Nỗi đau của người vợ trẻ

08/07/2014 18:49

(Baonghean) - Một nách hai con nhỏ, hơn ai hết chị biết sự thiệt thòi của mình khi không có chồng bên cạnh. Nhưng vì miếng cơm manh áo, hai vợ chồng phải cố gắng vay mượn để lo đủ số tiền hơn trăm triệu đồng theo yêu cầu của công ty để chồng được đi xuất khẩu lao động, nuôi giấc mơ thoát nghèo. Ngờ đâu, niềm tin trao nhầm chỗ, giấc mơ lương thiện ấy đã cướp đi mạng sống của anh bởi nhát dao oan nghiệt…

Chị Nguyễn Thị Đạt và gia đình tại phiên tòa.
Chị Nguyễn Thị Đạt và gia đình tại phiên tòa.

Chị Nguyễn Thị Đạt (SN 1989) mặc áo xô, đầu đội khăn tang cùng 2 đứa con đến tòa từ sớm (đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy năm) để dự phiên tòa xét xử kẻ giết chồng mình. Khuôn mặt người mẹ trẻ phờ phạc với những nỗi lo âu đè nặng. Chị nhìn vào những kẻ giết chồng mình không chớp mắt rồi lại đau đáu nhìn ra hành lang, nơi có hai đứa con nhỏ đang ngơ ngác. Con bé đầu dù đã 3 tuổi nhưng bị suy dinh dưỡng nặng, đi chưa vững. Va phải người lớn, nó ngã ra sàn, khóc thét lên vì đau. Chị lật đật chạy ra đỡ con dậy, cưng nựng mấy câu rồi vội vàng trao con cho bà ngoại để tiếp tục dự tòa. Hai vợ chồng trẻ, công việc đồng áng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nên nợ nần cứ vây quanh, nhất là khi bé Ngọc sinh ra ốm yếu, đi viện suốt.

Cứ bám mãi vào ruộng đồng, sợ chẳng có cơ hội mà khá lên khi tiền làm ra chẳng bằng một phần nhỏ số tiền phải chi tiêu, chữa trị cho con. Hai vợ chồng bàn nhau cho anh Hạnh đi xuất khẩu lao động. “Vay mượn cầm cố được hơn trăm triệu đồng, được người ta giới thiệu, anh Hạnh tới Chi nhánh Cosevco tại Nghệ An làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Angola. Toàn bộ chi phí công ty bắt đóng là 5.500USD. Sau khi hoàn tất số tiền cần phải đóng nộp, phía công ty bảo về đợi ngày bay. Đợi mãi không thấy họ gọi đi, trong khi đó lại nghe nói Việt Nam chưa hợp tác xuất khẩu lao động với Angola, đi như thế là đi chui nên anh Hạnh tới công ty đòi lại tiền. Họ chỉ trả cho 3.000 USD nên anh Hạnh và bố tới để yêu cầu công ty hoàn trả toàn bộ. Không ngờ, chưa lấy được tiền đã mất mạng”, chị Đạt sụt sùi.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, bị cáo Phạm Viết Văn là Giám đốc Công ty Cosevco chi nhánh Nghệ An, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần và phát triển Sona, đặt văn phòng tại Chi nhánh Công ty Cosevco. Cả hai công ty này chỉ được phép tuyển lao động đi xuất khẩu sang Malaysia. Nhưng Văn lại nhận làm dịch vụ vida và vé máy bay sang Angola. Sáng ngày 21/1/2013, anh Hạnh cùng bố là Nguyễn Quang Minh đến trụ sở Chi nhánh Công ty Cosevco để yêu cầu công ty trả nốt số tiền đặt cọc. Khi biết bố con anh Hạnh đến để đòi tiền, Phạm Viết Văn (SN 1974, trú tại TP. Vinh) chỉ đạo Lê Văn Trọng (SN 1961), Nguyễn Văn Thanh (SN 1963), Cù Hoàng Oai (SN 1987) gọi điện để nhờ Hồ Duy Ngà (SN 1970, trú tại TP. Vinh) đến đuổi bố con anh Hạnh ra khỏi công ty. Hồ Duy Ngà gọi cho Ngô Quang Hưng (SN 1970), Phạm Văn Nguyên (SN 1991), Nguyễn Văn Hoàn (SN 1991), Tôn Thất Hoàng (SN 1989) vào công ty để bắt bố con anh Hạnh ra ngoài.

Tuy nhiên, khi đến nơi, sợ ông Minh “ăn vạ” nên nhóm của Hưng hơi do dự. Qua điện thoại, Văn chỉ đạo cho Oai “Bảo anh Thắng (tức Ngà) vào lôi cổi ra dọa cho một trận”. Sau khi “mời” anh Hạnh ra quán cà phê nói chuyện không được, nhóm của Nguyên kéo anh này ra ngoài bậc thềm công ty để đánh. Ông Minh dùng mũ bảo hiểm đánh Nguyên để giải thoát cho con trai nhưng bị Hải giữ lại. Anh Hạnh vùng bỏ chạy thì vấp vào người Nguyên và bị Nguyên đâm một nhát vào lưng. Anh Nguyễn Quang Hạnh tử vong trên đường tới bệnh viện.

Sau đó, Oai đã gọi điện báo cáo tình hình cho Phạm Viết Văn, Văn nói sẽ đến bệnh viện nơi anh Hạnh được đưa tới cấp cứu để giải quyết. Tuy nhiên, Văn không đến bệnh viện mà đi về nhà mình. Phạm Văn Nguyên bị truy tố tội giết người. Giám đốc Chi nhánh Công ty Cosevco Phạm Viết Văn bị truy tố 2 tội danh “gây rối trật tự công cộng” và tội “không tố giác tội phạm”. Liên quan tới vụ án này có 9 đối tượng bị truy tố các tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “che dấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm”. Tại phiên tòa, Phạm Viết Văn cho rằng không biết anh Hạnh đã chết cho đến khi bị cơ quan điều tra mời lên làm việc do đó việc truy tố bị cáo tội danh “không tố giác tội phạm” là không đúng. Tuy nhiên, theo đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An công bố tài liệu tại phiên tòa, sau khi anh Hạnh bị đâm, Lê Văn Hải đã đưa nạn nhân tới bệnh viện để cấp cứu.

Phạm Viết Văn sau đó đến để nộp tiền viện phí nhưng biết nạn nhân đã chết nên cả hai bỏ về đi đám cưới. “Bị cáo không biết quy định của bệnh viện nên bị cáo không nộp tiền viện phí cho anh Hạnh. Bị cáo không biết anh Hạnh đã chết cho đến khi được cơ quan điều tra mời lên làm việc”, Phạm Viết Văn khẳng định. Khi đại diện Viện KSND công bố danh sách cũng như nội dung các cuộc điện thoại của Văn đối với nhân viên cấp dưới về việc anh Hạnh bị đâm chết thì Phạm Viết Văn tỏ ra đuối lý và trả lời “không nhớ”. Trong suốt phiên tòa, Phạm Viết Văn không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu. Văn cho biết chỉ nhờ người đến “dàn xếp” chuyện của anh Hạnh chứ không nhờ đến để đánh nạn nhân. “Nếu không có chỉ đạo của bị cáo, các bị cáo khác có gọi người đến mời anh Hạnh ra khỏi công ty không?”, đại diện Viện KSND hỏi.

Phạm Viết Văn trả lời: “Tôi không biết”! Ông Nguyễn Quang Minh - đại diện cho người bị hại tham gia phiên tòa phát biểu: Tại thời điểm xảy ra vụ án, Việt Nam chưa ký kết hợp tác lao động với Angola. Vì vậy việc Công ty của Văn thông báo tuyển lao động đi Angola là lừa đảo. Hơn nữa, khi không thực hiện được thỏa thuận, Văn không trả hết tiền cho chúng tôi mà cố tình dây dưa nhằm trốn tránh trách nhiệm, như vậy là chiếm đoạt tài sản. Khi con trai tôi tới yêu cầu trả lại tiền, Văn gọi côn đồ đến đánh và giết chết con tôi, như vậy Văn là chủ mưu trong vụ giết người này”. Ông Minh cho rằng truy tố Phạm Viết Văn tội “gây rối trật tự công cộng” và tội “không tố giác tội phạm” là không đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.

Sau thời gian nghị án, HĐXX nhận định: Từ sự chỉ đạo của Văn, Trọng nên đã nhờ các đối tượng ngoài xã hội, không phải là người có chức vụ, trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự của công ty đến để giải quyết sự việc nên đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Quang Hạnh. Trong quá trình xét xử, Phạm Viết Văn không thành khẩn khai báo, nhận thức pháp luật lệch lạc nên cần phải chịu trách nhiệm chính, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. HĐXX tuyên phạt Phạm Viết Văn 2 năm tù giam về tội gây rối trật tự công cộng, 6 tháng tù về tội che dấu tội phạm. Tổng hợp cả hai tội danh, Phạm Viết Văn phải thi hành 2 năm 6 tháng tù giam.

Với hành vi giết người, Phạm Văn Nguyên phải lĩnh mức án 15 năm tù giam. Ngoài ra, Nguyên phải có trách nhiệm chu cấp mỗi tháng 600 nghìn đồng/cháu đối với 2 con nạn nhân đến khi các cháu trưởng thành, chu cấp 300 nghìn đồng/người đối với bố, mẹ của anh Hạnh. Hồ Duy Ngà và Nguyễn Quang Hưng mỗi bị cáo bị tuyên phạt 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, 1 năm tù về tội không tố giác tội phạm. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12-15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, 6 - 9 tháng về tội không tố giác tội phạm. Hai nhân viên của Phạm Viết Văn là Lê Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoàng bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Trong vụ án này có Đặng Thị Hồng Nhung (SN 1984) - bạn gái của Hưng, mặc dù biết Nguyên và đồng bọn đâm chết anh Hạnh nhưng đã cho Hưng, Nguyên, Hoàn, Hoàng nghỉ tại phòng trọ, sau đó cùng Hưng đi thuê địa điểm để các đối tượng trốn tránh pháp luật nên bị truy tố tội che dấu tội phạm và bị tuyên phạt 6 tháng tù treo, thử thách 12 tháng. Lê Văn Hải (SN 1989) bị tuyên phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng về tội không tố giác tội phạm. Phiên tòa kết thúc với những bản án đã tuyên nhưng chị Đạt và cả gia đình chồng cho rằng bản án mà tòa đã tuyên với ông giám đốc công ty Cosevco là chưa thỏa đáng, nên sẽ viết đơn lên Tòa tối cao để đòi lẽ công bằng cho chồng mình. Hơn hai mươi tuổi đời, một nách hai con, nhát dao định mệnh ấy đã kéo cuộc đời người vợ trẻ thêm chông chênh với nỗi đau khó diễn tả thành lời khi không còn chồng bên cạnh.

Khang Hòa