người chậm rãi, bồi hồi bước lên 98 bậc đá xanh nhuộm màu thời gian để vào đền. Các bậc đá cứ 7 bậc nhỏ lại chen một bậc lớn nối tiếp nhau men theo sườn núi Phà Én vươn lên đỉnh trời. Từ đền, cả không gian rộng lớn, thơ mộng Mường Chiêng Ngam hôm nay với núi non hùng vĩ, ruộng đồng bát ngát, cây cối xanh tươi, guồng quay nước lớn không ngừng nghỉ thu vào tầm mắt. Dưới bóng cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước đền, Cụ Vi Văn Dốc, 75 tuổi, ở bản Luồng, xã Châu Bính cho hay: “Đền thờ Thành hoàng Mường Chiềng Ngam có lịch sử lâu đời, thờ 3 vị thành hoàng là ông Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông, những bậc tiền nhân đã có công khai bản lập mường. Trước đây, với nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi đền đã bị hư hỏng, việc tế lễ không được duy trì thường xuyên. Những năm gần đây, với xu thế hướng về cội nguồn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đền đã được khôi phục, xây dựng lại khang trang. Đền thiêng lắm, trước tết cụ ốm nặng, con cháu có lên đây thắp cầu sức khỏe, nhờ ơn tổ tiên cũng như sự cứu chữa của các bác sỹ, giờ cụ lại đủ sức đi xem lễ”.

Trong ngày chính hội Hang Bua, theo đúng lệ cũ, ban tổ chức lễ hội cùng các đoàn đại biểu, du khách cùng người dân 12 xã, thị trong huyện đến dâng hương làm lễ Đại tế ở đền. 8 giờ sáng, 3 thầy mo chủ tế thực hiện các nội dung của chương trình phần lễ tâm linh theo đúng phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Để được chủ tế ở Đền thờ Thành hoàng, các thầy mo chăm sóc phần tâm linh cho đồng bào Thái dứt khoát phải là người ở xã Châu Tiến, có đức cao vọng trọng và được mọi người dân bầu chọn nên. Vào lễ, dòng người thành kính ngưỡng vọng trước đền giữa tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Thầy mo chính Lo Căm Diệp bước lên dâng hương, bày tỏ tấm lòng biết ơn của hậu thế đối với các vị thần, với cha ông, xin nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho “sông đầy cá, thóc lúa đầy đồng”, mưa thuận gió hòa, mọi người mạnh khỏe, quê hương ngày càng phát triển. Lễ thành, các thầy mo mời mọi người tham dự cùng tiến vào đền uống rượu cần, ăn một ít xôi, gà, thịt cá trên mâm lễ để lấy phúc. Ngoài sân đền, hội đã bắt đầu.

8 giờ sáng, sân hội Hang Bua đã có hàng vạn người tập trung về đây, trong đó có khá nhiều du khách quốc tế. Năm nay khu vực ngay trước Hang Bua đã được huyện Quỳ Châu cho san lấp mặt bằng, mở rộng diện tích khu vực bán hàng, gửi xe, chỗ dựng trại cũng như các sân thể thao; xung quanh có trồng cây xà cừ tạo bóng mát, phía cuối bãi xây thêm các công trình phụ phục vụ mọi người. Mở đầu chương trình khai hội là những màn hát múa chào mừng đặc sắc do đội văn nghệ quần chúng các dân tộc huyện Quỳ Châu biểu diễn. Lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ngợi ca về quê hương đất nước, mảnh đất Quỳ Châu hiền hòa hiếu khách luôn muốn kết tình bằng hữu gần xa, nối vòng tay lớn. Lời khai mạc lễ hội do đồng chí Chủ tịch UBND huyện Phan Đức Đồng đã ôn lại lịch sử cổ xưa của Mường Chiềng Ngam nói riêng và huyện Quỳ Châu nói chung; và khẳng định giá trị to lớn của Lễ hội Hang Bua trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của vùng đất, con người nơi đây; đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ, đầu tư ngày càng nhiều hơn của các cấp ngành đoàn thể, các tổ chức cá nhân để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa tâm linh, khám phá cho du khách.

Hồi trống khai hội do đồng chí Lang Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy đã gióng giả vang lên báo hiệu một lễ hội tưng bừng của đất mường chính thức khai màn. Dàn khắc luống, cồng chiêng rộn ràng, các cô gái Thái cùng vui múa hát, nhảy sạp, ném còn; chỗ này tiếng khèn tiếng pí vang lên, chỗ kia các ông lão bà lão, nam nữ thanh niên chung vui bên ché rượu cần hát nhuôn, xuối bổng trầm, ê a chuyện kể. Tất cả âm thanh đó đã hòa quyện lại thành một giai điệu đặc trưng riêng của ngày hội bản làng. Những du khách từ chỗ chứng kiến cũng tham gia vào tất cả các hoạt động. Lễ hội Hang Bua là ngày hội văn hóa nên thiên nhiều hơn về các phần hội. Năm nay, ngoài chương trình lễ hội có rất nhiều hoạt động, như: thi văn nghệ, văn hóa ẩm thực, thi cắm trại đẹp, thi viết chữ Thái, thi cham diễn xướng rượu cần kết hợp hát nhuôn xuối giữa các câu lạc bộ văn hóa truyền thống, thi thêu dệt, xe sợi, thi cuốn hương trầm, thi trình diễn trang phục dân tộc, người đẹp Hang Bua và đốt lửa trại, thi bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đu quay, chơi tò le, đi cà kheo, ném còn...

Các phần thi đều diễn ra hào hứng, thu hút người xem và cổ vũ. Đối diện sân khấu chính là khu vực trại của 12 xã, thị cùng các cơ quan và 3 sân bóng chuyền, bên phía trái là gian trưng bày các sản phẩm văn hóa của Câu lạc bộ văn hóa truyền thống xã Châu Thuận, kế nữa là khu vực thi văn hóa ẩm thực với nhiều mâm cỗ bắt mắt. Các món ăn đều đảm bảo đúng phong vị của người Thái cổ và tất nhiên món cá nướng và cơm lam là không thể thiếu. Sát chân núi là khu vực thi bắn nỏ của các cô gái, còn phía ngoài là các gian trưng bày sản phẩm từ mây tre đan và thổ cẩm. Giữa tiếng reo hò phấn khởi, chàng trai cô gái tìm người thương qua những đợt tung còn. Chàng trai mời cô bạn mới quen một miếng trầu như thay lời muốn nói...

Đến với lễ hội thì phải hiểu người biết cảnh, nhiều người đã vào thắng cảnh Hang Bua - hang gắn liền với những huyền thoại của cuộc giao tranh giữa Thần Núi (Phí-Nú-Phá-Hùng) và Thần Nước (Phí-Nặm-Huồi Hạ), của chuyện tình Tạo Khun Tinh với Nàng Ni. Những nhũ đá, những hình khối kỳ thú trong hang chính là sự minh chứng của các thần tích. Theo anh Thái Mạnh Hùng - du khách ở khối Tân Hòa, phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh thì: “Hang Bua đẹp không kém gì Phong Nha, động Thiên Đường và nó hơn hẳn ở chỗ nơi đây ấm áp hơi người, bởi chính nơi đây tổ tiên xưa từng cư ngụ; ngày nay hang là nơi hẹn hò của lứa đôi”... Phía trước cửa hang, ban tổ chức khéo léo bố trí triển lãm ảnh có chủ đề về Đảng và quê hương Quỳ Châu, mang ẩn ý sự nối tiếp và tôn vinh các giá trị truyền thống cũng như hiện tại. Triển lãm ảnh đặc biệt thu hút người xem, đông nhất là các em nhỏ. Lễ hội năm nay có sự tham gia của hàng trăm hàng quán khác nhau, bày bán đồ tiêu dùng và nhiều nhất là các hàng ăn uống. Thông qua lễ hội này, Ban Tổ chức mong muốn thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại của địa phương.

Lễ hội diễn ra suốt 3 ngày đêm từ ngày 19 đến ngày 21/2, các hoạt động trải đều để tất cả mọi người có thể đến tham gia bất cứ lúc nào. Chiều muộn, người này về, người khác lại đến bởi hội còn vui. Tại các trại dựng theo kiểu nhà sàn, hương trầm làng nghề Tân Lạc được đốt lên tỏa thơm nồng ấm, mọi người chúc nhau chén rượu đầu xuân, ché rượu cần ủ công phu được bưng ra thiết đãi những người bạn từ phương xa mới tới, mời bạn ngày mai cùng đi thăm hang Tôn Thạt, Hang Voi, hang Ồm, leo núi Phá Xăng...

Phần đặc sắc, thu hút nhất của lễ hội có lẽ bao giờ cũng chính là thi người đẹp Hang Bua. 18 thí sinh trong trang phục truyền thống, ai cũng xinh xắn rạng ngời, thông hiểu về lịch sử, văn hóa quê hương. Những cô gái Thái luôn vậy, ai cũng đẹp người, đẹp nết, đầy tài năng và hiếu khách. Ông A - Lanh - Đờ - Vô, trưởng đoàn công tác của Tổ chức hợp tác phát triển Vương Quốc Bỉ lần đầu tiên được mời tham dự Lễ hội Hang Bua tỏ ra rất hào hứng và sung sướng được xem các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, khen không dứt khi nói về các món ăn truyền thống cũng như tục uống rượu cần. Ông cho hay: “Đây là một trải nghiệm rất thú vị của bản thân, giúp tôi biết nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam nói chung, Nghệ An và Quỳ Châu nói riêng. Với cương vị của mình, cá nhân tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia cũng như góp một phần để đưa du lịch, kinh tế - xã hội Quỳ Châu phát triển hơn”.

Ở Mường Chiềng Ngam vẫn lưu truyền một câu chuyện cổ. Chuyện kể rằng: “Khi xưa, có một nàng tiên vô cùng xinh đẹp, trong một lần xuống trần dạo chơi đi qua vùng núi Chiềng Ngam đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi cảnh đẹp nơi này. Nàng mải mê chạy nhảy trên đồng cỏ đuổi bướm, hái hoa, vào rừng hát ca cùng chim cùng khướu, xuống suối nô đùa cùng cá cùng tôm. Mải đắm mình giữa thiên nhiên đầy thơ mộng, trời tối lúc nào mà nàng không hề hay biết. Cửa trời đã khép chặt bỏ lại nàng tiên bé bỏng trong màn đêm giá lạnh. Nàng ngồi khóc dưới núi Phà Én cho đến khi tan vào đá núi”... Có lẽ câu chuyện xưa đã lý giải phần nào, tại sao những cô gái Thái ở miền đất cổ này lại đẹp xinh đến vậy - nàng tiên xưa đã hóa thân thành muôn vàn người phàm. Và tôi biết, Lễ hội Hang Bua cũng chính là một “nàng tiên” - niềm vui từ lễ hội hôm nay sẽ thoát thai thành niềm tin, quyết tâm và sức mạnh xây dựng quê hương trong mỗi người dân; và để rồi cổng trời dẫu không khép nhưng những “nàng tiên” chẳng muốn rời xa.

Thành Chung