Xung quanh việc tiêm chủng Vắc - Xin Quinvaxem

02/12/2013 18:21

(Baonghean) - Từ tháng 11/2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hip đã được triển khai lại trên địa bàn tỉnh ta. Trước đó, việc tăng cường công tác an toàn trong tiêm chủng mở rộng đã được các cơ sở y tế chú trọng và công tác tuyên truyền cũng đã được tiến hành rộng khắp.

(Baonghean) - Từ tháng 11/2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hip đã được triển khai lại trên địa bàn tỉnh ta. Trước đó, việc tăng cường công tác an toàn trong tiêm chủng mở rộng đã được các cơ sở y tế chú trọng và công tác tuyên truyền cũng đã được tiến hành rộng khắp.

Thông tin này cũng đã được các bậc phụ huynh đón nhận với hai luồng ý kiến khác nhau. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi trong lịch sử của chương trình tiêm chủng mở rộng, hiếm có lần nào việc tiêm vắc - xin phải ngừng trên quy mô toàn quốc vì lý do xảy ra nhiều sự cố sau tiêm chủng. Ngay tại địa bàn Nghệ An, cũng có 3 trẻ em ở xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, kết luận chung của thanh tra Bộ Y tế và thanh tra tỉnh đều khẳng định cả ba trường hợp trên đều tử vong không rõ nguyên nhân.

Quá trình kiểm tra cho thấy, quy trình tiêm vắc-xin của chương trình mở rộng được tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển đúng theo quy định, không phát hiện sai sót trong quá trình tiêm chủng, không xác định được bằng chứng về sự liên quan của vắc-xin vào tiêm chủng. Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết: Qua đánh giá của các chuyên gia hàng đầu của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đối với tất cả các trường hợp phản ứng nặng, tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay cho thấy, trong số 43 trường hợp nặng có 27 trường hợp tử vong đều không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem nhưng đều hồi phục. Riêng từ đầu năm 2013 trở lại đây, có 5 trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, theo đánh giá của nhóm chuyên gia đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc-xin.

Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Hồng Sơn (TP. Vinh).
Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Hồng Sơn (TP. Vinh).

Là người có con nhỏ mới sinh được gần 2 tháng, chị Nguyễn Thị Loan ở phường Trường Thi rất mừng trước thông tin này bởi chị cho rằng: Tiêm vắc- xin là một cách phòng bệnh rất tốt cho con trẻ. Con của tôi sinh ra đúng vào dịp ngừng tiêm viên gan B nên cháu cũng có những thiệt thòi, nhưng gia đình sẽ tiêm ngay sau khi có thuốc bổ sung. Đến tại phòng khám dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thời gian này số người đến tiêm dịch vụ cũng ngày một nhiều, đặc biệt là tiêm các mũi về viêm gan B, lao, vắc - xin 6 trong 1. Gặp chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Vinh Tân khi chị đưa cô con gái mới 10 ngày tuổi của mình đi tiêm, chị cho biết: Đáng lẽ là tiêm tại trạm y tế của phường, nhưng hôm cháu sinh ra đã quá ngày tiêm rồi nên để đảm bảo đúng thời gian quy định tôi đưa cháu đến phòng khám dịch vụ. Sau khi tiêm xong, được nhân viên y tế nhắc nhở nên ở lại theo dõi khoảng 30 phút đến khi thấy cháu ổn định mới ra về.

Hiện tại tỉnh ta cũng đã có 3 địa phương tiến hành tiêm lại vắc-xin Quinvaxin, đó là Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn. Với 576 trường hợp đã được tiêm, trong đó có 216 cháu tiêm mũi 1, có 150 cháu tiêm mũi 2, có 210 cháu tiêm mũi 3. Ông Nguyễn Đình Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hưng Nguyên cho biết: Tỷ lệ trẻ đến tiêm chủng trên địa bàn Hưng Nguyên chiếm trên 60%. Theo dõi sau tiêm không có trường hợp nào bị phản ứng nặng. Có hơn 30 trường hợp bị phản ứng nhẹ nhưng chủ yếu là đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ và quấy khóc sau một ngày, không có trường hợp nào phải đến bệnh viện xử trí. Việc phản ứng này cũng là bình thường vì cho thấy bé có phản vệ tốt với vắc- xin. Điều đáng mừng là, mặc dù trong tháng 11 này Hưng Nguyên chỉ mới triển khai tiêm mũi 2 và mũi 3 cho các bé đang bị gián đoạn vì ngừng tiêm thuốc từ tháng 5 nhưng hơn 200 bé khác chưa tiêm mũi 1 biết có thông tin này cũng đã đến tiêm để phòng bệnh cho trẻ.

Tuy vậy, việc số lượng trẻ đến tiêm thấp hơn so với dự kiến là điều mà những người làm công tác tiêm chủng băn khoăn nhất hiện nay. Về nguyên nhân, vẫn là sự thiếu tin tưởng của phụ huynh về chất lượng vắc - xin. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Chế - Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghi Lộc cho biết: Gần 20 năm làm công tác tiêm chủng chưa khi nào thấy việc vận động, tuyên truyền người dân đem con đi tiêm chủng lại khó khăn như hiện nay. Hầu hết, khi tiếp xúc với chúng tôi chị em đều nói rằng: không ai nói là do vắc- xin nhưng nhỡ chẳng may tỷ lệ rủi ro lại rơi vào con mình thì sao. Sinh được đứa con khó khăn là thế…

Sau gần 5 tháng ngừng tiêm, Nghi Lộc hiện vẫn đang còn 500 cháu chưa được tiêm mũi 2, mũi 3. Ngoài ra, đang còn khoảng 2000 trẻ chưa được tiêm mũi nào. Xác định tiêm chủng là một lợi ích thiết thực và là một quy định bắt buộc trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, thời gian này Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghi Lộc đang ráo riết chuẩn bị các điều kiện để nhằm đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho việc tiêm chủng như tập huấn cấp chứng chỉ cho nhân viên y tế, sửa sang lại các phòng tiêm, cấp bổ sung một số trang thiết bị y tế, chuẩn bị đủ các cơ số thuốc phòng trường hợp có phản ứng xảy ra.

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Nghi Lộc là một trong những địa phương đi đầu trong cả tỉnh làm tốt công tác kiểm tra vắc-xin. Theo đó, tất cả vắc- xin trước khi nhập kho và trước khi bàn giao cho các xã đều được lập biên bản và có ghi chép đầy đủ. Về phía các trạm y tế xã, bà Nguyễn Thị Hải - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Khánh cho biết: Hàng tháng trạm đều lập kế hoạch tiêm chủng. Yêu cầu nhân viên phải kiểm tra từng chi tiết trong các lô vắc-xin nhập về như số lô, màu sắc, nhiệt độ… đảm bảo đúng tiêu chuẩn và quy định của Bộ Y tế.

Về phía ngành Y tế, trước khi đồng loạt triển khai lại việc tiêm vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra điều kiện cơ sở tiêm chủng và việc bảo quản vắc-xin để xác nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng. Qua thanh, kiểm tra 112 điểm tiêm chủng có 81 điểm đạt (đạt tỷ lệ 72.3%). Theo ông Hồ Sơn - Chánh Thanh tra Sở Y tế, các cơ sở tiêm chủng đều thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêm chủng, phần lớn các điểm tiêm chủng được đầu tư xây mới, đảm bảo cho công tác bảo quản, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị.

Hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế tại trung tâm y tế huyện được đầu tư đảm bảo đúng quy định, nhiều cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác tiêm chủng mở rộng. Hạn chế là nhiều nơi còn thiếu áp phích, các tờ rơi, tài liệu về tiêm chủng, chưa có phòng tiêm riêng, chỗ ngồi chờ trước tiêm và theo dõi 30 phút sau tiêm tại nhiều điểm tiêm cố định còn chật chội, không đủ ghế để phục vụ, một số xã có tủ lạnh nhưng không có điện để bảo quản vắc-xin nên phải dùng bình lạnh…

Để chấn chỉnh tồn tại trên, gần 1 tháng nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã khẩn trương tập huấn và kịp thời cấp bằng chứng nhận đủ điều kiện cho các nhân viên y tế tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế - ông Thái Sỹ Thân, cán bộ Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định. Đồng thời, đã đôn đốc các địa phương để tiến hành khắc phục các tồn tại trong công tác tiêm chủng, xác nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng. Bên cạnh đó, để việc triển khai tiêm vắc-xin được thuận lợi và đảm bảo an toàn, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng, thông báo đến tận người dân về lịch tiêm chủng tại từng điểm tiêm chủng. Bố trí các điểm tiêm chủng an toàn, làm tốt công tác chỉ định và tư vấn trước tiêm chủng, bảo quản các lọ vắc - xin trước và sau khi tiêm, lên kế hoạch theo dõi, lập phương án phòng trừ kịp thời sau khi tiêm chủng có sự cố xảy ra.

Mỹ Hà