Hà Nội nghiên cứu thí điểm đường sắt đô thị một ray

10/04/2014 16:39

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng quy hoạch hướng tuyến chi tiết và triển khai lập dự án xây dựng thí điểm một tuyến đường sắt đô thị một ray (monorail) đề kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa (BOT).

 Hệ thống đường sắt đô thị một ray ở nước ngoài. (Nguồn ảnh: wdwmagic.com)
Hệ thống đường sắt đô thị một ray ở nước ngoài. (Nguồn ảnh: wdwmagic.com)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị, Hà Nội sẽ nghiên cứu lập quy hoạch hướng tuyến và xây dựng thí điểm tuyến monorail số 2 với hai nhánh (nhánh một: Lê Đức Thọ-Lê Quang Đạo-Châu Văn Liêm-đường 70-Phúc La; nhánh hai: Giáp Bát-đường dọc sông Lừ-đường dọc sông Tô Lịch-đường tỉnh 70 mới-trục Hà Đông Xuân Mai-Phú Lương), nhằm kết nối các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2A, 5, 6, 8.

Trước đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đồng ý và giao cho Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) phối hợp với Hà Nội triển khai thực hiện dự án.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với thành phố Hà Nội trong tháng 4 này để triển khai cụ thể các quy chế đã phối hợp, đặc biệt là hệ thống thông tin cảnh báo tự động tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; xem xét, kiểm tra các tiêu chí theo quy định của ngành đường sắt đối với các điểm chốt giao cắt đường ngang với đường sắt do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang thực hiện gác chắn để tổ chức tiếp nhận quản lý và vận hành.

Đề cập đến hệ thống đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội, nhất là tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, lãnh đạo Hà Nội đề nghị rà soát thiết kế kỹ thuật để có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kết nối thuận tiện hơn giữa các loại hình vận tải. Tuy nhiên, do thỏa thuận và thống nhất giữa các cơ quan chức năng thành phố đang chậm, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp với Hà Nội huy động các nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BOT), hợp tác công tư (PPP) để đầu tư các tuyến Quốc lộ 6 (Ba La-Xuân Mai), tuyến đường Mai Dịch-Nội Bài (đồng bộ với đường trên cao), Quốc lộ 1 cũ (Ngọc Hồi-Phú Xuyên), Quốc lộ 3 cũ (cầu Đuống đến hết địa phận Hà Nội)./.

Trước đó, năm 2010, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã đề xuất Chính phủ phương án xây dựng tàu điện một ray trên cao cho tuyến đường Văn Cao-Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng-Láng-Hòa Lạc có chiều dài 38km, tổng mức đầu tư trên 5.800 tỷ đồng (tương đương khoảng 8 triệu USD một km).

Trên toàn tuyến dự kiến xây dựng 14 nhà ga. Tàu chạy với tốc độ 60-70km/giờ, công suất thiết kế chuyên chở khoảng 60.000 hành khách/ngày/hướng.

Theo Việt Nam +