Không nên bắt bác sỹ làm ngược thiên chức!

21/12/2013 17:42

(Baonghean) - Những ngày qua, liên quan đến việc có hay không nên để bác sĩ tham gia thi hành án tử hình bằng cách trực tiếp tiêm thuốc độc, dư luận gần như đồng thanh lên tiếng ủng hộ ngành Y tế “khước từ vinh dự” này. Họ bày tỏ, trừng trị tội phạm không phải là nhiệm vụ của ngành Y tế, làm cho một mạng người từ sống thành chết là ngược với thiên chức cũng như lương tâm của thầy thuốc.

Thực tiễn chính là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn và hiệu quả của chính sách. Đã không dưới một lần, cơ quan chủ quản phải “thu hồi văn bản” để “tiếp tục hoàn chỉnh”. Trước hết, phải thừa nhận rằng, việc Nhà nước thay đổi từ thi hành án tử hình bằng xử bắn sang hình thức tiêm thuốc độc là một nỗ lực rất lớn. Đây là một chính sách mang tính nhân văn với cả người phải đền tội bằng cái chết, đồng thời cũng giảm được sự ám ảnh và cả những áp lực cho người trực tiếp thi hành án.

Hình như, băn khoăn trước câu chuyện này đã có một tờ báo nào đó rút tít “Bác sĩ hay là đao phủ?”. Tại sao người ta lại có sự liên tưởng như vậy? Đao phủ là từ ngày xưa dùng để chỉ người làm nghề hành hình tử tội. Đao phủ thừa hành bản án để chém đầu bằng dụng cụ chuyên dụng (đao), khi quan xử cầm thẻ bài ném xuống đất, đao phủ sẽ ngụm rượu phun vào đao mà… chém cho ngọt. Tất nhiên, chả ai yêu thích cái công việc này!

Trở lại với vấn đề đang bàn, ở nước ta, vào ngày 6 tháng 8 năm 2013, vụ tử hình bằng tiêm thuốc độc đã được mở đầu. Sau vài tháng có vẻ như “suôn sẻ” thì gần đây, việc lên tiếng phản đối của một bác sĩ tại Phú Yên đã dấy lên những cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa có hồi kết. Theo quy định tại Nghị định 47/2013, thì cán bộ trực tiếp thi hành án xác định để đưa kim tiêm vào tĩnh mạch của tử tù, sau đó thì “bấm nút”. Cũng theo quy định tại văn bản này, Chủ tịch Hội đồng thi hành án được phép yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch nếu cán bộ thi hành án không xác định được. Như vậy, chính là cụm từ “nếu cán bộ thi hành án không xác định được” đã dẫn đến một tình thế nhạy cảm. Dư luận có lý do để nghĩ rằng, nếu cán bộ thi hành án đã không muốn nhúng tay thì chả dại gì mà “xác định được tĩnh mạch” cả, và rồi tất nhiên cái việc “lấy ven” cuối cùng cũng rơi vào tay các vị mặc áo bờ-lu trắng. Một kết cục có vẻ như đã được phỏng đoán từ thời… dự thảo văn bản.

Đã đến lúc chúng ta cần có một phương án khi mà hàng trăm các tử tù đang “nằm dài” chờ đến lượt tiêm. Như đã phân tích ở trên, cái mà chúng ta đang thiếu (cũng có ý kiến nói là đang đùn đẩy) chính là “người lấy ven”. Như vậy, người “lấy ven” có nhất thiết phải là bác sĩ không (vì họ không có chức năng chăm sóc hay chữa bệnh). Nên chăng, Nhà nước cần cho đào tạo và tuyển dụng bổ sung vào cơ quan thi hành án những người chuyên làm nhiệm vụ này?

Cũng có người chua chát rằng, y đức bị hoen ố quá, những vụ việc như nhân bản kết quả xét nghiệm, chết trẻ sơ sinh, tiêm nhầm vắc-xin, hay gần đây nhất là vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông... đã làm họ mất bình tĩnh, đến mức phải thốt lên: “Để cho bác sĩ làm đao phủ là phải, lâu nay họ vụng trộm làm việc ấy quen rồi”. Có lẽ đấy chỉ là một cách trút giận, chúng ta có quyền như thế trước hàng loạt vụ việc đau lòng, nhưng cần hơn chính là sự tỉnh táo. Những vụ việc mà chúng ta vừa gọi tên, chỉ trích suy cho cùng cũng là cá biệt. Dẫu sao, thời đại nào thì hình ảnh người thầy thuốc cũng đáng quý và đáng trân trọng. Bởi vậy, mỗi khi họ đã khoác lên mình tấm áo bờ-lu thì không nên để họ trở thành những “đao phủ”?!

Khắc An