Buông lỏng công tác kiểm tra đảng?

02/12/2013 11:12

(Baonghean) - Tin ông chánh án TAND huyện Nam Đàn gần đây bị công an bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 20 triệu đồng; khám phòng làm việc của ông này, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều phong bì đựng tiền với tổng cộng 85 triệu đồng; chưa hết, trong tủ của ông còn 1 khẩu súng ngắn và 10 viên đạn không có giấy phép sử dụng khiến dư luận bàn tán. Thông tin trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật đảng ở một số tổ chức cơ sở đảng đang bị xem nhẹ hay có sự buông lỏng?

(Baonghean) - Tin ông chánh án TAND huyện Nam Đàn gần đây bị công an bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 20 triệu đồng; khám phòng làm việc của ông này, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều phong bì đựng tiền với tổng cộng 85 triệu đồng; chưa hết, trong tủ của ông còn 1 khẩu súng ngắn và 10 viên đạn không có giấy phép sử dụng khiến dư luận bàn tán. Thông tin trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật đảng ở một số tổ chức cơ sở đảng đang bị xem nhẹ hay có sự buông lỏng?

Thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ việc vi phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức tham nhũng, nhận hối lộ. Tại Hải Phòng, một vị chánh tòa kinh tế của tòa án thành phố này vừa bị đình chỉ công tác vì dính vào nghi án nhận 130 triệu đồng tiền hối lộ; tháng trước, một thư ký tòa án ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cũng bị công an bắt, khởi tố vì có hành vi vi phạm tương tự. Và mới đây, nhiều lãnh đạo của hai doanh nghiệp nhà nước là Công ty Vifon và Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) phải nhận những bản án từ 20, 30 năm tù giam đến chung thân, tử hình vì tham nhũng.

Điều gì khiến một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng và 19 điều cấm đảng viên làm cùng với đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp đến mức vậy? Và, làm sao có những vị được gọi là công bộc của dân, cầm cân nảy mực của xã hội lại sống vô cảm đến thế? Lý do là “quá tham” như giải thích của một vị lãnh đạo ngành tòa án khi thuộc cấp của mình “dính đòn” liệu có thỏa đáng? Lòng tham được coi như một thuộc tính cố hữu của loài người, song, mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức có tự giác tiết chế được lòng tham không mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, sự tiết chế đó của cán bộ, đảng viên có được bền vững, thường xuyên hay không còn tùy thuộc vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của các tổ chức cơ sở đảng được thực hiện ở mức nào. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiên tốt công tác này thì nơi đó cán bộ, đảng viên phát huy được năng lực và giữ gìn được phẩm chất của mình, tổ chức cơ sở đảng nơi đó vững mạnh và ngược lại.

Trở lại chuyện vị chánh án cấp huyện ở tỉnh ta vừa bị bắt quả tang vì hành vi nhận hối lộ, tàng trữ vũ khí trái phép nêu trên. Được biết, trước đó, cấp ủy đã yêu cầu cơ quan nơi vị này công tác báo cáo về việc có dư luận phản ánh tác phong, lối sống, đạo đức nghề nghiệp của ông chánh án. Không biết cơ quan này đã báo cáo hay chưa, nếu có thì báo cáo như thế nào khi “đương sự” lại là người đứng đầu cơ quan? Còn thủ trưởng trực tiếp của ông này thì cho báo chí biết, “chúng tôi có nghị quyết và các văn bản nâng cao đạo đức, chính trị trong ngành, in thành cuốn phát cho các cán bộ rồi. Mình đã giáo dục họ rồi nhưng đến mức không kiểm soát được. Thực tế là đã không thể kiểm soát được”.

Tuy nhiên, những người làm công tác đảng và những ai quan tâm lại nghĩ khác. Vẫn biết là một tập thể, một tổ chức thì khó mà kiểm soát được lối sống, hành vi của mọi cá nhân trong tổ chức, nhưng không có nghĩa là bó tay, bất lực! Giá như công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc thì hẳn vụ việc không đến mức nghiêm trọng như thế. Đó là điều chắc chắn!

Việt Long

TIN LIÊN QUAN