Hát từ trái tim
(Baonghean) - Trong tuần qua, hai bài viết “Phải hát chứ không chỉ nghe” của Người lắm chuyện (đăng ngày 11/5) và “Đoàn quân Việt Nam đi” của Hải Triều đăng ngày 18/5 về vấn đề hát Quốc ca được bạn đọc đánh giá cao. Sau đây là những lời bình dành cho bài viết…
Quốc ca Việt Nam, bài ca của 90 triệu người Việt, kiêu hãnh mà tự hào trường tồn qua biết bao thăng trầm lịch sử. Đó là lời sông núi thiêng liêng, là lời Tổ quốc, bất biến và oai hùng. Mỗi khi đứng trước lá Quốc kỳ trong một dịp quan trọng, bài Quốc ca sẽ vang lên qua tiếng hát của những người tham dự, đó không chỉ là tiếng hát bình thường mà là tiếng – hát – từ - trái – tim. Tác giả Người Lắm Chuyện đã viết rằng “Vì đó là tình cảm tự nhiên có sẵn từ trong huyết quản, là nghĩa vụ tự thân của mỗi công dân với Tổ quốc mình. Việc đó, cũng như bố mẹ yêu thương con cái mình và ngược lại”. Tuy nhiên, câu chuyện tác giả đưa ra ở đây là phải chăng cùng với sự tràn ngập của các phương tiện thu, phát thanh nên giờ đây người ta chỉ “nghe” chứ không còn hát quốc ca, không còn là tiếng lòng bật ra từ lồng ngực. Cũng có lúc, đó đây người ta lại mấp máy môi chứ không thành lời. Mà kiểu mấp máy môi ấy thường gọi là hát nhép (lip – sync). Điều này, là có lỗi với Tổ quốc. Hát Quốc ca, không phải hát cho ai nghe, mà đó là lời từ trái tim đi thẳng đến trái tim. Hát cho mình, để tự hào mình là con dân nước Việt. Tự hào với tất cả thiêng liêng.
Cũng theo mạch đề tài này, nhưng được nhìn nhận dưới những góc nhìn sâu sắc, thấm đẫm hơn, tác giả Hải Triều với bài viết “Đoàn quân Việt Nam đi…” đã đưa ra nhiều ý kiến đáng phải suy nghĩ. Trong đề dẫn của mình, tác giả Hải Triều kể lại câu chuyện về các bạn học phổ thông người Pháp đã rất ngạc nhiên khi biết tác giả thuộc… Quốc ca. Lý giải cho điều này, tác giả cho biết bởi ở Pháp không có chào cờ đầu tuần, lại nữa là do bài Quốc ca Pháp La Marseillaise rất dài, kiểu có muốn thuộc cũng… khó. Bởi thế nên, ông thầy giáo rất bặt thiệp của tác giả đã nói rằng “Người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có lòng tự tôn dân tộc vô cùng lớn, có lẽ một phần do lịch sử bi thương của họ….biến khái niệm trừu tượng như là lòng yêu nước thành một cái gì tất yếu, thể hiện qua những điều rất đơn giản như việc hát Quốc ca”.
Vậy đấy, đó chính là lòng yêu nước (sự trừu tượng) đã được định hình, định lượng bằng việc hát quốc ca. Thế nên, khi còn nhỏ, đội mũ ca lô hát quốc ca, nhiều khi ta dường như đã quên mất đó chính là mình đang thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng: khắc ghi Tổ quốc vào lòng, qua lời hát. Cũng có khi bởi “Không phải vì coi nhẹ mà vì người ta không thường có được cái nhìn khách quan đối với những gì quá gần, quá thân quen?”. Bài hát quốc ca và vành mũ ca lô thời niên thiếu, tưởng chỉ như là câu chuyện bình thường. Đến một ngày, đứng giữa bao màu da, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh cạnh quốc kỳ các nước bạn, hát lời quốc ca máu thịt, mới thấy sức mạnh không tưởng của sự dẫn lối về niềm tự hào mang tên sông núi Việt Nam.
Tác giả đã phải thốt lên, thổn thức “ Mỗi mình mình hát mà mãnh liệt đến thế ư? Mình mình hay là cả “Đoàn quân Việt Nam…?”. Đó chính là sức mạnh thần kỳ của Quốc ca. Bởi đơn giản đó không chỉ là một bài hát với những giai điệu ca từ thông thường. Mà đó là khúc ca của sông núi với giai điệu được dệt nên bằng lịch sử 4.000 năm và ca từ kết lại bằng cả dân tộc trường tồn qua muôn trùng thế hệ cha ông dựng nước, giữ nước để rồi trao truyền lại cho con cháu hôm nay và mãi đến mai sau bất diệt. Tác giả hát quốc ca mà “sao như động đến mấy tầng trời”, chính vì lẽ đó.
Đến đây, tác giả có một lời trách cứ “khi cất lên cũng những lời ca ấy, không phải từ trái tim mình mà từ một đoạn băng đĩa máy móc vô cảm”. Không đáng trách sao được khi hát về Tổ quốc mình, hát cho chính mình mà phải cậy nhờ đến những phương cách khác. Đó là sự dối lừa trái tim, hay cách khác là lòng vô cảm. “Yêu nước là yêu từ những điều nhỏ nhất yêu đi, ngay cả khi điều nhỏ nhoi ấy chỉ là một bài hát”.
Hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng không chỉ thể hiện niềm tự hào và lòng yêu nước mà còn là quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân. Xin mượn lời của nhà văn Chu Lai để nói về vấn đề này: “Quốc ca là mạch đập của dân tộc, là chiều sâu số phận của từng con người trải qua chiều dài lịch sử giông bão đã biến thành trái tim của mình. Đó giống như là lời tỏ tình với non sông. Lời tỏ tình ấy từ trái tim mình hát ra có thể vụng về một chút nhưng chân thật chứ tỏ tình “nhép” thì còn giá trị gì nữa. Quốc ca chính là sự chân thật từ trong lòng mình nên việc bỏ các bản thu âm sẵn là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cần phải biết rằng những năm tháng hào hùng trong quá khứ đã đẻ ra những khẩu khí lịch sử trong bài hát “Quốc ca”. Là người Việt, phải biết tự hào về dân tộc mình chứ!
Người xây dựng