Trao đổi xung quanh các bài viết về "Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng"

23/04/2014 09:33

(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được thư của ông Tống Trần Tùng, địa chỉ G03-107, Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ- Hà Nội trao đổi một số vấn đề xung quanh các bài viết: “Thanh Lương- Vùng quê giàu truyền thống cách mạng” (cuối năm 2011), “Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng” (đầu năm 2013) và “Vùng quê văn vật” (đầu năm 2014) của tác giả Công Kiên đăng trên Báo Nghệ An. Nội dung bức thư tương đối dài, tựu trung lại, ông Tống Trần Tùng cho rằng:

1 - Bài viết “Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng” có những suy diễn chủ quan, đưa ra những cứ liệu lịch sử khá tùy tiện và chép nguyên văn một số đoạn của các tác giả khác đưa vào bài viết của mình mà không dẫn nguồn. Tùy tiện đưa ra chức “nguyên súy bình Man” đem gán cho Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng.

2. Các bộ chính sử của nước ta đều cho biết là vua Lê Trang Tông lên ngôi trên đất Ai Lao vào năm Quí Tỵ (1533) và băng hà vào năm Mậu Thân (1548). Thế mà tác giả lại viết năm 1553, Vua Lê Trang Tông xuống chỉ lập đền.

3 - Khi đền Thống Chinh bị hư hại, bà con họ Nguyễn Hữu là hậu duệ của Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập rước các đồ thờ tự của đền Thống Chinh về cất giữ cẩn trọng trong nhà thờ của họ tộc mình, chứ không phải như tác giả viết, con cháu dòng họ Tống và người dân địa phương sơ tán các đồ thờ tự, tế khí về nhà thờ họ Nguyễn Hữu.

4- Về đoạn dịch văn bia, tác giả ghi là “tạm dịch” nhưng thực chất đã chép lại không sai chữ nào từ một cuốn sách viết về Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng đã được nhà xuất bản Thế giới in ấn và phát hành từ năm 2010 cũng như đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của dòng họ Tống Trần (www.tongtran.net) nhưng đã không hề được tác giả Công Kiên dẫn nguồn.

5 - Tác giả mâu thuẫn với chính mình vì đã viết về Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng nhưng lại nhắc đến nhân vật Chu Tất Thắng trong bài viết “Thanh Lương- Vùng quê giàu truyền thống cách mạng” và bài “Vùng quê văn vật”…

Trước hết, Báo Nghệ An chân thành cảm ơn ông Tống Trần Tùng đã theo dõi và đọc kỹ các bài viết đăng trên Báo Nghệ An nói chung và các bài viết liên quan đến dòng họ của ông nói riêng. Với những nhận xét, góp ý thẳng thắn và đầy trách nhiệm của ông, Báo Nghệ An và tác giả bài viết xin được tiếp thu và có những trao đổi lại như sau:

Thứ nhất: Ông cho rằng: “Bài viết này (“Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng”) có những suy diễn chủ quan, đưa ra những cứ liệu lịch sử khá tùy tiện và chép nguyên văn một số đoạn của các tác giả khác đưa vào bài viết của mình mà không dẫn nguồn”. Về vấn đề này, mở đầu bài báo “Nghĩa quận công Tống Tất Thắng”, tác giả viết: “Theo các tư liệu lịch sử đang được con cháu dòng họ Tống ở Nam Đàn lưu giữ, Nghĩa quận công...”. Như vậy, tất cả nội dung trong bài viết này tác giả dựa theo tư liệu của dòng họ Tống ở Nam Đàn, do ông Tống Xuân Hùng- Trưởng ban Di tích đại tộc họ Tống ở Nam Đàn cung cấp. Ngoài ra còn có các các tư liệu: “Thần phả miếu Thống Chinh”, “Sử vàng Tống tộc” (viết tay, vừa viết bằng chữ Hán, vừa dịch ra chữ quốc ngữ) và “Sử phả họ Tống thời xưa của Đức Thánh Tống Tất Thắng” do ông Tống Trần Hội, Chi họ Tống Bình Hòa, xã Sơn Hòa, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cung cấp. Chức Thống Chinh nguyên súy bình Man đề cập trong bài viết cũng lấy từ các tư liệu này. Tuy nhiên, Báo Nghệ An cũng như tác giả cũng thành thật nhận lỗi là đã sử dụng các tài liệu của dòng họ Tống cung cấp, song chưa được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định công bố.

787633_small_88434.jpg
Sắc phong của đền Thống Chinh đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu (xã Nam Tân - Nam Đàn).

Thứ hai: ông cho rằng các bộ chính sử của nước ta đều cho biết là vua Lê Trang Tông lên ngôi trên đất Ai Lao vào năm Quí Tỵ (1533) và băng hà vào năm Mậu Thân (1548). Thế mà tác giả lại viết năm 1553, Vua Lê Trang Tông xuống chỉ lập đền. Về vấn đề này Báo Nghệ An cùng tác giả thành thật nhận lỗi vì đã có sự sự nhầm lẫn năm vua Lê Trang Tông xuống chỉ lập đền thờ và tổ chức tế lễ, năm 1533 viết nhầm thành 1553.

- Thứ ba, ông cho rằng, khi đền Thống Chinh bị hư hại, bà con họ Nguyễn Hữu là hậu duệ của Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập rước các đồ thờ tự của đền Thống Chinh về cất giữ cẩn trọng trong nhà thờ của họ tộc mình, chứ không phải con cháu dòng họ Tống và người dân địa phương. Về vấn này, tác giả đưa con cháu họ Tống vào với dụng ý là để cho độc giả thấy tinh thần trách nhiệm của con cháu dòng họ Tống với tổ tiên. Còn “người dân địa phương” là bao gồm con cháu dòng họ Nguyễn Hữu. Tuy nhiên, Báo Nghệ An cũng như tác giả nhận thấy, cho dù là có dụng ý tốt thì cũng cần phải tuân thủ sự chính xác tuyệt đối của thông tin, nhất là những thông tin liên quan đến lịch sử trong trường hợp này, để tránh tối đa việc gây nhầm lẫn cho bạn đọc.

- Thứ tư, ông cho rằng đoạn dịch văn bia, tác giả ghi là “tạm dịch” nhưng thực chất đã chép lại không sai chữ nào từ một cuốn sách viết về Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng đã được nhà xuất bản Thế giới in ấn và phát hành từ năm 2010 cũng như đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của dòng họ Tống Trần (www.tongtran.net) nhưng đã không hề được tác giả Công Kiên dẫn nguồn. Về vấn đề này, ngay từ đầu bài báo “Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng”, tác giả viết: “Theo các tư liệu lịch sử đang được con cháu dòng họ Tống ở Nam Đàn lưu giữ...”, nghĩa là tất cả nội dung trong bài viết tác giả đều dựa trên tư liệu của dòng họ và do dòng họ cung cấp. Về việc tác giả ghi trong bài là “tạm dịch” là do bản dịch này đăng trên trang web tongtran.net, một trang mạng của dòng họ chứ không phải của một tổ chức chuyên môn.

- Thứ năm, ông cho rằng tác giả mâu thuẫn với chính mình vì đã viết về Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng nhưng lại nhắc đến nhân vật Chu Tất Thắng trong bài viết “Thanh Lương- Vùng quê giàu truyền thống cách mạng” và bài “Vùng quê văn vật”. Về vấn đề này, khi viết bài Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng”, tác giả đã được ông Tống Xuân Hùng là Trưởng ban Di tích của đại tộc họ Tống (được phân công sưu tầm, lưu giữ tài liệu về dòng họ) cung cấp các tài liệu về Tống Tất Thắng”. Và khi viết bài “Thanh Lương- Vùng quê giàu cách mạng” và bài “Vùng quê văn vật”, được ông Chu Mạnh Quỳnh- Tộc trưởng họ Chu ở Thanh Lương (Thanh Chương) cung cấp hồ công nhận di tích lịch sử cho nhà thờ, mộ và các vị tổ họ Chu. Trong đó, ở phần giới thiệu các vị thần tổ họ Chu nhân vật Chu Tất Thắng được viết tương đối kỹ về tiểu sử. Hiện nay, nhà thờ, mộ các vị tổ họ Chu ở Thanh Lương (Thanh Chương) đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Sau khi có đơn của ông Tống Trần Tùng, xâu chuỗi các sự kiện, Báo Nghệ An và tác giả đã hiểu rõ, hiện nay họ Tống ở Nam Đàn suy tôn ông Tống Tất Thắng là thủy tổ, họ Chu ở Thanh Chương nhận ông Chu Tất Thắng là thần tổ. Điều đáng nói là ông Tống Tất Thắng và Chu Tất Thắng có tiểu sử, tước vị gần như trùng khít hoàn toàn. Trong khi ông Tùng cho rằng trên đất Nghệ An chỉ có một người ở làng Trung Cần đỗ Tiến sĩ lúc 18 tuổi vào năm 1505 là Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng. Vậy ông Tống Tất Thắng và Chu Tất Thắng có liên quan với nhau như thế nào đang là điều thắc mắc của dư luận cũng như tác giả và Báo Nghệ An, rất mong giới nghiên cứu lịch sử làm rõ.

Trên đây là những trao đổi của Báo Nghệ An xung quanh các bài viết về “Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng”. Một lần nữa Báo Nghệ An cảm ơn ông Tống Trần Tùng đã quan tâm tới các bài báo và có những trao đổi thẳng thắn. Ban biên tập Báo Nghệ An cũng như tác giả thành thật nhận lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp của tác giả cũng như xử lý thông tin. Báo Nghệ An cũng như tác giả sẽ cẩn trọng hơn trong những bài viết có tính lịch sử, đặc biệt là những bài viết liên quan đến các nhân vật lịch sử mà các tài liệu nghiên cứu chưa tường minh và đang có sự tranh cãi.

BNA