Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

31/03/2014 22:17

(Baonghean) - Xác định xuất khẩu lao động là một trong những hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân ở các địa phương, chính vì vậy, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thì công tác xuất khẩu lao động luôn được huyện Quỳnh Lưu đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng lên, qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn và có mức thu nhập cao.

Một góc xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu).
Một góc xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu).

Chúng tôi ghé thăm xã Quỳnh Hậu vào một ngày cuối Xuân Giáp Ngọ 2014, quang cảnh hiện ra trước mắt là hai dãy phố với những ngôi nhà hai, ba tầng mọc san sát nhau nối dài từ đầu xã đến tận cuối xã. Đường thôn, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa gần kín. Nhà hàng, dịch vụ mọc lên khắp nơi. Chị Nguyễn Thị Sáng - cán bộ chính sách của xã cho biết, cuộc sống của người dân khá giả thế này chính là nhờ đi xuất khẩu lao động. Năm 2000, khi “làn sóng” xuất khẩu lao động “thổi” tới Quỳnh Hậu, lác đác có vài người trong xã tìm đường sang Đài Loan để làm việc. Đến nay cả xã có hơn 300 lượt người ra nước ngoài làm việc.

Anh Lê Đình Tuấn ở xóm 10 - từng đi làm việc ở Hàn Quốc cho hay, trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, anh học hết cấp hai rồi ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế, quanh năm bám lấy đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp nhưng khó khăn vẫn đeo bám. Năm 2005, anh đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, mỗi tháng thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng. Khi có vốn, anh gửi tiền về cho gia đình xây nhà, mua thêm chiếc xe ô tô tải để làm dịch vụ chở vật liệu xây dựng, hàng hóa. “Tôi thấy xuất khẩu lao động hiện nay đang là hướng phát triển kinh tế bền vững cho rất nhiều người. Sang các nước để làm việc thì cần phải chịu khó, chăm chỉ thì sẽ được các công ty bên đó quan tâm, giúp đỡ” - anh Tuấn chia sẻ.

Theo tìm hiểu, hiện nay, người lao động ở xã Quỳnh Hậu đang làm việc ở nhiều nước, trong đó chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia... còn lại một số nước khác như: Đức, Nhật Bản, Angola.. Toàn xã hiện có 1.807 hộ với 8.123 nhân khẩu, số lượng lao động hiện đang làm việc ở các nước hơn 300 người. Trong đó, lao động nam chiếm 85 %, lao động nữ chiếm 15 %. Trung bình mỗi năm có trên 50 - 60 lao động xuất khẩu sang các nước làm việc. Theo thống kê, toàn xã có 70% hộ thuộc diện khá giả; 20% diện trung bình và còn lại đang thuộc diện khó khăn. Chính nhờ đi xuất khẩu lao động đã tạo việc làm cho rất nhiều lao động ở trên địa bàn, giúp xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Không riêng gì xã Quỳnh Hậu, nhiều xã biển của huyện Quỳnh Lưu cũng đang rộ lên phong trào đi xuất khẩu lao động. Quỳnh Long là xã vùng biển, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác và chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, ngoài số lao động đi biển, thì tình trạng nguồn nhân lực dôi dư của địa phương còn rất nhiều. Vì vậy, để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động khi tham gia xuất khẩu tại nước ngoài. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, vận động bà con nên đi theo các công ty, cơ quan có thẩm quyền có giấy phép hoạt động, tránh bị lừa gạt khi làm việc với các công ty “ma”.

Đơn cử như gia đình bà Lê Thị Thoa, ở thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long. Bà có hai người con trai đang làm việc cho một tàu cá đánh bắt trên biển của công ty Hàn Quốc. Trước đây, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào nghề biển nên bấp bênh. Từ khi xã có chủ trương động viên con em trong xã đi xuất khẩu lao động thì bà Loan đã quyết định xin được làm thủ tục, hồ sơ xuất cảnh cho hai con. Anh Trần Văn Phong - con trai đầu của bà Thoa được sang Hàn Quốc làm việc đến nay đã được 15 năm. Sau mỗi lần hết hạn hợp đồng, anh về nước làm lại hồ sơ, hộ chiếu để sang Hàn Quốc tiếp tục làm việc. Ngoài lương 25 triệu đồng/tháng, còn có tiền thưởng, tiền làm thêm giờ. “Hiện gia đình có hai người con đang làm việc ở bên Hàn Quốc, hàng tháng công ty gửi tiền về cho gia đình đầy đủ, đúng thời gian. Số tiền các con gửi về sẽ đầu tư cho việc kinh doanh, buôn bán sau khi các con về nước”. Bà Thoa cho biết.

Từ khi có “làn sóng” đi xuất khẩu lao động sang các nước đến nay, nhiều gia đình trở nên khá giả, có điều kiện để phát triển kinh tế. Hiện toàn xã Quỳnh Long có hơn 800 lao động đã và đang làm việc ở các nước như: Đài Loan, Hàn Quốc, Malayxia… với thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, năm 2014, số hộ nghèo của xã đã giảm được 1,8% so với năm 2013.

Để giúp người lao động trên địa bàn có cơ hội tìm kiếm việc làm, huyện Quỳnh Lưu đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với từng đối tượng. Đặc biệt, hộ nghèo, hộ có công với cách mạng khi tham gia xuất khẩu lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được đào tạo nghề, học tiếng miễn phí giúp người lao động có năng lực khi tham gia vào các thị trường đòi hỏi kỹ thuật cao. Đồng thời, các ngành chức năng có liên quan phải đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động, cơ sở giới thiệu việc làm đóng chân trên địa bàn huyện.

Với nhiều biện pháp có hiệu quả, riêng năm 2013 huyện Quỳnh Lưu đã có 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài và đa số đều có thu nhập khá trở lên. Ông Kiều Ngọc Thanh - Phó phòng LĐTB & XH huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trong thời gian tới, phòng lao động tiếp tục phối hợp với các cơ quan có chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về XKLĐ, trong đó tập trung thông tin về thị trường, đơn vị được phép tuyển dụng lao động để tránh rủi ro cho người lao động. Định hướng cho người lao động hiểu rõ pháp luật nước sở tại, tăng cường công tác phối hợp, đào tạo dạy nghề trước khi người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”.

Xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng để huyện Quỳnh Lưu giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Hàng năm, với nguồn vốn mà số người tham gia chương trình xuất khẩu lao động gửi về đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đời sống các gia đình cũng như phát triển kinh tế của địa phương.

Việt Hùng - Hồng Diện

Đài Quỳnh Lưu