Ngăn chặn dịch sởi từ ý thức phòng bệnh

25/04/2014 11:07

(Baonghean) - Dịch sởi đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Cùng với các biện pháp phòng, chống tích cực của cơ quan chức năng, việc nâng cao ý thức người dân, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế là yếu tố quan trọng ngăn chặn dịch.

Hiện dịch sởi lan rộng với nhiều diễn biến phức tạp đã khiến người dân cả nước nói chung và người dân tỉnh Nghệ An nói riêng hết sức lo lắng. Nỗi lo càng thêm chồng chất khi số trẻ tử vong do sởi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn – một địa phương được coi là làm tốt công tác tiêm chủng, 100% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng, chưa phát hiện ai mắc sởi thì ám ảnh do dịch vẫn rất nặng nề. Chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm 8, có con tiêm trong đợt này chia sẻ: Trước con chị do ốm nên không tiêm được, nay nghe sởi bùng phát thì sợ lắm. Nghe xóm, xã thông báo tiêm sởi nên đưa con ra tiêm ngay.

Tuyên truyền lưu động và phát tờ rơi phòng chống bệnh sởi ở khu vực chợ Quán Bánh, TP. Vinh.
Tuyên truyền lưu động và phát tờ rơi phòng chống bệnh sởi ở khu vực chợ Quán Bánh, TP. Vinh.

Với phương châm không để người dân chủ quan cũng như quá sợ hãi, mấy ngày qua, xã Nam Trung liên tục thông báo tình hình sởi trong tỉnh cũng như các kiến thức phòng, chữa bệnh sởi. Bác sỹ Hồ Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Trung cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã thực hiện việc truyền tải thông điệp về bệnh sởi trên hệ thống loa phát thanh của xã cũng như hệ thống loa phát thanh của 14 xóm. Thông điệp này nêu rõ, bệnh sởi rất dễ lây, khi trẻ có dấu hiệu của bệnh thì nên đưa trẻ đến trạm y tế để phát hiện sớm. Trạm y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị và hoàn toàn có khả năng điều trị bệnh sởi theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Nếu bệnh chuyển biến nặng quá mới nên chuyển lên tuyến trên…

Từ con số biết nói “85% số trẻ mắc sởi là chưa được tiêm phòng” đã khiến người dân hiểu, nhận thức đúng về lợi ích của tiêm chủng và chỉ có thể phòng sởi bằng việc tiêm vắc-xin sởi. Song con số này cũng gây ra tâm lý “Dân hoang mang nên tự giác đi tiêm” – Ông Nguyễn Thành Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn cho hay. Theo ông Lân: Tâm lý này có mặt tích cực là chỉ trong vòng 6 ngày (từ 15/4 đến 21/4), đã có 82,6% số trẻ cần tiêm chủng và tiêm vét được tiêm vắc xin sởi. Mặt tiêu cực là nhiều phụ huynh đưa con xuống thẳng phòng tiêm chủng Safpo ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm, khi con sốt chưa rõ nguyên nhân thì đã đưa con xuống Bệnh viện Sản - Nhi để khám bất chấp nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện nay, Trung tâm đang tích cực chỉ đạo các xã, trạm y tế thực hiện tuyên truyền cho người dân đến điểm tiêm chủng để được tiêm, được tư vấn. Nói rõ cho mọi người dân hiểu: Vắc xin đã được chuẩn bị đầy đủ cho các cháu, bệnh viện huyện và trạm y tế đủ khả năng để chữa trị ban đầu.

Tại Thành phố Vinh, để tạo điều kiện cho người dân đưa trẻ đi tiêm phòng cũng như có những hành động đúng để phòng chống sởi, nhiều trạm y tế đã có cách làm hay. Ở xã Hưng Đông – nơi có nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm phòng, trạm y tế xã đã linh hoạt tổ chức lịch tiêm theo từng xóm. Riêng với con em công nhân, trước đây ở mũi 5 trong 1 thường phải đăng ký trước mới có thuốc nhưng đợt này bất cứ trường hợp nào đến tiêm cũng được tạo điều kiện. Tại phường Hà Huy Tập, hệ thống loa phát thanh của phường và các khối luôn phát huy tốt việc thông báo nhắc nhở các phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng vào mỗi buổi sáng, buổi chiều và chập tối…

Những gia đình ở Thành phố Vinh có trẻ mắc sởi nhẹ hoàn toàn có thể cho con cháu mình điều trị cách ly tại nhà theo đúng chỉ dẫn của các y, bác sỹ. Nếu có biến chuyển nặng hơn thì có thể đưa cháu đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh khẳng định: Khoa Lây của bệnh viện có đầy đủ trang, thiết bị máy móc cũng như các loại thuốc để điều trị, ở khoa Hồi sức cấp cứu đã có 4 máy thở. Về nhân lực, Khoa Lây có 1 bác sỹ chuyên khoa 2 và 4 bác sỹ gây mê hồi sức cấp cứu. Hoàn toàn đủ khả năng điều trị cho bệnh nhân mắc sởi… Những ngày qua bệnh viện điều trị cho 3 cháu mắc sởi, hiện bệnh tình đã chuyển biến tốt, chuẩn bị xuất viện. Đến chiều 23/4, có thêm 2 bệnh nhân mới chuyển vào.

Khám sàng lọc trước tiêm phòng cho trẻ tại Trạm y tế xã Cẩm Sơn (Anh Sơn).
Khám sàng lọc trước tiêm phòng cho trẻ tại Trạm y tế xã Cẩm Sơn (Anh Sơn).

Cần chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của các cơ quan y tế. Tuyệt đối tuân thủ các chỉ dẫn điều trị của bác sỹ, không nên vội vàng đưa bệnh nhân lên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên để tránh lây nhiễm chéo và nhiễm trùng cơ hội.

Tính đến hôm nay, toàn tỉnh có 5 huyện triển khai xong việc tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi. Riêng huyện Quỳnh Lưu, việc tiêm phòng dịch sởi bắt đầu từ ngày 25/4 đến hết ngày 26/4. Bác sỹ Lê Đình Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Đến thời điểm này công tác chuẩn bị tiêm phòng đã hoàn thành. Từ việc lập danh sách trẻ cần tiêm, đến việc các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo tiêm chủng an toàn như chuẩn bị hộp thuốc, phác đồ chống sốc với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa huyện. Bệnh viện cũng đã thành lập 2 đội cấp cứu lưu động đề phòng các trường hợp xấu xảy ra. Từ mấy ngày nay, huyện đã yêu cầu các xã, trạm y tế liên tục phát các bài tuyên truyền nhận biết bệnh sởi, yêu cầu các gia đình đưa con em đi tiêm phòng sởi đặc biệt các đối tượng cần tiêm vét.

Tăng cường công tác truyền thông để cộng đồng nhận thức được các biện pháp phòng, chống bệnh sởi cho trẻ, mấy ngày nay Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh liên tục tổ chức sản xuất các chương trình đăng tải trên Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Nghệ An cùng các phương tiện thông tin khác. Trung tâm đã làm các tờ rơi, thông điệp gửi về các huyện thành thị để phát, đọc cho người dân. Ngoài ra trung tâm còn tổ chức xe truyền thông lưu động bằng loa phát thanh ở Thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc.

Các đơn vị cơ sở y tế ở huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sởi để người dân ý thức rõ và đưa trẻ đi tiêm; Người dân không nên hoang mang và yên tâm điều trị tại trạm y tế, bệnh viện tuyến dưới tránh tình trạng bệnh nhân vượt tuyến tập trung về Bệnh viện Sản - Nhi, rất dễ bị lây nhiễm chéo và nhiễm trùng cơ hội…

Thành Chung