"Trang địa phương" - trăn trở và kỳ vọng
(Baonghean) - Năm 2013, báo Nghệ An từ 6 trang lên 8 trang/kỳ và từ 6 kỳ lên 8 kỳ/tuần (7 kỳ Nhật báo và 1 kỳ Cuối tuần). Việc tăng trang, tăng kỳ là “điều kiện cần” để Ban Biên tập tổ chức “Trang địa phương” đều đặn xuất hiện trên trang 3, số chủ nhật hàng tuần. Mục đích của “Trang địa phương” trên báo Nghệ An là muốn góp một tiếng nói, thể hiện trách nhiệm, sự trăn trở của những người “viết nhật ký cho đời” trong việc cổ vũ phong trào ở các địa phương; quan trọng hơn muốn có cái nhìn sâu hơn, rõ hơn những khó khăn, yếu kém, tồn tại, gợi mở giải pháp, cách làm vì sự phát triển của mỗi địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
Trăn trở cùng các địa phương
Có thể nói, 52 trang báo trong tròn 1 năm thực hiện là 52 cách thể hiện khác nhau, thể hiện những trăn trở của Ban Biên tập, của các phòng chuyên môn và từng phóng viên thực hiện. Những bước chân của phóng viên Báo Nghệ An đã đi và hiểu rõ từng địa danh của các địa phương trong tỉnh, từ Thành phố Vinh lên mãi tận Kỳ Sơn, Quế Phong, xuống Diễn Châu, Cửa Lò, ra Quỳnh Lưu, Yên Thành... từ đó chọn những vấn đề “gan ruột” của từng đơn vị để đề cập trên mặt báo. Có đơn vị xuất hiện trên “Trang địa phương” 2 – 3 lượt trong năm. Ví như cùng viết về huyện Thanh Chương, nhưng ở trang địa phương trong tháng 6 gợi mở tiềm năng phát triển kinh tế ở Thanh Chương khi Cửa khẩu Thanh Thủy đi vào hoạt động; đặt ra những khó khăn trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, cho cây chè trên đất Thanh Chương. Ở mức sâu hơn, trang địa phương tháng 10 đã tập trung phân tích, mạnh dạn nêu rõ tầm tư duy của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã còn hạn chế và thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, dẫn đến thu hút đầu tư ở Thanh Chương chưa tương xứng với tiềm năng. Đó còn là hiệu quả thực hiện đề án phát triển trâu bò hàng hóa đạt thấp và nguyên nhân là thiếu sâu sát cơ sở và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo...
Rõ ràng ở mỗi trang địa phương, dù đó là những điển hình nhân tố mới hay những khó khăn, yếu kém đều được phân tích có căn cứ và cơ sở, chứ không theo chủ quan người viết. Đồng chí Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho rằng: “Qua thời gian vừa rồi, Báo Nghệ An đã có một số trang tuyên truyền “sâu” cho huyện. Việc đưa thông tin của địa phương lên mặt báo, cái được rõ nhất là từ cán bộ đến người dân đều thấy rất phấn khởi; mặt khác thông qua đó có nhiều góp ý, gợi mở, bởi các nhà báo có điều kiện đi nhiều nơi, thấy rõ một số địa phương có điều kiện tương đồng như Thanh Chương, cho nên đã đưa đến cho huyện một nhận thức mới, toàn diện và phong phú hơn. Bên cạnh đó còn góp những lời bàn trong cách thức chỉ đạo, kinh nghiệm làm ăn..., để huyện suy nghĩ vì mục tiêu phát triển chung của địa phương”.
Nhìn lại 52 “Trang địa phương” được tuyên truyền trên báo Nghệ An năm qua, bên cạnh đánh giá cơ bản về tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế, một số trang báo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém không chỉ cho địa phương được nêu mà cho cả các địa phương khác có cùng vấn đề khắc phục. Có nhiều “Trang địa phương” được đánh giá rất tốt không chỉ ở vấn đề được nêu, cách thể hiện bài viết mà còn là hiệu quả tuyên truyền. Đơn cử như trang tuyên truyền về Thị xã Thái Hòa, ở cả 3 bài viết đều đặt ra cho thị xã những vấn đề cần giải quyết. Đó là giải quyết hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ (trong bài “Luân chuyển cán bộ ở Thái Hòa – Được và chưa được”); giải quyết tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan ở nhiều khu dân cư và lấn chiếm cả nơi dành cho người đã khuất yên nghỉ (trong bài “Không chỉ là ô nhiễm môi trường”); khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ ở phường Hòa Hiếu. Điều đặc biệt và rất đáng trân trọng là sau khi trang báo phát hành, Thị xã Thái Hòa đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục và đã hồi âm lại cho Báo Nghệ An kết quả giải quyết của mình.
Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi nhận xét: “Trang địa phương” trên báo Nghệ An có tính tổng hợp, hệ thống các thông tin của từng địa phương ở thời điểm báo thông tin, trong đó có những điểm nhấn nổi bật, tập trung vào những vấn đề được nhân dân quan tâm nhiều. Qua đó, không chỉ lãnh đạo địa phương được tuyên truyền biết mà các địa phương khác cũng sẽ gom lại các vấn đề ở các địa phương khác để soi vào địa phương mình học tập và rút kinh nghiệm, để giúp từng địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình.
Có thể nói, điều đáng ghi nhận trên mỗi “Trang địa phương” là đã bắt đúng “mạch”, điểm đúng “huyệt” của từng địa phương; hay nói cách khác là đã thấu hiểu được cái cốt lõi của từng địa phương. Tiêu biểu là trang tuyên truyền về Thành phố Vinh đã đề cập đến các vấn đề mà thành phố cần phải làm sớm, đó là bố trí điểm dừng, đỗ xe, lắp đặt biển chỉ dẫn đường, biển báo phân làn, phân luồng; xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Đây là những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi, đồng thời để đáp ứng tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại mà Thành phố Vinh đang đề ra....
Gửi gắm và kỳ vọng
Bên cạnh những kết quả và những tác động tích cực thì “Trang địa phương” vẫn chưa nhiều những bài viết sâu mang tính tháo gỡ, định hướng cho các địa phương. “Muốn viết về cây chè hay chuyển dịch cơ cấy cây trồng, vật nuôi thì đòi hỏi nhà báo phải đi nhiều ngày, cùng sinh hoạt với cấp ủy, cùng đi với người dân để hiểu thấu bản chất vấn đề, từ đó có lời bàn sâu, dự báo sớm và chính xác”- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Đặng Anh Dũng nêu ý kiến. Ở nhiều “Trang địa phương” còn có nhiều bài khen hơn chê, tuy nhiên khen cho trúng thì ai cũng thích và có nhiều mặt tốt cũng nên khen, song quan trọng hơn là phát hiện ra bế tắc của từng địa phương để cùng góp tiếng nói tháo gỡ, ngăn chặn.
Ví như Thanh Chương cũng có những bế tắc, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, chưa trở thành khâu đột phá, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao giá trị vật nuôi. “Bế” ở đây là bế trong đường lối, cách thức lãnh đạo, những giải pháp của cấp ủy, chính quyền, tư duy sản xuất của bà con lao động trực tiếp. Cái đó báo chưa đáp ứng được. Còn Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Trần Quốc Khánh cho rằng: Cần xác định vị trí, thế mạnh của từng địa phương để tuyên truyền, vừa chỉ ra cho các đơn vị thấy rõ tiềm năng của mình, đồng thời góp phần quảng bá thu hút đầu tư vào địa phương. Không cần tuyên truyền nhiều trang, mà cần phải có chắt lọc và có trọng tâm, phản ánh đúng đặc thù của mỗi địa phương.
Những gửi gắm, mong muốn và kỳ vọng của các địa phương chính là niềm động viên, khích lệ để thời gian tới Ban Biên tập, các phòng chuyên môn và mỗi phóng viên Báo Nghệ An tiếp tục nỗ lực đi, quan sát, tư duy và thực hiện những “Trang địa phương” chất lượng hơn. Tuy nhiên, làm được điều đó không hề dễ, bởi để có những “Trang địa phương” chất lượng không thể không có sự phối hợp, ủng hộ và hồi âm, hưởng ứng tích cực của cán bộ, người dân từng địa phương. Song với vai trò và tôn chỉ mục đích của một tờ báo đảng, cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An vẫn đang tiếp tục cố gắng hết mình, lăn lộn với đời sống của người dân để mỗi bài báo, bức ảnh trên “Trang địa phương” có sức sống, mang đến cho người đọc cảm nhận, cái nhìn mới, đa chiều, sâu sắc, từ đó thay đổi tư duy với tinh thần tất cả vì sự phát triển chung, để mỗi địa phương, mỗi cán bộ, người dân có thể học và làm theo báo đảng.
Minh Chi