Bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ thơ
(Baonghean) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho trẻ em và luôn đề nghị các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân quan tâm chăm lo và dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Người đã từng viết “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Búp trên cành tinh khôi, non nớt, sức đề kháng kém nên rất cần được nâng niu, bảo vệ và che chở. Với “búp trên cành”, chúng ta không nên đòi hỏi nhiều mà chỉ cần các trẻ thực hiện được những điều hết sức đơn giản “Biết ăn ngủ, biết học hành” là đủ.
Trên thực tế, Đảng, Nhà nước ta và cả xã hội đã luôn có những chủ trương, chính sách và các chế độ quan tâm đặc biệt dành cho trẻ em. Thế nhưng, trong cuộc sống hôm nay, dù đã tiến bộ và đầy đủ hơn trước nhiều lần, nhưng vẫn có những chuyện không vui, không hay xảy ra với trẻ em. Có một thực tế là không phải trẻ em nào cũng được bảo vệ, che chở khỏi những nguy hiểm để có thể hồn nhiên, tự nhiên, thoải mái thực hiện thiên chức ở độ tuổi mình là ăn, ngủ và học hành. Có lẽ vì thế mà Tháng hành động Vì trẻ em năm nay có chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.
Đảng, Nhà nước và cả xã hội đã luôn có những chủ trương, chính sách và các chế độ quan tâm đặc biệt dành cho trẻ em. Ảnh minh họa |
Qua số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố thì trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị xâm hại thân thể. Trong đó, chiếm gần 66% là số vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đã xuất hiện nhiều hình thức mới như xâm hại tình dục trẻ em nam, xuất hiện đối tượng phạm tội là người nước ngoài, phạm tội xâm hại tình dục trẻ em thông qua internet…
Và nguy hiểm hơn cả việc xâm hại diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc rất khó lường, khó phòng bị. Các vụ án xâm hại trẻ em được đưa ra xét xử trong thời gian qua cho thấy rõ thực trạng đó. Không chỉ bị xâm hại mà trẻ em hôm nay còn phải đối mặt với không ít nguy hiểm, mất an toàn khác. Mà rõ nhất là tai nạn đuối nước. Đây là 1 trong số 10 loại tai nạn gây tử vong lớn nhất cho trẻ em tại nhiều quốc gia. Ở nước ta, hàng năm có trên 6.000 trẻ em tử vong do đuối nước (chiếm gần 50% tổng số vụ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước). Nghệ An là 1 trong số 15 tỉnh, thành phố có số trẻ em đuối nước cao nhất toàn quốc. Con số này không chỉ cho thấy số lượng sinh mạng trẻ em bị thiệt hại ở mức rất cao, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ dẫn đến tử vong do đuối nước đã và đang ở mức báo động đối với toàn thể xã hội... Bên cạnh đó, trẻ em còn là nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội.
Không ít trẻ em bị lợi dụng hay bị ép buộc trở thành trẻ lang thang ăn xin, đánh giày, bán vé số… trên các đường phố để làm giàu cho một số kẻ chăn dắt bất lương. Không ít trẻ em trở thành những lao động bất đắc dĩ trong những xưởng gia công ở một số thành phố lớn. Và một số không nhỏ các em đang cùng gia đình vật lộn trong các công việc nặng nhọc để duy trì cuộc sống. Ước tính hiện có khoảng 9,6% số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi ở nước ta phải lao động nặng nhọc. Trong số đó có khoảng 1/3 số lao động trẻ em có thời gian làm việc trên 42 giờ/tuần. Thời gian lao động kéo dài đã ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em, bởi nhiều em trong số này hiện tại không được đi học. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em phải lao động sớm là một thách thức đối với Việt Nam, cho dù tỷ lệ lao động trẻ em ở nước ta thấp hơn so với tỷ lệ chung của thế giới. Đây là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết, vì theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO thì “Lao động trẻ em cần được loại bỏ bởi nó lấy đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân phẩm của những đứa trẻ, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đánh giá của các chuyên gia và một số công trình nghiên cứu về lĩnh vực này thì chủ yếu là do khó khăn về kinh tế của một bộ phận các gia đình dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em là điều kiện thuận lợi cho việc nảy sinh các hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em hoặc trẻ em vi phạm pháp luật. Mặt khác, nguy cơ gia tăng trẻ em bị bạo lực, xâm hại một phần là do sự biến đổi các giá trị xã hội, lối sống thực dụng, quá coi trọng đồng tiền và vật chất; tác động của phim ảnh, bạo lực, khiêu dâm ngày càng khó kiểm soát; áp lực về đời sống tâm lý trong gia đình và xã hội gia tăng; tình trạng gia đình ly hôn, ly thân dẫn đến các sang chấn tâm lý, các hành vi “lệch chuẩn” ở trẻ em và người lớn, trẻ em có nguy cơ cao bị bỏ rơi, đi lang thang, lao động kiếm sống, vi phạm pháp luật, bị bạo hành và xâm hại.
Trong khi đó, các dịch vụ xã hội, đặc biệt các dịch vụ bảo vệ trẻ em, chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội và nhu cầu của gia đình, người chăm sóc trẻ và trẻ em. Chính vì thế, việc cần làm trước mắt là tập trung tạo dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ thơ thông qua việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em. Phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, chương trình của Chính phủ về vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em để các cơ quan chức năng, người dân biết và thực hiện. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác này. Và nhất là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mà nòng cốt là các cấp ủy, chính quyền kết hợp với gia đình và xã hội tập trung thực hiện các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, vận động xây dựng nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội và bảo đảm cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện. Những việc làm này cần phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài và thực chất chứ không làm theo phong trào và chỉ gói gọn lại trong Tháng hành động Vì trẻ em.
Duy Hương