Thiếu sân chơi cho sinh viên

17/02/2014 17:49

(Baonghean) - Là trung tâm giáo dục - đào tạo của khu vực Bắc miền Trung cũng như cả nước, Thành phố Vinh là nơi đóng chân của 5 trường đại học, 11 trường cao đẳng cùng nhiều trường trung cấp, dạy nghề khác với hơn 80 ngàn sinh viên theo học. Mặc dù vậy, hiện nay sinh viên nói riêng, thanh niên ở Thành phố Vinh nói chung đang thiếu sân chơi trầm trọng.

(Baonghean) - Là trung tâm giáo dục - đào tạo của khu vực Bắc miền Trung cũng như cả nước, Thành phố Vinh là nơi đóng chân của 5 trường đại học, 11 trường cao đẳng cùng nhiều trường trung cấp, dạy nghề khác với hơn 80 ngàn sinh viên theo học. Mặc dù vậy, hiện nay sinh viên nói riêng, thanh niên ở Thành phố Vinh nói chung đang thiếu sân chơi trầm trọng.

Đường Bạch Liêu thuộc phường Bến Thủy nằm ngay bên cạnh trường Đại học Vinh, là khu vực đất vàng nên hầu như tất cả các khu đất ở đây đều được sử dụng hết công suất để phục vụ kinh doanh. Khách hàng chính là các sinh viên với hàng ngàn phòng trọ ở xung quanh. Từ nhiều năm nay, sinh viên vẫn biết đến con đường này như là địa điểm của các hiệu cầm đồ, các tiệm chơi game và các hiệu cho thuê xe máy, nhà nghỉ, quán nhậu. Tìm mỏi mắt vẫn không thấy một dịch vụ, là chỗ chơi giành cho sinh viên.

Từ huyện miền núi Thanh Chương xuống Thành phố Vinh học đại học đã 3 năm, thói quen chơi bóng đá vào buổi chiều của cậu sinh viên Nguyễn Đình Đức cũng đã mất hẳn. Đức tâm sự, ở quê, cậu có thể chơi bóng đá, bóng chuyền với các chú, các anh và các bạn ở sân xóm vào mỗi buổi chiều nhưng khi xuống thành phố, muốn đá bóng thì phải thuê sân với giá rẻ cũng phải 150 – 200 ngàn đồng/giờ, một số tiền quá lớn với các sinh viên nên Đức và rất nhiều bạn khác bỏ hẳn thói quen chơi bóng đá, tập luyện thể dục thể thao. Thói quen mới của Đức và nhiều bạn khác là tụ tập ngồi uống nước chè quanh trường sau giờ học. “Cũng từ những cốc nước chè này mà nhiều bạn sinh viên đã đua nhau tập tành hút thuốc lá, thuốc lào. Một số bạn khác lại nướng mình trong quán game đến nỗi quên cả giờ học, lịch học”, Đức lo ngại.

Hiện nay, thành phố Vinh có 5 trường đại học gồm Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Nghệ An (mới có quyết định nâng cấp từ Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Nghệ An) cùng nhiều trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề khác nhau. Thực trạng chung hiện nay của các trường là thiếu trầm trọng các sân chơi để các em sinh viên, học sinh tập luyện thể dục thể thao, vui chơi, giải trí sau các giờ học. Quỹ đất giành cho hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí của các trường đang bị thu hẹp. Một số trường xây được sân cỏ nhân tạo lại mang đi cho thuê, thậm chí có hiện tượng một số trường phải mang sinh viên ra các bãi đất trống, bãi đất hoang để học thể dục hay giáo dục quốc phòng. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết, dù đã được mở rộng so với trước đây nhưng cơ sở vật chất giành cho sinh viên chơi thể thao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Sắp tới, trường sẽ xây thêm 2 sân cỏ nhân tạo và hoàn thiện thêm các sân đất nện, sân bê tông để làm chỗ cho sinh viên vui chơi, giải trí sau giờ học.

 Sinh viên Đại học Vinh vô địch Giải bóng đá các trường đại học, cao đẳng.
Sinh viên Đại học Vinh vô địch Giải bóng đá các trường đại học, cao đẳng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Chương, Bí thư đoàn trường Đại học Vinh cho rằng, sân chơi của sinh viên không đơn thuần là các sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông mà còn là những câu lạc bộ, những hội nhóm theo năng khiếu, những cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học,… Tất cả những điều này ở thành phố Vinh đều đang nghèo nàn. Hiện nay, có khoảng 60 – 70% địa phương trong cả nước đã xây dựng được nhà văn hóa thanh niên nhưng ở Thành phố Vinh thì hoàn toàn không có. Ở các trung tâm giáo dục – đào tạo khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hoặc Huế, sau giờ học, sinh viên có rất nhiều sân chơi để lựa chọn ở các nhà văn hóa thanh niên. Đó là những câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nơi những em học sinh, sinh viên có thể phát huy được khả năng về ca hát, dẫn chương trình hay các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, cầu lông, những hội nhóm tình nguyện, những nhóm đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp,… Tất cả những sân chơi này đều miễn phí và thực sự là nơi phát huy được thế mạnh của mỗi sinh viên, là sân chơi lành mạnh giành cho giới trẻ. Thế nhưng, ở Thành phố Vinh lại hoàn toàn ngược lại, muốn tham gia văn nghệ, các sinh viên phải chờ đến những hội thi, những ngày lễ, muốn chơi bóng đá, bóng chuyền phải có tiền thuê sân, muốn tham gia các nhóm kỹ năng mềm thì phải bỏ tiền vào các trung tâm để học,…

Một thực trạng đáng báo động trong thời gian qua là tỷ lệ người vị thành niên vi phạm pháp luật ở Thành phố Vinh xảy ra ngày càng nhiều, trong đó có rất nhiều đối tượng vi phạm là các sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp đang học tập ở các cơ sở đào tạo trên Thành phố Vinh. Mới đây nhất, Công an huyện Yên Thành bắt giữ một sinh viên đại học ở Thành phố Vinh về hành vi trộm cáp viễn thông, Công an huyện Thanh Chương bắt giữ một sinh viên cao đẳng nghề có hành vi mua bán pháo nổ, một số sinh viên dính vào các vụ án ma túy, nhiều sinh viên bị bắt vì trộm tài sản, gây rối trật tự công cộng, tổ chức sử dụng ma túy đá, nhiều em khác phải dừng việc học tập giữa chừng vì liên quan đến cờ bạc, lô đề… Để xảy ra hiện tượng này, ngoài ý thức trách nhiệm của bản thân mỗi sinh viên, thì việc thiếu các sân chơi lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân.

Thực trạng sinh viên nói riêng, thanh niên nói chung thiếu sân chơi lành mạnh đã xảy ra từ nhiều năm qua nhưng chưa được quan tâm, giải quyết. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề này cần có sự vào cuộc, quyết liệt của nhiều cơ quan, ban, ngành, các trường đại học và đặc biệt là các tổ chức Đoàn, Hội trên địa bàn. Trước hết, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần tập hợp sinh viên các trường đại học, cao đẳng để có những hoạt động chung, các cuộc thi về học thuật, nghiên cứu hoa học, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Tỉnh đoàn, Thành đoàn cần phải chủ động nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của sinh viên để tạo ra nhiều hơn nữa các sân chơi, thu hút sinh viên. Đoàn phường, chi đoàn khối xóm nơi các sinh viên trọ học cần phải tạo điều kiện để đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng, tạo điều kiện tập hợp sinh viên ở các sân chơi ngoài giờ học. Thành phố Vinh cần phải quy hoạch và xây dựng được những khu vui chơi, giải trí giành cho thanh niên, sinh viên mang tính lâu dài, có định hướng và phù hợp với xu thế phát triển của thành phố trong tương lai.

Nguyên Khoa