Nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo chưa bền vững

27/01/2014 21:15

(Baonghean) - Với mục tiêu giúp người dân ở các xã, các làng, bản tìm được những cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để thoát nghèo, nhiều mô hình thí điểm đang được triển khai trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Tuy nhiên, để các mô hình giúp đỡ đồng bào nghèo đạt kết quả tốt và bền vững, cần tăng cường hỗ trợ bà con kỹ thuật và vốn vay để đầu tư sản xuất.

(Baonghean) - Với mục tiêu giúp người dân ở các xã, các làng, bản tìm được những cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để thoát nghèo, nhiều mô hình thí điểm đang được triển khai trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Tuy nhiên, để các mô hình giúp đỡ đồng bào nghèo đạt kết quả tốt và bền vững, cần tăng cường hỗ trợ bà con kỹ thuật và vốn vay để đầu tư sản xuất.

Những kết quả bước đầu

Những ngày cuối năm, không khí ở Trung tâm Khuyến nông huyện Quỳ Châu khá bận rộn. Mọi người chạy như con thoi giữa các xã trong huyện để nghiệm thu, tổng kết các mô hình sản xuất. Anh Sầm Văn Thái, Trạm trưởng giới thiệu cho chúng tôi về kết quả bước đầu của những mô hình thí điểm đang được triển khai trên địa bàn huyện Quỳ Châu với mục tiêu giúp người dân ở các xã, các làng, bản tìm được những cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để thoát nghèo.

Tại bản Hòa Bình, xã Châu Bình, từ tháng 4/2013, Trạm khuyến nông đã triển khai mô hình trồng gấc cao sản, thí điểm ở 9 hộ dân. Người dân được cung cấp 400 gốc giống gấc cao sản cùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Được sự hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của các cán bộ, kỹ sư ở Trung tâm khuyến nông, cuối năm 2013, các vườn gấc của bà con bắt đầu cho thu hoạch với những kết quả ấn tượng: tất cả 400 gốc cây đều cho quả, có cây sai nhất đến 30 quả, năng suất trung bình đạt 1,4kg quả, thu về 8,4 tấn gấc thành phẩm. Với giá thu mua của Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An vào thời điểm hiện tại là 7.000 đồng/kg, 1ha gấc cao sản năm đầu tiên đã đạt gần 59 triệu đồng.

Theo dự kiến, đến năm thứ 2, sau khi cây gấc đã hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất sẽ đạt gấp đôi và tổng thu nhập sẽ đạt hơn 117 triệu đồng. Đây quả là một con số đáng mơ ước của đồng bào nghèo ở Quỳ Châu. Sau hơn nửa năm thử nghiệm mô hình trồng gấc cao sản, Trung tâm khuyến nông nhận thấy, cây gấc hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai đồi núi và phương pháp trồng trọt của người dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu. Gấc là loài cây ít sâu bệnh, lưu gốc 15-20 năm, tạo được thu nhập ổn định cho bà con. Trên cùng một đơn vị diện tích, đến nay, cây gấc đang cho thu nhập cao nhất. Đặc biệt, mô hình này còn kéo được nhà doanh nghiệp vào cuộc cùng với nước, nhà nông và nhà khoa học khi mà huyện Quỳ Châu ký hợp đồng với Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An bao tiêu toàn bộ số gấc của bà con theo giá thị trường.

Bên cạnh mô hình trồng gấc cao sản, ở Quỳ Châu đang xuất hiện mô hình trồng cây rễ hương đạt hiệu quả, năng suất cao. Tháng 12/2012, hộ ông Hồ Viết Thắng, Khối Tân Hương 2- Thị trấn Tân Lạc - huyện Quỳ Châu được Trung tâm khuyến nông huyện chọn làm điểm để xây dựng các mô hình nhân giống cây rễ hương. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến cuối năm 2013, mô hình bắt đầu cho thấy hiệu quả khi cây rễ hương phát triển rất tốt, việc nhân giống bằng cách trồng hom mang lại tỷ lệ sống cao. Trước đó, các mô hình trồng cây rễ hương dưới tán rừng keo nguyên liệu, dưới rừng cao su đã được thực hiện thành công ở bản Hoa Hải (xã Châu Hạnh) đã đem lại hiệu quả rất khả quan, với năng suất bình quân đạt 4,5 - 5 tấn rễ tươi/ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng ở các xã Châu Phong, Châu Bình, Châu Tiến, thị trấn Tân Lạc,…

Nếu như cây rễ hương và cây gấc đang trở thành những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, năng suất cao thì lợn nái sinh sản và vịt bầu Quỳ cũng đang thực sự giúp nhiều hộ dân ở Quỳ Châu thoát nghèo. Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi lợn nái ở xã Châu Tiến, ông Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, cách đây hơn 1 năm, một số hộ nghèo ở xã Châu Tiến được cấp giống lợn nái. Sau 1 năm chăm sóc đúng cách, đúng kỹ thuật, hiện nay, những hộ này đã có đàn lợn con lên đến 12 con. “Dịp Tết này, gia đình ta sẽ bán lứa lợn 12 con này để lấy tiền tiêu tết và mua thêm 1 con lợn giống nữa về nuôi”, chị Lô Thị Thư ở bản Hồng Tiến tâm sự. Ông Sơn cho biết, hiện nay, nhiều gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện cũng đang rất thành công với mô hình nuôi vịt bầu Quỳ trên khe suối. Vịt bán được giá cao, bà con không sợ bị ép giá và rất phấn khởi tái đàn. Điều này có thể khẳng định rằng, nhiều mô hình hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế ở huyện Quỳ Châu đang phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giúp bà con các dân tộc thiểu số thay đổi tư duy làm ăn, từng bước thoát nghèo.

Nhiều mô hình chết yểu.

Khác với không khí ồn ào, náo nhiệt của những ngày cận Tết ở thị trấn Tân Lạc, bản Chiềng, xã Châu Thuận khá tĩnh lặng và vắng vẻ. Bản có 71 hộ, trong đó có 16 hộ nghèo, trong những năm qua, bản Chiềng nhận được sự hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án để giúp bà con thoát nghèo. Năm 2010, có 10 hộ dân trong bản được nhận bê từ Chương trình dự án 135. Ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi đối với những hộ nghèo người dân tộc Thái thì con bê trị giá từ 7 - 8 triệu đồng đối với họ là tài sản lớn. Cũng như nhiều hộ nghèo khác, sau khi nhận bê, anh Cầm Bá Hợp cố gắng chăm bẵm nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đợt rét đầu năm 2013, con bê của gia đình anh Hợp đã bị chết rét. Cùng chung hoàn cảnh như anh Hợp, nhiều con bê khác của các gia đình trong bản cũng bị chết. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong số 10 con bê của bản Chiềng được hỗ trợ từ dự án 135 thì hiện nay chỉ còn lại 1 con, 9 con khác đã chết.

Là bản nghèo của xã Châu Thuận, năm 2012, có 13 hộ dân ở bản Thăm 1 được nhận 13 con bê của dự án 135. Sau gần 1 năm chăm sóc, đến nay, số đó chỉ còn lại 3 con. Ở bản Thăm 2, tình hình cũng không khá hơn bao nhiêu, trong số 12 con bê dự án của người dân được nhận thì có 5 con đã bị chết rét. Chị Hà Thị Phòng - cán bộ nông nghiệp xã Châu Thuận cho biết, năm 2010, xã Châu Thuận được hỗ trợ 41 con bê, sau một thời gian chăm sóc, có tới 34 con đã bị chết trong đó có bản Nong được hỗ trợ 8 con thì cả 8 đều bị chết, bản Chiềng 9/10 con bị chết,… Năm 2012, xã Châu Thuận được hỗ trợ 25 con bê với kinh phí 200 triệu đồng thì hiện nay chỉ còn lại 10 con còn sống. Số lượng bê dự án phát triển tốt và sinh sản hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mô hình trồng gừng ở xã Châu Thuận.
Mô hình trồng gừng ở xã Châu Thuận.

Ngoài chính sách hỗ trợ bê giống, chương trình dự án 135 còn hỗ trợ lợn, giống vịt bầu Quỳ, lợn... Tuy nhiên kết quả không được như mong muốn. Trong số 1.600 con vịt và 32 con lợn nái hỗ trợ cho người dân nghèo của huyện Quỳ Châu thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình dự án 135, đến nay, nhiều gia đình đã bán lợn, bán vịt nhưng không có khả năng tái đàn. Tại xã Châu Thuận, 8 trong tổng số 16 con lợn nái đã bị chết; năm 2011 xã Châu Bính được hỗ trợ 26 con lợn giống thuộc Chương trình 135 nhưng đến nay, số tồn tại và phát triển, tái đàn được rất ít.

Năm 2012, xã Châu Thuận thí điểm thực hiện mô hình trồng gừng trên diện tích 2 ha ở bản Chàng. Gừng được trồng dưới tán rừng và trên diện tích đất đồi, phát triển rất nhanh, không sâu bệnh. Đến thời kỳ thu hoạch, một khóm gừng bình quân thu trên 1 kg gừng củ, sản lượng thu được 15 tấn/ha, chất lượng gừng rất tốt, củ đều và đẹp khiến bà con rất vui mừng. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, mô hình trồng gừng nhanh chóng chết yểu vì không có đầu ra ổn định. Anh Lương Văn Dũng, cán bộ nông nghiệp xã Châu Thuận cho biết, đến nay, người dân chỉ trồng gừng để ăn, không ai trồng gừng để làm hàng hóa nữa vì không biết bán cho ai…

Nói về một số mô hình hỗ trợ người dân không đạt kết quả như mong muốn, đặc biệt số lượng bê dự án bị chết quá nhiều, cán bộ nông nghiệp xã Châu Thuận cho biết, nguyên nhân chính là do các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Bên cạnh đó, bê giống quá nhỏ, trong khi đối tượng thụ hưởng là những người nghèo, rất nghèo, họ không có các kỹ năng chăm sóc, không đầu tư thức ăn, không có kiến thức để đối phó trước các loại dịch bệnh. Trong khi đó, bê giống được cấp thường đưa từ nơi khác đến, không hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, trong khi phong tục tập quán của người dân là chăn nuôi theo hình thức thả rông, không có chuồng trại kiên cố nên bê không thể phát triển. Thậm chí, còn có hộ dân thiếu ý thức tìm cách bán hoặc làm thịt bê dự án hoặc bán để lấy tiền tiêu và báo cáo với thôn bản là bê bị chết vì rét…

Thực tế, lâu nay, các chính sách hỗ trợ đồng bào sản xuất vẫn thực hiện theo tiêu chí “cho cần câu thay vì cho con cá”, tuy nhiên, qua thực tế các mô hình, dự án hỗ trợ đồng bào nghèo ở huyện Quỳ Châu không đạt được hiệu quả trong thời gian qua, có thể nhận thấy rằng, đã có “cần câu” nhưng “người đi câu” làm được như thế nào là một vấn đề khác. Theo ông Lô Thanh Sơn - Trưởng phòng nông nghiệp huyện cho rằng các chương trình dự án cần phải được phân bổ thêm cho những người có điều kiện kinh tế, có kiến thức về khoa học kỹ thuật, sản xuất để họ làm gương cho những hộ gia đình khác làm theo. Các dự án phải làm có trọng tâm, trọng điểm, nếu có hiệu quả thì mới tiếp tục triển khai, không hiệu quả thì phải chuyển các loại cây, con giống khác để tránh lãng phí.

Việc triển khai các chương trình hỗ trợ cho đồng bào nghèo là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu giúp đồng bào thoát nghèo. Nhưng, cũng cần phải trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật, cho người dân vay vốn để đầu tư, sản xuất song song với hình thức cầm tay chỉ việc của cán bộ cơ sở, để các mô hình giúp đỡ đồng bào nghèo đạt kết quả tốt và bền vững.

Nguyên Khoa