Nỗi niềm trí thức trẻ
(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu hút trí thức trẻ về tham gia tổ công tác theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đã ký hợp đồng lao động với 173 trí thức trẻ. Hiện, thời gian hợp đồng đã đến ngày kết thúc, nhiều trí thức trẻ rơi vào cảnh bơ vơ...
(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu hút trí thức trẻ về tham gia tổ công tác theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đã ký hợp đồng lao động với 173 trí thức trẻ. Hiện, thời gian hợp đồng đã đến ngày kết thúc, nhiều trí thức trẻ rơi vào cảnh bơ vơ...
Ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, trí thức trẻ Bùi Thị Thùy Dung, cử nhân giáo dục chính trị được đánh giá cao trong các hoạt động của tổ công tác 30a. Theo ông Lương Văn Phan - Chủ tịch UBND xã, dù ban đầu không có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhưng trong quá trình công tác, chị Dung nhiệt tình, chịu khó học hỏi nên nắm bắt công việc nhanh. Từ đó, tham mưu có hiệu quả cho xã trong thực hiện chương trình, dự án, xây dựng nông thôn mới. Xã Xá Lượng đã có những mô hình thực sự có hiệu quả như mô hình nuôi lợn đen ở bản Cổ, nuôi lợn Móng Cái ở bản Xinh Hương... Ông Phan nói: "Xá Lượng có 4 trí thức trẻ tham gia tổ công tác 30a. Sau gần 4 năm, đã có 3 trí thức trẻ được tuyển dụng vào công chức cấp xã, riêng chị Bùi Thị Thùy Dung do ngành học không phù hợp nên chưa được xét. Hiện nay, thời hạn hợp đồng đã hết, xã đang đề nghị huyện gia hạn hợp đồng vì thực tế, Xá Lượng rất cần những cán bộ trẻ như chị Dung. Nếu chị Dung không được tuyển dụng, không được gia hạn hợp đồng thì thiệt thòi cho chị Dung, cho xã...".
Trí thức trẻ Bùi Thị Thùy Dung tại gia đình anh Phạm Văn Thân (xã Xá Lượng - Tương Dương). |
Dẫn chúng tôi thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt do xã hỗ trợ, anh Phạm Văn Thân (bản Cửa Rào 1) cho biết: "Các cán bộ 30a trẻ rất nhiệt tình, thường xuyên bám sát thăm hỏi gia đình để kiểm tra, hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng bệnh cho đúng kỹ thuật. Hiện nay, cô Dung đang tư vấn cho gia đình về cách lắp đặt hệ thống hầm biogas...". Trao đổi với chúng tôi, Dung tâm sự rằng dù không được làm những công việc đúng với ngành học nhưng qua thời gian, em thực sự gắn bó với công việc, với cán bộ, nhân dân địa phương. "Dù chưa biết rồi đây sẽ ra sao nhưng em dự định sẽ quyết tâm dành thời gian theo học một ngành nghề phù hợp để nếu được gia hạn thì sẽ cống hiến nhiều hơn nữa...".
Ở xã vùng sâu Xiêng My, tri thức trẻ Nguyễn Thị Hương, dù tốt nghiệp trung cấp hành chính văn thư nhưng với những đóng góp cho tổ công tác 30a và các hoạt động của xã, 4 năm công tác cô đều được ghi nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do hợp đồng kết thúc vào tháng 4/2014, Hương chỉ làm việc hết tháng 5 thì tạm nghỉ chờ UBND huyện xin ý kiến cấp thẩm quyền cho phép gia hạn hợp đồng. Hương tâm sự: "Dù ngành học ban đầu không thực sự phù hợp, vậy nhưng chúng em đều nhập cuộc tốt nên đến nay việc gì của xã cũng có thể làm được trọn vẹn. Ở Xiêng My có 2 trí thức trẻ là em và Lô Văn Chới. Khi hợp đồng kết thúc, trên chưa hồi âm trở lại, nên đành tạm nghỉ. Bọn em rất mong được tiếp tục làm việc, em đang theo học Đại học Luật với hy vọng rồi đây sẽ được tiếp tục gia hạn hợp đồng và được tuyển dụng vào công chức...".
Theo tìm hiểu, chính quyền 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đều đánh giá rất cao việc triển khai Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận những đóng góp của các trí thức trẻ. Ở Tương Dương, có tất cả 51 trí thức trẻ được UBND huyện ký hợp đồng từ ngày 1/4/2010. Tại Báo cáo số 49/BC-UBND ngày 31/3/2014, ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện đã gọi việc thu hút các trí thức trẻ về giúp xã nghèo là "Một bước đột phá về công tác chỉ đạo, điều hành và áp dụng kiến thức khoa học vào việc xây dựng đẩy mạnh phát triển KT-XH tại địa phương".
Cũng tại Báo cáo số 49 nêu: Các trí thức trẻ ở huyện Tương Dương đều là những người có kiến thức, có sức khỏe, nhiệt tình, năng nổ trong công việc, nhờ đó đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức trong việc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn các xã nghèo và cho người dân. Ở lĩnh vực kinh tế, các trí thức trẻ đã chủ động phối hợp cán bộ, công chức xã xây dựng kế hoạch thực hiện phát triển KT-XH trên địa bàn mình phụ trách. Tích cực tham gia công tác tập huấn, điều tra về nông nghiệp để xây dựng đề án xây dựng và phát triển nông thôn mới. Trên lĩnh vực VH-XH, xóa đói, giảm nghèo, các trí thức trẻ đã tích cực cùng các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa phương thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa. Tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, công tác DS - KHHGĐ, chăm sóc SKSS... Nhờ đó, số hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm, nếu năm 2011 có 11.412 hộ nghèo thì đến năm 2013 giảm xuống còn 9.561 hộ nghèo.
Do thực hiện triển khai Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ trước các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn nên thời hạn hợp đồng của các trí thức 30a ở Tương Dương đã kết thúc vào ngày 30/4/2014. Trước thời điểm này, huyện đã làm các tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Nội vụ, trong đó báo cáo đầy đủ những kết quả các trí thức trẻ thực hiện trong 4 năm và đề nghị cho tiếp tục gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại UBND tỉnh và Sở Nội vụ chưa có ý kiến về vấn đề này. "Trong 51 trí thức trẻ tham gia tổ công tác 30a, Tương Dương đã tuyển dụng 23 người vào công chức, 1 người xin chuyển công tác, đến nay còn 27 người. Với quá trình 4 năm công tác, huyện đã đánh giá được khả năng thực hiện nhiệm vụ của từng em. Qua đó, đề nghị tỉnh cho phép gia hạn hợp đồng với cả 27 em. Do chưa có ý kiến của tỉnh, thời gian qua, huyện tạm trích ngân sách để chi trả trong thời hạn ngắn để các em tiếp tục được làm việc. Tuy nhiên, không thể kéo dài hơn được nữa vì không đủ thẩm quyền. Chúng tôi rất mong cấp trên nghiên cứu, xem xét việc gia hạn hợp đồng với các trí thức trẻ tổ công tác 30a...", lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết.
Ở Quế Phong, cuối năm 2010 đã thu hút được 59 trí thức trẻ tham gia các tổ công tác 30a, qua 3 năm công tác, đến nay tổng số còn 48 người. Tại Báo cáo số 83/BC-UBND ngày 19/5/2014 gửi Sở Nội vụ, huyện Quế Phong đánh giá: "Sau hơn 3 năm thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ về tham gia tổ công tác tại các xã nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, diện mạo huyện Quế Phong đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững... Đội ngũ trí thức trẻ có nhiệt huyết, trình độ, chuyên môn hiểu biết về khoa học kỹ thuật và công nghệ đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, qua thực tiễn đã phát huy vai trò của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giúp dân xóa đói, giảm nghèo". Đồng thời, đề xuất: Trong 6 tháng đầu năm 2014 tạo điều kiện để huyện tiếp tục hợp đồng số trí thức trẻ hiện có. Huyện sẽ rà soát lại chất lượng hoạt động và nhu cầu hợp đồng của đội ngũ trí thức trẻ ở các địa phương trong giai đoạn tiếp theo; Có định hướng giải quyết sắp xếp, bố trí công việc cho những trí thức trẻ có kết quả hoạt động xuất sắc sau khi kết thúc dự án để họ có hướng phấn đấu và an tâm công tác...
Tại huyện Kỳ Sơn, UBND huyện cũng đánh giá rất cao những kết quả đạt được của đội ngũ trí thức trẻ, xem việc thực hiện Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp hỗ trợ, đã tháo gỡ được khó khăn, giải quyết được vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ ở cơ sở. Số trí thức trẻ huyện Kỳ Sơn thu hút trong hai năm 2010, 2011 là 60 người. Qua quá trình công tác đa số tri thức trẻ thể hiện tốt năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao và được UBND huyện đề nghị Sở Nội vụ thẩm định tuyển dụng vào làm công chức xã là 29 người, số còn lại là 31 người.
Theo ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn: Hiện nay đã có Nghị định 92/2009/NĐ-CP cho phép các xã được bố trí tăng thêm công chức tùy theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, do địa bàn Kỳ Sơn rộng, nhiều thôn bản nằm rải rác, việc triển khai các chính sách đến tận thôn bản vẫn gặp nhiều khó khăn, công tác điều tra, thống kê, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất cho nhân dân… cũng mất nhiều thời gian và công sức làm phân tán lực lượng cán bộ. Vì vậy, rất cần tiếp tục thu hút tri thức trẻ vào làm việc ở các xã để bổ sung vào tổ giúp việc, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 3 người đủ để thành lập một tổ giúp việc theo Quyết định 70/QĐ-CP. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư trang, thiết bị làm việc để cho số đội viên tình nguyện có phương tiện làm việc, phát huy hết khả năng của mình; có kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng kiến thức đội viên tình nguyện, đặc biệt là các lĩnh vực mà các đội viên phụ trách. Tiếp tục gia hạn cho số tri thức trẻ sắp hết hạn tăng cường mà hiện nay UBND huyện Kỳ Sơn chưa có chỉ tiêu tuyển dụng hay bố trí công việc khác...
Có thể khẳng định rằng, qua thời gian, phần lớn các trí thức trẻ đã chứng minh được khả năng của mình, và họ đang là lực lượng cán bộ có chất lượng, một bộ phận khó thể thiếu ở những vùng khó khăn, gian khổ. Với những gì họ đã làm, và với nhu cầu bức thiết của địa phương cơ sở, việc thẩm định để tiếp tục gia hạn hợp đồng là rất cần được cấp thẩm quyền xem xét kịp thời. Như lời ông Lô Xuân Tình - Chủ tịch UBND xã Xiêng My: "Với đóng góp của các trí thức trẻ 30a, bộ mặt kinh tế xã hội của Xiêng My và nhận thức mọi mặt của người dân đã có những thay đổi thực sự. Xiêng My rất cần những cán bộ như thế...".
Bài, ảnh: Nhật Lân