Thiếu sân chơi cho trẻ em miền núi

03/06/2014 18:25

(Baonghean) - Trong những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng tại các địa phương miền núi, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức xã hội cũng đã vào cuộc, góp phần đem lại sự đổi thay cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cho trẻ em. Tuy nhiên, so với trẻ em ở các đô thị và vùng đồng bằng thì trẻ em miền núi vẫn còn nhiều thiệt thòi...

(Baonghean) - Trong những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng tại các địa phương miền núi, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức xã hội cũng đã vào cuộc, góp phần đem lại sự đổi thay cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cho trẻ em. Tuy nhiên, so với trẻ em ở các đô thị và vùng đồng bằng thì trẻ em miền núi vẫn còn nhiều thiệt thòi...

Trong một lần lên công tác tại huyện miền núi Kỳ Sơn, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng khá độc đáo: nhiều nhóm các em nhỏ đang di chuyển trên Quốc lộ 7 bằng những chiếc xe lăn tự chế. Đó là một tấm gỗ dài, vừa đủ 1-2 người ngồi, gắn ngang phía dưới 3 thanh gỗ tròn; 2 thanh đầu và cuối được lắp 4 bánh xe, thanh giữa có tác dụng như cái “vô lăng” điều khiển hướng đi của xe. Nhìn các em chia thành các tốp 3-4 xe đua nhau lao vun vút xuống dốc, chúng tôi không khỏi giật mình, lo các em va phải vách ta luy đá hay lao vào vào những chiếc xe ô tô, xe máy ngược chiều từ phía dưới đi lên. Em Và Bá Chà - người dân tộc Mông ở bản Cù, xã Chiêu Lưu cho biết: “Chúng em thường dùng xe lăn để men theo Quốc lộ 7 đến trường cho nhanh và cũng thường dùng xe để đua với nhau trên những con dốc. Đây là trò chơi mà chúng em rất thích”. Khi được hỏi sao không chơi những trò an toàn hơn, Chà cho biết: “Ngoài tắm sông, tắm suối và chơi xe trượt, chúng em không còn trò nào khác!”.

Được biết, toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 28.500 trẻ em (chiếm 34% dân số), trong đó có hơn 15.200 em là con em các gia đình nghèo. Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, các em thiếu nhi ở huyện địa đầu miền Tây này đã được tham gia vào các hoạt động vui chơi sôi nổi, nhiều ý nghĩa vào các ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5)… Chị Xã Thị Xí - Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn cho biết: “Vào dịp hè, chúng tôi thường phối hợp với sinh viên tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em ở các bản. Nhìn những khuôn mặt háo hức, rạng rỡ của các em, chúng tôi cảm nhận được rằng đối với trẻ em nơi đây, một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi là cả mơ ước, khát khao. Là cán bộ Đoàn, chúng tôi rất trăn trở về điều này nhưng vì lực lượng cán bộ Đoàn, Đội “mỏng”, cộng với những khó khăn về địa bàn, kinh phí nên chỉ có thể tổ chức được một số hoạt động vui chơi cho các em vào dịp lễ mà thôi”.

Trò chơi xe lăn của trẻ em Kỳ Sơn.
Trò chơi xe lăn của trẻ em Kỳ Sơn.

Điểm sáng duy nhất về sân chơi dành cho trẻ dịp hè là huyện Quỳ Hợp, bởi nằm trong kế hoạch xây dựng huyện điểm về văn hóa, nơi đây đã được đầu tư xây dựng một Nhà thiếu nhi nhằm tạo điều kiện cho trẻ em địa phương được tham gia các hoạt động vui chơi. Ông Nguyễn Tĩnh Phú – Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi Quỳ Hợp cho biết, bình quân một năm Nhà thiếu nhi huyện thu hút hơn 500 em tham gia học tập. Hè năm nay, Nhà thiếu nhi mở các lớp năng khiếu như: Nghi thức Đội, múa, hội họa, đàn, võ thuật, ngoại ngữ... đáp ứng cho khoảng trên 300 thiếu nhi trong toàn huyện tham gia. Tuy nhiên, số trẻ em đến tham gia các hoạt động do Nhà thiếu nhi huyện tổ chức chủ yếu sống ở khu vực thị trấn và vùng lân cận, còn hàng chục nghìn em khác, dù mong muốn cũng không thể tham gia. Nguyên nhân do những hạn chế về khả năng kinh tế, điều kiện đi lại, nhận thức của các bậc phụ huynh, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực của Nhà thiếu nhi.

Ở nhiều huyện khác, do thiếu sự quan tâm của cấp ủy chính quyền, hoặc do năng lực tổ chức, điều hành hạn chế, dẫn đến chưa có công trình sinh hoạt tập thể nào cho các em, hoặc đã xây dựng rồi nhưng lại không thể đi vào hoạt động. Điển hình là huyện Anh Sơn. Dù được đánh giá là một huyện miền núi làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, với các chỉ số đã đạt được như: 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học đạt 99,7%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 99,5%, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,75%...

Tuy nhiên, sân chơi cho trẻ em ở đây đang là vấn đề trăn trở. Cách đây chừng 20 năm, một số lãnh đạo huyện tâm huyết với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có ý tưởng xây dựng Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu nhi huyện Anh Sơn. Năm 1997, công trình này được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, công trình gồm 22 hạng mục lớn nhỏ như: hội trường nhà văn hóa, phòng dạy võ, khu nấu ăn tập thể, phòng học văn hóa, khu vui chơi thiếu nhi, bờ bao quanh, sân bóng đá… Đến năm 2007, công trình cơ bản được xây dựng xong. Từ đó, trung tâm được lần lượt bàn giao cho cho Ban dân số, Gia đình & Trẻ em, rồi Phòng Giáo dục và Đào tạo và nay là Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện quản lý nhưng do những khó khăn về kinh phí cũng như những bất cập về cơ chế, trung tâm quanh năm đóng cửa, nhà cửa xuống cấp, các dụng cụ vui chơi như đu quay, xe lửa điện… hư hỏng dần và đến nay không còn giá trị sử dụng.

Sân chơi phù hợp với lứa tuổi chính là nơi các em thiếu nhi được giao lưu, được thể hiện mình, từ đó nâng cao thể chất, trí tuệ, tình cảm và khả năng thẩm mỹ. Vì vậy, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi là điều các ngành chức năng phải vào cuộc. Trong các công văn chỉ đạo Tháng hành động Vì trẻ em hàng năm của tỉnh đều yêu cầu “các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã bố trí kinh phí và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em, đặc biệt là các công trình trường, lớp học, nhà ở bán trú, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng, trường học”. Vì vậy, về lâu dài Nhà nước cần đề ra những chính sách cụ thể, quan tâm trực tiếp đến đời sống tinh thần, sinh hoạt vui chơi hàng ngày của trẻ vùng cao. Các địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực, dành một khoản kinh phí đầu tư cho các sân chơi vừa và nhỏ, chỉ đạo các cơ sở Đoàn - Đội tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thu hút con em địa phương tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền để các gia đình, các bậc cha mẹ tạo điều kiện cho con vui chơi, không bắt buộc con phải tham gia các công việc nặng nhọc của người lớn.

Minh Quân