Quốc hội lo lắng việc trái phiếu chính phủ chủ yếu qua các ngân hàng
Điều này tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của doanh nghiệp, khiến DN khó tiếp cận vốn.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Một số ý kiến lo ngại về việc phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô lớn nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại chiếm 86% tổng nguồn huy động trái phiếu Chính phủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng đầu tư tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của doanh nghiệp và một số ý kiến cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khó tiếp cận vay vốn tín dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Ngọc Thắng |
Ý kiến này được đưa ra trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Cũng theo báo cáo này, các thành viên của Ủy ban Kinh tế cho rằng: Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội có tác động thị trường bất động sản (30.000 tỷ đồng) đạt thấp, đến ngày 15/03/2014 mới giải ngân được 1.322 tỷ đồng tương đương khoảng 4,41% cho 3.023 khách hàng.
Nhiều ý kiến đánh giá cao và cho rằng việc Chính phủ đã điều chỉnh quản lý đầu tư công vừa qua là sự thành công bước đầu, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ trương đầu tư đến xem xét phân bổ nguồn vốn từng dự án, công trình, từng địa phương... đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, giảm lãng phí. Đồng thời, việc Quốc hội quyết định huy động thêm 170 nghìn tỷ đồng nguồn trái phiếu Chính phủ triển khai trong 3 năm (2014-2016) đã tác động đến tổng cầu nền kinh tế, bổ sung vốn cho nhiều dự án lớn đang triển khai dở dang như các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên (Quốc lộ 14); một số dự án bệnh viện; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai quyết liệt, đúng tiến độ chủ trương này sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt những tháng cuối năm 2014 và 2015.
Tuy nhiên, xét về mặt quản lý và sử dụng tài sản công, của cải của đất nước một cách hiệu quả cao nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, tăng cường quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm cắt bỏ những bất hợp lý và xử lý, quy trách nhiệm đến cùng đối với người đứng đầu khi vi phạm hoặc để xảy ra lãng phí trong từng dự án, từng công trình. Lưu ý rà soát một số dự án, công trình giao thông nếu thiết kế theo cách làm cũ có dấu hiệu lãng phí. Cụ thể, xây dựng cầu mới thay cầu cũ quy mô gấp nhiều lần (một số cầu trên Quốc lộ 1 đoạn Trung Lương-cầu Bắc Mỹ Thuận; hầu hết các đường cao tốc với một số đoạn thiết kế trồng hoa, đường giao thông nội thị (thành phố, thị xã) dải phân cách trồng hoa vừa lãng phí đất, tốn kém mua sắm, bảo trì, bảo dưỡng và cản trở đi lại...
Bên cạnh đó, việc đầu tư và chuyển loại đô thị quá nhanh của một số địa phương mà chính các địa phương này chưa cân đối được ngân sách, nhất là trong thời kỳ khó khăn bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh thì việc chuyển loại đô thị, xây dựng trụ sở mới và một số công trình khác chưa thật sự cấp bách là chưa tạo sự đồng thuận dư luận xã hội.
Đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức giám sát diện rộng và có chủ trương điều chỉnh mạnh về vấn đề này. "Cần rà soát chi tiêu quản lý hành chính, chi hoạt động sự nghiệp, điều chỉnh ưu tiên chi cho con người và đồng thời có các biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ cán bộ, công chức” – Báo cáo nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý hiệu quả hơn vấn đề hàng hóa tồn kho, nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản, nâng cao tính ổn định và lành mạnh các thị trường: tiền tệ, chứng khoán, bất động sản. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, có các giải pháp tăng giá trị trong nước đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước láng giềng bảo đảm thông suốt và an toàn tài sản của doanh nghiệp và người dân; ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước./.
Theo vov