"Nga sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine''

26/02/2014 17:21

Tờ báo uy tín ở Đức Deutsche Welle dẫn lời các chuyên gia hàng đầu về Nga và Đông Âu cho rằng chiến tranh ở Crimea sẽ không xảy ra.

''Nga sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine, bao gồm cả ở Crimea. Tôi hoàn toàn loại trừ kịch bản này,'' ông Gerhard Mangott giáo sư chính trị học của đại học Insbruk, Áo, quả quyết.

Giới nghiên cứu Đông Âu nhận định rằng Nga sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine. (Nguồn ảnh: AFP-TTXVN)
Giới nghiên cứu Đông Âu nhận định rằng Nga sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine. (Nguồn ảnh: AFP-TTXVN)

Ông Mangott giải thích cho nhận định của mình có hai nguyên nhân.

''Thứ nhất, can thiệp quân sự có thể đưa lại tổn thất lớn cho quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ. Thứ hai, lập luận này có trọng lượng hơn - quân đội Ukraine sẽ ở trong tình trạng có đối kháng nghiêm trọng.”

Bởi vậy, theo lời ông Mangott, sẽ không có việc lặp lại ở Crimea các sự kiện tương tự như ở Nam Ossetia trong tháng 8/2008.

Chuyên gia này cho rằng sự can thiệp sức mạnh của Nga ''chỉ trong trường hợp đụng độ giữa người Nga và người Ukraine hoặc với người dân tatar ở Crimea, và trong trường hợp có sự can thiệp sức mạnh của chính quyền Kiev.'' Nhưng khả năng phát triển các sự kiện như vậy là rất nhỏ, chuyên gia Mangott nhấn mạnh.

Cùng nhận định với chuyên gia Áo, ông Christian Wipperfürth, tác giả cuốn sách ''Chính sách đối ngoại của Nga,'' chuyên gia của Hội đồng chính sách đối ngoại Đức, nói rằng mặc dù không loại trừ hoàn toàn, nhưng ông ''không chờ đợi một sự leo thang như vậy.''

Theo lời ông Christian Wipperfürth, Nga không định nêu vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine (theo như cam kết quốc tế về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine mà Nga là một trong những bên tham gia ký kết vào năm 1994), và rằng, nói về nguy cơ can thiệp quân sự của Nga vào Crimea ''chỉ có lợi cho các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine.''

Đề cập đến tình hình hiện nay ở Ukraine, giáo sư Gerhard Mangott cho rằng, ''Moskva đã phải nhận tổn thất nghiêm trọng,'' khi áp dụng chính sách sai lầm với Ukraine, trong đó bao gồm gói tín dụng 15 tỷ USD dành cho Kiev.

''Người ta tin rằng gói tín dụng này sẽ kéo Ukraine về phía mình,'' ông Gerhard Mangott nhận định, trong khi cho rằng Tổng thống Yanukovich là ''chính trị gia không đáng tin cậy.''

Về tương lai Ukraine, các chuyên gia có những đánh giá khác nhau.

Giáo sư Peter Schulze của trường đại học Gettingen cho rằng chính sách sắp tới của Nga đối với quốc gia láng giềng đang bất ổn sẽ phụ thuộc vào việc ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn sắp tới.

''Ngay cả trong trường hợp Ukraine hội nhập với EU thì quá trình này cũng sẽ phải mất nhiều năm. Và Moskva, Kiev hiểu họ cần phải tìm tiếng nói chung,'' giáo sư Peter Schulze nói. Theo đó, EU và Nga cũng phải tìm những cơ hội mới của hội nhập kinh tế chứ không phải là những mô hình chống đối nhau.

Chuyên gia Mangott lại có nhận định khác. Ông cho rằng, Nga sẽ ngừng gói tín dụng dành cho Ukraine và có thể hủy bỏ việc giảm giá cung cấp khí đốt. ''Và việc này sẽ làm phức tạp nghiêm trọng tình hình ở Ukraine.''

Ông Mangott cho rằng Moskva sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Kiev nhằm buộc ban lãnh đạo mới phải tình đến lợi ích của Moskva.

Tuy nhiên, theo ông Mangott, về vấn đề thương mại nếu Nga thi hành chính sách hạn chế như đã từng áp dụng hồi năm 2013 với Kiev, thì EU sẽ có trợ giúp cho Ukraine.

Bên cạnh đó, cơ hội thu hút Ukraine gia nhập Liên minh thuế quan của Nga sẽ không còn nữa./.

Theo TTXVN