Diễn Châu: Đảm bảo an toàn cho lao động nghề biển
(Baonghean) - Hiện nay tàu cá của huyện Diễn Châu đang phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo khai thác xa bờ an toàn, hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Với ý thức đảm bảo an toàn là trên hết nên các chủ tàu đều trang bị đầy đủ phao cứu sinh, đèn tín hiệu, máy thông tin liên lạc… và thực hiện sơn, kẻ, gắn biển số đăng ký theo quy định.
(Baonghean) - Hiện nay tàu cá của huyện Diễn Châu đang phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo khai thác xa bờ an toàn, hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Với ý thức đảm bảo an toàn là trên hết nên các chủ tàu đều trang bị đầy đủ phao cứu sinh, đèn tín hiệu, máy thông tin liên lạc… và thực hiện sơn, kẻ, gắn biển số đăng ký theo quy định.
Đôi tàu xa bờ của ngư dân Lê Sỹ Vinh – xóm Đông Lộc – xã Diễn Ngọc, trước khi ra khơi tất cả các phương tiện như máy thông tin liên lạc tầm xa Icom, đài trực canh, các loại đèn báo hiệu, cờ hiệu, định vị, hải đồ, chống thủng, áo và phao cứu sinh… đều được ông kiểm tra kỹ nhằm đảm bảo hoạt động tốt khi ra khơi. Ông cho biết: Hầu hết các phương tiện đảm bảo an toàn trên biển đều được các ngành chức năng của tỉnh và huyện Diễn Châu cấp miễn phí đến tận tàu. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ, quy định trách nhiệm liên kết hỗ trợ nhau trên biển nên ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, xa đất liền cả trăm hải lý, vừa khai thác hiệu quả, vừa góp phần khẳng định chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Tuy nhiên, điều mà ông Vinh băn khoăn đó là không phải ngư dân nào cũng sử dụng tốt và phát huy chức năng tất cả các phương tiện thông tin mà Nhà nước trang bị. Do đó, cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ngư dân cách sử dụng các phương tiện đó có hiệu quả.
Thuyền về cửa biển Lạch Vạn, Diễn Châu. |
Đảm bảo an toàn khi ra khơi được coi là mục tiêu hàng đầu của tất cả ngư dân Diễn Châu. Tuy là tàu công suất nhỏ, chỉ đánh bắt ở vùng lộng nhưng mỗi lần ra biển, ngư dân Phạm Văn Minh đều nhắc nhở anh em thuyền viên nêu cao ý thức đánh bắt an toàn. Với việc trang bị đầy đủ phương tiện nên mỗi chuyến ra khơi, ông Minh cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều so với trước đây. Ông chia sẻ: “Trước khi ra khơi chúng tôi phải chuẩn bị điện thoại, máy định vị, máy liên lạc đầy đủ. Áo phao mỗi người mỗi cái, sử dụng thường xuyên trong quá trình đánh bắt trên biển… Vì vậy hiện nay ra khơi yên tâm hơn trước nhiều”. Ông Đậu Xuân Thủy – Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, cho biết: Xã có số phương tiện tàu thuyền đông nhất huyện. Thông qua các tổ, đội nghề cá, trung đội dân quân biển, chúng tôi tuyên truyền tới ngư dân việc đảm bảo an toàn khi ra khơi. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn tập nâng cao tính phòng vệ cho ngư dân. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn khi tham gia đánh bắt trên biển được nâng lên, họ rất chủ động để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Diễn Châu có số lao động tham gia nghề biển khá đông với trên 4.000 người, chủ yếu tập trung ở xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Ngoài việc trang bị miễn phí đến tận tàu hàng nghìn chiếc phao, áo phao, trang, thiết bị thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tai nạn trên biển xảy ra, những năm gần đây, công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển được các cấp chính quyền, đặc biệt là Đồn Biên phòng Diễn Thành quan tâm. Những trường hợp không đủ phương tiện an toàn, không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, không có đăng ký, đăng kiểm và không kẻ số tàu theo quy định kiên quyết không cho ra khơi.
Với việc kiểm tra, kiểm soát quyết liệt nên các phương tiện tàu cá đều chấp hành và thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển. Ngoài việc bắt buộc tất cả trên 1.400 tàu thuyền phải có phương tiện đảm bảo an toàn mới được ra khơi thì huyện Diễn Châu đã thành lập 2 trung đội dân quân biển vừa sản xuất, vừa hỗ trợ ngư dân cứu hộ, cứu nạn. Với việc ra đời Nghiệp đoàn nghề cá ở xã Diễn Bích với 155 thành viên tham gia lao động trên các tàu đánh bắt xa bờ thực sự là chỗ dựa tin cậy đối với ngư dân trong vấn đề đảm bảo an toàn khi khai thác trên biển.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, Diễn Châu đã thu hút và hoàn thành nhiều công trình phòng, chống thiên tai trọng yếu như hệ thống neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền dài 3,5 km với trên 150 trụ neo đậu; hoàn thành 25 km đê bao và 18 km đường cứu hộ thiên tai ven biển và hiện nay đang tập trung nâng cấp Cảng Lạch Vạn; chủ động xây dựng kế hoạch đối phó với thiên tai.
Bắt đầu bước vào mùa mưa bão, do đó, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho tàu cá đang được Diễn Châu rất quan tâm, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngư dân, giúp họ yên tâm vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của chính mỗi ngư dân khi đánh bắt trên biển.
Mai Giang (Đài Diễn Châu)