"Hậu trường" của một bài báo
(Baonghean) - Loạt bài “Xung quanh vụ việc vi phạm pháp luật ở Nghi Phương” của Nhóm P.V Báo Nghệ An trong năm 2013 đã được Hội đồng chấm giải Báo chí Nghệ An trao giải A của tỉnh và Hội đồng chấm giải Báo chí quốc gia trao giải A Báo chí quốc gia. Đó là niềm vinh dự lớn của nhóm phóng viên, cũng là niềm tự hào của tờ báo Đảng tỉnh nhà...
Để có được sự ghi nhận ấy, là có bao đêm trắng, có bao nhiêu mồ hôi, sự quyết tâm của cả một tòa soạn báo, đặc biệt là có những phút giây “nghẹt thở” của nhóm phóng viên trực tiếp tới địa bàn thu thập thông tin...
Nguồn cội của sự việc bắt đầu từ vụ án xét xử Hồ Đức Hòa và đồng bọn về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại phiên tòa sơ thẩm (9 -10/1/2013) và phiên phúc thẩm diễn ra ngày 23/5/2013, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An). Sự kiện trên đã tạo ra những diễn biến phức tạp tại một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An bởi sự kích động của các phần tử phản động Việt Tân. Trước tình hình đó, Ban Biên tập Báo Nghệ An đã một mặt cử phóng viên theo dõi sát diễn biến của phiên tòa, chủ động cử phóng viên thâm nhập các địa bàn có cơ sở tôn giáo ở Nghệ An để nắm tình hình... Đỉnh điểm của vụ việc là các sự kiện gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, bắt giữ đánh đập người trái phép vào tháng 5, cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2013. Trong thời gian xảy ra vụ việc, hàng ngày Báo Nghệ An đều có các bài viết phản ánh, phân tích định hướng dư luận. Tổng cộng trong đợt tuyên truyền này, Báo Nghệ An có 96 tin, bài viết, phóng sự điều tra, video clip về các vụ vi phạm pháp luật xảy ra tại Nghi Phương, Nghi Lộc trên báo in, báo điện tử.
Trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên gặp không ít khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì xung quanh khu vực nhà thờ trại Gáo thuộc Giáo xứ Mỹ Yên, Nghi Phương gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với những hàng rào cảnh giới trong, ngoài phong tỏa khắp nơi. Bất cứ người lạ mặt bén mảng vào lập tức bị bao vây, đánh đập, cảnh cáo. Ở các giáo xứ lân cận, tinh thần cảnh giác, nghi kị, hình thành khoảng cách giữa bà con lương - giáo cũng bắt đầu lây lan, nhất là sau khi xảy ra sự kiện một số giáo dân quá khích dùng gạch đá, gậy gộc chủ động tấn công lực lượng chức năng ngay trước cổng UBND xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc). Là phóng viên của tờ báo đảng - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, hơn bao giờ hết, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc làm rõ sai phạm, phân định trắng - đen, thức tỉnh những giáo dân - công dân nhẹ dạ cả tin đang bị kẻ xấu lợi dụng nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị; vạch trần âm mưu chia rẽ đoàn kết giáo - lương của các thế lực thù địch, định hướng dư luận hiểu đúng về bản chất sự việc. Đồng thời, cung cấp những thông tin quý giá để các cơ quan chức năng có hướng xử lý kịp thời.
Để xâm nhập thực tế, thu thập thông tin, nhóm phóng viên Báo Nghệ An đã “hóa thân” thành nhiều vai, sử dụng nhiều phương tiện, kiên trì bám trụ, chờ đợi thời cơ để tiếp cận địa bàn bất kể thời tiết, bất kể ngày đêm với phương châm làm việc hiệu quả nhưng phải đảm bảo an toàn. Còn nhớ, vào thời điểm xảy ra vụ việc giáo dân quá khích xông vào trụ sở UBND, bắt giam giữ trái pháp luật lãnh đạo huyện Nghi Lộc và lãnh đạo xã Nghi Phương xảy ra vào ngày 3/9/2013. Trong sân trụ sở và trước đoạn đường tỉnh lộ trước trụ sở UBND xã Nghi Phương, luôn có hàng trăm giáo dân quá khích, họ sẵn sàng gây gổ, bắt giữ những ai đi qua mà họ nghi là dừng lại để nghe ngóng, báo tin cho chính quyền. Sau khi tính toán kỹ các phương án, phóng viên Báo Nghệ An mượn một chiếc xe máy cà tàng, hóa trang, đóng giả cặp vợ chồng nhà quê nghèo khổ đi buôn dừa, bị hỏng xe để tiếp cận hiện trường vụ việc. May mắn là không bị nghi ngờ gì!
Trước đó, để ghi hình những dấu tích đập phá do các giáo dân quá khích gây ra tại nhà cũ của anh Đậu Văn Sơn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Nghi Phương tại xóm 10 (Nghi Phương, cách nhà thờ trại Gáo khoảng 300m), vào tối 22/5/2013, nhóm phóng viên phải cho xe ô tô nổ máy chờ sẵn tại một địa điểm tin cậy ở xã lân cận, sau đó cử phóng viên đóng giả làm người nhà đi cùng một người dân địa phương, mạo hiểm tiếp cận ngôi nhà của anh Sơn - lúc này đã có gia đình khác đến sinh sống. Đó là những giây phút hồi hộp nghẹt thở vì trước đó đã từng có cộng tác viên, phóng viên báo khác vào tìm hiểu thông tin và bị một số đối tượng lùng bắt, đuổi đánh.
Quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên phải chủ động ứng biến linh hoạt với mọi tình huống, đảm bảo bí mật nhưng vẫn báo cáo tình hình thường xuyên và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập. Nhờ vậy, phóng viên Báo Nghệ An đã có mặt kịp thời tại các thời điểm diễn ra các sự kiện liên quan đến tôn giáo, như lễ tấn phong Giám mục phụ tá Nguyễn Văn Viên, hay trực tiếp chứng kiến những việc làm vi phạm pháp luật của một số giáo dân quá khích ở Nghi Phương (đứng đằng sau là một số chức sắc, linh mục cực đoan và các thế lực phản động) từ ngày 30/8 đến 4/9 năm 2013. Nhất là trận “mưa đá”, gậy gộc được sắp đặt, chuẩn bị có chủ đích nhắm vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ trước cổng UBND xã Nghi Phương, uy hiếp tính mạng của những người đang có mặt trong trụ sở vào chiều 4/9/2013. Trong cơn “mưa đá” ném ra từ đám đông và đối tượng quá khích núp trong những ngôi nhà gần đó, nhiều người bị thương, nhóm phóng viên Báo Nghệ An không quản ngại nguy hiểm tiếp cận ghi hình, chụp ảnh sự việc để có thể cung cấp cho độc giả những hình ảnh chân thực, khách quan.
Những điều “mắt thấy, tai nghe” cùng những bằng chứng (hình ảnh, video clip, ghi âm…) và các tư liệu mà nhóm phóng viên Báo Nghệ An thu thập được đã “vạch trần” thủ đoạn: lợi dụng đức tin, kích động giáo dân nhẹ dạ cả tin gây rối để “lừa dối bề trên, vu khống chính quyền” của những kẻ xấu mà mục đích cuối cùng là tạo điểm nóng, gây bất ổn chính trị, chia rẽ đoàn kết giáo lương, gây mất niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền. Đó cũng là vũ khí sắc bén để Báo Nghệ An tự tin, quyết liệt đấu tranh với những luận điệu vu khống, kích động, bóp méo, xuyên tạc sự thật qua các Văn thư, Thông cáo, Thư chung, các bài trả lời phỏng vấn… của Giám mục Nguyễn Thái Hợp và Tòa giám mục Giáo phận Vinh cùng một số trang web phản động “ăn theo, nói leo” trong, ngoài nước. Không ít lần, trả lời công văn của Tòa giám mục, Báo Nghệ An thẳng thắn khẳng định những thông tin mà báo phản ánh là trung thực, khách quan, đúng sự thật và sẵn sàng đối thoại với Tòa Giám mục Xã Đoài để làm rõ hơn về những sự việc trên.
Loạt bài “Xung quanh vụ việc vi phạm pháp luật ở Nghi Phương” của nhóm P.V Báo Nghệ An. |
Nhiều tháng ròng rã lăn lộn trên mặt trận thông tin, hầu như ngày nào, báo cũng có tin, bài phản ánh về sự việc và diễn biến tình hình. Ban Biên tập, nhóm phóng viên và các bộ phận liên quan (thư ký, morat, vi tính, mi trang…) làm việc đến 3-4 giờ sáng, quên cả mệt mỏi với mong muốn, cung cấp cho bạn đọc (cả giáo dân và lương dân) những thông tin mới nhất, xác thực nhất để có cái nhìn khách quan, toàn diện, hiểu đúng bản chất vụ việc, không mắc mưu chia rẽ, trúng kế ly gián của kẻ xấu. Thực tế, đại đa số đồng bào giáo dân ở Nghi Phương (Nghi Lộc) nói riêng, Giáo phận Vinh nói chung là những người “Kính Chúa yêu Nước”, những người dân quê hiền lành chân chất một nắng, hai sương trên đồng ruộng. Họ bị lợi dụng đức tin, bị kích động, giật dây để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của những kẻ vốn không có thiện chí với chính quyền, với nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Loạt tin, bài của Báo Nghệ An sau khi phát hành đã được các trang mạng, các báo điện tử, blog, facebook đăng tải lại để đập lại các luận điệu xuyên tạc, vu khống của các trang mạng phản động trong và ngoài nước về sự việc xảy ra ở Nghi Phương (Nghi Lộc) và các vụ việc khác liên quan đến tự do tín ngưỡng tôn giáo. Loạt bài được bạn đọc, dư luận và các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao trong việc vạch trần những thủ đoạn của các phần tử quá khích, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để kích động những người nhẹ dạ cả tin dẫn đến vi phạm pháp luật; cũng như giúp mọi người hiểu rõ bản chất sự việc, góp phần ổn định tình hình xã hội trên địa bàn.
Ghi nhận những hiệu ứng, hiệu quả của loạt bài này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho tập thể Báo Nghệ An và cá nhân phóng viên tham gia thực hiện loạt bài. Hơn thế, loạt bài viết về xung quanh vụ vi phạm pháp luật ở Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An) còn được Hội đồng chấm Giải Báo chí Nghệ An và Hội đồng chấm Giải Báo chí quốc gia năm 2013 trao giải A. Đó thật sự là niềm vinh dự lớn đối với nhóm phóng viên và tờ báo đảng địa phương trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn, trách nhiệm của phóng viên báo đảng trong việc đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái, những âm mưu thâm độc của kẻ xấu để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân!
Phóng viên