Trọn tình với đồng đội

11/07/2014 18:23

(Baonghean) - Dự lễ bàn giao Nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Phi Anh, nguyên chiến sỹ Đoàn tàu không số ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chúng tôi không khỏi xúc động bởi cầm chìa khóa trên tay mà ông Nguyễn Phi Anh vẫn không tin đó là sự thật. Ông đã ôm chặt Thượng tá Nguyễn Đình Sin - Trưởng ban Liên lạc Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh và nói trong nước mắt: “Tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ. Nếu không có anh, không biết bao giờ tôi mới có được căn nhà này để ở!...”.

Thượng tá Nguyễn Đình Sin nhớ về những kỷ niệm của Đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thượng tá Nguyễn Đình Sin nhớ về những kỷ niệm của Đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gần 10 năm tham gia Đoàn tàu không số, khi trở về quê mang trên mình hàng chục vết thương nhưng đến nay ông Nguyễn Phi Anh vẫn không được hưởng chế độ gì do đã mất hết hồ sơ. Vợ con ông thường xuyên đau ốm. Căn nhà tạm vợ chồng ông đang ở đã dột nát mà không có khả năng tu sửa. Tháng 10/2013, qua đồng đội, ông đã gặp Thượng tá Nguyễn Đình Sin, Trưởng ban Liên lạc Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh. Biết đồng đội đang gặp khó khăn, ông Sin đã tìm mọi cách liên hệ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ xã đến tỉnh để tìm nguồn trợ giúp ông Nguyễn Phi Anh làm nhà tình nghĩa. Sau nhiều tháng, cuối cùng ông Sin tìm được nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chi nhánh Hà Tĩnh 50 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh, các tổ chức đoàn thể xã Cương Gián và huyện Nghi Xuân, cùng anh em họ hàng đã hỗ trợ ông Nguyễn Phi Anh xây được căn nhà tình nghĩa có diện tích 45m2, trị giá 180 triệu đồng.

Sau lễ bàn giao Nhà tình nghĩa, chúng tôi tìm đến nhà Thượng tá Nguyễn Đình Sin, khi ông đang bốc thuốc, khám bệnh cho bệnh nhân tại phòng mạch ở xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh, Nghệ An. Trong số bệnh nhân chữa bệnh hôm đó, tôi gặp lại bà Đặng Thị Lịch và anh Nguyễn Phi Thường là vợ và con trai ông Nguyễn Phi Anh. Bà Lịch chia sẻ: “Tôi bị thoát vị đĩa đệm, con trai tôi bị bệnh tim nhiều năm nay nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền chữa trị. May nhờ bác Sin đã giúp hai mẹ con tôi chữa trị 3 tháng nay, bây giờ hai mẹ con tôi đã đỡ nhiều rồi. Tôi không biết lấy gì để cảm ơn bác Sin...!”. Trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Đình Sin, chúng tôi được biết, từ năm 1963 đến năm 1975, ông là chiến sỹ báo vụ, y sỹ kiêm thủy thủ của Đoàn tàu không số. Sau đó ông về làm Phó trưởng Phòng Chính sách Bộ Tư lệnh Hải quân, đến năm 1995 ông nghỉ hưu. Hơn 12 năm ở Đoàn tàu không số, ông đã chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ cho chiến trường miền Nam được bí mật, an toàn. Với ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể nào quên. Đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội trong những lúc gian nguy, đối mặt với sóng dữ, bão tố và những trận quyết chiến với kẻ thù, các chiến sỹ Đoàn tàu không số sẵn sàng nhận sự hiểm nguy về mình để đồng đội được sống...

Năm 1998, trở về quê, ông đã mở phòng mạch ở nhà riêng để chữa bệnh cho nhân dân và chữa bệnh miễn phí cho các đồng đội và con cháu của họ. Nguồn thu từ chữa bệnh cho nhân dân ông đã trích một phần để làm từ thiện, giúp các đồng đội của mình. Và cũng từ năm 1998, ông được bầu làm Trưởng ban Liên lạc Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh. Khi đảm nhiệm trọng trách đó, ông đã đi khắp các địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi nào có đồng đội của mình đang sinh sống, ông đều đặt chân tới. Trong những chuyến đi đó ông đã tìm hiểu gia cảnh của từng đồng đội, ai có khó khăn ông đều tìm cách giúp đỡ. Đến nay, đã có 15 gia đình cựu chiến binh Đoàn tàu không số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ông kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giúp làm nhà tình nghĩa. Ông chia sẻ: “Cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu không số đã chịu nhiều hy sinh, vất vả. Mỗi khi lên tàu là xác định sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hàng hóa và bảo đảm bí mật nhưng họ vẫn không nao núng tinh thần. Thế nhưng, khi trở về cuộc sống đời thường, họ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, đến bây giờ nhiều người vẫn không có một chế độ gì. Mình phải cố gắng làm gì đó để bù đắp cho anh em...”.

Chia tay Thượng tá Nguyễn Đình Sin, trong tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Điều tôi cảm phục ở ông không chỉ là tấm lòng tất cả vì đồng đội mà sâu xa hơn là trong giai đoạn hiện nay, việc làm đó càng củng cố thêm niềm tin, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Kiểm ngư, Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Huy Cường