Vàng ròng

17/04/2014 09:27

(Baonghean) - Mấy hôm trước, báo chí đưa tin một kỹ sư “chân đất” ở Bắc Cạn đã khiến mọi người phải ngả mũ kính phục khi sáng chế ra lò đốt rác thải rắn y tế hiệu năng hơn hẳn các loại máy của các nước tiên tiến.

Một công ty chế tạo máy nổi tiếng của nước Đức đã đặt vấn đề mua lại bản quyền sáng chế đó với giá 300 nghìn euro, tương đương 10 tỷ đồng, nhưng ông chỉ chấp nhận hợp tác cùng sản xuất chứ nhất quyết không bán. Chuyện đó, bây giờ không hiếm. Vì mấy năm trở lại đây, thỉnh thoảng báo chí, dư luận lại xôn xao về những phát minh, sáng tạo bất ngờ của dân ta. Mới đây là một doanh nhân ở Thái Bình chế tạo và đã thử nghiệm thành công tàu ngầm mi ni được đặt tên là Trường Sa 1. Ông hãnh diện ghi lên vỏ tàu dòng chữ Chế tạo tại Thái Bình Việt Nam.

Trước đó, một anh thợ sửa xe máy ở Gia Lâm (Hà Nội) đã bỏ tiền của, công sức ra chế tạo máy bay trực thăng. Tuy chưa thành công, nhưng đã cho thấy có dấu hiệu khả quan khi cỗ máy đã tự nhấc mình lên khỏi mặt đất chừng hơn nửa mét. Nếu được phép tiếp tục, chắc sẽ có thành quả. Trước đó nữa, cũng có một “Hai lúa” ở phía Nam tự chế trực thăng nhưng không thành công. Đó là những chuyện đình đám, còn những phát minh nhỏ lẻ hữu ích cho cuộc sống như: máy gặt, máy hút bùn, máy thái hành, máy gom lá cao su, máy tẻ ngô… thì rất nhiều. Điều lạ lùng và rất đáng băn khoăn là chủ nhân của các phát minh, sáng chế đó chỉ là nông dân, thợ cơ khí, doanh nhân… mà không hề có bóng dáng một nhà khoa học, nhà nghiên cứu nào với bằng cấp các loại đầy mình, được hưởng lương Nhà nước và đang công tác ở trung tâm khoa học này, viện nghiên cứu nọ với đầy đủ các trang thiết bị thí nghiệm, thể nghiệm cùng các đề tài khoa học cấp này, cấp nọ có giá từ vài tỷ cho đến vài chục, vài trăm tỷ đồng. Nên biết, là nước ta hiện có đội ngũ tiến sỹ khá nhiều. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD & ĐT, tính đến năm 2013 Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sỹ, trong đó có 633 tiến sỹ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sỹ là giảng viên các trường đại học. Ấy thế mà…

Vậy nguyên nhân do đâu? Trước đây và kể cả bây giờ, người ta thường hay đổ lỗi cho kinh phí từ ngân sách nhà nước dành để nghiên cứu khoa học chưa tương xứng nên không có được những sản phẩm có tầm cỡ. Nhưng sản phẩm có tầm cỡ chưa có được thì cũng phải có những sản phẩm dạng nhỏ và vừa để phục vụ cuộc sống. Đằng này, hầu như thứ máy móc nào, từ đơn giản đến phức tạp chúng ta cũng đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, anh thợ làm ra cái lò đốt rác thải rắn y tế đâu có ai cấp kinh phí mà vẫn ra sản phẩm trên tài các cường quốc. Còn các ông nông dân, anh thợ sửa xe máy, doanh nhân kể trên cũng đều bỏ tiền túi ra mày mò, sáng tạo và đều có các sản phẩm để đời.

Họ đâu có được Nhà nước cấp kinh phí để nghiên cứu và họ cũng không được trả lương để không phải lo kiếm gạo mà chỉ tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo, phát minh như mấy nhà nghiên cứu trong biên chế. Họ “tay làm, hàm nhai, tay quai, miệng trễ” mà vẫn hơn đứt các ông, bà tiến sỹ được Nhà nước bao nuôi ăn học, nghiên cứu từ đầu đến cuối. Có thể thấy rõ một điều là, cái ông doanh nhân bỏ tiền ra chế tạo tàu ngầm xuất phát từ sự đam mê và tự tôn dân tộc với suy nghĩ, cái gì nước ngoài làm được thì mình cũng làm được.

Còn cái ông làm ra cái lò đốt rác thải hay mấy nông dân làm ra mấy thứ máy nông cụ kể trên là do sự câu thúc của cuộc sống. Họ muốn có một thứ máy móc hỗ trợ cho chính công việc kiếm sống mà họ đang làm để có thể làm ra được nhiều sản phẩm hơn trong cùng một khoảng thời gian nhằm nâng cao hiệu quả lao động và cho thu nhập cao hơn. Từ đó suy ra, muốn phát minh, sáng tạo thì phải có động lực mạnh mẽ. Động lực đó, chỉ có được khi có sự đam mê hoặc do sự thôi thúc của sinh kế. Có lẽ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của ta thiếu cả hai thứ đó cho nên đã bao năm trôi qua, họ chưa có một sản phẩm để đời nào đáng kể. Cũng có người đặt vấn đề khá là gai góc, có thể các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các ông, bà tiến sỹ của ta cũng có đam mê, cũng có động lực không hẳn là từ sinh kế mà là từ danh tiếng để đời. Song “lực bất tòng tâm” vì năng lực hạn chế.

Thực học và thực lực không như bằng cấp. Khả năng này, không phải là không có cơ sở từ thực tế. Vì thế mới có chuyện tiến sỹ nông nghiệp mà khi kiểm tra ở ngoài ruộng không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa; tiến sỹ kinh tế nhưng ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vẫn bị hớ và bị lừa nhập máy cũ, công nghệ lỗi thời rồi thua lỗ. Thiếu đam mê, thiếu động lực và thiếu cả thực lực dẫn đến thiếu lòng tự trọng. Mang danh nhà này, nhà nọ để rồi cuối cùng là nhà… không, vườn trống. Không làm ra được thứ gì ích nước, lợi dân cả. Đương nhiên, không phải tất cả “các nhà” của ta đều thế.

Còn nhớ, trong buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày 13/8/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá “Đội ngũ trí thức là “vàng ròng” của quốc gia”. Vàng ròng đúng là quý thật. Nhưng nó chỉ có tác dụng khi phát huy được giá trị quý báu và trở thành nguồn lực quan trọng trong cuộc sống, tạo ra cơm áo, gạo tiền, giúp dân giàu, nước mạnh. Còn vàng ròng mà cứ để nằm im ở trong rương thì chỉ là một thứ kim loại như bao thứ kim loại khác mà thôi.

Cho nên, vàng ròng không nên nằm mãi ở trong rương!

Duy Hương